Tổng quan tài liệu về mối liên quan giữa các yếu tố khí hậu và bệnh cúm

 

Các yếu tố khí hậu có thể ảnh hưởng đến sự lây truyền của virus cúm bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của virus hoặc làm giảm khả năng miễn dịch của con người với những virus đang lưu hành. Mục tiêu của tổng quan tài liệu là tổng hợp các bài báo về ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu lên bệnh cúm được đăng trên các tạp chí của cơ sở dữ liệu PubMed.

Có 531 bản tóm tắt được tìm kiếm, 25 bài báo đầy đủ được xem xét và 11 bài báo thỏa mãn các điều kiện đưa vào tổng quan. Kết quả tổng hợp cho thấy rằng mối quan hệ giữa các yếu tố khí hậu và bệnh cúm là hàm phi tuyến tính. Trong đó nguy cơ nhiễm cúm cao ở nhiệt độ hoặc độ ẩm quá thấp hoặc quá cao. Tuy nhiên độ lớn và hướng mối quan hệ, điểm ngưỡng của thay đổi mối quan hệ phụ thuộc vào vùng khí hậu của địa điểm nghiên cứu. Các nghiên cứu của Việt nam chưa cung cấp được bằng chứng cho đánh giá biến đổi khí hậu lên y tế.

Từ khóa: bệnh cúm, khí hậu, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, tổng quan

SUMMARY

 SYSTEMATIC REVIEW OF EFFECTS OF CLIMATIC FACTORS ON INFLUENZA

Climatic factors cause transmission of influenza viruses by creating favorable conditions for the survival of the virus. The bad weather might reduce immunity system in the human being, then, vulnerable people were infected influenza virus. The aim of the literature review was to review articles indexed in the PubMed database that investigated the effect of climatic factors on influenza in human.

We searched 531 abstracts and titles. Twenty-five full-texts were reviewed and 11 articles were qualified the criterial to synthesize data. Findings from the articles have indicated the non-linear association between climate factors and influenza cases. However, the magnitude, direction, threshold levels of the association depended on a climatic zone of the study settings. There are spare studies on this topic from Vietnam, hence it is insufficient to assess impacts of climate change to health.

Key words: Influenza, humidity, temperature, rainfall, systematic review.

Những Nội Dung Cần Lưu Ý

1. Đặt vấn đề

 Cúm là một nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp gây ra bởi virus cúm. Có ba chủng của virus cúm bao gồm: virus type A, type B và type C. Cúm được xác định bởi những triệu chứng như sốt, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và đau khớp, cảm giác rất mệt mỏi, viêm họng và chảy nước mũi. Hằng năm dịch cúm gây ra 3-5 triệu ca bệnh và khoảng 250.000 đến 500.000 ca tử vong.

Bệnh cúm lưu hành vào các khoảng thời gian khác nhau ở các vùng khí hậu khác nhau. Ở các vùng ôn đới, cúm phần lớn chỉ xuất hiện vào mùa đông. Trong khi ở các vùng nhiệt đới, bệnh cúm diễn ra quanh năm. Các yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến sự lây truyền của virus cúm bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của virus hoặc làm giảm khả năng miễn dịch của con người với những virus đang lưu hành. Mối liên quan giữa yếu tố khí hậu và cúm được quan tâm và nghiên cứu nhiều trong những năm gần đây trên toàn thế giới. Mục tiêu của nghiên cứu này là tổng hợp một cách có hệ thống các bằng chứng về mối quan hệ giữa bệnh cúm và các yếu tố khí hậu đã được xuất bản trên các tạp chí có phản biện trên thế giới thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu PubMed.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Nguồn số liệu và phương pháp tìm kiếm

Chúng tôi tiến hành tổng hợp các bài báo về ảnh hưởng của khí hậu lên bệnh cúm đã được đăng trên các tạp chí có phản biện trên cơ sở dữ liệu PubMed có thời gian xuất bản từ năm 1990 đến ngày 24 tháng 4 năm 2017. Các yếu tố khí hậu được quan tâm trong tổng quan này bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Việc tìm kiếm sử dụng các từ khóa: “influenza”, “temperature”, “humidity”, “rainfall”, “meteorology”. Chúng tôi chỉ tập trung những nghiên cứu xuất bản bằng Tiếng Anh.

2.2. Phương pháp lựa chọn

Các nghiên cứu được lựa chọn đưa vào tổng quan nếu (1) có báo cáo định lượng ảnh hưởng các yếu tố khí hậu lên bệnh cúm. Có báo cáo kết quả định lượng gồm chỉ số thể hiện yếu tố liên quan bằng các mô hình có hiệu chỉnh cho các yếu tố nhiễu. Các chỉ số đó là: hệ số hồi quy, tỷ số chênh, nguy cơ tương đối hoặc tỷ số nguy cơ; (2) có đối tượng bị bệnh cúm là con người, (3) được thực hiện từ năm 1990 đến nay và (4) có ngôn ngữ xuất bản trong bài viết đầy đủ là Tiếng Anh…

Các tiêu chuẩn loại trừ bao gồm: (1) nghiên cứu thực hiện trên tiêu bản (vitro); (2) đối tượng nghiên cứu không phải là người; (3) nghiên cứu không đo lường nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa; (4) nghiên cứu về một vụ dịch nhất định (ví dụ như dịch cúm A năm 2009); (5) nghiên cứu là dạng tổng quan tài liệu hoặc/và phân tích gộp; (6) các tóm tắt của của các hội thảo, hội nghị, các bài bình luận; 7) Những nghiên cứu nhằm mục đích dự báo cũng không được đưa vào làm tổng quan này.

2.3. Xuất số liệu và phân tích số liệu

Những bài báo toàn văn thỏa mãn sẽ được xuất số liệu theo mẫu gồm: thông tin trích dẫn (bao gồm: tác giả, năm xuất bản), bối cảnh nghiên cứu (địa điểm nghiên cứu, thời gian nghiên cứu), thiết kế nghiên cứu, định nghĩa ca bệnh, cách đo lường yếu tố khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa), kết quả mối liên quan (RR, OR, hệ số hồi quy).

Đối với những nghiên cứu tiến hành ở nhiều địa điểm khác nhau, kết quả nghiên cứu ở từng địa điểm được trình bày. Đối với nghiên cứu báo cáo kết quả với thời gian phơi nhiễm khác nhau (lag), thời gian phơi nhiễm ngắn nhất được chọn.

3. Kết quả nghiên cứu

Có 513 bản ghi được xuất vào EndNote. Sau khi đọc tóm tắt và tiêu đề chúng tôi đã loại bỏ đi 488 bản ghi. Có 25 tóm tắt thỏa mãn và được xuất bài báo toàn văn. Cuối cùng, có 11 nghiên cứu thõa mãn điều kiện và được tiến hành tổng hợp [3-13]. Các mô tả thông tin chung của các nghiên cứu này được trình bày ở bảng 1.

Tất cả các nghiên cứu sử dụng số liệu theo dõi các ca cúm dọc theo thời gian. Có 9 nghiên cứu sử dụng phân tích chuỗi thời [3-5, 7-9, 11-13] và 2 nghiên cứu sử dụng thiết kế case-crossover (thiết kế thuần tập bắt chéo) [6, 10]. Hai nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy phi tuyến [7, 12], và một nghiên cứu sử dụng hàm hồi quy tuyến tính [3] để phân tích số liệu. Có hai nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng là trẻ em từ 0-14 tuổi [5, 9]  và một nghiên cứu dựa vào số liệu phòng khám nhi khoa [6]. Các nghiên cứu còn lại đều được thực hiện trên cả quần thể.

Số liệu trong các nghiên cứu có thời gian từ một năm [6, 10] cho đến hơn 20 năm [7]. Về nguồn thông tin đo lường các yếu tố khí hậu, có hai nghiên cứu sử dụng số liệu từ các vệ tinh [11, 12], các lại nghiên cứu còn lại lấy thông tin hoàn toàn từ các trạm đo cố định của các Trung tâm Khí Tượng Thủy văn của các quốc gia.

3.1 Định nghĩa trường hợp bệnh và các yếu tố khí hậu được dùng trong các nghiên cứu.

 Định nghĩa bệnh cúm

Mười một nghiên cứu sử dụng định nghĩa ca bệnh cúm là khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A hoặc B. Nghiên cứu tại French Guiana [8] [12] [13] sử dụng số liệu từ hệ thống giám sát các bệnh có triệu chứng giống cúm (Influenza-like illness – ILI).

Một nghiên cứu tìm hiểu về mối liên quan giữa tử vong do bệnh cúm và các yếu tố khí hậu [7]. Barreca (2012) định nghĩa tử vong do cúm là các ca tử vong có mã ICD chỉ ra cúm là nguyên nhân chính hoặc nguyên nhân thứ cấp gây ra tử vong, bao gồm 470–474 (ICD-8), 487 (ICD-9) và J10-J11 (ICD-10).

Độ ẩm

Độ ẩm có thể được đo lường qua ít nhất một trong các đại lượng: độ ẩm tương đối (%) (4 nghiên cứu), độ ẩm tuyệt đối (g/m3) (1 một nghiên cứu) và độ ẩm cụ thể (g/kg) (5 nghiên cứu) (bảng 1).

Nhiệt độ

Nhiệt độ được đo lường là nhiệt độ không khí (0C. Có ba nghiên cứu sử dụng cả những đo lường khác của nhiệt độ. Đó là Jaakkola (2014) đo lường thay đổi lớn nhất của nhiệt độ trong vòng 3 ngày (hiệu của nhiệt độ lớn nhất và nhỏ nhất trong 3 ngày)[10]; Soebiyanto (2015) đo lường nhiệt độ tối thiểu trong ngày [12]. Xu (2013) sử dụng cả nhiệt độ trung bình, tối đa và tối thiểu [9].

Lượng mưa

Trong tất cả các nghiên cứu, yếu tố lượng mưa được đo lường bằng tổng lượng mưa trong một ngày, đơn vị mm.

3.2  Mối liên quan giữa các yếu tố khí hậu và bệnh cúm

Hàm mô tả mối quan hệ giữa các yếu tố khí hậu và bệnh cúm được chứng minh là hàm phi tuyến[3]

Bảng 2,3 và 4 lần lượt mô tả tóm tắt mối quan hệ giữa độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa và bệnh cúm. Nghiên cứu của Soebiyanto (2015) [13] kết luận trung bình độ ẩm cụ thể tăng 0,5g/kg thì tỷ lệ cúm giảm 53,61% (KTC 95%: -66,47% ; -40,75%) tại Castille & Leon (Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nghiên cứu của Soebiyanto (2014) [11] có thể hiện mối liên quan thuận tại Panama, cụ thể nguy cơ cúm tăng 97% (KTC95%: 34% ; 193%) khi độ ẩm cụ thể trung bình trong một ngày tăng 1g/kg [11].

Tương quan nghịch giữa nhiệt độ và bệnh cúm được thể hiện tại Nhật Bản, với mức tăng bệnh cúm là 12% (KTC95%: 8%; 17%) khi nhiệt độ giảm đi 1oC [6]. Trái lại, một nghiên cứu tại Phần Lan tìm thấy nhiệt độ có mối liên quan thuận với cúm, số lượng bệnh cúm giảm 11% (KTC 95%: 2% ;19%) khi nhiệt độ trung bình tăng 10C [10].

Có bảy nghiên cứu khảo sát mối liên quan giữa lượng mưa và bị bệnh cúm) nhưng chỉ có 4 nghiên cứu công bố kết quả (bảng 3). Các nghiên cứu còn lại đều chỉ đề cập đến là không tìm thấy mối liên quan giữa lượng mưa và bệnh cúm và không cung cấp số liệu trong báo cáo toàn văn. Nghiên cứu của Soebiyanto (2014) chỉ ra lượng mưa có liên quan đến bệnh cúm tại hai trên sáu địa điểm nghiên cứu (bảng 4).

4. Bàn luận

 Kết quả cho thấy cúm được xem là có liên quan đến các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm và mối quan hệ này là hàm phi tuyến.

Ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu lên bệnh cúm cũng khác nhau giữa các vùng khí hậu. Trong báo cáo này vùng khí hậu được xác định dựa trên phân chia của tác giả trong nghiên cứu hoặc dựa trên “Hệ thống phân loại khí hậu Köppen” với những địa điểm không được tác giả phân vùng khí hậu [14]. Sau khi chia nhóm, nhìn chung chúng tôi quan sát thấy độ ẩm có mối liên quan nghịch tới cúm tại các nước ôn đới và liên quan thuận ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Bên cạnh ba yếu tố là độ ẩm, nhiệt độ và lượng mưa trên, một số nghiên cứu cũng đo lường cả những yếu tố khác, bao gồm: bức xạ mặt trời (W/m2), tốc độ gió (km/h), áp suất không khí (mmHg). Ví dụ nghiên cứu của Soebiyanto chỉ ra có liên quan nghịch giữa bức xạ mặt trời và bệnh cúm, OR từ -5,81 đến -27,17 (hiệu chỉnh với độ ẩm cụ thể và lượng mưa) và từ -3,77 đến -17,15 (hiệu chỉnh với nhiệt độ tối thiểu và lượng mưa) với mỗi bức xạ trung bình tăng 16,4W/m2 [13].

Chúng tôi tìm thấy hai nghiên cứu về bệnh cúm và yếu tố khí hậu ở Việt Nam [15, 16]. Tuy nhiên cả hai nghiên cứu đều không cung cấp các đo lường bằng số mà chỉ cung cấp mối liên quan bằng biểu đồ và bản đồ do vậy đều không được đưa vào tổng quan. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đã chỉ ra yếu tố mùa và ảnh hưởng của khí hậu lên bệnh cúm ở Việt nam. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo cần tiến hành phân tích yếu tố lên quan của bệnh cúm và yếu tố khí hậu cho Việt nam và công bố các số liệu định lượng, để từ đó có thể dùng cho tính toán tác hại của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu ghi nhận sai số xuất bản, khi có rất nhiều nghiên cứu đưa các biến vào trong mô hình nhưng không báo cáo kết quả do không tìm thấy yếu tố liên quan. Để đánh giá tác động của điều này lên kết quả tổng hợp, chúng tôi khuyên cáo tiến hành phân tích gộp.

Hạn chế của nghiên cứu này là việc chỉ sử dụng tài liệu từ một nguồn dữ liệu (PubMed) khiến tổng quan có hạn chế có thể bỏ sót nhiều nghiên cứu không được đăng tải trên cơ sở dữ liệu này. Cụ thể chúng tôi không xem xét các nghiên cứu được xuất bản trong hệ thống Webof scienes hoặc EMBASE. Tuy nhiên với 70% số xuất bản của các hệ thống này giống nhau, chúng tôi tin rằng những nghiên cứu được xem xét trong tổng quan này đủ đại diện cho mối quan hệ giữa yếu tố khí hậu và bệnh cúm được xuất bản trên thế giới.

5. Kết luận

Tổng quan chỉ ra mối quan hệ giữa các yếu tố khí hậu và bệnh cúm có dạng không tuyến tính. Sự khác nhau của mức độ và hướng yếu tố liên quan phụ thuộc vào đặc điểm khí hậu của từng địa điểm thuộc các vùng khí hậu khác nhau.

Nguyễn Thị Trang Nhung, Hoàng Gia Linh, Ngô Quý Châu , Vũ Văn Giáp

Bài đăng trên Tạp chí Y học lâm sàng

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược