Thủy đậu và các cách phòng tránh bệnh thủy đậu hiệu quả
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây nhiễm thông qua hô hấp. Bệnh thủy đậu còn có tên gọi khác là bỏng rạ hay trái rạ hoặc đậu mùa. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm virus Varicella-Zoster (VZV) nguyên phát. Chính vì vậy, bệnh thủy đậu và cách phòng tránh bệnh thủy đậu được mọi người hết sức quan tâm.
Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh – được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh – là khoảng 1-2 tuần.
Những ngày thời tiết giao mùa nồm ẩm chuyển từ xuân sang hè làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm trong đó có thủy đậu càng. Tuy nhiên, bệnh xảy ra quanh năm ở các nước ôn đới, đỉnh điểm giữa tháng 3 và tháng 5.
Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi hoặc ho… thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay.
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân.
- Mụn nước trong bệnh thủy đậu (nguồn: internet)
Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng trẻ em từ 6 – 7 tháng tuổi là dễ mắc bệnh hơn cả. Mặc dù trẻ em là đối tượng bị thủy đậu nhiều nhất nhưng người lớn và trẻ nhỏ dưới 1 năm tuổi khi mắc bệnh lại có diễn biến phức tạp và nguy cơ tử vong cao hơn.
Bệnh thường để lại một số sẹo ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Cả trẻ em và phụ nữ có thai khi mắc bệnh có thể dẫn tới biến chứng nặng như viêm phổi. Đặc biệt, ở trẻ em còn có thể xuất hiện nhiễm trùng thứ phát. Còn ở phụ nữ mang thai khi đang trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ mà bị bệnh thủy đậu thì virus sẽ gây sảy thai, hoặc sau khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân hoặc bại não, sẹo bẩm sinh…. Nếu bị trong những ngày sắp sinh hoặc sau khi sinh trẻ sẽ bị lây bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều, dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp nặng.
Nội dung bài viêt
Cách phòng tránh bệnh thủy đậu bằng vắc xin
Với tình hình tiến triển phức tạp và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng, đặc biệt là triệu chứng nổi mẩn ngứa khó chịu trong thời gian bệnh thì việc phòng tránh thủy đậu là một việc làm hết sức cần thiết.
Với nguyên nhân gây bệnh là virus, một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay đó là sử dụng vắc xin. Vắc xin giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 3 tháng. Riêng với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, lịch tiêm được khuyến cáo gồm:
- Mũi 1: lúc 12 tháng tuổi
- Mũi 2: lúc 4 – 6 tuổi.
- Với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1.5 tháng. Riêng với phụ nữ, nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
Vắc xin chống thủy đậu cho kết quả cao và tác dụng lâu dài.
Nếu đã được chủng ngừa vắc xin thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng. Nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Với đặc điểm ủ bệnh lâu, từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh nên trong trường hợp người chưa từng được tiêm vắc xin tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu vẫn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin sớm. Trong vòng 3 ngày kể từ khi tiếp xúc, vắc xin vẫn mang lại hiệu quả ngừa bệnh cao.
Khi đến tiêm chủng tại các cơ sở y tế, người dân sẽ được nhân viên hướng dẫn thủ tục đăng kí cũng như quá trình thực hiện tiêm chủng như điều tra bệnh sử, khả năng mắc bệnh di truyền hay điều tra tình hình sức khỏe hiện tại. Việc tiêm vắc xin sẽ phải hoãn lại trong trường hợp người tới tiêm chủng đang trong tình trạng ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính và không tiêm vắc xin trong các trường hợp có phản ứng mạnh với các lần tiêm trước hay thuộc diện chống chỉ định theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin.
Lưu ý đối với trẻ em sau khi tiêm vắc xin, một số phản ứng có thể xảy ra như sốt nhẹ hay đau, sưng tại chỗ viêm. Do đó cần để trẻ lại cơ sở tiêm chủng sau 30 phút để theo dõi. Ngoài ra, sau khi về nhà vẫn cần tiếp tục theo dõi tình trạng trẻ như có ăn tốt, bú tốt…? Đối với các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ… hoàn toàn có thể xử lý nếu phát hiện kịp thời. Do đó, cần thật chú ý quan sát trẻ sau khi tiêm. Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường như sốt cao trên 39 độ, co giật, khóc thét, tím tái, khó thở… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị.
Bệnh thủy đậu dễ nhiễm và dễ lây lan. Tuy nhiên, khi cơ thể từng bị nhiễm bệnh sẽ có khả năng sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh (virus VZV). Do đó, việc tiêm vắc xin đối với những đối tượng đã từng bị thủy đậu là không cần thiết.
Một số vắc xin vẫn thường được sử dụng để phòng ngừa thủy đậu hiện có tại Việt Nam là Varilrix (Bỉ), Okavax (Nhật) hay Varivax (Mỹ)
Các phương pháp phòng tránh bệnh thủy đậu khác
Do nguyên nhân gây bệnh là virus nên ngoài sử dụng vắc xin phòng bệnh, người dân có thể sử dụng thêm (kết hợp) một số phương pháp sau để phòng tránh bệnh:
Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đặc biệt trong thời gian có dịch hay thời điểm giao mùa xuân – hè. Tránh tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt tránh tiếp xúc với dịch chảy ra từ mụn nước người mắc bệnh. Đối với những nhà trẻ có trẻ em mắc bệnh, cần vệ sinh đồ chơi và đồ dùng cá nhân thật sạch sẽ.
Vệ sinh phòng ốc sạch sẽ. Có thể sử dụng một số sản phẩm sát khuẩn hay một số loại tinh dầu để làm môi trường sống trong lành hơn.
Bổ sung nhiều nước cũng giúp đỡ trong việc phòng ngừa bệnh.
Tăng cao đề kháng của cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Người dân có thể sử dụng tinh dầu tỏi để tăng cao đề kháng. Ngoài ra bổ sung vitamin C cũng giúp ích trong việc tăng đề kháng, phòng ngừa không chỉ bệnh thủy đậu. Ăn uống đầy đủ hợp vệ sinh cũng rất quan trọng. Đặc biệt một số loại hoa quả có múi như cam rất tốt trong việc ngừa bệnh.
Trong trường hợp mắc bệnh, có thể sử dụng một số dược phẩm như xanh methylen để hạn chế bệnh tiến triển thêm. Có thể sử dụng kèm thêm một số ion kháng khuẩn như ion kẽm hay bạc để hỗ trợ việc điều trị. Acyclovir được xem như là một trong những dược chất hàng đầu được sử dụng để điều trị thủy đậu. Tuy nhiên, cần đưa người bệnh đi khám để có được tư vấn từ bác sỹ, tránh việc chuẩn đoán sai bệnh hoặc bệnh tiến triển nghiêm trọng.
HOÀNG XUÂN QUANG