Thông tin tổng quan về bệnh cảm cúm theo mùa (cúm mùa)
Bệnh cảm cúm theo mùa (còn được gọi là cúm mùa) là một căn bệnh do virus gây ra và có thể lây lan khá nhanh. Virus gây bệnh cảm cúm dễ dàng tấn công hệ hô hấp (mũi, cổ họng và phổi) và gây ra các triệu chứng khó chịu. Tuy tỉ lệ mắc bệnh hằng năm rất cao nhưng đây là bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa và điều trị. Để hiểu rõ hơn về bệnh cảm cúm, chúng ta hãy cùng nhau theo dõi những thông tin dưới đây.
- Cảm cúm là bệnh mà mỗi người thường gặp ít nhất 1 lần/năm
Nội dung bài viêt
Bệnh cúm là gì?
Bệnh cảm cúm theo mùa (cúm mùa) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Virus gây bệnh sẽ tấn công các cơ quan hô hấp của cơ thể và gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Cúm mùa có thể lây lan nhanh chóng trong từ người sang người trong các giao tiếp hằng ngày. Chính vì thế, cúm có thể trở thành đại dịch nếu công tác phòng và trị bệnh không được tiến hành. Các chuyên gia y tế trong nước và trên thế giới liên tục đưa ra cảnh báo về việc dịch cúm có thể bùng phát và diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong mùa đông và mùa xuân.
Nguyên nhân gây bệnh cúm?
Bệnh cảm cúm theo mùa được gây ra bởi virus cúm – Influenza virus. Tại Việt Nam, bệnh cảm cúm thường do virus chủng A, B, C gây ra, trong đó chủng A và B hay gặp nhất ở người. Tuy nhiên, virus này có rất nhiều chủng khác nhau và liên tục biến thể để tạo ra các chủng mới. Vậy virus cúm này tạo thành chủng mới như thế nào?
- Virus cúm chính là tác nhân gây ra bệnh cảm cúm
Bản chất của vỏ virus là glycoprotein, gồm 2 loại kháng nguyên liên tục biến đổi:
- Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) gồm15 loại
- Kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase) gồm 9 loại
Tổ hợp của các kháng nguyên này sắp xếp khác nhau sẽ tạo nên các phân typ khác nhau của virus cúm chủng A. Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là “trôi” kháng nguyên sẽ gây nên các đợt dịch cúm vừa và nhỏ. Những biến đổi nhỏ dần dần tích tụ lại thành biến đổi lớn, tạo nên những phân typ kháng nguyên mới. Nguy hiểm hơn, nếu đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người thì sẽ gây nên đại dịch cúm trên toàn cầu. Trong lịch sử đã từng ghi nhận một đại dịch cúm gây tổn thất nặng nề về người là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Đại dịch này cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới và để lại hậu quả nặng nề trong suốt thế kỷ XX.
Triệu chứng khi nhiễm cúm là gì
Khi nhiễm virus cúm, người bệnh thường xuất hiện một số triệu chứng khó chịu như sốt cao, đau đầu, đau cơ bắp, ho, mệt mỏi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, nôn, … Các triệu chứng này khá tương đồng với bệnh cảm lạnh nên một số người có thể bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, bệnh cảm cúm diễn biến nhanh hơn bệnh cảm lạnh.
- Các triệu chứng thường gặp khi bị bệnh cảm cúm (cúm mùa)
Khi bị cảm cúm, người bệnh nên chú ý một số điều sau đây:
- Uống nhiều nước ấm, nước trái cây, cháo hoặc súp nóng để tránh mất nước
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục
- Nghỉ ngơi đầy đủ và hợp lý ở nơi thoáng mát, tránh gió
- Hạn chế tới chỗ đông người, đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người, nơi công cộng
- Che miệng khi ho, hắt hơi để tránh lây lan virus cho người khác
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn
- Nếu trẻ bị cảm cúm, cha mẹ nên cho bé nghỉ học ở nhà để tránh lây cho những trẻ khác
- Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 5-7 ngày điều trị, cần đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ điều trị
Điều trị cúm như thế nào?
Khi nhiễm virus cúm, người bệnh có thể được điều trị bằng các biện pháp sau:
Điều trị triệu chứng
Các triệu chứng như đau mỏi, sốt, ho..trên bệnh nhân có thể sử dụng các biện pháp dân gian để giảm nhanh các tình trạng này:
- Dùng quất hấp mật ong hoặc chanh đào ngâm mật ong để trị ho, giảm đau rát cổ
- Ăn cháo tía tô hoặc uống nước sắc tía tô
- Trị ho bằng chanh đào ngâm với mật ong là cách làm rất đơn giản và hiệu quả
- Lau người liên tục với nước ấm để hạ sốt
- Uống nước lá diếp cá hoặc nước lá nhọ nồi để hạ sốt
- Xông hơi bằng nước lá hương nhu, sài đất, ngải cứu, …
Điều trị đặc hiệu
Một số loại thuốc thường được các bác sĩ chỉ định để giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm:
- Oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza)
- Thuốc giảm đau không kê đơn (acetaminophen, ibuprofen).
- Thuốc trị ho
- Thuốc hạ sốt (dạng viên uống, viên sủi hoặc nhét hậu môn)
Phòng bệnh cúm như thế nào?
Bệnh cảm cúm có thể lây từ người sang người theo đường dịch tiết cơ thể như nước bọt, nước mũi, chất thải, … Vì vậy, để tránh bị lây bệnh, chúng ta nên chú ý một số biện pháp phòng bệnh như sau:
- Tiêm vaccine phòng bệnh cúm
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và người nghi nhiễm bệnh
- Đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn
- Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi ở, nơi làm việc
- Thường xuyên vệ sinh các bề mặt như tay nắm cửa, bàn phím máy tính, … bằng dung dịch sát khuẩn
Bệnh cảm cúm (cúm mùa) là bệnh thường gặp hằng năm và có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe nếu như không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.