U carcinoid điển hình

Dưới đây thaythuocvietnam xin được trích dẫn 1 bài viết trong cuốn sách “Hình ảnh điện quang Ngực: Phổi và Tim mạch” của TS Cung Văn Công dịch từ cuốn “Thoracic Imaging: Pulmonary and Cardiovascular Radiology” – Giáo sư W. Richard Webb. U carcinoid điển hình – Một bệnh lý thuộc lĩnh vực ung bướu, được tác giả diễn giải tỉ mỷ; và mô tả bằng hình ảnh để bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt và đưa ra kết luận chính xác.

Xem thêm:  HÌNH ẢNH ĐIỆN QUANG NGỰC: PHỔI VÀ TIM MẠCH” – Cuốn sách quí của người bác sĩ lâm sàng

 Các khối u carcinoid điển hình thường phát triển chậm và xâm lấn cục bộ. Chúng di căn đến các hạch vùng trong khoảng 5 đến 15% trường hợp và số lượng bệnh nhân có di căn xa thường ít hơn.

Các khối u carcinoid điển hình xảy ra phổ biến nhất ở bệnh nhân từ 40 đến 60 tuổi (tuổi trung bình, 45 đến 55). Chúng không phổ biến ở những bệnh nhân dưới 20 tuổi, song có xu hướng xảy ra ở quần thể dân số trẻ hơn ung thư phổi khác. Nó phổ biến hơn một chút ở phụ nữ. Không có liên quan đến việc hút thuốc lá.

Khoảng 80% khối u carcinoid điển hình xảy ra ở trung tâm, trong phế quản gốc, thùy hoặc phân thùy; 1% là trong khí quản. Liên quan đến phế quản thùy (75% với tổn thương trong đường hô hấp) là phổ biến nhất (Hình 4.17). Do tắc nghẽn phế quản nên các triệu chứng là khá phổ biến, xảy ra trong khoảng 75% trường hợp, bao gồm ho, sốt và thở khò khè. Những khối u này thường rất giàu mạch, và ho ra máu là một biến chứng khá phổ biến. Các khối u carcinoid ngoại vi có thể không có triệu chứng. Bệnh nhân có khối u carcinoid trung tâm kết hợp với tắc nghẽn phế quản có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn bệnh nhân với tổn thương ngoại vi.

Gần một nửa các khối u carcinoid điển hình có liên quan đến kết quả chụp X quang có biểu hiện của tắc nghẽn phế quản, chủ yếu là xẹp phổi hoặc đông đặc, thường giới hạn ở thùy hoặc phân thùy (Hình 4.17A). Xẹp phổi và đông đặc thường liên tục với nhau, và các đợt nhiễm trùng tái phát có thể dẫn đến giãn phế quản hoặc apxe phổi. Bệnh lý giãn phế quản hiện diện ở hơn một phần ba số bệnh nhân nhưng thường ít thấy hơn trên X quang. Bẫy khí liên quan đến tắc nghẽn phế quản đôi khi được nhìn thấy.

Các khối u trung tâm, có hoặc không có dấu hiệu của tắc nghẽn, có thể được nhìn thấy như tổn thương dạng khối đơn độc tại hoặc gần rốn phổi. Những khối này thường có đường kính nhỏ hơn 4 cm, khó có thể nhận ra nếu không có CT. Trong nhiều trường hợp, những khối u này có một thành phần trong lòng phế quản lớn và xuất hiện trên CT như khối ở trung tâm (Hình 4.17B đến 4.17D) với một ranh giới lồi về phía rốn phổi. Ngoài ra, các tổn thương có thể lan rộng trong phế quản khi chúng phát triển, thường dẫn đến biến dạng lòng phế quản tại điểm tắc nghẽn. Vì chúng thường rất giàu mạch nên có thể được nhìn thấy rõ trên CT (Hình 4.17C).

Một nốt hoặc khối ngoại vi, không liên quan đến dấu hiệu tắc nghẽn, hiện diện ở khoảng 20% số bệnh nhân (Hình 4.18). Những nốt này thường có đường bờ rõ ràng, tròn hoặc hình bầu dục, có thể hình chia thùy.

Canxi hóa và xương hóa có thể được nhìn thấy trên phim X quang ở một bệnh nhân có khối u carcinoid. Trên CT, canxi hóa của khối u carcinoid trung tâm được nhìn thấy trong gần 40% các trường hợp (Hình 9.21

và 9.22 trong Chương 9). Canxi có thể tạo khối lớn và “chắc mập”.

Hình ảnh y học hạt nhân với các chất tương tự somatostatin (ví dụ: octreotide) có thể được sử dụng để khu trú hóa một khối u carcinoid ở bệnh nhân bị hội chứng Cushing hoặc hội chứng carcinoid hoặc để chẩn đoán di căn (Hình 4.19).

Lan rộng cục bộ của các khối u carcinoid điển hình theo thành phế quản là phổ biến và cắt bỏ khối u qua nội soi thường không phải là phương pháp điều trị triệt để. Phẫu thuật cắt bỏ thường được lựa chọn. Các khối u carcinoid ngoại biên có thể được cắt bỏ bằng cách sử dụng cắt bỏ hình nêm hoặc phân thùy. Đối với tổn thương nội phế quản trung tâm, cắt bỏ dạng “tay áo” có thể được thực hiện để tránh việc cắt thùy hoặc phân thùy. Trong kỹ thuật này, một đoạn phế quản có chứa khối u được cắt bỏ và hai cuống phế quản được khâu nối với nhau. Đối với bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật, tiên lượng là tốt. Tỉ lệ sống sót 10 năm của bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật là 90%. Sau khi cắt bỏ, di căn xa là phổ biến hơn so với tái phát tại chỗ. Di căn xương, hủy hoặc đặc xương có thể xảy ra.

W.Richard Webb, biên dịch: TS Cung Văn Công

Trích trong chương 4: Ung thư Phổi và Các khối u phế quản Phổi.

Cuốn sách: HÌnh ảnh điện quang Ngực; Phổi và Tim mạch

Xem thêm: Nội dung cuốn sách Thoracic Imaging Pulmonary and Cardiovascular Radiology bản tiếng Việt – TS Cung Văn Công

Chuyên Khoa

Thuốc và biệt dược