Suy tim: Nguyên nhân, Biểu hiện, Phương pháp điều trị đúng và hiệu quả
Suy tim là căn bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng có thể dẫn đến tử vong và làm suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh, tuổi thọ dài lâu và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Nội dung bài viêt
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng cơ tim bị suy yếu và không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Đây thường là hậu quả của bệnh động mạch vành, thiếu máu cơ tim, hẹp hở van tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…
Suy tim có thể ảnh hưởng đến tim phải hoặc tim trái hoặc cả hai cùng lúc. Bệnh thường tiến triển dần dần theo thời gian (suy tim mạn tính) nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột cấp tính (suy tim cấp).
- Suy tim sẽ gây giảm lượng máu qua tim đi nuôi cơ thể và kiến cơ tim dày lên
Nguyên nhân nào dẫn tới suy tim
Các bệnh lý tim mạch
Bệnh động mạch vành, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh van tim (hẹp van tim, hở van tim), nhồi máu cơ tim (đau tim), bệnh cơ tim (cơ tim giãn, viêm cơ tim), rối loạn nhịp tim, tim bẩm sinh, bệnh tim chu sản đều có thể là nguyên nhân gây ra suy tim.
Các bệnh lý phổi mạn tính
Bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính,hen phế quản, xơ phổi.. đều có thể gây ra các bệnh lý về tim
Các bệnh lý nội khoa khác
Ngoài ra, tiếp xúc với chất độc, sử dụng rượu quá mức, cường giáp, tiểu đường, bệnh tự miễn và bệnh phổi kéo dài cũng có thể dẫn đến suy tim.
- Cường giáp cũng có thể là nguyên nhân gây suy tim
Đánh giá mức độ suy tim
Phân loại theo NYHA
Theo Hội Tim mạch New York (NYHA), suy tim được chia thành 4 cấp độ dựa theo triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức của bệnh nhân.
- Suy tim độ 1: Đây là giai đoạn nhẹ nhất trong các giai đoạn của suy tim. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ không mệt, khó thở hay hồi hộp khi thực hiện các hoạt động thể chất.
- Suy tim độ 2: Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu bị hạn chế nhẹ các hoạt động thể lực. Bởi khi hoạt động thể lực, họ sẽ bị khó thở, mệt mỏi, hồi hộp, đau ngực.
- Suy tim độ 3: Đây là giai đoạn hạn chế rõ rệt các hoạt động thể lực. Vận động nhẹ cũng có thể gây đau ngực, khó thở, mệt. Các triệu chứng sẽ biến mất khi nghỉ ngơi.
- Suy tim độ 4: Giai đoạn này còn được gọi là suy tim giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, không vận động thể lực nào không gây khó chịu. Các triệu chứng của suy tim xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi và nặng nề hơn khi vận động nhẹ.
Phân loại theo AHA/ACC
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, suy tim phân ra làm 4 giai đoạn.
- Giai đoạn A: Bệnh nhân có nguy cơ suy tim chưa phát triển các thay đổi cấu trúc của tim (tức là những người bị tiểu đường, những người bị bệnh mạch vành mà không có nhồi máu trước đó)
- Giai đoạn B: Bệnh nhân bị bệnh tim cấu trúc (tức là giảm phân suất tống máu, phì đại thất trái, buồng to) chưa phát triển các triệu chứng của suy tim
- Giai đoạn C: Bệnh nhân đã phát triển suy tim lâm sàng
- Giai đoạn D: Bệnh nhân suy tim chịu đựng cần can thiệp nâng cao (tức là máy tạo nhịp hai thất, thiết bị trợ giúp thất trái, cấy ghép)
Lưu ý : Phân loại AHA/ACC khác nhiều so với phân loại NYHA ở chỗ các giai đoạn này không phát triển tuần tự từ A đến D mà hoàn toàn có thể từ giai đoạn A lên C.
Suy tim biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng của suy tim là kết quả của sự tích tụ chất lỏng và thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, bao gồm:
Mệt mỏi
Triệu chứng này là hậu quả của việc tim không cung cấp đủ máu cho các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không muốn di chuyển khi thực hiện các hoạt động thường ngày như đi bộ, leo cầu thang… hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
Khó thở, thở khò khè
Người bệnh cảm thấy khó thở khi hoạt động gắng sức như đi bộ, leo cầu thang, bê vật nặng. Ở những người suy tim nặng, khó thở có thể xuất hiện khi nghỉ ngơi, khi nằm hay về đêm (khó thở kịch phát về đêm) khiến người bệnh đột ngột tỉnh giấc, phải ngồi dậy rướn người để thở hoặc kê đầu cao mới ngủ được.
Đau ngực
Người bệnh suy tim có thể cảm thấy đau hoặc nặng nề ở ngực. Nếu bị đau ngực dữ dội, đau lan lên vai, hàm, cánh tay, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nhồi máu cơ tim.
Tăng nhịp tim
Khi lượng máu đi nuôi cơ thể bị giảm, tim sẽ co bóp nhiều hơn để bù đắp. Hậu quả là nhịp tim của người bệnh sẽ tăng cao lên hơn 100 nhịp/phút kèm cảm giác đánh trống ngực, hồi hộp.
- Khó thở, mệt mỏi, ho, đau ngực, phù là triệu chứng điển hình của bệnh suy tim
Ho
Ho do suy tim có đặc điểm là ho khan, dai dẳng từng cơn có thể kèm theo bọt hồng hoặc chất nhầy màu trắng. Dấu hiệu này thường xuất hiện cùng các cơn khó thở và khiến người bệnh lầm tưởng mình bị một bệnh về hô hấp nào đó.
Hạn chế vận động. Người bệnh thường không thể thực hiện các hoạt động như đi bộ, leo cầu thang, làm việc nhà… một cách bình thường do tình trạng mệt mỏi, khó thở, đau ngực gây ra.
Phù
Triệu chứng này thường xuất hiện vào các giai đoạn muộn của bệnh suy tim. Phù do suy tim là phù mềm, ấn lõm, thường nặng hơn vào buổi chiều và hay xuất hiện tại bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân. Phù khiến người bệnh tăng cân bất thường, giày dép đi buổi sáng thấy vừa nhưng buổi chiều tối lại thấy chật.
Ngoài ra, tình trạng đi tiểu nhiều lần, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, choáng váng. suy nghĩ chậm chạp, nhầm lẫn, giảm trí nhớ… cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim.
Trong các triệu chứng suy tim kể trên, khó thở, thở nhanh và mệt mỏi là dấu hiệu thường xuất hiện ở những người bệnh suy tim trái. Còn với suy tim phải, người bệnh sẽ hay bị phù quanh mắt cá chân và mệt mỏi hơn.
Cận lâm sàng chẩn đoán bệnh
Định lượng peptid lợi niệu trong máu
Định lượng BNP hoặc NT-ProBNP.
Điện tâm đồ
Chẩn đoán nguyên nhân gây suy tim, dấu hiệu tăng gánh và tiên lượng biến chứng
Siêu âm tim
Giúp phát hiện ra các bệnh lý liên quan đến tim
Các xét nghiệm thăm dò khác
Chụp CT Scan, chụp MRI, Chụp MSCT..
Suy tim nguy hiểm như thế nào?
Khi bị suy tim, lượng máu tim bơm đến các cơ quan không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cơ thể. Trong thời gian dài không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
Phù phổi cấp
Ứ dịch trong phổi do suy tim là nguyên nhân gây ra tình trạng phù phổi cấp hay còn gọi là chết đuối trên cạn. Phù phổi cấp có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng của phù phổi cấp bao gồm khó thở dữ dội, ho có thể kèm theo bọt hồng, da nhợt nhạt hoặc màu xanh…
Rối loạn nhịp tim
Suy tim có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện của tim. Các tín hiệu điện điều khiển nhịp tim có thể bị trì hoãn hoặc bị chặn dẫn đến nhịp tim trở lên quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Một trong những dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm dễ gặp ở người suy tim là rung thất. Khi bị rung thất, người bệnh phải nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện và tiến hành sốc tim bằng máy khử rung, nếu không sẽ dễ tử vong do nhịp tim tăng quá cao.
- Người bệnh suy tim có thể bị đột tử do biến chứng rối loạn nhịp tim
Ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến nhịp thở bị rối loạn vào ban đêm. Các cơn ngừng thở cấp tính có thể khiến người bệnh suy tim không thể thở được, hoảng loạn thức dậy ban đêm. Một số trường hợp còn bị tử vong ngay khi ngủ.
Đột quỵ
Suy tim làm tốc độ chảy của máu qua tim chậm hơn so với bình thường. Khi máu chảy chậm hơn có thể làm tăng khả năng xuất hiện các cục máu đông làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.
Suy giảm chức năng thận
Khi bị suy tim, trái tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng tất cả các nhu cầu của cơ thể. Vì vậy nó đưa máu đến các cơ quan quan trọng nhất – tim và não. Điều này khiến lượng máu đến thận giảm, lâu dần có thể gây tổn thương thận.
Tổn thương gan
Suy tim cũng có thể dẫn đến tổn thương gan. Lưu lượng máu đến gan giảm và sự tích tụ của các chất dịch trong gan có thể gây sẹo, xơ gan do tim.
Các biến chứng suy tim có thể xuất hiện trong mọi cấp độ suy tim. Nhưng về cơ bản, cấp độ suy tim càng cao, nguy cơ và mức độ biến chứng càng lớn.
Điều trị suy tim
Suy tim khó chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục tiêu chính là tăng chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người bệnh. Điều trị sớm có thể cải thiện các triệu chứng khá nhanh. Tuy nhiên người bệnh cần tái khám thường xuyên để giảm nguy cơ bệnh tiến triển.
- Các phương pháp điều trị suy tim tập chung vào kéo dài tuổi thọ người bệnh
Điều trị nội khoa
Giai đoạn đầu của suy tim có thể được điều trị bằng thuốc để giúp giảm các triệu chứng và ngăn bệnh trở nên tồi tệ hơn. Các loại thuốc thường được dùng bao gồm
Trợ tim
Digoxin
Đây là một glycosid trợ tim, có tác dụng làm tăng lực co bóp cơ tim và làm tăng lưu lượng tim.
Chẹn beta giao cảm
Thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim, chống rối loạn nhịp tim, lâu dài là cải thiện khả năng bơm máu của tim và tăng khả năng sống sót ở những người suy tim tâm thu. Một số loại thuốc điều trị suy tim hay dùng trong nhóm này là Bisoprolol (Zebeta), Metoprolol (Toprol) và Carvedilol (Coreg).
Ivabradine
Thuốc tác động trên kênh If: Đây là nhóm thuốc điều trị suy tim mới nhất được chứng minh có tác dụng giúp giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim độ 2, độ 3 và tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân suy tim tiến triển. Đại diện tiêu biểu của nhóm thuốc này là Ivabradine (Procoralan).
Lợi tiểu
Lợi tiểu quai
Thuốc gây ức chế trực tiếp sự tái hấp thu Natri, Kali và Clo do khả năng cạnh tranh với kênh Clo của quá trình đồng vận chuyển tại đoạn phình to của nhánh lên của quai Henle, làm tăng thải các ion Natri,Kali,Clo.
Lợi tiểu kháng Aldosteron
Lợi tiểu kháng aldosteron (hay gọi là thuốc lợi tiểu giữ kali) có tác dụng hỗ trợ nhằm làm tăng khả năng bài tiết nước tiểu ở thận của người bệnh, từ đó khiến bệnh nhân dễ dàng đi tiểu nhiều hơn. Spironolactone và eplerenone thường được dùng hơn do đã được chứng minh có thể tăng tuổi thọ của người suy tim tâm thu.
Giãn mạch
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
Tác dụng của thuốc là làm giãn mạch, cải thiện lưu thông máu và giảm khối lượng công việc trên tim. Về lâu dài, thuốc giúp ngăn bệnh tiến triển nặng hơn và cải thiện tuổi thọ cho bệnh nhân suy tim nặng. Các thuốc thường dùng trong nhóm là benazepril (Lotensin), Captopril (Capoten), Enalapril (Vasotec).
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin2
Tác dụng chính của thuốc là hạ huyết áp và giúp tim bơm máu dễ dàng hơn. Hiện nay, có 2 loại thuốc ức chế thụ thể angiotensin II Candesartan (Atacand) và Valsartan (Diovan) đã được chấp thuận để điều trị suy tim.
Thuốc nhóm nitrate
Thuốc có tác dụng giãn mạch ở cả động mạch và tĩnh mạch, tăng lưu lượng máu qua tim, giảm áp lực lên tim, cung cấp đủ oxy cho cơ tim hoạt động
Các phương pháp hỗ trợ
Máy tái đồng bộ cơ tim
Đây là phương pháp giúp tim đập đúng nhịp. Kỹ thuật này sử dụng một máy đồng bộ cơ tim để khôi phục lại mô hình thời gian bình thường của nhịp tim.
Máy tạo nhịp phá rung tự dộng
Đây là phương pháp tối ưu để giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ đột tử.Máy này sẽ được cấy ghép dưới xương đòn, 1 dây điện cực kết nối từ máy vào buồng tim phải qua đường tĩnh mạch. Khi máy phá rung tự động cảm nhận thấy rối loạn nhịp thất nguy hiểm như nhanh thất hay rung thất, máy sẽ phát dòng điện để cắt những cơn rối loạn nhịp này, đưa trái tim trở về nhịp co bóp bình thường, ngăn ngừa đột tử.
Biện pháp hỗ trợ tuần hoàn đặc biệt
Khi người bệnh suy tim đến giai đoạn cuối, cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ để giúp máu lưu thông bình thường trong cơ thể, làm giảm các biểu hiện mệt mỏi, khó thở trên bệnh nhân.
Tế bào gốc
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách giữ cho tế bào gốc tồn tại trong tim càng lâu càng tốt. Đầu tiên sẽ nuôi cấy tế bào gốc trên các vi cầu sau đó có thể tiêm vào cơ tim. Phương pháp này đã được thử nghiệm thành công trên chuột thí nghiệm. Tương lai sẽ được tiến hành thử nghiệm trên người.
Ghép tim
Đây là phương pháp phẫu thuật thay thế tim, lựa chọn cho các bệnh nhân trong suy tim giai đoạn cuối. Mỗi năm có hàng nghìn ca ghép tim trên thế giới. Do số lượng tim đạt tiêu chuẩn còn hạn chế nên hiện vẫn đang còn hàng chục nghìn ca đang chờ ghép tim.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người suy tim
Suy tim hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuân thủ điều trị và giữ lối sống lành mạnh sẽ giúp trái tim khỏe mạnh hơn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng. Dưới đây là các lời khuyên mà bạn cần thực hiện khi bị suy tim:
- Bỏ thuốc lá và tránh xa nơi có nhiều khói thuốc bởi thuốc lá có thể gây hại cho mạch máu, làm giảm lượng oxy trong máu và khiến tim phải làm việc mệt mỏi hơn.
- Theo dõi cân nặng hàng ngày phát hiện sớm dấu hiệu phù ở các cơ quan trong cơ thể.
- Ăn ít muối để tránh tích nước trong cơ thể gây khó thở, phù nề. Để ăn nhạt hơn, bạn có thể áp dụng các mẹo, giảm bớt gia vị trong chế biến, pha loãng nước chấm, chấm nhẹ tay, không chấm ngập, tự nấu ăn tại nhà thay vì mua đồ hộp, đồ chế biến sẵn, tránh các đồ muối chua, đồ khô.
- Ăn ít chất béo, không uống rượu bia.
- Ưu tiên rau xanh, trái cây, cá, thịt nạc, các loại hạt trong chế độ ăn.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức ví dụ như đi bộ, yoga, thái cực quyền, thiền hay các bài tập thư giãn cơ bắp tại chỗ.
- Giữ tinh thần thoải mái để tránh tăng nhịp tim và tăng gánh nặng cho tim.
Suy tim gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh, không chỉ khó thở, mệt mỏi, đau ngực… mà còn cản trở hoạt động, sinh hoạt hằng ngày. Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng này, chủ động điều trị sớm và tuân thủ các lời khuyên kể trên là điều bạn nên làm. Khi ý thức điều trị bệnh tốt, bạn sẽ không phải lo lắng các biến chứng ghé thăm và có một cuộc sống khỏe mạnh, như ý hơn.