Phân loại và điều trị viêm xoang

Hiện nay, bệnh viêm xoang ngày càng gia tăng nhanh chóng theo nhịp độ đô thị hóa và ô nhiễm môi trường. Viêm xoang nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ tái phát hoặc trở thành mạn tính. Các triệu chứng và biến chứng của viêm xoang làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày của người mắc. Điều trị viêm xoang như thế nào sẽ được giải đáp trong bài viết về cách chữa viêm xoang dưới đây.

Phân loại bệnh viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc lót ở trong xoang, gây tắc các lỗ thông xoang, nhất là những xoang nhỏ như xoang sàng.

Viêm xoang được chia thành 2 loại dưới đây:

  • Viêm xoang cấp tính: Là tình trạng viêm xoang trong một thời gian ngắn dưới 4 tuần. Viêm xoang cấp tính có đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh và chống viêm. Nếu điều trị sớm đúng phác đồ bệnh có tỷ lệ khỏi cao.
  • Viêm xoang mạn tính là viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng như đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho… Tình trạng này diễn ra trên 12 tuần. Quá trình điều trị viêm xoang mạn tính kéo dài và khó khăn hơn. Nhiều khi cần phải kết hợp phẫu thuật để điều trị.
Viêm xoang gây khó chịu cho người mắc
Viêm xoang gây khó chịu cho người mắc bệnh

Điều trị viêm xoang như thế nào?

Nguyên tắc chữa viêm xoang

  • Nghỉ ngơi hợp lý.
  • Phòng tránh các tác nhân, nguyên nhân gây viêm mũi xoang.Đảm bảo dẫn lưu tốt mũi xoang, chống phù nề niêm mạc.
  • Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân, nội khoa với ngoại khoa nếu cần.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa chỉ định trong hầu hết các trường hợp viêm mũi xoang. Có thể điều trị nội khoa đơn độc trong viêm xoang cấp tính hoặc kết hợp với ngoại khoa.

Các biện pháp điều trị nội khoa bao gồm:

Thuốc điều trị toàn thân

Kháng sinh

Kháng sinh được chỉ định trong trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn. Kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị viêm xoang do virus hoặc các nguyên nhân khác như dị ứng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi đang rất phổ biến có thể dẫn tới hậu quả đề kháng kháng sinh.

Ưu tiên lựa chọn kháng sinh đường uống nhóm beta lactam hoặc quilonone đường hô hấp. Các kháng sinh như amoxicilin, ceftriaxone, clarithromycin, erythromycin… Đối với viêm xoang cấp tính kháng sinh thường được chỉ định trong 10-14 ngày. Đối với viêm xoang mạn tính có thể điều trị lâu hơn từ 2-3 tuần.

Kháng sinh còn được dùng trong việc điều trị các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phế quản, viêm phổi, … Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc.

Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm, gỉảm đau, hạ sốt dùng đường uống như paracetamol, ibuprofen, aspirin,…. Giúp giảm các triệu chứng đau nhức và giảm tình trạng viêm xoang. Tuy nhiên các thuốc này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm loét dạ dày. Vì vậy tránh lạm dụng, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

Corticosteroid đường uống

Chỉ định để giảm viêm do viêm xoang nặng mạn tình. Corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khi dùng lâu dài nên chỉ được dùng để điều trị các triệu chứng nghiêm trọng trong thời gian ngắn.

Corticoid đường uống được sử dụng trong viêm xoang nặng mạn tính

Corticoid đường uống được sử dụng trong viêm xoang nặng mạn tính

Các thuốc kháng histamin

Các thuốc như chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadine… Đối với bệnh nhân dễ bị dị ứng, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng có thể khởi phát triệu chứng viêm mũi. Từ đó ngăn chặn quá trình phát triển thành viêm xoang. Trường hợp viêm xoang dị ứng, một số biện pháp giải mẫn cảm đặc hiệu cũng có tác dụng nhất định. Ví dụ sử dụng giải mẫn cảm aspirin để điều trị dị ứng với aspirin gây viêm xoang.

Một số thuốc trị viêm xoang khác
  • Các thuốc làm thông mũi và tan nhầy theo đường toàn thân như là guaifenesin.
  • Thuốc loãng đờm
  • Thuốc chống trào ngược dạ dày

 Điều trị tại chỗ

Hút rửa mũi xoang

Mục đích làm cho hốc mũi sạch và thông thoáng.

Đơn giản như người bệnh có thể xì mũi nếu dịch mũi chảy ra phía trước. Hoặc rửa mũi bằng nước muối sinh lý natri clorid 0,9% thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất. Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp giữ ẩm và làm sạch dịch trong hốc mũi.

Có thể sử dụng các dụng cụ hút rửa mũi tại nhà để hút các dịch mủ nhầy ra. Song trong trường hợp có nhiều mủ hoặc mủ đặc ở sâu cần được sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng.

Các thuốc điều trị tại chỗ
  • Xịt trực tiếp corticoid vào mũi mục đích làm giảm tiết dịch mà ít gây ảnh hưởng xấu đến toàn thân. Ví dụ các thuốc xịt chứa fluticasone, budesonide, beclomethasone… Hoặc rửa mũi bằng dung dịch nước muối trộn với corticoid như budesonide. Hoặc khí dung dạng sương mù để có tác dụng hơn.
  • Xịt oxymetazoline hydrochloride thời gian ngắn (ví dụ 3 ngày) để giảm các triệu chứng của viêm mũi xoang cấp hoặc tránh viêm mũi xoang cấp chuyển thành mạn tính. Ngược lại nếu xịt kéo dài có thể làm bệnh nặng hơn.
  • Thuốc co mạch

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định

  • Viêm mũi xoang cấp tính có bất thường giải phẫu cấu trúc. Hoặc trường hợp niêm mạc mũi xoang bị tổn thương khó hồi phục và làm mất chức năng hệ thống lông chuyển ảnh hưởng đến sự dẫn lưu dịch.
  • Viêm mũi xoang mạn tính điều trị nội khoa tối đa mà không có kết quả. Hoặc các trường hợp viêm xoang do polyp, nấm, chấn thương, có bất thường vách ngăn khe giữa của mũi…

Các phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật trị viêm xoang
Phẫu thuật trị viêm xoang 
Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang

Phẫu thuật nội soi là thủ thuật ít xâm lấn chảy máu, được ưu tiên sử dụng trong đa số trường hợp cần điều trị ngoại khoa mũi xoang. Các phẫu thuật nội soi mũi xoang gồm:

  • Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang tối thiểu.
  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm.
  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm – trán – bướm.
Phẫu thuật xoang mở

Mặc dù phương pháp nội soi chức năng mũi xoang có nhiều ưu điểm. Đôi khi vẫn cần dùng tới phương pháp phẫu thuật xoang mở như phẫu thuật Caldwel-Luc. Phẫu thuật này mở vào xoang, cho phép sinh thiết xoang và mở lỗ dẫn lưu vào hốc mũi.

Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật

Người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường ít nhất 4 giờ. Ăn các đề ăn nhẹ như sữa, súp, cháo dinh dưỡng….Ngày thứ hai sau phẫu thuật có thể ăn cơm bình thường .

Biện pháp điều trị hỗ trợ khác

Xông mũi trị viêm xoang
Xông mũi trị viêm xoang 
Một số biện pháp giúp hỗ trợ khắc phục những triệu chứng khó chịu của viêm xoang có thể áp dụng tại nhà. Bao gồm:

  • Xông mũi bằng hơi nước ấm: Do hơi nước ấm làm giảm tắc nghẽn và sưng viêm mũi xoang. Có thể kết hợp xông cùng thảo dược tinh dầu dễ kiếm như: bạc hà, vỏ cam, chanh, bưởi…  Ngoài ra đắp một chiếc khăn ấm ướt lên mặt có thể làm giảm triệu chứng đau nhức xoang.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để cải thiện tình trạng không khí khô có thể kích ứng mũi xoang. Chú ý vệ sinh phòng ở và máy làm ẩm thường xuyên để tránh ẩm mốc sinh sôi gây bệnh.
  • Uống nhiều nước giúp làm loãng dịch nhầy giảm tắc nghẽn trong xoang. Tránh đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu. Vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sưng viêm niêm mạc của xoang.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, đi ngủ đầy đủ và đúng giờ. Khi nằm ngủ nên gối đầu cao lên sẽ giúp cho dịch xoang thoát ra ngoài, giảm tắc nghẽn.
  • Dinh dưỡng đầy đủ nhằm nâng cao thể trạng. 

Bệnh viêm xoang là một bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Quá trình điều trị viêm xoang có thể tốn nhiều thời gian, nhất là đối với viêm xoang mạn tính hoặc có biến chứng. Do vậy để đạt hiệu quả cao cũng như tránh tái phát đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ.

BS Huyền Hương

Theo Hội Nội khoa Việt Nam

Xem thêm: Mối quan hệ giữa viêm xoang và viêm họng mạn tính

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận