Tiếp cận hội chứng xuất huyết

Xuất huyết là một hội chứng bệnh lý gặp ở nhiều chuyên khoa khác nhau như: xuất huyết dưới da hay gặp ở nội khoa, truyền nhiễm; xuất huyết dạ dày gặp ở khoa tiêu hoá; rong kinh: khoa sản; chảy máu cam: khoa tai -mũi – họng; chảy máu răng lợi: khoa răng- hàm – mặt…

Bình thường khi mạch máu bị tổn thương thì lập tức có phản ứng của cơ chế cầm máu – đông máu (hemostasis) để bịt ngay vết thương lại và máu ngừng chảy. Khi có bất cứ rối loạn nào của cơ chế này (chủ yếu là rối loạn về thành mạch, tiểu cầu hoặc đông máu) đều có thể dẫn đến xuất huyết. Đây có thể là các rối loạn ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình đông cầm máu.

Khi tiếp cận bệnh nhân có hội chứng xuất huyết, cần khai thác kỹ tiền sử và diễn biến lâm sàng của bệnh. Dấu hiệu xuất huyết khởi phát vào thời điểm nào: sơ sinh, trẻ nhỏ hay trẻ lớn; xuất huyết xảy ra trong hoàn cảnh nào: tự nhiên, sau va chạm, phẫu thuật,…; tiền sử gia đình có ai có các bệnh lý di truyền; tiền sử bệnh nhân có những đợt xuất huyết trước đó hay chưa, tiề sử sử dung các thuốc điều trị ? Ngoài ra, cần khai thác thêm các triệu chứng kèm theo ngoài dấu hiệu xuất huyết như: sốt, đau bụng, đau khớp,… Khi thăm khám lâm sàng, cần đánh giá và nhân định đúng tính trạng xuất huyết: xuất huyết dưới da, niêm mạc hay nội tạng; xuất huyết dạng chấm, nốt hay mảng, đám, tụ máu,…; Có dấu hiệu thiếu máu kèm theo không, thiếu máu có tương ứng với mức độ xuất huyết,…

Ngoài các thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm lâm sàng có giá trị chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân nên được thực hiện các xét nghiệm đông cầm máu cơ bản như:

  • Tổng phân tích tế bào máu, bao gồm đếm tiểu cầu
  •  Phết máu ngoại biên
  •  Thời gian đông máu ngoại sinh, INR
  • Thời gian đông máu nội sinh
  • Định lượng fibrinogen

Tùy thuộc vào lâm sàng kết hợp với kết quả xét nghiệm để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh.

ThS.BS. Phan Nguyễn Liên Anh

Nguồn: Nội khoa Việt Nam

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược