Suy dinh dưỡng – hậu quả nặng nề khi bé bị tiêu chảy
Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Để trang bị những kiến thức đầy đủ nhằm có những giải pháp tốt nhất khi bé bị tiêu chảy đặc biệt là tiêu chảy ở trẻ suy dinh dưỡng, cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Nội dung bài viêt
Tiêu chuẩn đánh giá suy dinh dưỡng ở trẻ em
Căn cứ vào biểu đồ tăng trưởng đánh giá cân nặng của trẻ theo độ tuổi. Biểu đồ tăng trưởng được đính kèm trong sổ theo dõi sức khỏe trẻ em, cấp cho mỗi trẻ sau sinh và dùng đến 6 tuổi.
Hàng tháng trẻ sẽ được cân đo tại các cơ sở y tế địa phương, ghi nhận cân nặng vào biểu đồ và vẽ đường phát triển cân nặng theo tuổi. Trẻ được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng, đường phát triển cân nặng theo tuổi đi theo hướng nằm ngang. Trẻ suy dinh dưỡng nếu đường phát triển cân nặng theo tuổi nằm bên dưới đường chuẩn của biểu đồ.
Tuy nhiên để đánh giá dinh dưỡng toàn diện thì cần ít nhất 3 chỉ số : cân nặng theo tuổi,chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao. Các chỉ số này được so sánh với bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng NCHS được Tổ chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo áp dụng ở những nước đang phát triển.
- Chỉ số cân nặng theo tuổi với Z-Score
- Chỉ số chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao với Z-Score
Mối quan hệ giữa suy dinh dưỡng với việc bé bị tiêu chảy
Bé bị tiêu chảy kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng nặng.Khi bị tiêu chảy,màng ruột bị tổn thương do vi khuẩn virus hoặc độc tố của chúng gây thiếu enzym chuyển hóa đường lactose. Lactose không thể chuyển hóa tích lũy trong lòng ruột mà không được dung nạp. Hơn nữa thực tế nhiều phụ huynh thường có quan niệm rằng phải kiêng ăn khi bé bị tiêu chảy làm cho niêm mạc ruột chậm hồi phục chính vì vậy càng góp phần dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng và tiêu chảy là một vòng xoắn bệnh lý. Như chúng ta đã biết tiêu chảy là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em do tiêu chảy gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ tiêu hóa của trẻ khiến trẻ dần dần trở nên biếng ăn, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Nếu tình trạng tiêu chảy diễn ra thường xuyên thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân hàng đầu của suy dinh dưỡng.
- Bé bị tiêu chảy rất dễ dẫn tới suy dinh dưỡng (Ảnh: Internet)
Không chỉ dừng lại ở đó,đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng,hệ miễn dịch thường rất kém nên rất dễ mắc tiêu chảy và các đợt tiêu chảy thường kéo dài hơn,đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng nặng bị tiêu chảy thường có tỷ lệ tử vong rất cao. Chính vì vậy trong điều trị tiêu chảy cần đánh giá được mức độ suy dinh dưỡng để trị nhằm cắt đứt vòng xoắn bệnh lý nói trên.
Làm thế nào để cắt đứt vòng xoắn bệnh lý suy dinh dưỡng – tiêu chảy?
Thứ nhất, khi điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em ngoài việc cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để dự phòng mất nước,uống bổ sung kẽm… thì việc chú trọng đến chế độ ăn của trẻ là rất quan trọng nhằm không để trẻ rơi vào vòng xoắn bệnh lý này. Vậy khi bé bị tiêu chảy thì nên ăn như thế nào?
- Bé bị tiêu chảy nên ăn gì?
Cụ thể khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên,chế độ ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tiếp tục tăng trưởng,hồi phục nhanh cân nặng và chức năng đường ruột bao gồm khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Thứ hai, trường hợp các bé bị tiêu chảy kèm theo suy dinh dưỡng thì cần có phác đồ điều trị thích hợp. Ở trẻ suy dinh dưỡng nặng,tiêu chảy thường nặng và gây tử vong.Mặc dù điều trị và phòng mất nước rất quan trọng,vẫn phải tập trung điều trị tình trạng suy dinh dưỡng và các nhiễm trùng kèm theo.
Vậy chăm sóc trẻ vừa suy dinh dưỡng vừa tiêu chảy như thế nào là hợp lý?
Bù nước – điện giải
Cần bù nước bằng đường uống,có thể nhỏ giọt qua ống thông dạ dày khi trẻ uống kém. Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch rất dễ gây thừa nước và suy tim vì vậy chỉ sử dụng khi điều trị sốc. Bù nước bằng đường uống nên thực hiện chậm khoảng 70 – 100ml/kg trong 12h.
Cần chú ý ở trẻ suy dinh dưỡng nặng không nên sử dụng dung dịch Oresol nồng độ chuẩn để bù dịch đường uống vì cung cấp quá nhiều Na+ và quá ít K+ .Do việc bù nước cho trẻ bị suy dinh dưỡng kèm mắc tiêu chảy khá phức tạp nên tốt nhất cần được thực hiện ở bệnh viện.
Dinh dưỡng
Trẻ cần được bú và cho ăn các loại thức ăn khác càng sớm càng tốt,thường trong vòng 2- 3h kể từ khi bắt đầu bù dịch.Nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ mỗi bữa cách nhau 2-3h kể cả ngày và đêm. Nên có những chế độ dinh dưỡng đặc biệt, đảm bảo cung cấp đủ vitamin,khoáng chất. Sử dụng vitamin A theo hướng dẫn và bổ sung sắt ngay sau khi hồi phục cân nặng.
Xem thêm: Bé bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Do tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo nên một vòng xoắn bệnh lý trường diễn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ nên ngoài việc điều trị tích cực nhằm mang lại các kết quả tốt thì việc thực hiện các biện pháp dự phòng cũng rất quan trọng.
Các biện pháp dự phòng tiêu chảy và suy dinh dưỡng
Căn cứ vào nguyên nhân tiêu chảy và suy dinh dưỡng,để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Nuôi con bằng sữa mẹ :
Trong 6 tháng đầu đời,trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn.Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ giúp trẻ ít mắc tiêu chảy và tỷ lệ tử vong giảm đi đáng kể so với trẻ không được bú mẹ hoàn toàn.Nên cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi,cho bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh và không cần cho ăn thêm bất cứ loại thức ăn nào khác.
cải thiện nuôi dưỡng bằng thức ăn bổ sung cho trẻ khi trẻ được 6 tháng tuổi,nếu trẻ phát triển kém có thể cho ăn bổ sung sau 4 tháng tuổi với chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và chế biến hợp vệ sinh.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm
sử dụng nước sạch,thực hành rửa tay thường quy cho tất cả các thành viên trong gia đình sau khi đi ngoài,sau khi vệ sinh cho trẻ đi ngoài,trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
sử dụng thực phẩm an toàn, sử dụng nhà vệ sinh và xử lý phân an toàn.cuối cùng là thực hiện tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh bằng vaccine.
DS Tú Lệ
Theo Nội khoa Việt Nam
Xem thêm: 5 nguyên tắc chăm sóc bé khi bị tiêu chảy cấp tại nhà