Phương pháp tránh sẹo sau điều trị mụn nhọt, áp xe
Mụn nhọt là một vết sưng đầy mủ trên da do nhiễm vi khuẩn. Áp-xe có thể phát triển từ mụn nhọt, nhưng cũng có thể do những nguyên nhân khác như vết côn trùng bị nhiễm trùng cắn hoặc tiêm bằng kim bẩn. Đa phần chúng có kích thước lớn, ăn sâu vào da và gây đau đớn cho người bệnh. Vậy điều trị mụn nhọt, áp xe như thế nào mới tránh bị biến chứng, tránh sẹo xấu?
Nội dung bài viêt
1. Hậu quả của vết nhọt, mụn, áp xe khi không điều trị kịp thời
Đối với các trường hợp mụn, nhọt dù to hay nhỏ thường ít gây ra các biến chứng. Biến chứng phổ biến nhất là sẹo sau nhọt. Tuy nhiên vẫn có không ít các trường hợp mụn nhọt không được điều trị đúng và kịp thời có thể tiến triển dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
- Mụn, nhọt tái phát hoặc tiến triển mạn tính. Tình trạng này hay gặp ở mụn trứng cá, mụn do virus, mụn sinh dục…
- Mụn, nhọt bị nhiễm khuẩn nặng hình thành ổ áp xe lớn.
- Mặc dù không phổ biến nhưng nhiễm trùng huyết có thể là một biến chứng nguy hiểm khi điều trị không kịp thời các ổ mụn, nhọt áp xe lớn.
- Viêm nội tâm mạc
- Viêm tủy xương
- Hoại thư
- Mụn nhọt sưng to, nếu không xử lí hoặc xử lí sai cách dễ gây tổn thương nặng
2. Cách xử lý mụn, nhọt, áp xe
Thông thường các mụn nhọt kích thước nhỏ, mức độ viêm nhẹ, người bệnh thường lựa chọn điều trị tại nhà.
- Không nặn, chích hoặc cố tình làm vỡ mụn, nhọt.
- Trước khi chạm tay vào mụn, nhọt cần vệ sinh sạch sẽ và sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.
- Có thể băng nhẹ vết mụn, nhọt để tránh va chạm, hoặc vỡ khi mụn, nhọt chưa đến độ “chín”. Để đẩy nhanh tốc độ “chín” của mụn nhọt, người bệnh có thể đắp gạc ẩm và ấm hoặc bôi loại thuốc có tác dụng “hút” nhân/mủ lên vết mụn nhọt.
- Khi mụn, nhọt bị vỡ cần xử lý vết mụn nhọt như quy trình xử lý vết thương hở.
- Các dụng cụ thay băng, vệ sinh vết mụn nhọt cần đảm bảo vô khuẩn.
- Có thể bôi thuốc dạng kem kháng sinh tại chỗ hoặc các loại kem bôi chống nhiễm khuẩn
Đối với mụn nhọt kích thước lớn, mức độ viêm nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng và an toàn. Người bệnh có thể cần chích rạch, nặn mủ hoặc dẫn lưu mủ kèm theo vệ sinh vết thương. Người bệnh cũng có thể sẽ phải bôi kháng sinh tại chỗ hoặc dùng kháng sinh đường toàn thân (uống/tiêm). Nếu có điều kiện sẽ cấy mủ làm kháng sinh đồ trước khi lựa chọn loại kháng sinh để điều trị.
- Áp xe để lâu ngày khiến da tổn thương
Đối với mụn, nhọt tái phát cần điều trị một cách triệt để.
Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xử lý mụn, nhọt, áp xe là
- Làm thoát dịch mủ ra ngoài
- Đảm bảo vết mụn, nhọt, áp xe không bị nhiễm khuẩn thêm (nhất là từ tay và dụng cụ/vật tư y tế không đảm bảo vô khuẩn)
3. Chăm sóc mụn, nhọt, áp xe tại nhà
Như đã chia sẻ ở trên, đối với các mụn, nhọt kích thước lớn, ăn sâu vào da, cơ hoặc các ổ áp xe lớn người bệnh cần điều trị tại cơ sở y tế.
Trong một số trường hợp mụn, nhọt nhỏ, mức độ viêm không nặng có thể lựa chọn một số biện pháp xử lý.
3.1. Chườm nóng
Nhiệt độ cao giúp tăng lưu thông máu và dịch tại chỗ. Điều này thúc đẩy cũng như thu hút nhiều bạch cầu nhất là bạch cầu đa nhân trung tính, kháng thể và các yếu tố chống viêm khác. Đây là một giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình “chín” của mụn nhọt.
Người bệnh sát khuẩn vết mụn nhọt, đặt miếng gạc đã được làm ấm, ẩm lên khu vực mụn nhọt. Làm ấm, ẩm lại miếng gạc liên tục. Mỗi ngày thực hiện 3-4 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 15-20 phút. Thực hiện đến khi mụn, nhọt biến mất hoặc bị vỡ.
3.2. Sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt, giải độc
Tình trạng mụn nhọt phần lớn là do nhiệt độc gây ra, đông y thường sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt giải độc trừ thấp như bồ công anh, kim ngân hoa, sài đất, tạo giác thích, liên kiều, thổ phục linh… sắc uống.
3.3. Tinh dầu tràm trà
Tràm trà vốn được biết đến với tác dụng kháng khuẩn mạnh. Nó được coi là nguồn kháng sinh tự nhiên an toàn giúp điều trị các loại nhiễm trùng ngoài da gây mụn nhọt.
Để sử dụng tinh dầu tràm trà trong điều trị mụn nhọt nhỏ, người ta thường trộn nó với dầu oliu để tránh bị bỏng rát. Hoặc có thể pha loãng tinh dầu tràm trà rồi tẩm vào bông, gạc đắp hoặc thoa lên bề mặt da nơi có mụn nhọt. Ngày thoa 2-3 lần. Có thể thoa cho đến khi mụn tiêu đi. Tinh dầu tràm trà thường dùng trong điều trị mụn trứng cá.
3.4. Bột nghệ hoặc tinh chất nghệ
Từ ngàn năm nay, nghệ luôn là loại kháng sinh tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất. Nghệ vừa kháng khuẩn, chống viêm lại giúp chống sẹo. Nếu bị mụn nhỏ bạn có thể bôi nghệ tại chỗ. Có người dùng nước nghệ tươi để bôi lên mụn. Người hòa bột nghệ với nước thoa lên mụn. Cũng có người sử dụng các loại kem bôi chứa nghệ hoặc tinh chất nghệ để điều trị mụn
3.5. Thuốc mỡ kháng sinh không kê đơn
Một số loại thuốc mỡ kháng sinh vừa có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm vừa làm giảm đau và dịu da.
Có một số loại thuốc mỡ kháng sinh thường dùng như
- Erythromycin, clindamycin… dùng trong điều trị viêm nang lông hoặc mụn trứng cá…
- Polymyxin, neomycin, bacitracin, tetracyclin… dùng trong một số tổn thương mụn nhọt khác của da.
Đôi khi các biện pháp khắc phục tại nhà sẽ không giải quyết được mụn nhọt cứng đầu bạn nên đến cơ sở y tế:
- Tình trạng viêm, sưng tấy đỏ, đau của mụn nhọt không thuyên giảm hoặc có xu hướng phát triển hơn.
- Kích thước mụn nhọt lớn, quầng sưng tấy diện rộng. Nhìn thấy mưng mủ hoặc ấn vào mụn nhọt thấy lùng bùng như bóng nước.
- Bạn cũng bị tiểu đường .
4. Ăn gì, kiêng gì khi bị nhọt, mụn, áp xe?
Tình trạng mụn nhọt thường liên quan đến “nhiệt” nên những người bị mụn nhọt nên ăn các thực phẩm có tính mát và hạn chế đồ cay nóng.
- Một số loại rau, trái cây tốt cho người bị mụn nhọt như rau má, rau dền, rau ngót, trái cây họ cam quýt, kiwi, dưa hấu…
- Một số loại trà cũng là một giải pháp cho mụn nhọt như trà kim ngân hoa, trà cúc hoa, trà xanh…
- Bổ sung chất đạm để vết mụn nhọt nhanh hồi phục. Nên chọn thịt trắng, cá béo như thịt gia cầm, cá thu, cá hồi, cá trích….
- Hạn chế đồ cay nóng, đồ ngọt, các chất kích thích, thực phẩm chế biến sẵn. Hạn chế đồ ăn chiên, xào, nướng…
- Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và nên tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và tăng sức đề kháng.
Để hạn chế tình trạng sẹo sau mụn, nhọt, áp xe điều quan trọng là phải điều trị kịp thời, tránh nhiễm trùng.
Xem thêm
BS. Uông Mai