Rối loạn nước và điện giải

Nước có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia cấu tạo tế bào và cơ quan tổ chức, cũng như duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể. Lượng nước trong cơ thể hàng ngày được cung cấp qua đường ăn, uống và nguồn nước nội sinh trong các quá trình chuyển hóa chất (kết quả của sự oxy hóa các thức ăn cơ bản). Ở gười trưởng thành, bình thường lượng nước trong cơ thể ở nữ ít hơn nam và giảm dần theo tuổi. Tổng lượng nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể ở nam, 50% trọng lượng cơ thể ở nữ, 75 – 80% ở trẻ < 1 tuổi, trong đó dịch nội bào chiếm 40%, dịch ngoại bào chiếm 20% trọng lượng cơ thể.

Trên thực tế lâm sàng các dạng rối loạn thường đi kèm theo rối loạn điện giải. Thường phân rối loạn nước trong cơ thể thành: mất nước ngoài tế bào, mất nước trong tế bào, ứ nước ngoài tế bào và ứ nước trong tế bào. Các bệnh lý gây nôn, tiểu chảy, hay sử dụng thuốc lợi tiểu, suy thượng thận, bỏng,… gây tình trạng mất nước ngoài bào. Khi thăm khám thường thấy mạch nhanh, huyết áp giảm, da khô nhăn nheo,… Điều trị bằng bù nước và NaCl. Các nguyên nhân gây mất nước ngoài tế bào cũng có thể gây mất nước trong tế bào, biểu hiện lâm sàng tương tự tuy nhiên có sự khá nhau về chỉ số xét nghiệm, điều trị bù dịch nhược trương, cung cấp nước. Ứ nước ngoài tế bào gây tăng huyết áp, phù, có thể tràn dịch đa màng, điều trị bằng hạn chế muối nước kết hợp lợi tiểu, lọc máu,… Truyền dịch nhiều, hội chứng bài tiết ADH, tổn thương màng tế bào,… gây tình trạng ứ nước trong tế bào.

Các rối loạn nước thường kèm theo rối loạn điện giải. Các rối loạn điện giải thường gặp trên lâm sàng tăng/ giảm nồng độ natri và kali, giảm nồng độ canxi máu,… Các rối loạn cần được chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo.

Bs Trương Quang Anh Vũ

Nguồn: Nội khoa Việt Nam

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược