Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một bệnh lý phổ biến ở trẻ, xuất hiện từ thời thơ ấu và có khả năng kéo dài tới lúc trưởng thành. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng tới việc học tập cũng như phát triển tâm lý của trẻ nếu không được điều trị sớm. Cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rối loạn tăng động giảm chú ý là gì nhé!
Nội dung bài viêt
1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder – viết tắt ADHD) là một bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh có đặc trưng là sự biểu hiện quá mức tình trạng không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự việc, chủ đề, công việc nào đó; hoặc sự hiếu động và bốc đồng quá mức, không kiểm soát so với độ tuổi của người bệnh. Rối loạn tăng động giảm chú ý thường xảy ra ở trẻ em và có thể xuất hiện ở nhiều hoàn cảnh môi trường khác nhau xung quanh bệnh nhân như trường học, nhà ở, chỗ làm việc,…
Rối loạn tăng động giảm chú ý với biểu hiện quá mức tình trạng không thể duy trì sự tập trung chú ý
Và cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra một nguyên nhân rõ ràng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra yếu tố di truyền có thể liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và phát triển bệnh lý. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, độc tố từ môi trường tích tụ trong thời gian mang thai có khả năng tác động đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi và làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Xem thêm: Suy giảm chú ý là gì? Dấu hiệu, Nguyên nhân và Cách cải thiện
2. Những đối tượng nào dễ bị rối loạn tăng động giảm chú ý?
Rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ em tuổi mẫu giáo và tuổi đi học, gây nhiều ảnh hưởng đến việc học tập phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ. Một số trẻ xuất hiện dấu hiệu từ rất sớm 2-3 tuổi.
Rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ em
Rối loạn tăng động giảm chú ý xuất hiện ở bé trai nhiều hơn bé gái với tỉ lệ 2.5-5.6. Đồng thời, biểu hiện hành vi rối loạn của hai giới cũng rất khác nhau, chẳng hạn các bé trai hiếu động thái quá trong khi các bé gái thường kém chú ý một cách lặng lẽ.
Theo nghiên cứu của Wheeler năm 2010 thì không có sự khác biệt về tỉ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý ở các nước trên thế giới, tỷ lệ chung khoảng 5,2% và tỉ lệ này đang ngày càng tăng. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh năm 2013 đã chỉ ra tỉ lệ trẻ có vấn đề về rối loạn chú ý ở Việt Nam khoảng 4% trên 1320 trẻ.
3. Biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý như thế nào?
Rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng và không có liên quan đến trí thông minh của trẻ.
Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý tập trung ở ba nhóm triệu chứng chính là: giảm chú ý, tăng vận động và xung động. Một số biểu hiện của bệnh nhân mắc Rối loạn tăng động giảm chú ý bao gồm:
- Giảm chú ý, không tập trung: bệnh nhân thường không thể chú ý tới tiểu tiết, hay mắc lỗi khi làm bài tập hoặc làm việc, lơ đãng với người đang nói chuyện với mình, thường xuyên đánh mất các vật dụng cá nhân như bút, thước, vở,…và dễ dàng bị kích thích bởi các yếu tố xung quanh.
- Tăng động thái quá: luôn nói nhiều, thiếu kiên nhẫn, nhấp nhổm không yên, không thể ngồi yên lặng một chỗ mà luôn đi lại, chạy xung quanh, hoặc can thiệp vào chuyện người khác, ngắt lời người khác…
Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý tập trung ở ba nhóm triệu chứng chính là: giảm chú ý, tăng vận động và xung động
- Bốc đồng: bệnh nhân Rối loạn tăng động giảm chú ý thường khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận ở những nơi không phù hợp và có thể làm những việc nguy hiểm không nghĩ đến hậu quả.
- Ngoài ra, ở những bệnh nhân này thường gặp nhiều khó khăn khi bày tỏ cảm xúc, thiếu tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh…
Nhìn chung, các biểu hiện của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, những triệu chứng này không thể biến mất hoàn toàn và kéo dài tới tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng tới việc học tập, công tác và các mối quan hệ xã hội.
Xem thêm: Tổng quan về chứng rối loạn nhận thức
4. Cách điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý thường tiếp diễn cho tới khi trẻ thành niên và trưởng thành ( 40-70%) nếu không được can thiệp sớm và hiệu quả. Hiện nay, tuy chưa có phương pháp điều trị bệnh lý dứt điểm nhưng ít nhất việc sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý có thể góp phần cải thiện tình hình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc điều trị sớm ở những bệnh nhân này sẽ có tiên lượng tốt hơn.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá, chẩn đoán bệnh và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc được dùng trong điều trị Rối loạn tăng động giảm chú ý bao gồm Nhóm thuốc kích thích tâm thần (Methylphenidate, Atomoxetine,…), nhóm Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin, Clonidine.
Ngoài thuốc, để việc điều trị đạt hiệu quả cho bệnh nhân cần sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và gia đình để hỗ trợ trong quá trình điều trị để trẻ nhanh hồi phục và hòa nhập với xung quanh. Cần giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, nêu những hành vi tốt được mong đợi ở trẻ, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt. Hơn nữa, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để quan tâm và nhắc nhở trẻ, dạy trẻ tạo nếp sống và các kĩ năng xã hội, tạo cho trẻ môi trường giải trí phù hợp tránh các trò chơi kích thích ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Một số hoạt động được khuyến khích bao gồm Yoga, thiền, tập thể dục,… đều có có tác động tích cực đến hành vi của trẻ với bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý.
Điều trị Rối loạn tăng động giảm chú ý cần sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và gia đình
Điều đặc biệt là một số thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, chất kích thích, cay nóng sẽ khiến trẻ trở nên dư thừa năng lượng và dễ căng thẳng, nên cần loại bỏ khỏi chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Thay vào đó bố mẹ có thể sử dụng các nguyên liệu là các nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất khoáng như rau củ, trái cây để bổ sung vào bữa ăn.
Ngoại trừ các bệnh nhân mắc bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý do nguyên nhân di truyền thì có thể phòng bệnh bằng một số phương pháp như chăm sóc và bảo vệ tốt cho mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở, không hút thuốc, uống rượu khi mang thai, phòng chống các bệnh gây tổn thương não bộ,…
BS Hà Thị Linh
Xem thêm các thông tin khác trên trang Thaythuocvietnam.vn