Suy giảm trí nhớ sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh
Phụ nữ sau sinh suy giảm trí nhớ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, tình trạng nặng và kéo dài còn gây ra chứng trầm cảm sau sinh. Vậy hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh suy giảm trí nhớ sau sinh
Nội dung bài viêt
1. Nguyên nhân gây giảm trí nhớ sau sinh:
1.1. Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ
Ngay khi mang thai, cơ thể mẹ đã chia sẻ một phần dinh dưỡng nuôi bào thai. Quá trình vượt cạn khiến cho sức khỏe người mẹ suy yếu. Sau sinh, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng đòi hỏi dinh dưỡng đầy đủ và liên tục. Nếu ăn uống không đầy đủ thì các mẹ sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng như: thiếu sắt, thiếu máu, oxy không đủ để bơm lên não, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ của mẹ gây ra chứng hay quên sau sinh.
Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của phụ nữ
1.2. Do mất cân bằng hormone estrogen
Ở 6 tháng đầu thai kỳ, nồng độ estrogen sẽ tăng cao, và sau đó giảm dần trong 3 tháng cuối và tiếp tục giảm trong 3 tháng sau sinh. Do đó, sau khi em bé chào đời sẽ xảy ra sự thiếu hụt estrogen đột ngột.
Estrogen có trách nhiệm trong việc duy trì khả năng ghi nhớ. Một loại hormone khác là oxytocin được sản xuất ở giai đoạn cho con bú, cũng gián tiếp ảnh hưởng làm giảm nồng độ estrogen trong máu.
Sự mất cân bằng lượng tiết tố nữ estrogen trong máu và sự cộng hưởng từ hormone oxytocin là những nguyên nhân chính gây nên giảm trí nhớ sau sinh cho các chị em.
1.3. Trầm cảm:
Dấu hiệu trầm cảm nặng
Tâm lý phụ nữ sau sinh thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: việc chăm sóc con cái, mặc cảm ngoại hình sau sinh, … khiến người phụ nữ phải đứng trước rất nhiều áp lực. Nếu chồng và người thân không san sẻ, động viên, người mẹ không giải tỏa stress mà luôn giữ khư khư tâm sự của mình sẽ rất dễ bị trầm cảm – một trong những nguyên nhân làm chị em khó tập trung và giảm trí nhớ sau sinh.
Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.
1.4. Đảm nhiệm quá nhiều việc cùng một lúc
Ngày nay, phụ nữ vừa phải làm kinh tế, vừa làm việc nhà và chăm sóc dạy dỗ con cái. Việc ôm đồm quá nhiều vai trò cùng lúc khiến phụ nữ kiệt sức và mệt mỏi. Phải phân tán suy nghĩ vào nhiều hoạt động cùng lúc sẽ làm giảm chú ý, dễ bị quên, không thể hoàn thành tốt bất cứ việc nào.
Mọi người cần san sẻ công việc gia đình giảm gánh nặng cho phụ nữ
1.5. Không ngủ đủ giấc
Khi trẻ còn nhỏ, mẹ thường xuyên phải thức khuya để cho con bú, thay tã hoặc tỉnh giấc khi bé quấy khóc, rất hiếm khi các mẹ có được giấc ngủ trọn vẹn. Việc có giấc ngủ ngắn hơn và thời gian tỉnh giấc vào ban đêm cao hơn so với người bình thường khiến tích tụ nhiều protein Amyloid Beta trong não – loại protein này tăng nguy cơ mắc Alzheimer, gây suy giảm trí nhớ.
2. Dấu hiệu của giảm trí nhớ sau sinh:
Giảm trí nhớ sau sinh khiến phụ nữ stress, mệt mỏi, căng thẳng
Suy giảm trí nhớ sau sinh là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Tỷ lệ phụ nữ mắc hội chứng này ngày càng gia tăng. Phụ nữ có các biểu hiện sau, cần nghĩ ngay đến giảm trí nhớ sau sinh:
- Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, làm các phép tính thông thường, mất tập trung, khó đưa ra các quyết định.
- Rơi vào trạng thái mất ngủ, không thể yên tâm ngủ say, hoặc ngủ quá nhiều.
- Cảm thấy stress, mệt mỏi, căng thẳng.
- Hay quên những công việc quen thuộc, không nhớ đường về nhà, thời gian đã trôi qua, hoặc quên mình đã làm gì, nói gì, ở đâu,…
- Thường nhắc đi nhắc lại một vấn đề mà không biết đã nhắc trước đó.
- Tính cách có thể thay đổi thất thường, có lúc vui vẻ, có lúc cáu gắt, thay đổi sở thích.
3. Cách khắc phục tình trạng giảm trí nhớ sau sinh
Suy giảm trí nhớ sau sinh ảnh hưởng trầm trọng tới công việc và cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Để khắc phục tình trạng này, các mẹ nên lưu ý các hoạt động sau:
- Chia sẻ áp lực với người thân và gia đình: khi nhận thấy bản thân gặp phải chứng hay quên sau sinh, người mẹ cần tâm sự với chồng những khó khăn của mình để được thấu hiểu. Người chồng cần quan tâm tới vợ nhiều hơn, tích cực trò chuyện, chia sẽ để cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc, giảm nguy cơ bị trầm cảm và stress.
- Ăn uống hợp lý giúp tăng cường trí nhớ: Uống viên uống sắt để bổ máu. Chọn thực phẩm tốt cho não bộ, giàu B6 và acid folic như ngũ cốc, bột yến mạch, súp lơ xanh, dâu tây, táo, hạnh nhân, trứng cá hồi, uống nhiều chế phẩm từ đậu nành… Chia ra ăn nhiều bữa để hạn chế tăng cân, không bỏ bữa, tránh thức uống gây mất ngủ như cafe, nước có ga…
Uống sắt giúp bổ máu, tăng cường trí nhớ
- Tập cho bé thói quen ngủ sớm, ngủ đúng giờ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: tập thói quen ngủ trưa khoảng 20 – 30 phút và ngủ đủ 8 tiếng một ngày. Nếu trong giai đoạn mang thai, nên chọn tư thế ngủ thoải mái nhất, ngủ nghiêng về bên trái sẽ ngủ ngon và sâu hơn. Cai ti đêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, để bé có giấc ngủ đêm dài và mẹ không phải thức giấc đêm nhiều.
- Điều chỉnh lại đồng hồ sinh học giấc ngủ, cải thiện mất ngủ suy giảm trí nhớ: Hãy tập ngủ và thức ở một thời điểm cố định trong ngày và làm cơ thể quen dần với thời gian thức ngủ này.
- Tích cực cho con bú: Việc cho con bú không chỉ đảm bảo sức khỏe cho thai nhi mà còn giúp não bộ của mẹ hoạt động tốt hơn, khắc phục giảm trí nhớ sau sinh.
- Sắp xếp công việc một cách hợp lý: Sắp xếp lại thời gian dung hòa việc nhà, việc chăm con với việc công ty. Không làm cùng lúc quá nhiều việc để tránh tình trạng quá tải công việc.
- Tập thể dục: Các bài tập thể dục nhẹ nhàng để máu được lưu thông và thư giãn cơ thể.
- Luyện tập để tăng cường trí nhớ: Dán giấy note ở vị trí dễ nhìn thấy, tập trung liên tục và ghi chú những việc cần làm và theo sát thường xuyên để rèn luyện trí nhớ.
Ghi chú những công việc cần làm giúp cải thiện giảm trí nhớ sau sinh
- Bổ sung nội tiết tố estrogen: Bổ sung thực phẩm giàu estrogen hoặc thực phẩm chức năng có chứa estrogen nguồn gốc tự nhiên.
- Liệu trình ánh sáng: Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên đã được chứng minh giúp làm giảm những ảnh hưởng của chứng rối loạn giấc ngủ và cải thiện giấc ngủ. Bạn nên dành thời gian để phơi nắng vào buổi sáng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường trí nhớ.
4. Hạn chế tình trạng giảm trí nhớ sau sinh bằng cách nào?
– Bổ sung sắt, vitamin, khoáng chất: giảm tình trạng thiếu máu khi mang theo và cho con bú.
– Thường xuyên ngâm chân nước nóng hoặc tập các bài thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, ngồi thiền để ngủ ngon hơn và hạn chế giảm trí nhớ sau sinh.
– Trang bị kiến thức làm mẹ cho bản thân ngay từ giai đoạn thai kỳ để không bị bất ngờ và biến động tâm lý sau khi sinh.
– Tạo môi trường ngủ chất lượng, thoáng mát, ít ánh sáng để đặt giường. Một chút tinh dầu sẽ giúp bạn thư thái và dễ chịu hơn khi ngủ. Đồng thời, tranh thủ đi ngủ sớm và nghỉ ngơi khi có thời gian rảnh.
– Hãy lên kế hoạch khoa học để sắp xếp công việc cơ quan và quan tâm đến con cái một cách hợp lý để tránh quên thứ gì đó.
– Ăn uống đúng cách cũng giúp cải thiện trí nhớ: Bông cải xanh, súp lơ trắng, rau bina, các loại ngũ cốc như gạo lứt, bột yến mạch… Cá hồi, khoai lang, trứng đều là những thực phẩm giúp hạn chế hiện tượng suy giảm trí nhớ sau sinh. Một ly sữa ấm vào buổi tối giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế chứng hay quên sau sinh
– Dành thời gian để trò chuyện với chồng, người thân, bạn bè. Điều này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và cảm thấy vui vẻ hơn. Không nên quá lo lắng mà suy nghĩ nhiều, tự tạo áp lực cho bản thân, cần bảo đảm sức khỏe để thể chất và tinh thần luôn trong trạng thái tốt nhất.
Các biện pháp cải thiện được chia sẻ trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Để cải thiện bệnh một cách hiệu quả, người bệnh nên chủ động thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh uy tín khi phát hiện các dấu hiệu suy giảm trí nhớ sau sinh.
DS Lưu Thị Bảo Yến