Quy trình tiêm vaccine COVID-19

Để chạy đua với tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19, rất nhiều loại vaccine phòng bệnh đã và đang được nghiên cứu, sản xuất. Tại nước ta, các loại vaccine COVID-19 được lựa chọn để tiêm đều đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Vaccine COVID-19 đang được tiến hành tiêm chủng cho 11 đối tượng ưu tiên trên 63 tỉnh thành và tiến tới tiêm chủng trên diện rộng đảm bảo trên 80% người dân được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Các buổi tiêm vaccine COVID-19 có một số điểm khác biệt so với quy trình tiêm chủng thông thường. Hãy cũng tìm hiểu chi tiết quy trình tiêm vaccine COVID-19 trong bài viết dưới đây.

1. Quy trình tiêm vaccine COVID-19

Trước khi tổ chức tiêm chủng, các đơn vị tiêm sẽ cần điều tra và lên danh sách các đối tượng tiêm, chuẩn bị vaccine, vật tư tiêu hao, nhân lực cho buổi tiêm… Địa điểm tiêm là nơi tập trung đông người sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, các điểm tiêm chủng sẽ bố trí theo nguyên tắc một chiều đảm bảo quy định phòng chống dịch. Trong buổi tiêm, quy trình tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện theo các bước sau:

Quy trình tiêm chủng
Quy trình tiêm chủng

 Bước 1: Khai báo y tế, đo thân nhiệt

– Nhân viên y tế tiếp nhận và phân loại các đối tượng tại khu vực tiếp đón.

– Người được tiêm và người nhà được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt buổi tiêm. Nếu không mang theo khẩu trang, nhân viên y tế sẽ phát khẩu trang cho cả người được tiêm và người nhà.

– Người đi tiêm và người nhà thực hiện khai báo y tế theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Các thông tin khai báo được nhân viên y tế kiểm tra lại. Nếu người tiêm chưa khai báo đầy đủ sẽ được yêu cầu khai báo bổ sung.

– Đo thân nhiệt người được tiêm và người nhà.

Bước 2: Hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng

Người được tiêm sẽ được cung cấp phiếu đồng ý tiêm phòng vaccine COVID-19 theo mẫu của Bộ Y tế ban hành. Sau khi đã đọc kỹ và hiểu rõ các nội dung trong phiếu, người được tiêm cần điền thông tin và ký xác nhận nếu đồng ý tiêm chủng.

Bước 3: Hoàn thiện sàng lọc trước tiêm chủng và tư vấn trước tiêm chủng

Ở bước này, người được tiêm được khám sàng lọc trước tiêm để đảm bảo đủ điều kiện tiêm và quá trình tiêm diễn ra an toàn. Nhân viên y tế có chuyên môn và được phân khám sàng lọc sẽ thực hiện:

– Hỏi tiền sử bệnh người được tiêm

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại.
  • Tiền sử tiêm phòng vacxin COVID-19
  • Tiền sử dị ứng của cá nhân, gia đình. Tiền sử dị ứng với các dị nguyên, sốc phản vệ, dị ứng với vaccine hay bất kỳ thành phần nào của vaccine trước đó.
  • Tiền sử tiêm vaccine phòng các loại bệnh khác trong 14 ngày trước thời điểm tiêm.
  • Tiền sử mắc COVID-19.
  • Tiền sử điều trị huyết tương từ người đã điều trị COVID-19 khỏi.
  • Tiền sử suy giảm miễn dịch, bệnh ung thư, sử dụng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.
  • Tiền sử các bệnh nền.
  • Tiền sử rối loạn đông máu hoặc cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
  • Là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ.

– Đánh giá lâm sàng người được tiêm

  • Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch.
  • Đếm nhịp thở hoặc đo SpO2 ở người có bệnh lý nền về hô hấp.
  • Quan sát toàn trạng.
  • Thăm khám lâm sàng: nghe tim, phổi,…

– Tư vấn trước tiêm cho người được tiêm và người nhà

  • Tư vấn về tác dụng, lợi ích khi tiêm vaccine COVID-19.
  • Giải thích những phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm.
  • Thông báo liều lượng, loại vaccine được sử dụng trong buổi tiêm.
  • Tư vấn theo dõi, chăm sóc sau tiêm chủng.

Bước 4: Tiêm chủng

Nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng đảm bảo an toàn theo đúng chỉ định của bác sĩ, hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine và thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Bước 5: Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng

Người được tiêm được theo dõi sau tiêm tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm. Sau thời gian trên nếu không có các dấu hiệu bất thường, người được tiêm và người nhà được hướng dẫn tự theo dõi tại nhà 24 giờ và 7 ngày sau tiêm.

Xem thêm

Cách thức hoạt động của vacxin covid bảo vệ bạn như thế nào?

2. Các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19

Các phản ứng sau tiêm chủng
Các phản ứng sau tiêm chủng

Cũng như các loại vaccine khác, vaccine COVID-19 có thể gây ra một số phản ứng sau khi tiêm. Tuy nhiên, phần lớn các phản ứng này đều không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người được tiêm. Các phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19 gồm:

– Đau đầu

– Buồn nôn

– Đau cơ

– Đau khớp

– Nhạy cảm đau

– Đau, nóng tại vị trí tiêm

– Ngứa

– Mệt mỏi

– Bồn chồn

– Sốt, ớn lạnh

– Sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn với vaccine. Phản ứng này thường rất hiếm gặp.

Tiêm vaccine COVID-19 là một trong những bước quan trọng để đầy lùi dịch bệnh. Hy vọng thông qua bài viết có thể giúp các bạn hiểu và tuân thủ quy trình tiêm vaccine COVID-19. Trước khi tiêm hãy nhớ theo dõi sức khỏe bản thân và mang theo giấy xác nhận tiêm vaccine lần đầu (nếu có) để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm.

BS. Vũ Thị Anh Đào

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận