Suy thượng thận và những điều cần biết
Suy thượng thận là bệnh xảy ra khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormon, dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
- Tuyến thượng thận (Ảnh: internet)
Nội dung bài viêt
1. Vai trò của tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận được chia làm 2 phần: vỏ thượng thận và tủy thượng thận.
Vỏ thượng thận được chia làm 3 lớp:
- Lớp cầu tiết mineralocorticoid (aldosteron) có tác dụng tăng giữ Na+, nước, tăng đào thải K+, H+ giúp cho việc điều hòa huyết áp.
- Lớp bó tiết ra glucocorticoid (cortison, hydrocortison) giúp điều hòa đường huyết, giảm hình thành các chất trung gian gây viêm như leucotrien, có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, ức chế miễn dịch.
- Lớp lưới tiết ra androgen (hormon sinh dục nam) có tác dụng phát triển các đặc tính thứ phát của nam như giọng nói trầm, đặc; dây thanh quản dài, vai lưng rộng….
Tủy thượng thận thuộc về thần kinh giao cảm tiết ra Adrenalin và Noradrenalin có tác dụng tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng huyết áp, tăng đường huyết….
Suy tuyến thượng thận là loại rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận không hoạt động hiệu quả khiến chúng sản xuất quá ít cortison hoặc đôi khi là cả aldosteron dẫn đến hàng loạt rối loạn trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Phân loại suy thượng thận: gồm suy thượng thận cấp và suy thượng thận mạn nguyên phát, suy thượng thận thứ phát.
- Vai trò của tuyến thượng thận (Ảnh: internet)
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân suy thượng thận nguyên phát: do suy vỏ thượng thận (Addison)
- Tự miễn
- Lao
- Phá hủy tuyến thượng thận như: cắt bỏ tuyến thượng thận 2 bên, hoặc dùng các thuốc như: ketoconazol, aminogluthethimide, rifampicin.. hoặc hoại tử tuyến thượng thận như nhiễm nấm, giang mai, HIV…
- Rối loạn đông máu, viêm tắc mạch máu,
- Thoái triển tuyến thượng thận bẩm sinh, loạn dưỡng chất .
- Rối loạn gen.
Nguyên nhân suy thượng thận thứ phát: do suy tuyến yên, giảm sản xuất ACTH làm giảm sản xuất corticoid.
- Suy tuyến yên/ vùng dưới đồi, bất thường tuyến yên do đột biến gen.
- Nhồi máu não, chảy máu não, chấn thương sọ não.
- Nhiễm khuẩn, thâm nhiễm : do lao, HIV, ung thư…
- Dùng glucocorticoid kéo dài.
Nguyên nhân suy thượng thận cấp: biểu hiện trụy tim mạch, rối loạn điện giải, hạ đường huyết thường bắt nguồn từ suy thượng thận nguyên phát Addison.
- Do stress
- Do chảy máu, hoại tử tuyến thượng thận cấp.
- Do hoại tử tuyến yến cấp.
- Do suy thượng thận mạn bỏ điều trị hoặc có stress.
3. Đối tượng nguy cơ
- Bệnh nhân bị lao, AIDS, giang mai: sẽ gây viêm thượng thận, hoại tử thượng thân.
- Bệnh tự miễn: thường gây thâm nhiễm lymphocyte vào vỏ tuyến thượng thận làm cho tuyến thượng thận teo nhỏ.
- Người cắt bỏ tuyến thượng thận: sẽ không còn tuyến thượng thận để sản xuất các hormon glucocorticoid hoặc mineralocorticoid.
- Người bị suy tuyến yên: không sản xuất đủ hormon ACTH để điều hòa quá trình bài tiết hormon tuyến thượng thận gây suy thượng thận.
- Ung thư (phổi, tiêu hóa, vú, thận) di căn đến vỏ thượng thận, làm cho đáp ứng cortisol dưới mức bình thường đối với ACTH.
4. Triệu chứng của bệnh
- Trên da: tăng sắc tố da, gây xạm da, da nâu (bệnh đồng đen).
- Trên cơ thể : thể trạng ốm, sụt cân, chán ăn.
- Trên tiêu hóa: buồn nôn, tiêu chảy, ói mửa, táo bón, đau bụng.
- Trên tim mạch: giảm co mạch máu, giảm thể tích tuần hoàn gây giảm huyết áp.
- Trên đường huyết: giảm tổng hợp glucose, gây hạ đường huyết.
- Trên thần kinh: chậm chạp, trầm cảm, vô cảm
- Trên hệ tạo máu: giảm tạo hồng cầu gây thiếu máu.
5. Điều trị bệnh
Suy thượng thận mạn:
- Dùng thuốc nhóm glucorcoid (prednisolon, prednison, betamethasone) và mineralocorticoid (fludrocortisone).
- Thay đổi chế độ ăn uống: ăn đủ đường muối, tăng liều glucocorticoid khi cần và tránh các yếu tố mất bù.
Suy thượng thận cấp:
- Bù nước và điện giải: 2-3l NaCl 0.9% hoặc Glucose 5%.
- Hydrocortisone: 100mg IV/6h, ổn định 50mg IV/6h trong 4-5 ngày. Có thể kết hợp với fludrocortisone.
6. Cách phòng tránh bệnh suy thượng thận
Bệnh chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, tuy nhiên chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Tránh sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài.
- Điều trị sớm và tích cực các bệnh lao, nhiễm virus, giang mai, HIV…
- Có lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý.
DS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết
Nguồn Nôi khoa Việt Nam