Phù do suy tim: Biết sớm cách giảm không đáng lo

Phù do suy tim là tình trạng dịch cơ thể (nước, protein) bị tích tụ lại bên trong các mô khiến chúng sưng lên. Triệu chứng này gây ra rất nhiều phiền toái cho sức khỏe người bệnh. Vậy cơ chế và cách khắc phục phù nề ở bệnh nhân suy tim thế nào? Đón đọc bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.

1. Suy tim gây phù – Nguyên nhân do đâu?

Khi bị suy tim, khả năng bơm máu của một hoặc hai ngăn dưới của tim (tâm thất trái và tâm thất phải) yếu đi. Đồng thời, khả năng thu hồi máu từ các cơ quan trở về tim qua tĩnh mạch cũng giảm thiểu. Điều này sẽ khiến chất lỏng bị tích tụ tại các vùng thấp của cơ thể ví dụ như ở cẳng chân, bàn chân, bụng… Nếu sự tích tụ chất lỏng diễn ra nhanh chóng, người bệnh có thể bị phù phổi cấp rất nguy hiểm. Riêng ở suy tim phải có thể dẫn đến cổ trướng do kết hợp với xơ gan.

Bên cạnh đó, suy tim còn làm cho lượng máu giàu oxy đến thận bị hạn chế. Theo thời gian, các tế bào thận sẽ chết đi làm giảm khả năng đào thải. Thận cũng sản xuất ra các hormon gây giữ muối và nước. Đây cũng là cơ chế phù trong suy tim.

Hình ảnh bàn chân bị phù do suy tim
Hình ảnh bàn chân bị phù do suy tim

2. Phân biệt phù do suy tim và các bệnh khác

Phù do suy tim là phù mềm, ấn lõm. Ở những người bệnh suy tim còn đi lại được, phù thường xuất hiện ở cẳng chân và bàn chân. Nhưng với người bệnh nằm nhiều, phù hay khu trú ở mông, bộ phận sinh dục và mặt sau đùi. Riêng bệnh nhân suy tim nữ hay nằm nghiêng có thể chỉ bị phù ở một bên ngực.

Triệu chứng phù ở người bệnh suy tim thường biểu hiện rõ rệt hơn vào cuối ngày, sau khi dùng hoặc ngồi liên tục kéo dài. Phù sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi. Ngoài phù, người bệnh suy tim còn hay gặp các triệu chứng khác như khó thở, ho khan, mệt mỏi và tăng cân bất thường.

Phù do suy tim có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác về gan thận, dị ứng, suy giáp. Thông thường, phù do dị ứng và suy giáp sẽ là phù cứng, ấn không lõm nên dễ phân biệt với phù do suy tim. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có vấn đề về gan thận, bác sĩ sẽ cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn mới loại trừ được nguyên nhân phù do xơ gan, bệnh thận.

3. Phù do suy tim có nguy hiểm không?

Phù do suy tim là triệu chứng nguy hiểm, báo hiệu bệnh đang có xu hướng tiến triển nặng. Bên cạnh đó khi phù, thể tích tuần hoàn tăng làm huyết áp cũng tăng theo. Lúc này, tim phải hoạt động nhiều hơn bình thường để thắng lại sức cản trong lòng mạch máu. Kết quả là mức độ suy tim càng trầm trọng hơn.

Khi phát hiện triệu chứng phù, người bệnh suy tim cần báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện thăm khám sớm.

4. Cần phải làm gì khi bị phù do suy tim?

Tình trạng phù nề ở người bệnh suy tim có thể được giảm thiểu bằng nhiều cách dùng thuốc lợi tiểu, ăn nhạt, tập luyện và dùng sản phẩm thảo dược hỗ trợ. Mỗi cách đều có ưu nhược điểm riêng. Để đạt được hiệu quả tốt nhất mà không gặp thêm rủi ro về sức khỏe, bạn nên áp dụng đồng thời các giải pháp này.

Kết hợp thuốc cùng các giải pháp từ thiên nhiên là chìa khóa để giảm phù do suy tim
Kết hợp thuốc cùng các giải pháp từ thiên nhiên là chìa khóa để giảm phù do suy tim

4.1. Sử dụng thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu là một phương pháp điều trị phù nề hiệu quả vì giúp cơ thể loại bỏ chất lỏng dư thừa. Tuy nhiên cũng giống như các thuốc Tây khác, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp 1 số tác dụng phụ không mong muốn khi dùng. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn cần lưu ý:

  • Hạn chế dùng thuốc vào buổi tối vì thuốc có thể gây tiểu nhiều làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm.
  • Với thuốc lợi tiểu quai (furosemide, torsemide, bumetanide…), lợi tiểu thiazid (hydrochlorothiazide, chlorothiazide, metolazone, indapamide…), cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu kali như rau họ cải, chuối cam để phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc là hạ kali máu.
  • Với thuốc lợi tiểu giữ kali (Amiloride, Spironolactone, Triamterene…), tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu kali và tăng lượng thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, sữa tách béo trong chế độ ăn để không bị thiếu canxi.

Ngoài ra, các thuốc lợi tiểu có thể gây rối loạn nhịp tim, đau đầu, chóng mặt, chuột rút, tiêu chảy, tăng đường huyết… Nếu gặp các dấu hiệu nghi ngờ tác dụng phụ của thuốc, bạn nên báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí.

4.2. Ăn nhạt, hạn chế muối tối đa

Muối là thủ phạm gây phù lớn nhất xuất phát từ chế độ ăn uống. Vì vậy nếu bị phù do suy tim, bạn cần ăn nhạt hết sức có thể.

Theo khuyến cáo của các Hiệp hội Tim mạch thì người suy tim nên ăn dưới 2g muối mỗi ngày. Tuy nhiên rất khó để đo đếm chính xác lượng muối này. Đơn giản hơn, bạn có thể áp dụng chế độ ăn giảm muối cho bệnh nhân suy tim bằng cách:

  • Cho không quá 1/5 thìa cà phê muối trong 1 bữa ăn.
  • Hạn chế cho các gia vị chứa natri khác như nước mắm, nước tương, muối, xì dầu, mì chính… khi chế biến món ăn.
  • Tránh ăn các thực phẩm nhiều muối như đồ đóng hộp, chế biến sẵn (thịt hộp, cá hộp, pizza, xúc xích, lạp xưởng, giò chả, phô mai…), đồ muối chua (dưa muối, cà muối), đồ khô (cá tôm khô, mực khô…), các loại mắm (mắm tép, mắm cá, mắm cua…).
  • Hạn chế hoặc bỏ thói quen chấm nước mắm, nước tương, muối, bột canh trong bữa ăn. Khi chấm, nên pha loãng nước chấm và không chấm ngập thức ăn.
  • Tự nấu ăn tại nhà để kiểm soát được lượng muối thay vì đi ăn ngoài hàng hoặc mua đồ nấu ướp sẵn.
  • Chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
  • Ưu tiên luộc hấp thay vì kho rim xào nướng
  • Đọc kỹ thành phần của thực phẩm trước khi mua, chỉ chọn những loại thực phẩm có lượng muối natri ít.
Người bị phù do suy tim hãy cho bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ mặn
Người bị phù do suy tim hãy cho bớt muối – chấm nhẹ tay – giảm ngay đồ mặn

Xem thêm

Chủ quan với suy tim phải – hậu quả khó lường

4.3. Tăng cường tập luyện thể dục

Tập luyện thể dục luôn là giải pháp tốt cho người bệnh suy tim gặp phải triệu chứng phù nề. Tuy nhiên, người bệnh cần biết cách tập luyện để tránh bị quá sức hoặc khó thở, mệt mỏi hơn khi tập.

Đầu tiên, bạn lựa chọn bài tập nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Nếu có thể đi lại vận động bình thường, bạn có thể chọn đi bộ, đạp xe, thiền, dưỡng sinh hoặc tập các động tác căng giãn cơ thể tại chỗ. Trường hợp phải nằm tại giường, bạn nên nhờ người thân xoa bóp chân tay để máu lưu thông tốt hơn.

Trước khi tập hãy khởi động kỹ, uống nước để tránh mất nước. Trong quá trình tập nếu, cảm thấy khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, nhịp tim tăng lên đến 120–150 nhịp/phút thì bạn cần dừng lại nghỉ ngơi. Đặc biệt nếu kèm theo tức ngực, đau cánh tay, cổ, hàm hay vai, bạn hãy liên lạc ngay với bác sĩ. Bởi đây là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim.

Thời gian tập và tần suất tập cũng cần phù hợp với khả năng gắng sức của bạn. Khi mới bắt đầu tập, bạn nên bắt đầu với cường độ nhẹ sau đó tăng dần. Nếu không thể tập liên tục 15 – 20 phút liền, bạn có thể chia nhỏ thời gian tập 5 – 10 phút/lần và nhiều lần trong ngày.

Lưu ý, đừng tập luyện nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh.

4.4. Dùng sản phẩm thảo dược

Tăng cường lưu thông máu là chìa khóa để giảm phù do suy tim hiệu quả. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, nhiều người bệnh đã lựa chọn các sản phẩm thảo dược hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, tăng cường chức năng tim để giảm nhẹ triệu chứng của suy tim, trong đó có phù và ngăn bệnh nặng lên.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng Trị liệu của Canada vào tháng 10 năm 2014 cho thấy: Kết hợp thuốc điều trị cùng thảo dược hỗ trợ sẽ giúp bệnh nhân suy tim giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, ho, phù do suy tim rõ rệt. Các chỉ số huyết áp, mỡ máu, phân suất tống máu EF về giới hạn cho phép, giảm tần suất nhập viện vì suy tim tiến triển cũng cải thiện tốt hơn.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn và hiệu quả đạt được như mong muốn, người bệnh nên chọn các sản phẩm thảo dược đã có kiểm chứng lâm sàng. Việc sử dụng thảo dược hỗ trợ đi kèm các biện pháp như dùng thuốc tây y hay ăn nhạt, tập luyện thể dục là điều cần thiết để cải thiện tình trạng phù cho người suy tim một cách hiệu quả.

Phù do suy tim nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị. Đừng quá lo lắng khi gặp triệu chứng này, hãy bình tĩnh báo cho bác sĩ và áp dụng các lời khuyên kể trên. Tin chắc rằng bạn sẽ sớm giảm nhẹ được tình trạng phù nề và chung sống hòa bình hơn với căn bệnh suy tim.

BS. Nguyễn Thị Nga

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận