Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý khớp vô cùng thường gặp. Bệnh gặp ở hầu hết mọi quốc gia, chủng tộc, vùng địa lý. Theo số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ thoái hóa khớp chiếm gần 5% số bệnh nhân được điều trị nội trú tại bệnh viện Bạch Mai? Vậy thoái hóa khớp là gì? Cơ chế bệnh sinh và triệu chứng chủ yếu của bệnh? Tiêu chuẩn chẩn đoán và phương pháp điều trị như thế nào?

Thoái hóa khớp được định nghĩa là tình trạng thoái triển của khớp, chủ yếu ở người cao tuổi. Tổn thương giải phẫu của thoái hóa khớp là loét sụn khớp, quá sản tổ chức xương ở bờ khớp tạo thành gai xương. Đồng thời, tình trạng xơ xương dưới sụn, biến đổi màng hoạt dịch và bao khớp về cả hóa sinh và hình thái.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và thoái triển của thoái hóa khớp như tuổi, béo phì, di truyền, giới, chấn thương, bất thường bẩm sinh. Cấu trúc bị tổn thương sớm nhất là sụn nằm giữa hai đầu xương, tổ chức sụn bị mòn, vỡ, xơ hóa, phát triển gai xương ở bờ khớp. Từ đó, gây ảnh hưởng đến cơ quan lân cận như yếu teo cơ, giãn dây chằng, viêm màng hoạt dịch…

Chẩn đoán thoái hóa khớp chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng như đau, hạn chế vận động và cận lâm sàng X-quang. Có nhiều bệnh lý có triệu chứng tương tự thoái hóa khớp, vì vậy cần đưa ra chẩn đoán phân biệt.

Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp là giảm triệu chứng đau và tăng cường chức năng vận động của khớp. Điều trị đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp, bao gồm thuốc và tập luyện phục hồi chức năng.

Trích cuốn “Chẩn đoán và điều trị các bệnh Cơ Xương Khớp thường gặp” – NXB Y học

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược