Sống chung với đái tháo đường trong thời chuyển mùa

Mùa đông là không phải là mùa lý tưởng với người bệnh đái tháo đường. Thời tiết lạnh, chuyển mùa dễ khiến bệnh nhân bị stress, dễ bị giảm đường và có khuynh hướng đông vón dẫn tới đột quỵ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Trời lạnh dễ làm tăng đường máu

Khi thời tiết lạnh, chuyển mùa bệnh nhân dễ bị rơi vào trạng thái stress, và phản ứng của cơ thể đáp ứng lại stress làm tăng đường máu. Bạn cũng cần nhớ rằng không nên ở bên ngoài trời lạnh quá lâu, nhất là khi bạn mắc bệnh tim mạch hoặc thần kinh để tránh tự làm tổn thương thêm.

Thời tiết lạnh giá làm cho máu cô đặc thêm và có khuynh hướng đông vón. Điều đó giải thích tại sao có nhiều bị đột quỵ trong thời gian thời tiết lạnh giá. Vì vậy, đối với những bệnh nhân mắc căn bệnh đái tháo đường cần tuyệt đối phải giữ đủ ấm vì nếu nhiệt độ thấp cũng làm cho tưới máu xuống chân giảm, thêm nữa sự tê cóng làm mất cảm giác. Cả 2 yếu tố này làm cho bàn chân bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị tổn thương dẫn đến vết loét nhiễm khuẩn khó khỏi và trong một số trường hợp phải cắt cụt bàn chân. Do vậy có thể ngừng tập thể dục ngoài trời trong những ngày quá lạnh.

Người bệnh đái tháo đường trong mùa lạnh dễ rơi vào trạng thái stress
Người bệnh đái tháo đường trong mùa lạnh dễ rơi vào trạng thái stress 

Ngoài ra, khi đo đường máu trong những ngày lạnh giá cũng cần một số lưu ý. Đa số máy đo đường máu hoạt động không tốt khi nhiệt độ quá thấp. Trước khi đo hãy làm ấm máy đo bằng chính nhiệt độ của cơ thể (ủ trong lòng bàn tay). Bàn tay cũng cần được làm ấm và tăng tưới máu bằng cách vận động bàn tay và quay cánh tay rộng nhất có thể nhiều lần.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường thời kỳ chuyển mùa

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

Người mắc tiểu đường không phải ăn chế độ ăn ‘kiêng’ khắt khe như đã từng được khuyến cáo. Thay vào đó là chế độ ăn theo hướng dẫn cho bất kỳ người khỏe mạnh bình thường nào khác. Đó là chế độ ăn giảm (không phải là tuyệt đối không ăn) chất béo động vật bão hòa (mỡ động vật, đặc biệt là mỡ trong phủ tạng); hãy ăn thực phẩm đa dạng về nguồn gốc; khối lượng ăn tùy theo thể trạng (nếu đang thừa cân: giảm lượng ăn; nhưng nếu đang thiếu cân: phải ăn nhiều hơn). Nếu như trước khi được chẩn đoán bệnh, bạn chưa ăn uống khoa học thì nay là thời điểm tốt để thay đổi.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn gì và không nên ăn gì?

Bao giờ cũng có nhiều biến động lớn, các bữa ăn có quá nhiều thịt, nhiều chất béo. Lưu ý: bánh chưng và xôi thuộc về đồ nếp khi tiêu hóa xong làm tăng đường máu khá nhiều. Giờ giấc ăn uống cũng cần lưu ý, nhiều khi làm cơm cúng gia tiên nên ăn muộn, dẫn đến hạ đường huyết (phòng tránh bằng cách đến giờ ăn thường khi nên dùng tạm thứ gì đó như bánh quy, quả chín chẳng hạn).

Trong dịp tết, hoặc những khi có tiệc tùng, liên hoan người bệnh  cần cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt hướng dương, hạt bí đỏ rang nếu ăn nhiều làm tăng tổng số calo hấp thụ khá nhiều (1 lạng hạt trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể).

Nếu đi ăn cỗ nên báo trước với người cùng ăn là mình bị tiểu đường sẽ tránh bị ép ăn uống quá độ. Trường hợp đã lỡ ăn nhiều có thể tiêm thêm insulin nhanh 2-6 đơn vị loại insulin nhanh; nếu không dùng thuốc tiêm thì nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số calo thừa đưa vào, không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sỹ vì các loại thuốc uống hạ đường huyết khó lường trước khả năng làm giảm đường máu trong khoảng thời gian ngắn.

Chế độ vận động cho người bệnh đái tháo đường

Để tránh thái cực thứ nhất (ít vận động do không thể đi thể dục như mọi ngày): nên duy trì những hoạt động thường quy tối đa như lên thang gác, lau dọn nhà cửa, tưới cây, đi bộ khi đi thăm họ hàng ở những khoảng cách gần, tập với máy tập trong nhà….

Để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết do vận động nhiều bất thường: ăn 15-30gr chất bột đường sau mỗi 30 phút leo núi (ví dụ 1-2 quả quýt, uống một cốc nước ngọt, ăn một nắm xôi..). Với người đang tiêm insulin: giảm 1/2 liều thường quy, thử máu sau mỗi 60 phút leo núi để biết nên ăn thêm hay không?

Nếu đi chơi xa luôn nhớ mang theo thuốc dùng hàng ngày, mang nhiều hơn số lượng dự kiến vì có thể kéo dài ngày lưu trú bên ngoài hơn dự định vì họ hàng nứu kéo, vì nhỡ tàu xe…Đem theo đơn thuốc của bác sỹ trong ví, đề phòng trường hợp khẩn cấp bị hôn mê hoặc hết thuốc chữa trị.

Tập thể dục nếu không được thực hiện đúng cách, đúng thời gian có thể dẫn đến tác động xấu cho sức khỏe vì vậy bác sỹ và bệnh nhân cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lên kế hoạch tập.

Một số lưu ý người bệnh đái tháo đường cần nhớ

  • Người bệnh đái tháo đường nên dùng rượu, bia với số lượng ít có thể được chấp nhận: ví dụ 1/2 lít bia, 1-2 ly rượu vang, rượu mạnh chỉ nên uống ít <50 ml/một bữa ăn. Chỉ nên uống sau khi đã ăn được 1 lúc. Nếu uống rượu say có nguy cơ bị hạ đường huyết.
  • Đồ uống như trà và cà phê có thể phải tiếp khách nhiều lần trong ngày, nên pha loãng thêm bằng nước lọc.
  • Những người cao tuổi, có bệnh nặng (suy tim, suy thận, suy hô hấp…), không có kiến thức điều chỉnh đường máu, ăn uống theo sự thay đổi của vận động thể lực không nên tập thể dục. Tuy nhiên những người này không nên để nằm lâu, mỗi khi có điều kiện nên để ở tư thế ngồi.

Ths.BS Nguyễn Huy Cường

Nguyên phó khoa ĐTĐ, BV Nội Tiết TW

Bài đăng trên Tri thức & Sức khỏe số 2

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận