Điều trị xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là máu thoát ra khỏi lòng mạch xuất phát từ các mạch máu trên đường ống tiêu hóa, biểu hiện dưới 2 hình thức nôn máu hoặc tiêu máu. Đây là một cấp cứu tiêu hóa vừa mang tính nội khoa vừa mang tính chất ngoại khoa. Góc tá hỗng tràng ( góc Treitz) là mốc để phân chia xuất huyết tiêu hóa trên ( từ miệng tới góc tá hỗng tràng ) và xuất huyết tiêu hóa dưới nếu chảy máu dưới góc Treitz. Khi tiếp cận bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa ( nôn máu, đi ngoài ra máu hoặc phân đen) cần xác nhận lại có thực sự là xuất huyết tiêu hóa hay không, xuất huyết tiêu hóa trên hay dưới, mức độ xuất huyết, diễn biến, nguyên nhân và các bệnh lý phối hợp. Mức đọ xuất huyết tiêu hóa được đánh giá qua nhiều tiêu chí khác nhau chia làm 3 độ từ độ I đến độ III.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội khoa, chỉ định ngoại khoa trong một số trường hợp nhất định. Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần hồi sức tích cực, bù nhanh lượng tuần hoàn đã mất, sử dụng các thuốc co mạch giảm xuất huyết và nội soi chẩn đoán và làm thủ thuật cầm máu. Bù khối lượng tuần hoàn phải thực hiện nhanh chóng, càng sớm càng tốt, bù ngay bằng các dung dịch đẳng trưng như muối NaCl 0,9‰, ringer lactat,… Máu được bù trong tình trạng xuất huyết nặng. Mục tiêu truyền dịch là duy trì huyết động ổn định, không nên nâng huyết áp >140 mmHg do tăng nguy cơ xuất huyết tái diễn theo các khuyến cáo.

Tùy nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa khác nhau, phác đồ điều trị và các thủ thuật được chỉ định khác nhau nhằm mục tiêu đảm bảo tình trạng ổn định cho bệnh nhân.

Ts Bs Quách Trọng Đức

Nguồn: Nội khoa Việt Nam

 

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược