Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương tim mạch trong bệnh kawasaki

Kawasaki là bệnh lý sốt có mọc ban cấp tính, kèm viêm lan tỏa hệ mạch máu vừa và nhỏ. Căn nguyên của bệnh chưa được làm rõ, thường gặp ở nhũ nhi và trẻ dưới 5 tuổi.

Biểu hiện và biến chứng hay gặp của bệnh là viêm tim, phình giãn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và suy vành mãn tính về sau. Bệnh đang có xu hướng gia tăng tại các nước phát triển và tần suất gặp nhiều hơn ở trẻ em Châu Á. Tại Nhật Bản hàng năm gặp từ 215 đên 218 trường hợp trên 100.000 trẻ dưới 5 tuổi.

Cho đến nay, chưa rõ nguyên nhân gây ra Kawasaki. Các nhà khoa học hướng nhiều đến bệnh có nguồn gốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc kết hợp với yếu tố môi trường và có liên quan mật thiết đến chủng tộc. Tác nhân nhiễm khuẩn có thể là vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, hoặc xoắn khuẩn hay một vài chủng vi rút. Tác nhân không nhiễm khuẩn được cho là thuốc sâu, kim loại nặng, các chất tẩy rửa hóa học.

Biểu hiện tim mạch của kawasaki thường là viêm cơ tim, tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp tim, muộn hơn là phình dãn động mạch vành, nghẽn tắc, suy mạch vành và nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, còn có nhiều biểu hiện khác như rối loạn tiêu hóa hay gặp trẻ nhỏ, dãn túi mật và ít gặp hơn như sưng đau các khớp ngón, khớp gối, cổ tay hoặc biểu hiện thần kinh như li bì, co giật, viêm màng não vô khuẩn.

Chẩn đoán Kawasaki chủ yếu dựa vào bộ tiêu chuẩn chẩn đoán gồm lâm sàng và cận lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng nổi bật như sốt, ban da, thay đổi niêm mạc miệng, lưỡi, và sưng hạch góc hàm. Cận lâm sàng có thể thấy tăng các chỉ số viêm, tăng bạch cầu đa nhân trung tính và có thể thấy hồng cầu niệu và bạch cầu niệu.

Nguyên tắc chung bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, bao gồm hạ sốt, giảm suy tim, phòng và điều trị biến chứng, đặc biệt biến chứng về động mạch vành.

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương tim mạch trong bệnh kawasaki tại Huế thực hiện bởi ThS.BS Nguyễn Duy Nam Anh, Đại học Y Dược Huế.

ThS.BS Nguyễn Duy Nam Anh

Đại học Y Dược Huế.

Hội nghị khoa học Nhi khoa toàn quốc 2018
Nguồn Nội khoa Việt Nam

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược