Tay- chân- miệng và những biến chứng nguy hiểm
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người. Hầu hết trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ với triệu chứng của bệnh tay chân miêng chủ yếu là các vết phổng loét trên da và niêm mạc. Phần lớn các trẻ mắc tay chân miệng có thể tự khỏi và không để lại di chứng. Nhưng có một tỷ lệ nhỏ các trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng hơn. Một số biến chứng có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là những biến chứng bệnh tay chân miệng thường gặp.
Nội dung bài viêt
1. Biến chứng mất nước
- Nên khuyến khích trẻ uống nước từng ít một và uống nhiều lần trong ngày (Ảnh Internet)
Do những vết loét trong miệng trẻ đau gây khó chịu khiến trẻ khó nuốt, bỏ ăn, bỏ bú, dẫn đến tình trạng mất nước. Khi đó cha mẹ cần cho trẻ uống nước đầy đủ để phòng tránh mất nước ở trẻ. Nếu trẻ mất nước mức độ nhẹ, cha mẹ có thể bổ sung nước cho trẻ tại nhà. Nên khuyến khích trẻ uống từng ít một và uống nhiều lần trong ngày.
Cần đưa trẻ đi khám khi gặp các dấu hiệu mất nước nặng dưới đây:
- – Trẻ có môi khô, mắt trũng, quấy khóc, mệt mỏi, lờ đờ.
- – Da khô, nhăn nheo, khi véo da lên nếp véo lâu hết.
- – Tiểu ít hoặc không có nước tiểu.
2. Biến chứng bội nhiễm
Tình trạng này xảy ra khi các nốt phỏng nước vỡ ra và bị nhiễm khuẩn. Khi ấy, vùng da nhiễm trùng sẽ có biểu hiện sưng đau nóng đỏ, chảy dịch vàng hoặc có mủ. Có thể cần dùng kháng sinh điều trị bội nhiễm cho trẻ. Mặc dù biến chứng này không gây nguy hiểm ngay cho trẻ nhưng nhiều trẻ sẽ bị sốt, đau nhiều và quấy khóc. VIệc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này nên được tư vấn bởi các bác sỹ chuyên khoa.
3. Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh tay chân miệng gây đe dọa tính mạng của bệnh nhân hoặc gây tổn thương não không hồi phục.
3.1. Tổn thương viêm màng não
Các dấu hiệu chứng tỏ virus đã xâm nhập vào não gây tổn thương viêm màng não bao gồm:
- – Trẻ sốt cao li bì hoặc vật vã kích thích, mê sảng
- – Đau đầu, cứng gáy
- – Sợ ánh sáng
- – Yếu liệt vận động tay chân
- – Hôn mê
3.2. Các tổn thương viêm tại nhu mô não, thân não..
- – Rung giật cơ từng cơn ngắn 1- 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
- – Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
- – Rung giật nhãn cầu.
- – Yếu, liệt chi
- – Liệt dây thần kinh sọ não.
- – Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
- – Tăng trương lực cơ.
- Cần chủ động phòng và phát hiện sớm bệnh, tránh nguy cơ biến chứng (Ảnh internet)
4. Biến chứng tim mạch: Viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
Một vài trường hợp diễn biến nặng, trẻ có thể có các triệu chứng khò khè, khó thở, rút lõm lồng ngực, tím tái, mạch nhanh…Nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn tới phù phổi cấp, suy tim, viêm cơ tim… nguy hiểm.
– Mạch nhanh >150 lần/phút
– Thời gian đổ đầy mao mạch >2 giây
– Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh, các biểu hiện rối loạn vận mạch có thể chỉ khu trú ở một vùng cơ thể (1 tay, 1 chân…)
– Giai đoạn đầu có huyết áp tăng (HA tâm thu, trẻ dưới 1 tuổi >110mmHg, trẻ từ 1- 2 tuổi >115mmHg, trẻ >2 tuổi >120mmHg). Giai đoạn sau mạch, huyết áp không đo được.
Các biến chứng tim mạch hô hấp này thường xuất hiện sớm trong vòng 2-5 ngày mắc bệnh.
Khi đó trẻ cần được điều trị tích cực trong bệnh viện tại chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
5. Biến chứng hô hấp
-Khó thở: thở nhanh, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít thanh quản, thở nông, thở bụng, thở không đều.
-Phù phổi cấp: Sùi bọt hồng, khó thở, tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có máu hay bọt hồng.
Mặc dù bệnh tay chân miệng do virus gây ra và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Phần đa các trường hợp là điều trị triệu chứng của bệnh là chính. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng lên và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy cần chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng đồng thời theo dõi những biểu hiện bất thường ở trẻ như sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn, tiêu chảy, các vết loét miệng, phỏng nước vùng bàn tay, bàn chân, gối, mông…
Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh. Do đó cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời xem thêm tại https://thaythuocvietnam.vn/
BV Ung Bướu Nghệ An