Tiền sản giật – Tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm
Ba bệnh cảnh đáng sợ nhất ở phụ nữ có thai là chảy máu, nhiễm trùng và tăng huyết áp. Trong đó, tiền sản giật thuộc nhóm bệnh tăng huyết áp thai kì, là tình trạng nguy hiểm nhất. Đây là một tối cấp cứu trong sản khoa và xảy ra ở 5 đến 10% tổng số thai nghén.
Nội dung bài viêt
1. Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật, trước còn được gọi là nhiễm độc thai nghén, nằm trong nhóm bệnh tăng huyết áp thai kì. Bệnh cảnh tiền sản giật bao gồm tăng huyết áp và protein niệu, có thể xuất hiện từ tuần 20 của thai kì đến 6 tuần sau đẻ. Tuy nhiên bệnh có thể khởi phát sớm hơn nếu đi kèm các bệnh lá nuôi như chửa trứng, …
- 16% tử vong ở phụ nữ có thai liên quan đến tăng huyết áp thai kì (Ảnh internet)
Một phụ nữ có thai được cho là có tăng huyết áp khi:
– Kết quả đo huyết áp hai lần đều lớn hơn 140/90 mmHg hoặc ghi nhận sự tăng lên quá 30/15 mmHg so với huyết áp nền.
Hoặc huyết áp trên 160/110 ở một lần đo duy nhất.
Protein niệu dương tính là sự xuất hiện trên ngưỡng của protein trong nước tiểu. Để phát hiện tình trạng này, bạn sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn thu nước tiểu trong 24h. Sau đó mẫu nước tiểu sẽ được mang đi làm xét nghiệm để phát hiện sự quá ngưỡng của protein.
2. Nguyên nhân của tiền sản giật
Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về nguyên nhân bệnh sinh của tiền sản giật. Tuy nhiên, kết quả của nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ của tiền sản giật.
– Tiền sử của bản thân hoặc người trong gia đình đã từng bị tiền sản giật;
– Trên 35 tuổi ;
– Mang thai lần đầu ;
– Đa thai, đa ối;
– Thừa cân, béo phì, tình trạng kháng insulin ;
– Các bệnh lý mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch máu,…
3. Dấu hiệu tiền sản giật
Định nghĩa của tiền sản giật là tăng huyết áp và protein niệu. Tuy nhiên đây là hai dấu hiệu khó theo dõi tại nhà. Có một số triệu chứng có thể gợi ý bệnh cảnh tiền sản giật như sau:
– Phù trước đây nằm trong tam chứng tiền sản giật, bên cạnh tăng huyết áp và protein niệu. Đặc điểm của phù là phù to, nhanh, nhiều. Mí mắt húp lại, mặt nặng. Ngón tay tròn trĩnh, tay chân to lên nhanh. Bụng căng lên, để lại hằn dây lưng hoặc chun quần. Âm hộ sưng to. Tuy nhiên, người ta không chỉ dựa vào mình triệu chứng này để chẩn đoán tiền sản giật. Bởi vì có thể gặp phù ở những người phụ nữ mang thai bình thường. Bởi vậy bạn có không nên quá lo lắng mà nên đi kiểm tra ở cơ sở y tế.
- Triệu chứng tiền sản giật có thể phát hiện ở nhà (Ảnh internet)
– Tăng cân bất thường: có thể gặp trước khi phù trở nên rõ ràng. Mốc tăng cân bất thường là trên 0.5 kg /tuần.
4. Dấu hiệu của tiền sản giật nặng
Nếu có một trong các triệu chứng sau, tiền sản giật được tính là nặng.
– Rối loạn ý thức: lơ mơ, hôn mê.
– Nhìn mờ
- Tiền sản giật nặng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và có thể dẫn đến tử vong (Ảnh internet)
– Đau đầu không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường
– Đau bụng vùng thượng vị hoặc vùng gan
– Khó thở, đau ngực
5. Biến chứng tiền sản giật
Biến chứng cho mẹ
Trước kia tiền sản giật còn được gọi là nhiễm độc thai nghén bởi các biến chứng lên nhiều cơ quan của người mẹ.
– Phù não, xuất huyết não
– Mù mắt
– Suy thận cấp
– Chảy máu gan, vỡ gan
– Suy tim cấp, phù phổi cấp
– Rối loạn đông máu
– Tiền sản giật nặng nếu không được theo dõi và điều trị sẽ dẫn đến sản giật. Đặc trưng của sản giật là những cơn co giật từ vùng mặt lan xuống hai tay, sau đó là co cứng toàn thân, giữa các cơn có thể có giai đoạn giãn cơ, cuối cùng là hôn mê. Tỉ lệ tử vong người mẹ là 14% và tỉ lệ tử vong thai nhi là 30-50%.
Biến chứng cho thai nhi
Giả thuyết về nguyên nhân bệnh sinh của tiền sản giật là thiếu máu nuôi nhau thai. Chính vì vậy biến chứng phổ biến nhất cho thai là thai chậm phát triển trong tử cung (56%).
Ngoài ra nguyên tắc điều trị tiền sản giật dẫn là buộc phải chấm dứt thai kì sớm để bảo đảm tính mạng cho người mẹ. Chính vì vậy tỉ lệ đẻ non và tử vong chu sinh trong tiền sản giật cao hơn bình thường rất nhiều.
6. Dự phòng tiền sản giật
Vì chưa tìm ra cơ chế bệnh sinh rõ ràng nên cách dự phòng hiệu quả là phát hiện sớm để theo dõi và điều trị.
– Đăng kí quản lý thai nghén ở các cơ sở y tế.
- Khám thai định kì là cách tốt nhất để dự phòng tiền sản giật (Ảnh internet)
– Thai phụ ở nhà nên tự theo dõi huyết áp và cân nặng để phát hiện các bất thường.
– Có một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung canxi. Các thực phẩm giàu canxi bao gồm : sữa, phô mai, các rau màu xanh đậm, hạnh nhân, hải sản,…
- Chế độ ăn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sắt, folate và canxi (Ảnh internet)
– Chăm sóc liên tục thời kì hậu sản vì có thể gặp tiền sản giật 6 tuần sau đẻ.
– Một phụ nữ có thai bình thường có 1.7% bị tiền sản giật. Tuy nhiên nếu trong lần mang thai trước đã có tiền sản giật thì tỉ lệ này là 14.7%. Ngoài ra phụ nữ bị tiền sản giật có nguy cơ tiến triển thành tăng huyết áp mạn tính dù được kiểm soát tốt. Chính vì vậy, theo dõi sức khỏe sau thai kì, đặc biệt là thai kì có tiền sản giật là hết sức quan trọng.
BS Phạm Anh Thơ
Theo Nội khoa Việt Nam