Tiêm chủng cho người bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) được xem là đại dịch của toàn cầu khi tỷ lệ người bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Liên đoàn Đái Tháo Đường Thế Giới (IDF) thì số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới vào năm 2015 là 415 triệu người, và ước tính sẽ tăng đến 642 triệu người vào năm 2040.

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây nên các biến chứng nghiêm trọng, và để lại hậu quả nặng nề, bao gồm các biến chứng trên mạch máu lớn (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch ngoại biên), biến chứng trên mạch máu nhỏ (suy thận, bệnh võng mạc do tiểu đường…). Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân lại ít quan tâm đến việc đái tháo đường còn làm suy giảm sức đề kháng của họ đối với bệnh tật.

Bệnh tiểu đường hết sức nguy hiểm
Bệnh tiểu đường hết sức nguy hiểm (nguồn: internet)

Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) thì hoạt động miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường bị suy giảm, ngay cả khi đường-huyết của họ được kiểm soát tốt, bởi vậy họ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn so với người không bị đái tháo đường. Đặc biệt ở những bệnh nhân có biến chứng tim mạch hay biến chứng thận thì bệnh nhiễm trùng sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Xem thêm: Top các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường

Tiêm vaccine cho bệnh nhân tiểu đường

Hiện nay việc tiêm phòng vaccine ngừa các bệnh nhiễm trùng cho bệnh nhân tiểu đường được xem là biện pháp cần thiết nhằm giảm các tỷ lệ nhập viện và tử vong do các bệnh nhiễm trùng gây ra. Tác dụng phụ do tiêm vaccine thường là nhẹ (như đau, sốt) và rất ít gặp. Rất hiếm khi có phản ứng phụ nghiêm trọng.

Người bị mắc tiểu đường cần tiêm những loại vaccine nào?

Ba loại vaccine phòng bệnh có ý nghĩa quan trọng và vai trò bảo vệ hữu hiệu cho bệnh nhân tiểu đường là: vaccine ngừa cúm, vaccine ngừa phế cầu và vaccine ngừa viêm gan siêu vi B.

Bệnh cúm

Cúm là bệnh của toàn cầu, thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 4 hoặc tháng 5 ở Bắc bán cầu, từ tháng 4 đến tháng 9 ở các vùng khí hậu ôn hòa thuộc Nam bán cầu, và xảy ra quanh năm ở vùng nhiệt đới.

Theo khuyến cáo của Ủy ban Tư Vấn Về Thực Hành Tiêm Chủng (ACIP), chủng ngừa cho những người có nguy cơ cao trước khi vào mùa dịch cúm là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tác hại của bệnh cúm. Chủng ngừa cúm làm giảm tần suất bệnh và giảm chi phí chăm sóc y tế  cho  bệnh  nhân  đái  tháo đường. Theo ACIP, nên tiêm vacxin cúm cho tất cả bệnh nhân tiểu đường ≥ 6 tháng tuổi, thời gian tiêm chủng thay đổi tùy theo từng vùng trên thế giới. Ở Việt Nam, thời điểm tiêm là vào đầu tháng 9 dương lịch và nên tiêm nhắc lại hàng năm vì tính miễn dịch của vaccine giảm đi sau 1 năm.

Bệnh nhiễm phế cầu

Bệnh nhân tiểu đường cũng dễ nhiễm vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) với các thể bệnh như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não do phế cầu. Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm phế cầu hơn người khác và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Tiêm vaccine cho bệnh nhân tiểu đường
Tiêm vaccine cho bệnh nhân tiểu đường

Nguy cơ nhiễm phế cầu tăng nhiều hơn ở bệnh nhân tiểu đường ≥ 65 tuổi và có kèm bệnh tim phổi mạn tính. Vacxin ngừa nhiễm phế cầu bảo vệ được đối với 85-90% týp huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn phế cầu. Theo ACIP, vacxin phế cầu giúp giảm tỷ lệ viêm phổi và tử vong do viêm phổi một cách hiệu quả.

Hiện không có khuyến cáo tiêm ngừa nhắc lại vaccine phế cầu cho bệnh nhân tiểu đường, ngoại trừ chỉ định tiêm nhắc 1 lần cho các trường hợp đặc biệt sau: bệnh nhân trên 65 tuổi đã được tiêm chủng trước đó, bệnh nhân dưới 65 tuổi đã được tiêm vaccine hơn 5 năm, bệnh nhân đái tháo đường có các bệnh lý mạn tính đi kèm như hội chứng thận hư, bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch và người sau ghép tạng.

Bệnh viêm gan siêu vi B

Người bệnh tiểu đường cũng có tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B cao hơn so với bệnh nhân không đái tháo đường cùng lứa tuổi. Tỷ lệ không tự thải trừ được siêu vi viêm gan B sau nhiễm bệnh và diễn tiến thành viêm gan siêu vi B mạn tính cũng cao hơn so với bệnh nhân không đái tháo đường. Tình trạng kiểm soát đường-huyết kém và suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo  đường  cũng  làm  tăng  các đợt bùng phát siêu vi B, các đợt viêm gan tiến triển, tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan ở các bệnh  nhân  đái  tháo  đường. Phòng ngừa viêm gan siêu vi B bằng chủng ngừa 3 liều vaccine (mũi đầu tiên, mũi thứ hai sau 1 tháng và mũi thứ ba sau 5 tháng kế tiếp) gây được miễn dịch bảo vệ cho 98% số bệnh nhân. Vaccine viêm gan B sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp an toàn và hiệu quả, rất hiếm phản ứng phụ.

Ngoài ra, theo khuyến cáo năm 2015 của Trung tâm kiểm soát bệnh và phòng bệnh (CDC), bệnh nhân tiểu đường còn nên được tiêm bổ sung vacxin DTaP hoặc Tdap (để ngừa 3 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà) và vaccine thủy đậu.

Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh do vi rút nhóm Herpes dễ diễn biến mạn tính ở cơ địa suy giảm miễn dịch và bệnh nhân tiểu đường. Nhiễm vi rút mạn tính ở các cơ địa này dễ tái hoạt từng đợt dưới biểu hiện của bệnh zona và gây đau dữ dội theo rễ thần kinh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe bệnh nhân tiểu đường.

Bệnh thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch nặng còn có thể dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi do virus, viêm não, màng não, bội nhiễm vi trùng từ da, nhiễm trùng huyết… Bệnh nhân tiểu đường chưa từng bị thủy đậu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm 2 liều vaccine thủy đậu riêng lẻ cách nhau 4-8 tuần.

Tóm lại, các bệnh nhiễm trùng gây diễn biến không thuận lợi cho sức khỏe ở bệnh nhân tiểu đường dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng thuốc và chăm sóc y tế, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong. Thực hành tiêm chủng đầy đủ cho bệnh nhân tiểu đường là biện pháp chủ động và hữu hiệu nhất để bảo đảm chất lượng sống, bảo vệ sức khỏe, giảm đáng kể các tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cho bệnh nhân tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường cần đến khám tại các phòng khám tiêm ngừa hay các phòng khám chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về các mũi tiêm ngừa cần thiết để được bảo vệ tốt nhất và tránh được các chi phí y tế cho các bệnh lý có thể phòng ngừa được này.

Khuyến cáo tiêm ngừa Vaccine cho bệnh nhân tiểu đường trẻ em và người lớn
Vaccine ngừa cúm [1,2] (Influen- za vaccine) Tiêm mỗi năm 1 lần cho tất cả bệnh nhân tiểu đường ≥ 6 tháng tuổi
Vaccine ngừa viêm phổi do Phế cầu [1,2] (Pneumococcal poly- saccharide vaccine 23 – PPSV23) Tất cả bệnh nhân tiểu đường ≥ 2 tuổi

Tiêm nhắc lại một lần nếu: bệnh nhân ≥ 65 tuổi đã được tiêm chủng trước đó hoặc bệnh nhân < 65 tuổi đã được tiêm chủng hơn 5 năm

Vaccine ngừa Viêm gan siêu vi B [1,2] (Hepatitis B vaccine) Tất cả bệnh nhân tiểu đường
Vaccine ngừa thủy đậu [2] (ZOSTER vaccine) Tất cả bệnh nhân ≥ 60 tuổi, bao gồm người tiểu đường
Vaccine ngừa Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà [2] (DTaP vaccine hay Tdap vaccine) Tất cả bệnh nhân, bao gồm người tiểu đường
Khuyến cáo của Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA: American Diabetes Association) 2016

Khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC: Centers of Disease Control and Prevention) 2015

BS CK1. Nguyễn Thành Thuận – Khoa Nội tiết – Đại học Y Dược TPHCM

Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 18 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

(Theo Nội khoa Việt Nam)

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận