Thuốc Nitroglycerin điều trị đau thắt ngực và lưu ý khi sử dụng
Nitroglycerin là thuốc điều trị cơn đau thắt ngực đầu bảng được các bác sĩ tim mạch lựa chọn. Vậy Nitroglycerin có công dụng, cách dùng như thế nào? Khi dùng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ gì và cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc Nitroglycerin. Hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu về thuốc Nitroglycerin trong bài viết dưới đây.
- Thuốc Nitroglycerin điều trị đau thắt ngực
Nội dung bài viêt
1. Thuốc Nitroglycerin là gì?
Nitroglycerin hay glycerin trinitrat, nitroglycerine, trinitroglycerin, 1,2,3-trinitroxypropane là thuốc điều trị đau thắt ngực nhóm nitrat.
Khi được đưa vào cơ thể, Nitroglycerin được chuyển hóa thành oxit nitric (NO). NO có tác dụng làm giãn mạch, giúp máu trong lòng mạch lưu thông dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp giảm triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành. Ngoài ra, Nitroglycerin cũng làm giãn các động mạch, tĩnh mạch giúp giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho tim, đặc biệt có lợi cho người bệnh suy tim.
Nitroglycerin thường được chỉ định để điều trị đau thắt ngực và các bệnh lý như suy tim, tăng huyết áp. Thuốc được bào chế trong nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên nang, viên đặt dưới lưỡi, thuốc xịt, dung dịch truyền tĩnh mạch, thuốc bôi với các biệt dược khác nhau như Nitromint, Nitrostad, Nitralmyl…
Giá thuốc Nitroglycerin thường rơi vào khoảng từ 100.000 – 200.000 đồng tùy theo công ty sản xuất, dạng, hàm lượng (2,5 mg, 2.6mg, 10mg/10ml, 5mg/5ml…)
2. Hướng dẫn sử dụng Nitroglycerin an toàn
Để sử dụng thuốc Nitroglycerin hiệu quả và an toàn, người bệnh cần dùng thuốc đúng liều bác sĩ đã kê đơn. Khi dùng thuốc người bệnh ngồi hoặc nằm xuống để hạn chế nguy cơ hạ huyết áp đột ngột.
Mỗi dạng thuốc Nitroglycerin sẽ có cách dùng khác nhau. Dưới đây là cách dùng của 2 dạng Nitroglycerin phổ biến nhất.
Cách dùng Nitroglycerin giải phóng nhanh
Đại diện điển hình là Nitroglycerin dạng xịt (Nitromint khí dung, natispray, lenitral spray, nitroglycerin spray), nitroglycerin ngậm dưới lưỡi. Dạng này được sử dụng ngay khi có dấu hiệu dự báo cơn đau thắt ngực. Mục đích là cắt nhanh cơn đau thắt ngực trước khi chúng trở nên trầm trọng hơn gây cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm tính mạng.
- Nitroglycerin ngậm dưới lưỡi: Đặt 1 viên thuốc dưới lưỡi, sau 5 phút lại ngậm thêm 1 viên đến khi cắt cơn đau. Tối đa không quá 3 lần trong 15 phút. Nếu sau 15 phút, cơn đau không có dấu hiệu giảm cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý. Không được nhai hay nuốt thuốc, chỉ được ngậm thuốc cho đến khi tan.
- Nitroglycerin dạng xịt: xịt 1-2 lần dưới lưỡi rồi giữ tư thế miệng ngậm không nuốt, không xúc miệng trong 10 phút. Nếu vẫn thấy đau thắt ngực, có thể lặp lại xịt thuốc trong vòng 5 phút nhưng tối đa 3 lần trong vòng 15 phút. Trong vòng 15 phút này, nên gọi cấp cứu hoặc nhờ người thân đưa tới bệnh viện.
Trong hai loại Nitroglycerin giải phóng nhanh kể trên, Nitroglycerin dạng xịt thường được sử dụng hơn cả do có các ưu điểm:
- Dễ bảo quản, ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và ánh sáng
- Thời hạn sử dụng lên đến 2 năm.
- Có thể được sử dụng trước khi vận động mạnh để dự phòng cơn đau thắt ngực.
Cách dùng Nitroglycerin giải phóng chậm
Với các thuốc Nitroglycerin giải phóng chậm (viên nén, viên nang) dùng hàng ngày, bạn cần uống thuốc tại thời điểm nhất định trong ngày, không tự ý thay đổi thời gian uống thuốc. Hãy nuốt nguyên viên thuốc, không nhai hay nghiền vỡ thuốc.
Nếu quên một liều thuốc, bạn cần dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời điểm nhớ ra quá gần với thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống thuốc tiếp theo lịch hằng ngày.
- Sử dụng Nitroglycerin như thế nào cho an toàn
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Nitroglycerin
Trước, trong và sau khi sử dụng Nitroglycerin cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người cao tuổi, trẻ em, người suy gan, suy thận, suy tuyến giáp, suy dinh dưỡng cần thận trọng và tham vấn ý kiến các chuyên gia trước khi sử dụng Nitroglycerin.
- Chống chỉ định Nitroglycerin với người bệnh có tiền sử dị ứng với các thuốc nhóm Nitrat, người bệnh nhồi máu cơ tim thất phải, viêm màng ngoài tim co thắt, hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, huyết áp thấp, thiếu máu nặng, trụy tim mạch, tăng áp lực nội sọ do chấn thương đầu hoặc xuất huyết não, tăng nhãn áp đóng góc.
- Nitroglycerin có thể tương tác với một số loại thuốc khác như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn canxi, thuốc lợi tiểu, aspirin, ergotamin, heparin, thuốc điều trị rối loạn cương dương… Nếu sử dụng các thuốc này, bạn cần thông báo với bác sĩ để có chỉ định phù hợp.
- Sử dụng thuốc Nitroglycerin trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng nhờn thuốc. Do đó, hãy theo dõi hiệu quả của thuốc và thông báo với bác sĩ để có phương án điều chỉnh phù hợp.
- Khi tăng liều Nitroglycerin cần tăng từ từ để tránh nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng và đau đầu.
- Không đổi hay dừng thuốc đột ngột khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn
- Theo dõi sức khỏe định kỳ (đo huyết áp, xét nghiệm máu,…) trong thời gian sử dụng Nitroglycerin để đảm bảo khả năng đáp ứng điều trị và các dấu hiệu bất thường của cơ thể khi sử dụng thuốc.
- Không uống rượu, bia, hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích trong thời gian dùng Nitroglycerin.
- Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Nitroglycerin
Xem thêm
Simvastatin: Cách dùng và lưu ý cần nhớ để tránh tác dụng phụ
4. Tác dụng phụ của Nitroglycerin và cách xử lý
Giãn mạch máu là tác dụng chính của Nitroglycerin. Tuy nhiên khi mạch máu giãn quá mức, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn. Dưới đây là một số tác dụng phụ của Nitroglycerin và cách xử lý khi gặp các tác dụng phụ này:
- Giãn mạch máu não: Triệu chứng nhận biết là đau đầu, buồn nôn… Khi gặp các biểu hiện này, người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ, có thể sử dụng paracetamol 500mg để giảm đau.
- Giãn mạch máu ngoại vi: Biểu hiện điển hình là đỏ bừng mặt, hạ huyết áp tư thế, chóng mặt… Khi này, hãy ngồi hoặc nằm xuống và hít thở sâu, các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau vài phút.
- Dị ứng, đau thắt ngực trở nặng, khó thở, đánh trống ngực, cảm giác sắp ngất, nhịp thở bất thường, tay chân tím tái, môi tím, choáng, cảm giác sắp ngất. Đây là các dấu hiệu bạn đang gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc điều trị cơn đau thắt ngực Nitroglycerin. Sử dụng thuốc đúng cách giúp hạn chế nguy cơ nhờn thuốc và các tác dụng phụ của thuốc. Thế nhưng đừng quên kết hợp với chế độ ăn khoa học và các giải pháp hỗ trợ không dùng thuốc khác để ngăn chặn cơn đau thắt ngực và kiểm soát bệnh dài lâu hơn.
BS. Vũ Thị Anh Đào
Link tham khảo
https://www.drugs.com/mtm/nitroglycerin-oral-sublingual.html
https://www.webmd.com/drugs/2/drug-18030/nitroglycerin-oral/details
https://www.healthline.com/health/nitroglycerin-sublingual-tablet
https://go.drugbank.com/drugs/DB00727