Sử dụng thuốc chữa bệnh gout hiệu quả

Bệnh gout nếu không được điều trị, có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho khớp. Hiện nay, việc điều trị bệnh chủ yếu vẫn là dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý. Vậy có những loại thuốc chữa bệnh gout nào và cách sử dụng ra sao?

1. Các nhóm thuốc điều trị gout

Thuốc chữa bệnh gout chủ yếu chứa các hoạt chất có tác dụng:

  •         Làm giảm nồng độ acid uric trong máu
  •         Tăng khả năng thải trừ acid uric của thận
  •         Giảm các triệu chứng đau, viêm khớp
  •         Dự phòng và điều trị gout cấp tính hoặc mãn tính

Tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn mà bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc điều trị phù hợp cho người bệnh. Một số loại thuốc chữa bệnh gout được sử dụng phổ biến hiện nay gồm:

Sử dụng thuốc điều trị gout như thế nào cho hiệu quả?
Sử dụng thuốc điều trị gout như thế nào cho hiệu quả?

1.1 Thuốc điều trị triệu chứng

Thuốc chống viêm giảm đau Colchicin

Colchicin được dùng để phòng và điều trị các đợt gout cấp từ lâu nhờ vào đặc tính kháng viêm tương đối đặc hiệu của nó. Cơ chế hoạt động của colchicine là ức chế hoạt động tạo thành acid lactic, giúp cân bằng nồng độ pH trong cơ thể, ngăn lắng đọng tinh thể urat vào các mô khớp. Colchicin làm giảm phản ứng viêm với tinh thể urat nhưng không làm tăng đào thải acid uric khỏi cơ thể.

Chỉ định dùng thuốc Colchicin

  •         Chống viêm, giảm đau trong cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn tính
  •         Dự phòng tái phát gout cấp
  •         Dự phòng viêm khớp gout cấp ngắn ngày trong liệu pháp điều trị giảm acid uric máu

Chống chỉ định

Colchicin không dùng trong các trường hợp sau:

  • Phụ nữ có thai
  • Người suy thận, suy gan nặng
  • Người bí tiểu
  • Glaucom góc hẹp hoặc có nguy cơ
  • Người bị dị ứng với thành phần của thuốc

Cách dùng

Dùng chống viêm, giảm đau trong cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn.

Dùng dự phòng cơn gout cấp do dùng thuốc giảm acid uric.

Dùng trong điều trị gout mạn tính.

Độc tính của Colchicin

Colchicin có khoảng điều trị hẹp – mức liều điều trị và mức liều gây độc có khoảng cách rất nhỏ, thậm chí trong một số trường hợp có thể đan xen nhau. Với mức liều cấp trên 0,5mg/kg cân nặng thường gây tử vong. Colchicin rất độc với trẻ em, chỉ cần vô tình uống 1-2 viên sẽ gây ngộ độc nghiêm trọng

Thuốc chống viêm giảm đau khác

Ngoài Colchicin, một số thuốc kháng viêm giảm đau khác cũng nằm trong nhóm thuốc chữa bệnh gout như:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid được chỉ định trong điều trị bệnh gout với mục đích giảm đau, chống viêm, hạn chế tình trạng sưng khớp hiệu quả. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này còn có tác dụng chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu và hạ sốt nhưng không đặc hiệu.

Trong trường hợp ít hoặc có triệu chứng nhẹ, người bệnh sẽ được điều trị với một trong các thuốc nhóm NSAID như: Ketoprofen, Ibuprofen, Indomethacin, Diclofenac, Naproxen, Piroxicam.

Và với trường hợp viêm, đau nghiêm trọng, NSAID ức chế chọn lọc Cox-2 sẽ được áp dụng điều trị gồm: Etoricoxib, Celecoxib, Meloxicam,…

Một số đối tượng được chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid gồm: Phụ nữ mang thai và cho con bú, người suy thận, suy gan nặng, người loét dạ dày tiến triển, người mắc bệnh chảy máu không kiểm soát hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Corticoid

Trường hợp chống chỉ định hoặc không đáp ứng với thuốc nhóm NSAID, người bệnh sẽ được thay thế bằng thuốc Corticoid  đường toàn thân. Corticoid là thuốc chữa bệnh gout với tác dụng giảm đau chống viêm mạnh. Để sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ có thể gặp phải.

Corticoid được chỉ định  điều trị các triệu chứng của bệnh gout cấp

Corticoid được chống chỉ định với trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc cho con bú, trẻ em, người lớn tuổi, người bị tiểu đường, người dị ứng với corticoid, người loãng xương, viêm gan A và B.

1.2 Thuốc hạ acid uric

Thuốc giảm tổng hợp acid uric

Allopurinol

Từ năm 1966 tới nay, thuốc Allopurinol được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng điều trị hạ acid uric ở người bệnh gout.

Chỉ định sử dụng Allopurinol gồm:

  • Sỏi thận
  • Viêm khớp gout
  • Tăng acid uric máu trong hội chứng Lesch–Nyhan và bệnh đa u tủy xương

Febuxostat

Febuxostat cũng được FDA chấp thuận trong điều trị tăng acid uric máu cho người bệnh gout vào năm 2009 nhưng không dùng trong trường hợp tăng acid uric máu không triệu chứng.

Liều điều trị được chấp thuận để đạt được nồng độ acid uric máu dưới 6mg/dL Febuxostat được đào thải chủ yếu qua gan, do đó có thể dùng được với bệnh nhân suy giảm chức năng thận

Topiroxostat

Topiroxostat là thuốc chữa bệnh gout được chấp thuận và lưu hành ở Nhật từ năm 2013. Thuốc có 3 hàm lượng là 20,40 và 60mg. Liều điều trị khởi đầu là 20mg. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả trên lâm sàng của thuốc là 120mg/ngày để kiểm soát nồng độ acid uric về dưới 6 mg/dL.

Thuốc tăng đào thải acid uric

Probenecid

Probenecid chưa được dùng nhiều trong điều trị bệnh gout vì nó không có tính chọn lọc và tương tác với nhiều thuốc.

Benzbromarone

Thuốc chữa bệnh gout Benzbromarone là thuốc đầu tiên được sản xuất với mục đích hạ acid uric.

Thuốc cho thấy hiệu quả hạ acid uric máu ở 92% bệnh nhân gout có nồng độ urat 100mg/ngày. Giống như Allopurinol, Benzbromarone phải điều chỉnh liều tăng dần từ 50 đến 200mg/ngày để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Benzbromarone có thể được chỉ định cho bệnh nhân suy thận, tuy nhiên cần thận trọng với bệnh nhân có sỏi thận. Hiện tại Benzbromarone không còn được lưu hành ở nhiều nước bởi có những bằng chứng về độc tính trên gan của nó.

Lesinurad (RDEA 594)

Được đưa ra thị trường sau Benzbromarone, Lesinurad được kết hợp với thuốc giảm tổng hợp acid uric ở liều 200mg trong trường hợp người bệnh không đạt nồng độ acid uric mong muốn sau khi điều trị với thuốc giảm tổng hợp acid uric. Thuốc được chống chỉ định với người suy thận, ghép thận, người lọc máu, có hội chứng ly giải khối u và hội chứng Lesch Nyhan.

Thuốc hủy urat

Trong cơ thể, uricase làm biến đổi acid uric thành allantoin tan trong nước và đào thải qua thận. Do đó, thuốc hủy urat chính là việc dùng 2 enzym uricase tái tổ hợp  gồm pegloticase và rasburicase  làm hạ nhanh, tức thời acid uric máu.

Thuốc hủy urat được chỉ định điều trị gout kháng trị, gout có tophi gây hủy hoại khớp và các biến chứng.

Liều dùng: thuốc được truyền kéo dài trong vòng ít nhất 6 tháng.

Mặc dù làm hạ acid uric nhanh nhưng nó lại làm tái phát cơn gout nhanh và sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc sau vài tháng điều trị. Lưu ý cần thận trọng với bệnh nhân suy tim xung huyết.

Xem thêm

Người bị gout kiêng ăn gì?

2. Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc điều trị gout tại nhà

Trong quá trình sử dụng thuốc chữa bệnh gout tại nhà, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  •  Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám
  • Dùng đúng liều, đúng thời gian theo hướng dẫn
  • Tái khám sau khi dùng hết thuốc hoặc theo lịch tái khám
  • Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh nên dừng tạm thời và đi khám để được bác sĩ tư vấn
  • Sau khi dùng thuốc mà triệu chứng bệnh không còn nhưng thời gian dùng thuốc theo chỉ định vẫn còn thì người bệnh không được tự ý ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ
  • Để thuốc phát huy tốt tác dụng người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.

Tất cả những thông tin về thuốc chữa bệnh gout trên đây người bệnh có thể tham khảo để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.

BS. Nguyễn Thị Nga

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận