Thoái hóa cột sống cổ – bệnh rất thường gặp

Tại Việt Nam, thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý rất phổ biến. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như sai tư thế, tuổi cao, mang vác nặng, chấn thương… Do đó không chỉ gây ảnh hưởng tới khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày mà còn gây nên sự đau đớn khó chịu cho người bệnh. Trường hợp bệnh nặng còn có thể gây tàn phế.

Giải phẫu đốt sống cổ

Cột sống cổ có 7 đốt sống (C1-C7), trong đó: Giữa C1 và hộ sọ, C1 và C2 không có đĩa đệm giữa các khớp. Các đốt sống cổ kể từ C2 trở xuống liên kết với nhau bởi 3 khớp: Khớp đĩa đệm gian đốt; Khớp sống – sống (còn gọi là khớp mấu lồi đốt sống, khớp nhỏ); Khớp bán nguyệt

Lỗ tiếp hợp (còn gọi là lỗ ghép): Các lỗ liên hợp trong cột sống tạo thành lối đi cho các động mạch đưa máu lên não và hệ thần kinh.

Cột sống cổ là đoạn cột sống nâng đỡ ít khối lượng nhất trong các phần của cột sống của con người, nhưng các khớp ở đoạn này yếu và có biên độ cử động linh hoạt dễ dẫn đến thoái hóa, gây chèn ép thần kinh và mạch máu.

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ hay còn gọi là thoái hóa đốt sống cổ. Đây là bệnh lý mạn tính khá phổ biến. Bệnh tiến triển chậm và thường gặp ở người lớn tuổi. Hoặc liên quan nhiều đến vận động sai tư thế.

Thoái hóa cột sống cổ hay còn gọi là thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ hay còn gọi là thoái hóa đốt sống cổ 

Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa ở tất cả các đốt sống cổ, song thường gặp nhất là đoạn C5-C6-C7.

Những ai có nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ? 

Người từ 40-50 tuổi

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh thoái hóa đốt sống cổ là lão hóa. Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

Người mà công việc thường xuyên phải cử động nhiều vùng cổ

  • Các hoạt động liên quan đến công việc khiến cổ căng thẳng trong thời gian dài hoặc đội các vật nặng như: bốc vác, nhân viên văn phòng ngồi nhiều, lái xe….
  • Tư thế cổ không thoải mái trong thời gian dài hoặc lặp lại các chuyển động cổ giống nhau trong suốt cả ngày dẫn đến biến dạng đốt sống và cong vẹo.

Người có tiền sử chấn thương hoặc tai nạn vùng cổ

Những chấn thương này làm tổn thương mạch máu, thần kinh, đĩa đệm và đốt sống cổ dẫn đến sai lệch vị trí đốt sống cổ, đĩa đệm và giảm sự duỗi dưỡng cột sống cổ.

Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ khác như:

  • Yếu tố di truyền (tiền sử gia đình bị thoái hóa đốt sống cổ)
  • Hút thuốc: các chất động trong thuốc lá cản trở mô sụn sản xuất các chất liên kết cho xương và ngăn chặn quá trình hồi phục của xương.
  • Thừa cân và không vận động

Nguyên nhân nào dẫn tới thoái hóa cột sống cổ?

Do lão hóa của cơ thể

Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa của tổ chức sụn, khớp và quanh khớp như cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh… càng nhiều. Do vậy bệnh thoái hóa cột sống cổ hay gặp ở những người tuổi trung niên hay người già.

Do những thói quen sinh hoạt, làm việc

Cột sống cổ phải chịu áp lực quá tải: Các nguyên nhân dẫn tới cột sống cổ phải chịu áp lực lớn trong một thời gian dài dẫn tới thoái hóa, bao gồm:

  • Sai tư thế: Làm việc hoặc ngồi lâu một tư thế hoặc sai tư thế gây cong vẹo cột sống. Hay nằm ngủ gối đầu quá cao, tập luyện thể thao quá sức… là các nguyên nhân dẫn tới tình trạng thoái hóa cột sống cổ.
  • Mang vác nặng thường xuyên, nhất là những thợ phu hồ, thợ khuân vác… có nguy cơ cao mắc thoái hóa cột sống cổ.

Chấn thương:

Những chấn thương ở vùng cổ như sau tai nạn sinh hoạt, tai nạn nghề nghiệp… Nếu không được điều trị dứt điểm thì sau 1 thời gian kết hợp thêm quá trình vận động hằng ngày sẽ gây đau mỏi vai gáy, thoái hóa hóa cột sống cổ.

Khi bị thoái hóa đốt sống cổ biểu hiện như thế nào?

Biểu hiện của bệnh thoái hóa cột sống cổ rất đa dạng và dễ nhận biết.  Tùy theo vị trí và mức độ tổn thương mà có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời các biểu hiện của bệnh.

Các biểu hiện thoái hóa khớp

+ Đau: Trong thoái hóa cột sống cổ bệnh nhân có đau cột sống cổ kiểu cơ học. Cơn đau mạn tính âm ỉ hoặc diễn biến cấp tính. Tuy nhiên đều xuất hiện và tăng khi vận động, thay đổi tư thế, giảm khi nghỉ ngơi và về đêm. Đau tăng lên ở tư thế cổ thẳng hay cúi đầu kéo dài. Hoặc khi người bệnh mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng.

Đau cột sống cổ là biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ
Đau cột sống cổ là biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ (Ảnh internet)

+ Hạn chế vận động: Các động tác vận động cột sống cổ bị hạn chế như cúi đầu, ưỡn cổ hay quay đầu sang 2 bên.

+ Co cứng cơ cạnh sống: Người bệnh đau cột sống cổ có thể kèm theo co cứng các cơ cạnh cột sống. Thay đổi thời tiết đặc biệt bị nhiễm lạnh cũng làm tình trạng đau này nặng nề hơn.

Hội chứng rễ thần kinh cổ

Tùy theo vị trí rễ tổn thương ở một bên hoặc hai bên mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau thêm vùng gáy, đau quanh khớp vai. Hay đau sâu trong cơ xương, cảm giác nhức nhối khó chịu. Vị trí đau trên da tương ứng với vị trí thoát vị đĩa đệm.

Rối loạn cảm giác có đặc điểm chung của rễ. Đau tăng lên khi gắng sức khi ho. Khi nằm ngửa do áp lực dịch não tủy tăng lên cũng dẫn tới đau tăng, tới mức người bệnh không chịu nổi.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có biểu hiện rối loạn vận mạch (kiểu rối loạn thần kinh giao cảm). Một số ít trường hợp hiếm gặp kèm rối loạn dinh dưỡng như teo ô mô cái. Hoặc rối loạn phản xạ khác nhau tùy vị trí tổn thương. Như tổn thương C7 gây giảm phản xạ gân cơ tam đầu. Tổn thương C6 gây giảm phản xạ gân cơ nhị đầu.

Hội chứng động mạch đốt sống

Nguyên nhân do thoái hóa làm chèn ép vào mạch máu lên não. Biểu hiện người bệnh thiếu máu não, nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt.

Đau đầu chóng mặt cũng có thể là biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ
Đau đầu chóng mặt cũng có thể là biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ (Ảnh internet)

Các biểu hiện thường xảy ra vào buổi sáng. Có khi kèm chóng mặt, ù tai, hoa mắt, nhìn mờ. Hoặc một số trường hợp đau tai lan ra sau tai hoặc đau khi để đầu ở một tư thế nhất định.

Hội chứng ép tủy cổ

Hội chứng chèn ép tủy cổ gặp ở một số trường hợp có gai xương ở phía sau thân đốt chèn ép vào phần tủy trước. Bệnh nhân có dấu hiệu liệt cứng nửa người hoặc liệt cứng tứ chi tăng dần.

Hội chứng chèn ép tủy cổ là nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ
 Hội chứng chèn ép tủy cổ là nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ (Ảnh: Internet)

Tùy thuộc vào mức độ chèn ép và vị trí tổn thương. Kèm theo đó người bệnh đi lại khó khăn, dáng đi không vững.  Có thể yếu liệt chi đi cùng với teo cơ ngọn chi, dị cảm, tăng phản xạ gân xương.

Hội chứng giao cảm cổ Barre-Lieou

Biểu hiện của hội chứng giao cảm cổ này là người bệnh nhức đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt nhìn mờ. Có thể loạn cảm thành sau họng, nuốt vướng.

Biểu hiện khác

  • Người mắc thoái hóa cột sống cổ dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ và giảm khả năng làm việc. Tuy nhiên, các triệu chứng toàn thân như sốt, gầy sút cân, thiếu máu… không gặp ở bệnh lý thoái hóa khớp. Nếu có các dấu hiệu trên cần đi tìm nguyên nhân khác.
  • Các xét nghiệm phát hiện dấu hiệu viêm, bilan phospho, canxi thường ở trong giới hạn bình thường.

Như vậy ngoài những nguyên nhân như do tuổi cao lão hóa hay chấn thương tai nạn, cột sống cổ còn bị tổn thương thoái hóa bởi những hoạt động sinh hoạt thường ngày. Cho nên cần chú ý những tư thế hoạt động ảnh hưởng xấu tới cột sống cổ để có thể khắc phục.

Các phương pháp chẩn đoán thoái hoá cột sống cổ

Chụp X-quang

X-quang cột sống cổ có thể thấy mất đường cong sinh lí, gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp…

Chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ là phương pháp có giá trị nhất nhằm xác định chính xác vị trí rễ bị chèn ép. MRI còn cho thấy vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống…
  • Chụp CT-scan chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ.

Điện cơ

Điện cơ giúp phát hiện và đánh giá tổn thương của rễ thần kinh.

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ như thế nào?

Các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ với nguyên tắc điều trị tập trung vào việc giảm đau, giảm nguy cơ tổn thương vĩnh viễn và giúp bạn có một cuộc sống bình thường.

Phương pháp điều trị không phẫu thuật

Thay đổi lối sống, sinh hoạt

Một số thay đổi lối sống có thể làm giảm cơn đau và giúp gia tăng sự bền vững của các đốt sống cổ:

  • Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp cho những người có công việc đòi hỏi ngồi nhiều, khiến cổ căng thẳng: Nghỉ ngơi định kì giữa giờ làm việc, thực hiện các động tác luyện tập cổ.
  • Có tư thế làm việc, học tập đảm bảo các đốt sống cổ ở tư thế thẳng, phân bố đều lực lên các đốt sống.
  • Nghỉ ngơi, giữ ấm, tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột dẫn.

Sử dụng một số thuốc giảm đau

Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau:

  • Thuốc giảm đau: Paracetamol, Tramadol, một số loại opioids (morphine) với liều thấp nhất và ngắn ngày nếu không thể giảm đau bằng các loại trên.
  • Thuốc giãn cơ, chẳng hạn như cyclobenzaprine (Fexmid), để điều trị co thắt cơ giảm áp lực lên cột sống.
  • Thuốc chống động kinh, chẳng hạn như gabapentin (Neurontin), để giảm đau do tổn thương và chèn ép dây thần kinh.
  • Tiêm steroid, chẳng hạn như prednisone, để giảm viêm mô và sau đó giảm đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như diclofenac (Voltaren-XR), để giảm viêm và giảm đau.
  • Các vitamin nhóm B (B1, B6, B12), mecobalamin giúp gia tăng sự dẫn truyền của dây thần kinh.

Điều trị bằng liệu pháp nhiệt

Sử dụng sóng nhiệt, sóng siêu âm làm giảm đau, giảm viêm, tăng cường lưu thông máu và oxy, giãn cơ

Các bài tập và vật lý trị liệu

  • Sử dụng các nẹp cổ: giúp giảm áp lực lên đốt sống cổ nhưng về lâu dài làm yếu cột sống cổ.
  • Biện pháp kéo dãn đốt sống cổ: Có thể kéo dãn cột sống cổ song nên thực hiện với mức độ tăng dần từ từ.
  • Tập thể dục vùng cổ vai: là một phương pháp có tác dụng phòng tránh các cơn đau vùng cổ vai và làm giảm triệu chứng đau khi đang bị bệnh. Các bài tập này có tác dụng: tăng tầm vận động cột sống cổ, tăng sức mạnh các khối cơ vùng cổ, giúp tư thế cột sống cổ ở đúng trạng thái sinh lý, giảm đau và phòng tránh tái phát các bệnh lý cột sống cổ do thoái hóa.

Cụ thể những cách điều trị hiện nay là gì?

Xem thêm: Điều trị thoái hoá đốt sống cổ theo y học hiện đại

Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật

Các biện pháp phẫu thuật sẽ được sử dụng khi bệnh nhân có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng điều trị.

Phẫu thuật nhằm loại bỏ các gai xương, các bộ phận của xương cổ hoặc đĩa đệm thoát vị để cung cấp cho tủy sống và các dây thần kinh của bạn nhiều không gian hơn và giảm chèn ép.

Phòng tránh thoái hóa cột sống cổ như thế nào?

Căn cứ trên những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống,để ngăn ngừa thoái hóa cột sống ở người trẻ và làm chậm tiến triển của bệnh ở người già chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Xây dựng thời gian biểu với thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Không nên làm việc căng thẳng, giữ một tư thế trong thời gian dài. Giữa các khoảng thời gian làm việc nên có thời gian thư giãn,vận động nhẹ nhàng và xoa bóp vùng cổ gáy.
  • Không để cột sống cổ phải chịu áp lực quá tải trong thời gian dài. Cụ thể là không mang vác vật nặng bằng vai hoặc đầu.
  • Chú ý tư thế ngủ, nằm. Không nằm gối quá cao hay quá thấp, chuẩn bị đệm gối có độ mềm vừa phải tạo cảm giác thoải mái cho vùng cổ gáy.
  • Nếu công việc đòi hỏi bạn phải làm việc thường xuyên bên máy tính, hãy chuẩn bị bàn ghế với độ cao phù hợp với bản thân. Không để máy tính quá cao hoặc quá thấp sao cho tư thế ngồi thẳng và thoải mái nhất.
  • Cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn đủ canxi và vitamin D.
  • Thường xuyên hoạt động thể dục thể thao với cường độ hợp lý,phù hợp với thể trạng. Tránh chơi thể thao quá sức,tác động mạnh gây chấn thương.

Xem thêm: Tư thế nằm dành cho người thoái hoá đốt sống cổ

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận