Quan niệm của y học cổ truyền về bệnh mất ngủ

Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không quay trở lại được giấc ngủ hoặc ngủ dậy có cảm giác không ngon giấc và mệt mỏi. Cùng tìm hiểu về quan niệm của y học cổ truyền về bệnh mất ngủ và cách chữa mất ngủ theo y học cổ truyền.

1. Quan niệm của y học cổ truyền về mất ngủ

Mất ngủ theo y học cổ truyền thuộc phạm trù chứng “thất miên”, “bất mị”, hay “bất đắc miên”.

Nguyên nhân mất ngủ:

  • Do suy giảm chức năng của ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận)
  • Do tinh huyết không đủ
  • Do tà khí bên ngoài nhiễu động dẫn đến thần không được yên ổn

2. Chữa mất ngủ theo các thể bệnh

Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng, y học cổ truyền phân mất ngủ thành các thể và áp dụng phương pháp chữa mất ngủ bằng thuốc như sau:

2.1. Thể tâm tỳ lưỡng hư

  • Triệu chứng: mất ngủ, ngủ hay mơ nhiều, dễ tỉnh giấc, tâm quý, hay quên, có thể kèm theo hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, chân tay rã rời, ăn uống không ngon miệng hoặc đầy bụng chán ăn; sắc mặt nhợt nhạt; chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng hoặc rêu nhờn dày; mạch tế nhược hoặc nhu hoạt.
Mất ngủ khiến người bệnh mệt mỏi, da tái nhợt, thần sắc kém
Mất ngủ khiến người bệnh mệt mỏi, da tái nhợt, thần sắc kém (Ảnh: Internet)
  • Biện chứng: Tâm tỳ lưỡng hư, dinh huyết bất túc nên không thể nuôi dưỡng tâm thần gây ra các chứng mất ngủ, ngủ hay mơ, hay quên hoặc ngủ dễ bị tỉnh giấc, sau khi tỉnh thì không ngủ lại được. Huyết không nuôi dưỡng được tạng tâm nên tâm quý, đánh trống ngực. Khí huyết hư không lên nuôi não, thanh dương không thăng lên trên nên người hoa mắt chóng mặt. Tâm chủ huyết, vinh nhuận ra mặt, huyết hư nên sắc mặt nhợt nhạt. Tỳ khí hư nên ăn uống không ngon miệng, chán ăn. Khí huyết hư thiếu nên người bệnh thấy mệt mỏi, chân tay rã rời, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch tế nhược. Nếu tỳ hư mất kiện vận, sinh đàm thấp thì bệnh nhân đầy bụng, chán ăn, rêu lưỡi dày nhờn, mạch nhu hoạt.
  • Pháp điều trị: Dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần
  • Phương dược: Quy tỳ thang gia giảm (Bạch truật, Chích thảo, Đảng sâm, Long nhãn nhục, Lục khúc, Phục linh, …)

2.2. Thể âm hư hỏa vượng

  • Triệu chứng: mất ngủ, tâm phiền, chóng mặt ù tai, hay quên, nhức mỏi lưng, con trai bị mộng tinh, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu hoặc không rêu, mạch tế sác.
  • Biện chứng: Thận âm hư, tâm thận bất giao, âm hư sinh nội nhiệt làm nhiễu động thần minh nên tâm phiền, mất ngủ, tâm quý, bồn chồn, đánh trống ngực, hay quên. Thận âm hư không nuôi dưỡng được não tủy nên bệnh nhân thường chóng mặt, ù tai, mộng tinh. Lưng là phủ của thận, thận âm hư nên bệnh nhân thường nhức mỏi lưng. Âm hư hỏa vượng nên có biểu hiện miệng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không rêu, mạch tế sác.
  • Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa, dưỡng tâm an thần
  • Phương dược: Hoàng liên a giao thang gia giảm

2.3. Thể tâm đởm khí hư

  • Triệu chứng: Mất ngủ, khi ngủ dễ tỉnh giấc, hay sợ hãi, dễ bị giật mình, tâm quý, khí đoản, nước tiểu trong dài; hoặc người mệt mỏi nhưng khó ngủ, người gầy, sắc mặt nhợt; hoặc mất ngủ, tâm quý, hoa mắt chóng mặt, miệng và họng khô, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, hoặc chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế hoặc huyền nhược.
  • Biện chứng: Tâm đởm khí hư, đàm trọc nhiễu loạn tâm khiếu khiến bệnh nhân mất ngủ, ngủ hay mơ, dễ bị giật mình kinh sợ, tâm quý. Khí hư nên bệnh nhân khí đoản, người mệt mỏi, nước tiểu trong dài. Chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế là biểu hiện của khí huyết bất túc. Nếu can huyết hư, tâm không được nuôi dưỡng thì người mệt mỏi, khó ngủ, tâm quý không yên, chóng mặt, mạch huyền tế. Khí âm hư sinh nội nhiệt, hư nhiệt phiền nhiễu tâm thần làm ch miệng họng đều khô, chất lưỡi đỏ.
  • Pháp điều trị: Ích khí trấn kinh, an thần định chí
  • Phương dược: An thần định chí hoàn gia giảm

2.4. Thể can uất hóa hỏa

  • Triệu chứng: Mất ngủ, tính tình dễ cáu giận, nếu nặng bệnh nhân cả đêm không ngủ được, tức ngực, đau tức vùng mạng sườn, miệng khát, thích uống nước, chán ăn, miệng khô, đắng miệng, mắt đỏ, ù tai, nước tiểu vàng, hoặc bệnh nhân hoa mắt chóng mặt, đau đầu dữ dội, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc rêu vàng khô, mạch huyền sác hoặc huyền hoạt sác.
  • Biện chứng: Tức giận nhiều làm tổn thương tạng can. Can khí uất kết lâu ngày hóa nhiệt, hóa hỏa làm nhiễu loạn tâm thần gây mất ngủ, dễ cáu giận. Can khí uất kết nên tức ngực, đau vùng mạng sườn. Can khí phạm vị nên bệnh nhân chán ăn, miệng khát thích uống nước. Miệng đắng, mắt đỏ, ù tai, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác là biểu hiện của can hỏa. Nếu can khí uất kết hóa hỏa, can đởm thực nhiệt thì người bệnh chóng mặt, hoa mắt, đau đầu dữ dội. Nhiệt tà làm tổn thương tân dịch nên đại tiện táo, rêu lưỡi vàng khô, mạch huyền hoạt sác.
  • Pháp điều trị: Thanh can tả nhiệt, an thần
  • Phương dược: Long đởm tả can thang gia giảm

2.5. Thể đàm nhiệt nội nhiễu

  • Triệu chứng: Mất ngủ, nặng đầu, tức ngực, tâm phiền, có thể kèm buồn nôn, nôn, ợ hơi, miệng đắng, hoa mắt chóng mặt hoặc đại tiện táo, cả đêm mất ngủ, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhờn, mạch hoạt sác.
  • Biện chứng: Do thực tích ứ trệ hoặc can đởm uất kết, lâu ngày hóa nhiệt sinh đàm; đàm nhiệt nhiễu loạn tâm thần làm bệnh nhân mất ngủ, tâm phiền, miệng đắng, chóng mặt. Đàm nhiệt uất kết làm ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của khí cơ, vị khí không giáng gây tức ngực, chóng mặt, buồn nôn, nôn, ợ hơi. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác là biểu hiện của đàm nhiệt. Nếu đàm nhiệt nặng nhiễu loạn tâm thần còn có thể làm bệnh nhân cả đêm không ngủ được; nhiệt tà làm hao tổn tân dịch gây đại tiện táo.
  • Pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa đàm, hòa trung an thần
  • Phương dược: Ôn đởm thang gia giảm

ThS BS Nguyễn Thị Hương Giang

Theo Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận