Thuốc Insulin trong điều trị đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) chắc hẳn không còn là căn bệnh xa lạ với mọi người khi nhắc tới, đó là một trong những bệnh rối loạn chuyển hóa phổ biến nhất hiện nay với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cao. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính phối hợp với rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid, protid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan như tim, thận, thần kinh,.. Hiện nay, với sự tiến bộ y học, có rất nhiều thuốc giảm đường huyết thế hệ mới được ra đời. Một trong những loại thuốc kinh điển không thể không nói tới khi nhắc về điều trị đái tháo đường đó là insulin. Vậy thuốc insulin là gì, có những loại thuốc insulin nào, tác dụng của thuốc là gì, cùng một số thông tin, lưu ý khác như thế nào thì cùng tham khảo bài viết sau đây.

Thuốc Insulin là gì, nguồn gốc?

  • Thuốc Insulin là thuốc điều trị đái tháo đường, có tác dụng hạ đường máu mạnh nhất.
  • Thuốc insulin có thể là chế phẩm insulin người được tổng hợp bằng phương pháp tái tổ hợp DNA, rất tinh khiết, ít gây dị ứng và đề kháng do miễn dịch.
  • Hoặc chế phẩm cũng được tổng hợp bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA, nhưng có thay đổi cấu trúc so với insulin người bằng cách thay thế một vài acid amin hoặc gắn thêm chuỗi polypeptid để thay đổi tác dụng ngắn hơn hoặc dài hơn insulin thường ( Insulin analog).
  • Hay có các chế phẩm có nguồn gốc động vật được chiết xuất từ tụy lợn, bò, nhược điểm là rất dễ gây dị ứng và hiệu quả tác dụng không cao nên đã không được sản xuất và ngừng sử dụng ở nhiều nước ( insulin bò và lợn).
Thuốc tiêm Insulin

Thuốc tiêm Insulin

Cơ chế tác dụng của thuốc tiêm Insulin

Trên cơ thể bình thường, lượng insulin được tế bào tuyến tụy tiết ra liên tục với các nồng độ thay đổi tùy thuộc vào lượng đường, lượng thức ăn mà ta nạp vào phù hợp với cơ thể. Có vai trò làm giảm đường huyết thông qua cơ chế tăng khả năng sử dụng đường của các tế bào, đặc biệt là tế bào cơ. Bên cạnh đó, insulin còn có tác dụng giảm sinh glucose máu từ các acid amin, tăng tổng hợp và dự trữ glycogen ở gan và cơ.

Trên những bệnh nhân bị đái tháo đường, vì một lý do nào đó mà cơ thể giảm sản xuất insulin hay kháng lại insulin làm lượng đường trong máu tăng lên, phải cần tiêm thuốc Insulin, một hoạt chất tương tự insulin được sản xuất bằng công nghệ sinh học. Sau khi thuốc vào cơ thể, nó có tác dụng làm giảm nồng độ đường huyết tương tự như Insulin sinh lý mà cơ thể tiết ra.

Chỉ định, chống chỉ định khi dùng thuốc tiêm insulin

Thuốc tiêm Insulin được chỉ định trong các trường hợp:

  • Tiểu đường phụ thuộc insulin tuýp 1, tiểu đường thai kỳ, tiểu đường tuýp 2 (khi thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc không hiệu quả)
  • HbA1c > 10,0% ( hoặc HbA1c > 9,0% theo hướng dẫn của Bộ Y tế 2021), giá trị đường huyết > 300mg/dL hoặc có triệu chứng rõ như ceton niệu,…
  • Những bệnh nhân đái tháo đường đang mắc một bệnh cấp tính khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nhiễm khuẩn nặng,.. hoặc trong tình trạng cấp cứu tăng đường huyết như hôn mê tăng đường huyết,..
  • Các bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận có chống chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết dạng uống.
  • Các thuốc hạ đường huyết dạng uống không hiệu quả, không đáp ứng hay bệnh nhân dị ứng với các thuốc hạ đường huyết dạng uống.

Thuốc tiêm Insulin được chống chỉ định cho những bệnh nhân dị ứng với các thành phần có trong thuốc, các trường hợp hạ đường huyết.

Phân loại thuốc tiêm Insulin, các dạng và hàm lượng

Có nhiều cách phân loại Insulin nhưng để dễ sử dụng, lựa chọn điều trị thường dựa vào thời gian tác dụng của thuốc tiêm insulin chia thành các loại:

  • Insulin tác dụng nhanh, ngắn: bao gồm các loại insulin analog tác dụng nhanh như Aspart, Lispro, Glulisine. Sau khi tiêm dưới da, thuốc hấp thu có tác dụng nhanh khoảng từ 5-10 phút và đạt đỉnh sau 1 giờ, kéo dài tác dụng khoảng 4 giờ, thường sử dụng trước các bữa ăn.
  • Insulin tác dụng trung bình, trung gian: insulin NPH thời gian tác dụng sau 2-4 giờ, kéo dài khoảng từ 10-20 giờ, thường cần tiêm 2 lần một ngày để đạt hiệu quả kéo dài.
  • Insulin tác dụng chậm, kéo dài như Insulin analog detemir, Glargine, Degludec
  • Insulin trộn, hỗn hợp: insulin trộn sẵn gồm tác dụng nhanh và tác dụng dài trong một lọ hoặc một bút tiêm, có tác dụng nhanh để chuyển hóa carbohydrate trong bữa ăn và tạo nồng độ insulin nền giữa các bữa ăn.

Insulin người có tác dụng 30 phút sau tiêm dưới da, kéo dài 5-7 giờ với liều thông thường.

Các loại như:

  • 70% insulin isophane/ 30% insulin hòa tan
  • 50% insulin Aspart Protamine/ 50% insulin Aspart hòa tan

Hiện nay trên thị trường insulin có 2 dạng bào chế thường dùng nhất: lọ và bút tiêm

  • Mỗi lọ insulin có 10mL với các hàm lượng khác nhau. Thường có 2 loại là 40 UI/mL (một lọ 10mL có 400 đơn vị) và 100IU/mL ( một lọ 10mL có 1000 đơn vị).
  • Loại bút tiêm insulin dùng cho human insulin, insulin analog, mỗi bút có 300 đơn vị hoặc 450 đơn vị.
Phân loại thuốc tiêm Insulin

Phân loại thuốc tiêm Insulin

Liều lượng và cách sử dụng Insulin

Liệu pháp insulin được thực hiện tại bệnh viện giai đoạn đầu. Liều lượng được thầy thuốc quyết định tình trạng của từng người bệnh và phải được điều chỉnh theo kết quả theo dõi nồng độ đường máu đều đặn.

Insulin được dùng đường tiêm dưới da, vị trí tiêm là ở bụng, phần trên cánh tay, đùi. Dùng tiêm, truyền tĩnh mạch cho các trường hợp cấp cứu ví dụ như cấp cứu hôn mê do nhiễm toan ceton,..

Liều khởi đầu thông thường ở người lớn có biểu hiện thiếu insulin nặng khi chỉ điều trị bằng insulin là 0.25-0.5 đơn vị/kg cân nặng/ngày. Điều chỉnh liều mỗi 3-4 ngày để đạt được mức đường huyết lý tưởng nhất.

Đối với người lớn

Khi bắt đầu dùng insulin nền, liều ban đầu là 10 đơn vị/ngày hoặc 0,1- 0,2 đơn vị/kg/ngày, chỉnh liều 10-15% hoặc 2-4 đơn vị một hoặc hai lần mỗi tuần cho đến khi đạt được mục tiêu đường huyết lúc đói.

Với insulin trộn, hỗn hợp:

  • Nếu dùng 1 lần/ ngày thì liều ban đầu 12 UI vào bữa tối, hoặc dùng 2 lần/ngày liều được khuyên dùng là 6 UI vào buổi sáng và 6 UI vào buổi tối.
  • Tiếp tục điều chỉnh liều 1-2 lần mỗi tuần để có mức đường huyết lý tưởng.

Đối với trẻ em

Liều khởi đấu với insulin nền là 0,5 UI/kg/ngày và điều chỉnh liều mỗi 2-3 ngày dựa trên mức đường huyết theo dõi hằng ngày để đạt được mục tiêu điều trị.

Đối với phụ nữ mang thai

Insulin là thuốc ưu tiên sử dụng để kiểm soát đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2, chỉ định sau khi thay đổi lối sống và chế độ ăn cho người tiểu đường mà không đạt được mục tiêu đường huyết thì:

  • Nếu chỉ tăng đường huyết lúc đói buổi sáng chỉ cần dùng insulin nền ( NPH hoặc detemir) với liều ban đầu 0,05- 0,1 UI/kg/ngày, tăng liều 1-2 UI mỗi 2-3 ngày khi đạt được đường huyết mục tiêu.
  • Dùng insulin tác dụng nhanh( aspart, lispro,..) khi chỉ tăng đường huyết sau ăn với liều khởi đầu 0,05 -0,1 UI/kg/bữa ăn, điều chỉnh liều mỗi 2-3 ngày.
  • Trường hợp tăng cả đường huyết lúc đói buổi sáng và sau bữa ăn thì dùng phối hợp 2 loại insulin nền- nhanh.

Trên đây chỉ là liều tham khảo được khuyến cáo cho bệnh nhân, mỗi bệnh nhân có một phác đồ riêng, một thuốc điều trị khác nhau. Để có được hiệu quả điều trị cao cũng như hạn chế tác dụng không mong muốn thì mỗi bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ, xác định yếu tố nguy cơ cùng các bệnh lý, biến chứng kèm theo để xác định liều chính xác cho từng cá thể.

Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc tiêm insulin và xử trí

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc tiêm insulin là hạ đường huyết. Gặp khi dùng quá liều, bỏ bữa hoặc ăn muộn sau khi tiêm insulin,… Triệu chứng giúp bệnh nhân cũng như người nhà phát hiện được sớm đó là hoa mắt, chóng mặt, bồn chồn, vã mồ hôi,.. nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê, co giật.

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đo đường máu mao mạch ngay (nếu có máy) và ăn 1-2 viên đường ( hoặc 1 miếng bánh ngọt hoặc 1 ly sữa,..). Các trường hợp nặng, mức đường huyết xuống quá thấp, xuất hiện hôn mê, co giật phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Teo mô mỡ hoặc phì đại mô mỡ ( Loạn dưỡng mô mỡ) là tác dụng phụ hay gặp, thường xảy ra ở các vị trí tiêm insulin lâu ngày, phòng ngừa bằng cách luân chuyển vị trí tiêm.

Ngoài ra, một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi tiêm thuốc insulin như dị ứng, tăng cân, kháng insulin,..

Vì thế khi sử dụng thuốc tiêm insulin chúng ta nên cẩn trọng, tuân thủ phác đồ, hướng dẫn của bác sĩ, biết cách tự theo dõi đường huyết cũng như nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ, tác dụng không  mong muốn của thuốc để xử lý kịp thời.

Dược liệu có tác dụng trong điều trị tiểu đường

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận