Thông tin cần biết về bệnh viêm gan C
Theo ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hiện nay Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc viêm gan virus C mạn tính, chỉ đứng xếp sau viêm gan virus B . Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân có đồng nhiễm virus viêm gan C với HIV khá cao.
Nội dung bài viêt
Viêm gan virus C là gì?
Viêm gan virus C là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan C (Hepatis C Virus: HCV) gây ra. Chúng khiến các tế bào gan bị viêm và gây rối loạn chức năng gan. Bệnh có thể lây truyền bằng đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Bệnh thường diễn biến thầm lặng nên đa phần phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn mạn tính.
Viêm gan C là gì ?
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan virus C ?
Do nhiễm virus viêm gan C ( HCV), thuộc chi Hepacivirus, họ Flaviviridae. Vật chất di truyền của virus là RNA đơn sợi có kích thước nhỏ (55-65 nm), được bao bọc bởi một lớp vỏ capsid có chức năng bảo vệ hình dạng đa diện đều, ngoài cùng là lớp vỏ lipid có nguồn gốc của tế bào gan với 2 loại glycoprotein bề mặt là E1 và E2 gắn trên lớp vỏ ngoài lipid này. Có 6 kiểu gen chính của vi-rút viêm gan C (HCV), mỗi kiểu lại có một đáp ứng điều trị khác nhau. Kiểu gen 1 thường gặp hơn kiểu gen 2, 3, 4, 5, và 6; nó chiếm từ 70 đến 80% các ca viêm gan C mạn tính ở Hoa Kỳ.
Những con đường lây truyền viêm gan virus C
Đường máu
Do dùng chung kim tiêm với bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan C hoặc tai nạn nghề nghiệp khi nhân viên y tế không cẩn thận bị kim tiêm dùng cho bệnh nhân viêm gan C đâm trúng; do dùng chung các vật dụng cá nhân có thể gây trầy xước, chảy máu như dao cạo râu, kềm cắt móng tay, bàn chải đánh răng, cây lấy ráy tai, cây gãi lưng, dụng cụ cạo gió, lược chải đầu… hay xăm hình, bấm lỗ tai, châm cứu mà các vật dụng hành nghề chưa được xử lý vô trùng. Việc thực hiện các thủ thuật ở cơ sở y tế chui, không đáp ứng về vô khuẩn, chưa đươc cấp phép bởi Bộ Y Tế.
Đường tình dục
Quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến người lành bị nhiễm virus viêm gan C nếu đối tác bị bệnh. Trong quá trình quan hệ có thể gây ra xây xát ở cơ quan sinh dục và virus viêm gan C sẽ lây nhiễm qua đó. Đặc biệt giao hợp lúc có kinh nguyệt càng tăng tỷ lệ lây nhiễm.
Từ mẹ sang con
Có khoảng 5% trường hợp mẹ bị viêm gan C lây truyền qua cho con. Trong quá trình sinh nở, khi nhau thai bị bong ra sẽ có hiện tượng hoà lẫn máu mẹ với con và virus viêm gan C sẽ theo đường nhau thai . Dù bệnh nhân sinh mổ hay sinh thường đều có nguy cơ lây nhiễm cho em bé như nhau.
Biểu hiện khi nhiễm viêm gan virus C là gì ?
Phần lớn người nhiễm HCV không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan. Đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ,…
Có thể có các biểu hiện ngoài gan như: đau khớp, viêm khớp, viêm da, tóc dễ gãy rụng, cryoglobulinemia (globulin lạnh trong máu), đau cơ, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng, …
Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan virus C
Các Marker virus
Anti-HCV: đây là xét nghiệm đầu tiên giúp phát hiện virus viêm gan C. Anti-HCV dương tính trong các trường hợp đã hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan C . Trong giải đoạn sớm của viêm gan vi rút C cấp có thể cho kết quả anti- HCV âm tính giả. Đặc biệt trong một số trường hợp bệnh nhân có suy giảm miễn dịch nặng như bị nhiễm HIV, người chạy thận nhân tạo, người điều trị các thuốc ức chế miễn dịch có thể có anti-HCV âm tính .
Định lượng nồng độ virus
Nếu HCV RNA định tính cho kết quả dương tính hoặc định lượng nồng độ của virus viêm gan C trên ngưỡng phát hiện thì chứng tỏ bệnh nhân bị nhiễm HCV. Trong trường hợp không làm được HCV RNA thì cho làm HCVcAg (HCV core Antigen), nếu kết quả dương tính thì xác định bệnh nhân nhiễm HCV.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu trong chẩn đoán viêm gan C
Men gan
GOT, GPT và GGT có thể bình thường hoặc tăng
Bilirubin
Có thể tăng tùy mức độ năng của viêm gan, xơ gan
Albumin, Protein
Có thể bình thường hoặc giảm. Trong giai đoạn viêm gan thì 2 chỉ số này thường ở giới hạn bình thường, nhưng khi có xơ gan sẽ giảm và mức độ giảm phụ thuộc vào mức độ xơ gan.
Thời gian Prothrombin
Thường kéo dài và số lượng tiểu cầu thường giảm.
Siêu âm
Trên siêu âm giúp thấy được mật độ, kích thước gan cũng như bờ của gan.
Đo độ đàn hồi gan
Là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, có độ chính xác cao trong xác định xơ hóa gan.
Điều trị viêm gan C
Viêm gan C có thể chữa khỏi được không?
Viêm gan C hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị. Khoảng 20-50% trường hợp bệnh nhân nhiễm viêm gan C cấp có thể tự khỏi bệnh. Viêm gan C mạn tính có cơ may khỏi bệnh rất hiếm nếu không điều trị
Tuy nhiên, để điều trị khỏi thì việc tuân thủ điều trị là hết sức quan trọng, nghĩa là phải dùng thuốc đúng liều lượng vào đúng thời gian quy định.
Điều trị viêm gan virus C cấp
Điều trị hỗ trợ
Chế độ nghỉ ngơi: cho bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh làm việc nặng hoặc gắng sức trong thời kỳ có biểu hiện lâm sàng.
Chế độ ăn uống: giảm bớt chất béo, kiêng rượu bia, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi để bổ sung khoáng chất và vitamin cần thiết. Cho nuôi dưỡng tạm thời bằng đường tĩnh mạch khi bệnh nhân bị nôn nhiều hoặc không ăn uống được.
Tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.
Điều trị hỗ trợ các triệu chứng như dùng chẹn beta không chọn lọc (propranolol hay nadolol) để phòng ngừa tình trạng tăng áp tĩnh mạch thực quản gây vỡ tĩnh mạch thực quản, nôn thì dùng thuốc chống nôn, đau bụng dùng thuốc giảm co, giảm đau, chọc hút dịch báng bụng kết hợp bù Albumin và lợi tiểu khi có cổ trướng nặng gây khó thở,…
Điều trị đặc hiệu
Sử dụng thuốc đặc hiệu trong điều trị viêm gan C
Điều trị sofosbuvir 400mg /velpatasvir 100mg hoặc glecaprevir 300mg /pibrentasvir 120mg ngày một viên phối hợp uống 1 lần trong thời gian 8 tuần.
Đến tuần thứ 12 sau khi điều trị , cho bệnh nhân xét nghiệm lại tải lượng virus viêm gan C xem có đạt dưới ngưỡng phát hiện hay không.
Điều trị viêm gan C mạn
Mục tiêu điều trị
- Nhằm loại bỏ HCV ra khỏi cơ thể người bệnh , tức là bệnh nhân có tải lượng virus viêm gan C dưới ngưỡng phát hiện.
- Giúp ngăn ngừa viêm gan virus C tiến triển thành xơ gan, ung thư gan, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.
- Giúp ngăn chặn tình trạng lây lan virus viêm gan C trong cộng đồng.
Chỉ định
Người bệnh được chẩn đoán viêm gan virus C mạn
- Có thời gian nhiễm virus viêm gan C hơn 6 tháng
- Có thể có hoặc không có biểu hiện lâm sàng đi kèm
- Có kết quả Anti- HCV dương tính và HCV RNA dương tính hoặc HCV core-Ag dương tính.
- Không có/hoặc có biến chứng xơ gan kèm theo.
- Người bệnh được chẩn đoán viêm gan vi rút C mạn khi có anti-HCV dương tính và HCV RNA dương tính hoặc tải lượng HCV RNA trên ngưỡng phát hiện hoặc HCVcAg dương tính.
Chống chỉ định
Đối với phác đồ có các thuốc kháng vi rút trực tiếp (Direct Acting Antivirals: DAA): Trẻ em dưới 3 tuổi.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú
- Xem xét kỹ các thuốc có tương tác với DAA để tránh việc sử dụng chúng sẽ gây nhiều tác dụng phụ
Đối với phác đồ có ribavirin (RBV):
- Bệnh nhân có tình trạng quá mẫn với với RBV.
- Có thiếu máu (hemoglobin <8,5 g/dL) hoặc mắc các bệnh về máu bẩm sinh như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc thalassemia.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc không muốn dùng các biện pháp tránh thai, phụ nữ đang cho con bú, nam giới có bạn tình đang mang thai.
Chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng cho người viêm gan C
Chế dộ nghỉ ngơi: nghỉ ngơi hoàn toàn trong đợt cấp. Tránh hoạt động quá nặng trong đợt điều trị bệnh.
Chế độ dinh dưỡng: không sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia. Hạn chế ăn đồ nóng, nhiều muối đường, nhiều dầu mỡ, đặc biệt mỡ và nội tạng động vật Ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các loại rau quả giàu chất chống oxy hoá. Uống sữa hoặc dùng các sản phẩm từ sữa.
Phòng bệnh viêm gan C như thế nào?
- Không dùng chung bơm tiêm hay dùng chung vật dụng cá nhân. Thận trọng khi tiếp xúc với máu và các chế phẩm máu.
- Cân nhắc kĩ trước khi xăm mình, xỏ khuyên. Phải lựa chọn cơ sở uy tín có quy trình đảm bảo an toàn.
- Quan hệ tình dục an toàn, dùng bao cao su khi quan hệ để tránh lây nhiễm bệnh. Sinh hoạt chế độ một vợ một chồng.
- Không thực hiện các thủ thuật ở cơ sở y tế chui, chưa được Bộ hay Sở Y Tế cấp phép hoạt động.
- Khám sức khoẻ định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.
BS.Mỹ Linh