Phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và bùng phát thành dịch. Theo chu kỳ hàng năm cứ 3-5 năm sẽ có một đợt sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Để tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thì cách tốt nhất là chủ động phòng tránh để bản thân và người thân không bị mắc bệnh. Dưới đây là những cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả.

Vắc xin sốt xuất huyết Dengue là gì?

Là bệnh do virus gây ra bởi thế phương pháp phòng tránh bệnh tốt nhất là sử dụng vắc xin sốt xuất huyết. Vậy trên thế giới đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết hay chưa? Có vắc xin phòng sốt xuất huyết tại Việt Nam chưa?

Vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới.

Sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra. Miễn dịch trong bệnh sốt xuất huyết đối với từng typ là miễn dịch cả đời. Virus Dengue có 4 typ khác nhau. Một vắc xin được cho là an toàn, tiết kiệm và hiệu quả phải chống lại cả 4 chủng virus.

Vắc xin dự phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue đầu tiên trên thế giới 

Vắc xin Dengvaxia do Sanofi Pasteur sản xuất trở thành vắc xin đầu tiên trên thế giới chống lại virus Dengue. Loại vắc xin này được tiêm 3 mũi cách nhau 6 tháng. Được khuyến cáo dùng cho người từ 9 – 45 tuổi đang sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết Dengue lưu hành.

Kết luận của các chuyên gia và Tổ chức y tế thế giới WHO

Vắc xin Dengvaxia được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 10 nước trên thế giới. Trải qua 25 nghiên cứu lâm sàng ở 15 quốc gia có dịch và không có dịch sốt xuất huyết. Các nhà cố vấn SAGE của WHO đưa ra khuyến cáo:

“Các nước cân nhắc đưa vắc xin Dengvaxia vào chương trình tiêm chủng ở những khu vực có dịch lưu hành cao.”

  Một trẻ Philipin tiêm vắc xin Dengvaxia (Ảnh internet)

WHO hiện chưa chứng nhận bởi đang chờ nhà sản xuất nộp hồ sơ xét duyệt tiêu chuẩn của EMA – Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu.

Vắc xin Dengvaxia không được khuyến cáo ở những nơi có tỷ lệ hiện nhiễm trong huyết thanh thấp hơn 50% và đối tượng trẻ từ 2 – 5 tuổi.

Tiêm vắc xin sốt xuất huyết nên là 1 phần trong chiến lược phòng bệnh bên cạnh truyền thông, kiểm soát vecto gây bệnh.

Việc có lựa chọn vắc xin sốt xuất huyết hay không phụ thuộc vào tình hình bệnh dịch và chi phí ở mỗi khu vực, do Bộ y tế của từng quốc gia quyết định.

Vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam

Hiện tại Bộ y tế vẫn chưa có thông báo nào về việc đưa vắc xin Dengvaxia vào chiến lược phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam. Chính vì vậy việc kiểm soát vecto truyền bệnh – muỗi và phương pháp phòng bệnh truyền thống vẫn là biện pháp quan trong và hiệu quả cho mùa dịch 2018.

Các cách phòng bệnh sốt xuất huyết dengue

Hiện tại chưa có vắc xin sốt xuất huyết nào được lưu hành sử dụng tại Việt Nam. Vì vậy các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết chủ yếu là diệt vật chủ trung gian truyền bệnh – muỗi aedes aegypti.

1.Loại bỏ hoàn toàn nơi sinh sản của muỗi, đồng thời tiêu diệt lăng quăng và bọ gậy

  • Đậy kín tất cả những dụng cụ chứa nước đang sử dụng để muỗi không thể vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ hoặc bể chứa nước lớn để diệt lăng quăng và bọ gậy.
  • Thường xuyên rửa sạch các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh khu vực nhà ở hàng tuần.
  • Thu dọn và tiêu hủy những vật dụng không còn sử dụng trong nhà và khu vực lân cận. Tất cả nhưng thứ có thể trở thành nơi trú ẩn và đẻ trứng của muỗi đều phải tiêu hủy. Bao gồm chai, lọ, mảnh vỡ, lốp xe, bẹ lá (các cây như chuối, cau… ).
  • Quét dọn vệ sinh sạch sẽ môi trường sinh sống. Đặt úp tất cả các dụng cụ chứa nước chưa dùng đến.
  • Bỏ dầu hỏa hoặc muối vào bát nước đang dùng để kê chân của chạn hay tủ đựng bát đũa.
  • Thay nước cho lọ hoa hàng ngày.

 

Sốt xuất huyết
                Phòng tránh sốt xuất huyết (Ảnh internet)

2.Phòng chống để không bị muỗi đốt

  • Nên mặc quần áo dài tay nhất là lúc sáng sớm và chiều tối bởi đây là thời gian hoạt động tích cực của muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết.
  • Tốt nhất nên nằm màn cả ban ngyà và ban đêm khi đi ngủ.
  • Sử dụng bình xịt muỗi, các loại hương muỗi, kem bôi da xua muỗi hoặc vợt diệt muỗi…
  • Nên tẩm hóa chất diệt muỗi vào rèm che hoặc màn.

3.Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

4. Theo dõi và điều trị sốt xuất huyết tốt cho người thân tại nhà.

5.Nên cách ly người bệnh, để người bệnh nằm màn cả ngày để tránh lây lan bệnh do muỗi đốt. Đặc biệt lưu ý không cho những đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường… di chuyển đến xung quanh khu vực người bệnh sinh hoạt hoặc vùng có dịch phát triển mạnh.

Trên đây là các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết đang được áp dụng hiện nay tại Việt Nam. Tất cả mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng.

BS Uông Mai

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận