FEBUXOSTAT (FEBURIC) giải pháp mới trong điều trị tăng acid uric máu và bệnh Gút
Gút là tình trạng bệnh lý viêm khớp thường gặp nhất ảnh hưởng đến 1-2 % dân số tùy theo từng nước, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên trở lên8.
Xem thêm: Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh Gút 2017 – PGS TS Nguyễn Thị Ngọc Lan
Bệnh Gút đặc trưng bởi tình trạng rối loạn chuyển hóa acid uric với biểu hiện lâm sàng với cơn gút cấp tính và các đợt bùng phát cấp sau đó do sự lắng đọng các tinh thể urat ở các khớp ngoại vi- đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái – đây cũng là hậu quả của tình trạng tăng acid uric lâu dài 11.
Xem thêm: Tăng axit uric máu và bệnh Gút
Tăng acid uric máu còn liên quan đến nhiều bệnh lý khác như các bệnh lý tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường, béo phì…
Xem thêm: Rối loạn chuyển hóa Purin, tăng acid uric máu và các bệnh liên quan
Để kiểm soát bệnh Gút và các bệnh liên quan, cần phải giảm và duy trì mức acid uric huyết thanh (sUA) dưới ngưỡng bão hòa sinh lý 6.8 mg/dl với mục đích giảm sự tạo thành và lắng đọng tinh thể muối urat (giảm nguy cơ các cơn gút bùng phát), thúc đẩy quá trình triệt tiêu tophi (ngăn chặn tổn thương khớp) và lắng đọng tinh thể urat ở các mô. Theo các hướng dẫn của các hiệp hội khớp quốc tế như EULAR (2016) và ACR (2012), thì mức sUA mục tiêu cần đạt được và duy trì là < 6 mg/dl (<360 µmol/L) cho mọi bệnh nhân và < 5mg/dL (<300µmol/L) cho các bệnh nhân gút mạn kèm tophi, bệnh thận mạn)6,7.
Hiện nay, có 3 nhóm thuốc điều trị giảm acid uric máu: ức chế men xanthine oxidase, thuốc tăng thải acid uric (uricosuric) và tiêu hủy acid uric (uricase). Trong đó nhóm thuốc ức chế men xanthine oxidase thường được lựa chọn đầu tay trong các trị liệu giảm acid uric. Allopurinol là thuốc thuộc nhóm ức chế men xanthine oxidase, có vai trò quan trọng trong điều trị gút mạn tính hơn 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu sử dụng thuốc trên lâm sàng, 1966. Tuy vậy, sử dụng allopurinol hiện nay có những hạn chế như phải giảm liều khi bệnh nhân suy thận, không kiểm soát được acid uric, tương tác với một số thuốc (mecaptopurine, azathioprine, captopril…) và khả năng gây dị ứng từ mức độ nhẹ (mẩn da) đến nặng (hội chứng Steven Johnson) hoặc rất nặng, tuy hiếm nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân2.
Febuxostat ( thuốc Feburic ®) là một thuốc ức chế chọn lọc men xanthin oxidase thế hệ mới, không nhân purin, được Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép lưu hành từ năm 2009. Mới đây, cuối năm 2016, Febuxostat đã được Bộ Y Tế cho phép lưu hành tại Việt Nam. Febuxostat được chỉ định trong điều trị tăng acid uric huyết mạn tính, trong các tình trạng đã xảy ra sự lắng đọng urat ở các mô1. Về mặt cơ chế, febuxostat cơ chế là chất ức chế không cạnh tranh với men xanthin oxidase. Febuxostat là dẫn xuất của 2-arylthiazolevà không mang nhân purin như allopurinol. Vì vậy, Febuxostat ức chế cả dạng oxy hoá và dạng khử của men xanthin oxidase, trong khi allopurinol chỉ ức chế duy nhất dạng khử. Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, febuxostat cũng cho thấy hiệu quả tác dụng vượt trội so với allopurinol. Febuxostat có tác dụng rất ít lên các men khác trong con đường chuyển hoá của purin và pyrimidin1
Febuxostat được thải trừ qua cả gan và thận. Sau một liều 80mg, khoảng 49% thuốc được tìm thấy trong nước tiểu và 45% thuốc được tìm thấy trong phân. Không có sự khác biệt về nồng độ đỉnh sau một liều 80mg trên bệnh nhân suy thận nhẹ và trung bình so với bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Không cần chỉnh liều febuxostat trên các bệnh nhân suy thận nhẹ hoặc trung bình1.
Hiệu quả lâm sàng của febuxostat đã được chứng minh trong 3 nghiên cứu then chốt pha 3 (APEX, FACT và CONFIRMS) đã được thực hiện ở 4.101 bệnh nhân bị tăng acid uric máu và bệnh gút3,4,9. Trong mỗi nghiên cứu then chốt pha 3 này, febuxostat đã cho thấy khả năng trội hơn trong việc làm giảm và duy trì nồng độ acid uric huyết thanh so với allopurinol.
– Trong nghiên cứu APEX và FACT, tỷ lệ bệnh nhân đạt acid uric máu mục tiệu tại cả 3 lần thăm khám cuối cùng ở nhóm điều trị với febuxostat 80mg cao hơn hai lần so với nhóm điều trị với allopurinol 300mg (48% so với 22% trong nghiên cứu APEX; 53% so với 21% trong nghiên cứu FACT).
– Kết quả của nghiên cứu CONFIRMS cho thấy có 67% bệnh nhân điều trị với feburic 80mg đạt được mục tiêu acid uric máu ở lần khám cuối cùng, trong khi tỷ lệ này ở nhóm sử dụng allopurinol là 42%.
Phân tích ở những bệnh nhân bị bệnh gút và suy thận được xác định theo thời gian trong nghiên cứu CONFIRMS và cho thấy febuxostat hiệu quả hơn có ý nghĩa trong việc làm giảm nồng độ urat huyết thanh < 6 mg/dL so với allopurinol 300 mg/200 mg ở những bệnh nhân bị bệnh gút kèm suy thận nhẹ đến trung bình. Hiệu quả kiểm soát của febuxostat là ngay tức thì và duy trì dài hạn. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hiệu quả được quan sát thấy từ lần khám thứ 2 và tiếp tục duy trì trong suốt thời gian nghiên cứu 3,4,9. Như một kết quả của hiệu quả kiểm soát acid uric máu, febuxostat triệt tiêu gần như hoàn toàn các đợt bùng phát gout cấp và cải thiện đáng kể kích thước của hạt tophi5,10.
Trong nghiên cứu mở nhãn mở rộng EXCEL, sau 3 năm có tới 96% bệnh nhân không còn cần phải điều trị các đợt bùng phát5.
Nhìn chung, febuxostat được dung nạp tốt và ít tác dụng phụ ở liều điều trị. Các tác dụng không mong muốn thường gặp là các đợt bùng phát bệnh gút, bất thường chức năng gan, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, ban và phù. Những phản ứng phụ này hầu hết có mức độ nhẹ hoặc trung bình1. Febuxostat cũng đã được chứng minh tính an toàn trên tim mạch bằng nghiên cứu CONFIRMS. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, không có sự khác biệt về nguy cơ biến cố tim mạch giữa nhóm sử dụng febuxostat và allopurinol4.
Tóm lại, febuxostat là hoạt chất không chứa nhân purin có tác dụng ức chế mạnh mẽ và chọn lọc men xanthin oxidase. Hiệu quả kiểm soát acid uric máu vượt trội của febuxostat so với allopurinol đã được chứng minh qua các nghiên cứu lâm sàng pha III và thực tế điều trị. Hơn nữa, febuxostat không cần chỉnh liều và duy trì tác dụng điều trị trên bệnh nhân suy thận. Nhờ hiệu quả vượt trội và đặc tính dược động học mới mẻ, febuxostat đã được khuyến cáo trong các hướng dẫn điều trị bệnh Gút của Hội Thấp khớp học Châu Âu cũng như Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ6,7.
Thạc sỹ Bs Cao Quang Thái
Tạp chí Nội khoa Việt Nam ( Số tháng 5/2017)