Tác dụng của thuốc corticosteroid trong điều trị bệnh vảy nến

Khi nhắc đến corticosteroid nhiều người khá băn khoăn về tác dụng nhanh nhạy nhưng thuốc lại mang nhiều tiềm ẩn không tốt với sức khỏe. Vậy vai trò của nó trong điều trị vảy nến ra sao?

1. Thuốc corticosteroid là gì?

Corticosteroid thường được gọi là steroid, là loại thuốc tổng hợp được sử dụng để điều trị nhiều loại rối loạn, bao gồm hen suyễn, viêm khớp, tình trạng da và các bệnh tự miễn dịch. Thuốc giống cortisol, một loại hormone được sản xuất tự nhiên bởi tuyến thượng thận ở những người khỏe mạnh.

Steroid là một phiên bản nhân tạo của hormone thường được sản xuất bởi tuyến thượng thận, là 2 tuyến nhỏ nằm phía trên thận.

Khi dùng với liều lượng cao hơn lượng mà cơ thể bạn sản xuất bình thường, steroid làm giảm mẩn đỏ và sưng tấy (viêm). Điều này có thể giúp điều trị các tình trạng viêm nhiễm. Steroid cũng làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch, là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Điều này có thể giúp điều trị bệnh tự miễn như vảy nến  hoặc lupus, do hệ miễn dịch tấn công nhầm lẫn cơ thể.

Corticosteroid cũng có thể được sử dụng để thay thế một số hormone không được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên – ví dụ như ở những người bị bệnh Addison .

Corticosteroid sẽ chỉ được kê đơn nếu lợi ích tiềm năng của việc điều trị lớn hơn nguy cơ. Chúng cũng sẽ được kê đơn với liều lượng hiệu quả thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.

Dạng dùng của corticoid khá đa dạng bao gồm:

1.1 Corticosteroid đường uống

Dạng uống corticosteroid gồm viên nén, viên nang, siro giúp điều trị viêm và đau. Chúng có thể được sử dụng để điều trị vảy nến. Một số thuốc được dùng phổ biến gồm:

  • Prednisolone
  • Betamethasone
  • Dexamethasone

Corticosteroid dạng uống sẽ do bác sĩ chỉ định sử dụng tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người. Thông thường, tốt nhất nên uống steroid cùng hoặc ngay sau bữa ăn – thường là bữa sáng – vì điều này có thể ngăn chúng kích thích dạ dày của bạn.

Thuốc Corticosteroid được sử dụng trong điều trị vảy nến
Thuốc Corticosteroid được sử dụng trong điều trị vảy nến

1.2 Corticosteroid bôi ngoài da

Corticosteroid bôi ngoài da được bào chế dưới dạng kem, gel hoặc thuốc mỡ, thuốc xịt giúp chữa lành nhiều tình trạng da.

Các tình trạng được điều trị bằng corticosteroid bôi ngoài da gồm:

  • Bệnh chàm – chẳng hạn như bệnh chàm thể tạng
  • Viêm da tiếp xúc
  • Bệnh vẩy nến

Corticosteroid bôi ngoài da không thể chữa khỏi những tình trạng này, nhưng có thể giúp làm giảm các triệu chứng hiệu quả. Hầu hết người lớn và trẻ em đều có thể sử dụng corticosteroid bôi ngoài da một cách an toàn, nhưng có những trường hợp không được khuyến khích sử dụng như:

  • Da bị nhiễm trùng, trừ khi được bác sĩ chỉ định.
  • Một số tình trạng da gồm bệnh trứng cá đỏ, mụn trứng cá và loét da (vết loét hở).

1.3 Corticosteroid đường tiêm

  • Thuốc tiêm corticosteroid được sử dụng hạn chế trong điều trị vảy nến.

Việc tiêm steroid chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Các thuốc tiêm corticosteroid phổ biến bao gồm hydrocortisone, triamcinolone và methylprednisolone.

 2. Tác dụng của corticosteroid trong điều trị vảy nến

Đa phần vảy nến sẽ được chỉ định điều trị bằng corticosteroid bôi ngoài da. Điều trị bằng steroid có thể cực kỳ hiệu quả nhưng nó mang lại những tác dụng phụ mà bệnh nhân cần lưu ý. Các loại steroid tại chỗ, uống và tiêm đều có thể được bác sĩ da liễu sử dụng để điều trị bệnh vảy nến.

Trường hợp bệnh vẩy nến nhẹ hoặc trung bình, có thể bạn chỉ cần corticosteroid thoa lên da. Khi được áp dụng cho bệnh vẩy nến, thuốc này có thể:

  • Giảm mẩn đỏ, sưng tấy, bong tróc vảy và ngứa, làm sạch bệnh vẩy nến.
  • Làm chậm tốc độ phát triển của tế bào da.

Steroid tại chỗ thường nhẹ nhất và ít gây ra tác dụng phụ nhất. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm dễ bị bầm tím, mỏng da và thay đổi sắc tố. Steroid tiêm và steroid uống có thể gây đói quá mức, mệt mỏi, mất xương, vết thương kém lành và nổi mụn. Steroid dạng tiêm và đường uống được sử dụng ít cho bệnh vảy nến vì các tác dụng phụ, và bác sĩ sẽ cân nhắc cẩn thận những rủi ro và lợi ích trước khi kê đơn cho bạn.

3. Một số tác dụng phụ của corticosteroid có thể gặp khi sử dụng

Các tác dụng phụ của corticosteroid có thể khác nhau tùy thuộc vào đường dùng là toàn thân hay tại chỗ, liều lượng, loại corticosteroid và thời gian điều trị. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm tăng cân, thay đổi tâm trạng, yếu cơ, dễ bị bầm tím và khởi phát hoặc trầm trọng hơn bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

Sự hiện diện của các tác dụng phụ sẽ khác nhau ở mỗi người. Các tác dụng phụ được liệt kê ở trên thường không xuất hiện khi tiêm corticosteroid để điều trị viêm khớp, viêm gân hoặc viêm bao hoạt dịch thường xuyên. Nếu corticosteroid chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, từ vài ngày đến vài tuần, thường sẽ không có tác dụng phụ nào xảy ra.

Nếu việc sử dụng corticosteroid được kéo dài trong một thời gian dài hơn, chẳng hạn như trong vài tháng hoặc vài năm, các tác dụng phụ sẽ tăng lên. Việc sử dụng corticosteroid trong thời gian dài với liều lượng cao chỉ được áp dụng cho các tình trạng nặng mà bệnh nhân có nguy cơ nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ của corticosteroid có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng corticosteroid tại chỗ nếu có thể. Tương tự, nên sử dụng liều lượng thuốc nhỏ nhất cần thiết để kiểm soát tình trạng bệnh. Liều cũng có thể giảm theo thời gian, miễn là tình trạng bệnh vẫn được kiểm soát.

Xem thêm

Người bị bệnh vảy nến kiêng ăn gì?

4. Hướng dẫn sử dụng corticosteroid chữa bệnh vảy nến an toàn

Những điều cần lưu ý khi sử dụng để sử dụng corticosteroid chữa bệnh vảy nến an toàn gồm:

  • Chỉ thoa một lượng nhỏ steroid lên các khu vực bị ảnh hưởng.
  • Không sử dụng steroid tại chỗ lâu hơn ba tuần khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không ngừng đột ngột dùng steroid tại chỗ vì nó có thể khiến bệnh vẩy nến bùng phát.
  • Trừ khi thuốc được bào chế cho vùng mắt, không sử dụng steroid trên, trong hoặc xung quanh mắt, vì có thể dẫn đến đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
  • Steroid càng mạnh thì càng có hiệu quả trong việc xóa bệnh vẩy nến, nhưng nguy cơ tác dụng phụ càng lớn. Do đó người bệnh cần thận trọng khi dùng và tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ.
  • Steroid cường độ thấp rất tốt để điều trị ở mặt, bẹn và ngực, nhưng cần phải cẩn thận vì nguy cơ tác dụng phụ cao hơn ở những vùng da nhạy cảm.

Tóm lại, tác dụng của  corticosteroid là con dao hai lưỡi do đó trong điều trị vảy nến người bệnh cần thận trọng và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

BS. Nguyễn Thị Nga

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận