Hiểu đúng về suy thận mạn
Suy thận mạn là căn bệnh nguy hiểm và khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối thì tỷ lệ tử vong rất cao.Tuy vậy có khá nhiều người còn chủ quan và suy nghĩ sai lầm về căn bệnh này dẫn tới làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Vậy hiểu như thế nào là đúng về suy thận mạn?
Nội dung bài viêt
- Bệnh thận mạn là gì?
- Suy thận mạn là gì?
- Những đối tượng nào có nguy cơ mắc suy thận mạn?
- Cơ chế của suy thận mạn là gì?
- Những nguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn?
- Dấu hiệu nhận biết suy thận mạn là gì?
- Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh?
- Như thế nào thì được coi là suy thận mạn?
- Suy thận mạn có mấy giai đoạn?
- Suy thận mạn nguy hiểm như thế nào?
- Điều trị suy thận mạn như thế nào?
- Phòng bệnh suy thận mạn như thế nào?
Bệnh thận mạn là gì?
Bệnh thận mạn ( Chronoc kidney disease) là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, kéo dài trên 3 tháng và ảnh hưởng lên sức khoẻ của người bệnh.
Bất thường về cấu trúc
- Có albumin nước tiểu: tỷ lệ albumin creatinine nước tiểu > 30mg/g hoặc albumine nước tiểu 24 giờ > 30mg/24 giờ.
- Bất thường nước tiểu
- Bất thường điện giải hoặc bất thường khác do rối loạn chức năng ống thận.
- Bất thường về mô bệnh học thận
- Thận tiết niệu bất thường trên xét nghiêm hình ảnh học
- Ghép thận
Bất thường về chức năng: giảm mức lọc cầu thận < 60ml/ph/1,73 m2
Suy thận mạn là gì?
Hậu quả cuối cùng của các bệnh thận – tiết niệu mạn tính là suy thận mạn. Sự phát triển của bệnh thường diễn ra từ từ, chức năng thận suy giảm dần, tương ứng với lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục.
Nguy cơ mắc bệnh thận mạn dẫn đến suy thận phụ thuộc vào mức độ tổn thương thận. Bệnh có thể tiến triển dần dần và nặng lên theo từng đợt, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, thận mất hoàn toàn chức năng, đòi hỏi phải điều trị thay thế như lọc máu hay ghép thận,…
Nếu suy thận mạn được phát hiện và điều trị kịp thời, triệu chứng có thể được cải thiện và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.
Suy thận mạn – bệnh lý nguy hiểm
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc suy thận mạn?
- Người mắc những bệnh có nguy cơ cao như: tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống, xơ vữa động mạch, đa u tuỷ, hội chứng Alport,…
- Những người mắc bệnh thuộc hệ tiết niệu: nhiễm khuẩn tiết niệu, …
- Mắc bệnh hệ thống có tổn thương thận:bệnh lý cầu thận, sỏi thận, ..
- Người dùng kéo dài một số thuốc: kháng sinh, NSAID, thuốc ức chế bơm proton, thuốc nhuận tràng, thuốc huyết áp,…
Cơ chế của suy thận mạn là gì?
Mức lọc cầu thận giảm
Khi một nephron bị tổn thương ở bất cứ một thành phần nào của nó thì không còn là nephron nguyên vẹn hay nephron này không còn tham gia vào chức năng thận mà đã bị loại khỏi nhóm chức năng. Lúc này các nephron còn lại sẽ gia tăng về cấu trúc và hoạt động chức năng để bù đắp cho sự giảm sút nephron. Khi số lượng nephron giảm đến một mức độ nào đó thì số nephron nguyên vẹn còn lại không đủ đảm bảo chức năng thận sẽ làm giảm mức lọc cầu thận.
Rối loạn tái hấp thu muối nước
Bệnh nhân suy thận mạn sẽ có tăng tái hấp thu muối nước. Do Renin được tăng tiết và tăng hoạt tính nên sẽ làm tăng nồng độ AngiotensinII, Angiotensin II làm tăng bài tiết aldosteron gây tăng tái hấp thu Natri và làm co tiểu động mạch đến, gây ảnh hưởng đến huyết động mao mạch quanh ống thận cũng gây tăng tái hấp thu muối nước. Ngoài ra Angiotensin II trực tiếp làm tăng tái hấp thu Natri ở ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp.
Cường cận giáp trạng thứ phát
Do sự tăng nồng độ phosphor máu, giảm nồng độ calci máu và giảm tổng hợp calcitriol tại thận làm cho tuyến cận giáp tăng sản xuất PTH để đáp ứng với tình trạng mất cân bằng calci- phospho.
Tổn thương xương
Sự giảm nồng độ calci trong máu làm tăng huy động calci từ xương vào máu gây rối loạn chu chuyển xương.
Thiếu máu
- Thiếu Erythropoietin (EPO) dẫn tới không kích thích được tuỷ xương sản xuất đủ lượng hồng cầu.
- Thiếu sắt:
- Tan máu: tế bào hồng cầu tăng phá huỷ
- Thiếu dinh dưỡng: do phải giảm lượng đạm nạp vào cơ thể
Tăng tiết Renin và tăng hoạt tính của renin
Do cầu thận và mô kẽ thận bị tổn thương, xơ hoá và giảm lượng máu đến thận,do đó renin được bộ máy cạnh cầu thận tăng tiết.
Tăng huyết áp trong suy thận mạn
Cùng với việc quá tải thể tích do giữ nước và natri, tăng tiết renin cũng gây tăng huyết áp.
Những nguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn?
Do bệnh cầu thận
Thường hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 40%
Bệnh cầu thận mạn nguyên phát: bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu, Xơ hoá cầu thận ổ đoạn, viêm cầu thận màng, viêm cầu thận tang sinh gian mạch, viêm cầu thận màng tăng sinh, viêm cầu thận tiến triển nhanh.
Bệnh cầu thận thứ phát
- Viêm cầu thận do bệnh hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch máu hệ thống, xơ cứng bì
- Viêm cầu thận do các bệnh gây rối loạn chuyển hoá: bệnh đái tháo đường, bệnh nhiễm bột, đa u tuỷ xương.
- Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu
Hình ảnh viêm cầu thận
Bệnh ống- kẽ thận mạn tính
- Nguyên phát: nhiễm trùng tiết niệu, bệnh thận tắc nghẽn, sỏi tiết niệu.
- Thứ phát: bệnh tự miễn, bệnh thận do thuốc, đa u tuỷ
Bệnh mạch thận
- Nguyên phát: viêm mạch máu do ANCA, loạn dưỡng xơ cơ gây hẹp động mạch thận
- Thứ phát: Xơ vữa động mạch và thuyên tắc do cholesterol gây huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch thận, tăng huyết áp gây xơ vữa mạch thận lành tính hoặc ác tinh.
Bệnh bẩm sinh di truyền hoặc không di truyền
Bệnh thận đa nang, loạn sản thận, hội chứng Aport, hội chứng móng- xương bánh chè, hội chứng thận hư bẩm sinh
Không tìm thấy nguyên nhân
Dấu hiệu nhận biết suy thận mạn là gì?
Suy thận mạn tính là bệnh kéo dài trong nhiều năm với các dấu hiệu
- Phù: Người bệnh bị ứ dịch, gây phù ở tay, chân, mặt hoặc toàn thân; Tùy theo lượng nước và muối nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu suy thận do viêm thận – bể thận mạn thường không có dấu hiệu phù.
- Rối loạn tiêu hóa: Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ thấy chán ăn, buồn nôn. Ở giai đoạn cuối có thể bị tiêu chảy, loét niêm mạc miệng và loét đường tiêu hóa.
- Dấu hiệu da: Do ứ đọng độc tố trong máu, kèm thiếu máu nên da người bệnh sẽ nhợt nhạt, xám màu hơn.
- Dấu hiệu tim mạch: Người bệnh thận mạn thường bị cao huyết áp, suy tim ứ huyết, bệnh cơ tim và van tim,…
- Dấu hiệu thần kinh cơ: Urê máu cao có thể gây viêm thần kinh ngoại vi hoặc hôn mê.
Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh?
Xét nghiệm máu
- Công thức máu: mức độ thiếu máu.
- Sinh hoá máu: Định lượng ure và creatinine huyết thanh: từ creatinine huyết thanh ước tính độ thanh lọc creatinine theo công thức Cockcroft Gault hoặc mức lọc cầu thận theo MDRD,CKD-EPI.
- Điện giải đồ: rối loạn điện giải
- Lipid máu, acid uric
Xét nghiệm nước tiểu tìm protein hoặc albumin trong nước tiểu
Với mẫu nước tiểu bất kỳ, tốt nhất là mẫu nước tiểu đầu tiên buổi sáng sau ngủ dậy. Khảo sát cặn lắng nước tiểu tìm cặn lăng bất thường như hồng cầu, bạch cầu và trụ niệu.
Xét nghiệm hình ảnh
Siêu âm thận và hệ niệu để tìm sỏi, nang thận, đo kích thước thận, bất thường hệ niệu, niệu ký nội tĩnh mạch.
Sinh thiết thận
Dưới hướng dẫn siêu âm hoặc chụp cắt lớp: đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các tổn thương thận.
Như thế nào thì được coi là suy thận mạn?
Như vậy suy thận mạn là một tình trạng suy giảm một cách không hồi phục chức năng thận từ từ hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng chục năm do sự giảm dần các nephron chức năng. Suy thận mạn được xác định khi mức lọc cầu thận giảm dưới 60ml/ phút/1,73 m2 da trong thời gian trên 3 tháng.
Suy thận mạn có mấy giai đoạn?
5 giai đoạn của suy thận mạn
Theo Kidney Disease Improving Global Outcomes 2012, phân bệnh thận mạn thành 5 giai đoạn dựa vào mức lọc cầu thận;
Giai đoạn 1: Tổn thương thận với mức lọc cầu thận bình thường hoặc tăng >= 90ml/phút/ 1.73 m 2 da.
Giai đoạn 2: Tổn thương thận với mức lọc cầu thận giảm nhẹ 60- 89 ml/ phút/1.73 m 2 da.
Giai đoạn 3:
+ 3a: giảm mức lọc vầu thận nhẹ đến trung bình 45- 59 ml/ phút/ 1.73 m 2 da.
+ 3b: giảm mức lọc cầu thận trung bình đến nặng 30- 44ml/phút/1.73 m 2 da.
Giai đoạn 4: giảm mức lọc cầu thận nặng 15- 29 ml/phút/1.73 m2 da.
Giai đoạn 5: bệnh thận mạn giai đoạn cuối với mức lọc cầu thận< 15ml/phút/1.73 m2 da hoặc phải điều trị thận nhân tạo.
Vậy, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị của các giai đoạn trong suy thận mạn là gì?
Xem thêm: Các giai đoạn của suy thận mạn
Suy thận mạn nguy hiểm như thế nào?
Biến chứng tim mạch
Tăng huyết áp và dày thất trái; suy tim sung huyết; viêm màng ngoài tim; bệnh mạch máu.
Biến chứng ở phổi
Có thể phù phổi cấp do tình trạng ứ dịch
Rối loạn nước, điện giải
Rối loạn bài tiết nước gây ra tình trạng phù ; natri máu có thể giảm hoặc tăng; tăng kali máu có thể dẫn tới ngưng tim.
Thay đổi về huyết học
Thiếu máu: do thiếu erythropoietin, thiếu sắt, tan máu và thiếu dinh dưỡng.
Rối loạn đông máu bao gồm: kéo dài thời gian máu đông, giảm hoạt tính của yếu tố III tiểu cầu, giảm độ tập trung tiểu cầu và prothrombin.
Rối loạn chức năng bạch cầu như giảm sản xuất bạch cầu, giảm chức năng bạch cầu.
Rối loạn Lipid máu
Tăng lipid máu làm gia tăng nguy cơ tai biến tim mạch.
Loạn dưỡng xương
Xuất hiện tình trạng loãng xương, xương dễ gãy hơn khi bị chấn thương nhẹ.
Biến chứng thần kinh
Triệu chứng thần kinh cơ bắt đầu xuất hiện với biểu hiện như giảm trí nhớ, kém tập trung, rối loạn giấc ngủ. Sau đó tiến triển thành thần kinh kích thích như nấc cụt, chuột rút, đau xoắn vặn cơ, nặng hơn trong giai đoạn suy thận nặng là rung vẫy, clonus cơ, co giật và hôn mê.
Triệu chứng thần kinh ngoại biên như rối loạn cảm giác,…
Biến chứng tiêu hoá
Chán ăn, giai đoạn cuối thường gặp đau bụng do viêm, loét dạ dày
Rối loạn dinh dưỡng
Do chế độ ăn giảm đạm nên làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Rối loạn về nội tiết
Hormon sinh dục: ở người bệnh nữ giảm estrogen gây rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng thụ thai và dễ sẩy thai. Ở người bệnh nam, giảm nồng độ testosterone, rối loạn tình dục, thiểu sản tinh trùng.
Hệ Renin- angiotensin- aldosterone: tăng tiết renin gây tăng huyết áp
Erythropoietin: giảm bài tiết erythropoietin gây ra tình trạng thiếu máu.
Điều trị suy thận mạn như thế nào?
Mục tiêu điều trị
- Điều trị bênh thận căn nguyên
- Chuẩn bị điều trị thay thế thận khi thận suy nặng.
- Điều trị làm chậm tiến triển của suy thận mạn như điều chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân suy thận,…
- Điều chỉnh các biến chứng của hội chứng ure huyết cao như thiếu máu, suy dinh dưỡng, tang huyết áp, rối loạn nước điện giải, rối loạn chuyển hoá calci- phospho.
- Điều trị các biến chứng tim mạch và các yếu tố nguy cơ.
Phương pháp điều trị bảo tồn
Chỉ định khi nào?
Khi bệnh nhân mắc bệnh thận mạn trước giai đoạn cuối.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn
+Ăn nhạt: với lượng NaCl < 5g/ ngày. bệnh nhân được khuyên nên tự nấu ăn, ưu tiên thức ăn hấp, luộc, không chấm
+ Giảm protein trong khẩu phần ăn xuống 1,3g/kg/ngày khi mức lọc cầu thận >30ml/ phút/1.73 m2 da và 0,8g/kg/ ngày nếu bệnh nhân suy thận giai đoạn 4 trở đi. bệnh nhân nên chọn các loại đạm có giá trị sinh học cao.
Nguyên tắc chung trong xây dựng chế độ ăn cho người bị suy thận là gì?
Xem thêm: Chế độ ăn cho người suy thận
Người suy thận nên hạn chế ăn mặn
Kiểm soát huyết áp <130/80 mmHg
Điều trị rối loạn điện giải
Bệnh nhân thường có tăng Kali máu nên phải hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều Kali như chuối, khoai lang, cà chua, tránh dùng lợi tiểu giữ Kali. Tuỳ vào mức tăng của Kali máu cân nhắc dùng Kyaxela, Insulin nhanh, Calci gluconate, phun khí dung với salbutamol. Trong trường hợp bệnh nhân thường xuyên bị hạ Kali máu thì tránh dùng lợi tiểu thải Kali. Bù Natri nếu có hạ.
Điều trị thiếu máu
Để Hb đạt được mục tiêu 11-12 g/dl. bổ sung thêm sắt, acid folic, erythropoietin,… cho bệnh nhân.
Điều trị biến chứng khác
+ Giảm protein niệu, albumin niệu : protein/creatinine niệu < 0,5 mg/g hoặc albumin/ creatinine niệu < 30mg/g. Bằng cách kiểm soát tốt huyết áp, điều trị bệnh căn nguyên, tiết chế protein trong khẩu phần ăn, dùng thuốc UCMC hoặc UCTT.
+ Kiểm soát đường huyết: với mức HbA1C = 7 ở bệnh nhân không có hạ đường huyết và > 7 với bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết.
+ Kiểm soát rối loạn lipid máu: với mục tiêu đưa LDL- cholesterol < 100 mg/dl, HDL- cholesterol > 40mg/dl, Triglycerid < 200mg/dl. Cho bệnh nhân dung thuốc hạ mỡ máu như statin, fibrate, gemfibrozil.
Điều trị nguyên nhân
Tuỳ theo nguyên nhân gây suy thận mà giải quyết nguyên nhân: như do sỏi tắc nghẽn thì tán sỏi,…
Điều trị thay thế thận
Khi nào cần điều trị thay thế thận
Trừ khi người bệnh từ chối, mọi người bệnh bệnh thận mạn giai đoạn cuối, với lâm sàng của hội chứng urê huyết cao đều có chỉ định điều trị thay thế thận.
- Tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Toan chuyển hoá nặng.
- Quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp không đáp ứng với lợi tiểu.
- Suy dinh dưỡng tiến triển không đáp ứng với can thiệp khẩu phần.
- Mức lọc cầu thận từ 5-10 ( hoặc <20 ở bệnh thận đái tháo đường) ml/ phút/ 1.73 m2 da.
Tiêu chí khi lựa chọn phương pháp điều trị
Tuỳ trường hợp người bệnh cụ thể với những chống chỉ định mà ta lựa chọn phương pháp điều trị thay thế thận phù hợp.
- Thận nhân tạo: chống chỉ định với bệnh nhân không có đường lấy máu thích hợp, cân nhắc khi bệnh nhân sợ kim chích, suy tim, rối loạn đông máu.
- Thẩm phân phúc mạc: chống chỉ định khi bệnh nhân mất hoàn toàn chức năng của màng bụng, sẹo dính trong phúc mạc làm ngăn cản dịch lọc dẫn lưu, dịch lọc dò lên cơ hoành, không có người giúp thay dịch lọc. Cân nhắc khi mới mổ ghép động mạch chủ bụng, có shunt não thất- ổ bụng, không dung nạp với chứa dịch trong ổ bụng, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm trùng da, bệnh đường ruột nặng, béo phì.
- Ghép thận: cân nhắc khi bệnh nhân có nguy cơ thải ghép cao, sức khoẻ không cho phép thực hiện phẫu thuật, nhiễm Cytomegalovirus, viêm gan B, C, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối,…
Phương pháp lọc máu ngoài thận
Lọc máu nhân tạo với mục đích là loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Thẩm phân phúc mạc được chia thành hai loại chính: Thẩm phân phúc mạc lưu động liên tục (CAPD) và thẩm phân phúc mạc tự động (APD).
Việc lựa chọn phương pháp lọc máu phụ thuộc vào các yếu tố như: Tuổi tác, sức khỏe và lối sống.
Phương pháp ghép thận
Ghép thận là một phương pháp điều trị suy thận. Việc cấy ghép có thể giúp người bệnh quay về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có đủ kinh phí và tìm được thận phù hợp. Để đảm bảo cho việc ghép thận thành công, người bệnh cũng phải đạt các tiêu chí như: Không mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính, mãn tính, đủ sức khỏe để phẫu thuật,…
Phương pháp ghép thận
Phòng bệnh suy thận mạn như thế nào?
Các đối tượng có nguy cơ cao bị suy thận mạn như đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền sử gia đình có mắc bệnh thận..thì cần làm các xét nghiệm tầm soát định kỳ hàng năm, tích cực điều trị sớm để không biến chứng lên thận
Kiểm soát huyết áp và đường huyết luôn ở trong giới hạn bình thường, đồng thời kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận (khi dùng dài ngày và không đúng liều lượng) như thuốc kháng sinh, thuốc đông y không rõ nguồn gốc…cần tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của bác sĩ.