Các tật khúc xạ
Tật khúc xạ là hiện tượng rối loạn mắt phổ biến, xảy ra khi mắt không thể nhìn thấy rõ ràng hình ảnh, sự vật xung quanh, sẽ cho ra hình ảnh mờ, không rõ nét và đôi khi bị bóng đôi. Các loại tật khúc xạ thường gặp là: cận thị, viễn thị và loạn thị. Theo thống kê ở Việt Nam, có 15-30% dân số mắc tật khúc xạ.
Cận thị là mắt không nhìn thấy rõ các vật ở xa, khi hình ảnh rơi ở trước võng mạc. Cận thị thường xảy ra ở lứa tuổi đi học hay còn gọi là cận thị học đường. Khắc phục tình trạng cận thị bằng sử dụng thấu kính phân kỳ hoặc kính (-) (là thấu kính có rìa dày hơn phần tâm) đưa ảnh từ trước võng mạc về đúng trên võng mạc. Ngược lại, viễn thị hình ảnh rơi ra sau võng mạc, mắt không nhìn thấy rõ các vật ở gần. Điều trị viễn thị bằng cách sử dụng thấu kính hội tụ, đưa ảnh từ sau võng mạc về đúng trên võng mạc. Loạn thị là khi giác mạc có độ cong không đều nhau ở các hướng kinh tuyến dẫn tới nhìn hình ảnh xung quanh đều bị mờ hoặc méo mó. Loạn thị thường do bẩm sinh. Sử dụng thấu kính trụ hoặc thấu kính loạn thị có tác dụng quang học khác nhau ở các kinh tuyến khác nhau để chỉnh lại sự bất đồng về công suất giữa các kinh tuyến gây ra bởi sự cong không đều giữa các kinh tuyến trên giác mạc cho những người mắc chứng loạn thị. Đối với người trung niên (từ 40 tuổi trở lên), khi cơ thể bắt đầu lão hóa, sẽ xuất hiện hiện tượng lão thị ở mắt. Khi có vấn đề về thu nhận hình ảnh của thị giác, cần tới các bác sỹ nhãn khoa để thăm khám và có phương hướng xử lý đúng.
Ths Trần Hoài Long
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Nguồn: Nội khoa Việt Nam