Cảnh giác với bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
Ở nước ta, các bé bị tiêu chảy thường tử vong do mất nước, điện giải và sau đó là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý không hồi kết. Cùng tìm hiểu về Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ qua bài viết của BS Nguyễn Thị Nhung – BS Nội trú Đại học Y Huế.
Nội dung bài viêt
Định nghĩa tiêu chảy cấp
Tiêu chảy thường được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần/24h.
Phân lỏng là phân không thành khuôn. Trừ những trẻ bú mẹ, nếu trẻ mỗi ngày đi đại tiện một vài lần phân nhão thì việc xác định tiêu chảy thực tế là phải dựa vào tăng số lần hoặc tăng mức độ lỏng của phân mà các bà mẹ cho là bất thường.
Thời gian bị bệnh của tiêu chảy cấp ít hơn 14 ngày. Nếu lớn hơn 14 ngày thì gọi là tiêu chảy kéo dài.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp
Do virus
Rotavirus, adenovirus, enterovirus, sởi norwalkvirus trong đó rotavirus là nguyên nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ em dưới 2 tuổi.
- Rotavirus – Một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Theo thống kê, cứ 2 trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy thì có 1 trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus. Rotavirus có 4 type huyết thanh. Nếu trẻ bị nhiễm một loại trong 4 loại thì vẫn có khả năng nhiễm các loại còn lại. Hiện nay đã có vaccine phòng tiêu chảy do Rotavirus như RotaShield, Rotarix, RotaTeq. Tuổi tối đa dùng liều đầu tiên là 14 tuần tuổi, liều cuối là 8 tháng tuổi. Cần tuân thủ các chỉ định của việc uống vaccine phòng tiêu chảy do Rotavirus.
Do Vi khuẩn
- Vi khuẩn Ecoli có thể gây tiêu chảy cấp
Ecoli đường ruột gây 25% tiêu chảy cấp, có nhiều type gây bệnh: trực trùng gram âm Shigella, Samonella, vi khuẩn tả, tụ cầu trùng gây tiêu chảy do độc tố.
Do ký sinh trùng
Trong số các ký sinh trùng gây tiêu chảy có 2 loại thường gặp nhất là Entamoeba histolytica, giardia lamblia.
- Trùng roi Giardia lamblia – Thủ phạm gây tiêu chảy cấp ở trẻ
- Nhiễm Entamoeba histolytica: Bệnh còn được gọi là lỵ amíp, thường biểu hiện triệu chứng đại tiện nhiều lần trong ngày, phân có máu, sụt cân, suy nhược, đau bụng..
- Các thể lâm sàng của bệnh do giardia lamblia là tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mạn tính, và hội chứng giảm hấp thu. Cả hai thể bệnh cấp và mạn tính, tiêu chảy thường diễn ra từ nhẹ tới nặng. Người bệnh có thể có các triệu chứng: phân nát và nhiều, đi tiêu một lần/ngày; hoặc số lần đi ngoài nhiều hơn. Phân lỏng hơn, có thể chứa nhầy nhưng thường không có máu và mủ. Phân thường có bọt, nặng mùi, và nhờn. Người lớn thường sụt cân và mệt mỏi. Trẻ em thì chậm lớn và chậm phát triển; có khi thấy chán ăn, buồn nôn và nôn, cảm giác khó chịu và đau vùng thượng vị, ợ, đầy hơi và trướng bụng; ít gặp sốt nhẹ, và đau đầu, nổi mụn sẩn, đau khớp, và đau cơ…
Do một số nguyên nhân khác
- Ngộ độc thực phẩm: Chế biến thực phẩm không đúng cách, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn phải thức ăn ôi thiu,
- Dị ứng thức ăn: một số trẻ có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng với đồ ăn lạ, nhất là đồ biển, đồ tanh…
- Bất dung nạp đường lactose: nhiều trẻ bị dị ứng với lactose trong sữa. Điều này cũng gây ra tình trạng tiêu chảy.
- Sử dụng kháng sinh: việc sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc không theo chỉ định của bác sỹ dẫn tới tình trạng cân bằng hệ vi sinh đường ruột ở trẻ, gây tiêu chảy.
Triệu chứng của tiêu chảy cấp do các nguyên nhân
Để phân biệt các tác nhân gây bệnh rạch ròi cần đến các chuyên gia về tiêu hóa nhi và các xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên dựa vào tính chất phân, bệnh sử cũng góp phần gợi ý nguyên nhân do virus hay vi khuẩn. Ví dụ:
- Nếu trong phân có lẫn nhầy mũi, máu thì thường do tác nhân vi khuẩn nhưng cũng có thể do dị ứng đạm sữa bò.
- Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì phân thường lỏng tóe nước, không nhầy máu, phân có màu vàng hoa cà hoa cải.
- Nếu trẻ mắc tiêu chảy do rotavirus thì phân có mùi chua, trẻ có sốt nhẹ kèm theo nôn một vài ngày.
Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ
Trường hợp tiêu chảy cấp thì nên đưa trẻ đi khám để đánh giá tình trạng mất nước, rối loạn điện giải và tìm ra tác nhân gây bệnh.
Trường hợp trẻ không bị mất nước thì có thể hướng dẫn bà mẹ điều trị tiêu chảy ở nhà để phòng mất nước với 4 nguyên tắc
Cho uống thêm dịch
Dịch bổ sung thêm có thể là ORESOL hoặc thức ăn lỏng như nước súp, nước cơm, nước cháo, nước sạch ở những trẻ không bú mẹ hoàn toàn.
- Bù nước và điện giải cho trẻ bị tiêu chảy cấp bằng Oresol
Pha Oresol đúng tỷ lệ được hướng dẫn. Tránh pha đậm đặc hay loãng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của Oresol Ngoài ra có thể làm tăng natri máu gây co giật.
Trường hợp trẻ có tiêu chảy mất nước hoặc mất nước nặng cần được điều trị tại cơ sơ y tế để bù nước. Tránh các rối loạn điện giải, huyết động có thể xảy ra. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà.
Bổ sung kẽm
Bổ sung kẽm hàng ngày cho tất cả trẻ em trên 12 tháng tuổi trong nhóm dân số thiếu hụt kẽm sẽ làm giảm được tần suất bị tiêu chảy khoảng 11-23%. Tác động lớn nhất là giảm nhiều đợt tiêu chảy. Hiệu quả lên thời gian của các đợt tiêu chảy vẫn chưa được rõ ràng, nhưng có thể lên đến 9%. Kẽm cũng có hiệu quả trong giảm tiêu chảy dạng lỵ và tiêu chảy kéo dài.
Tiếp tục cho ăn
Những khi trẻ bị tiêu chảy, trẻ rất cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng có sức chống lại bệnh tật. Nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn. Trẻ đang bú mẹ tiếp tục bú mẹ.
Xem thêm: Bé bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng ăn gì
Đưa trẻ đi khám ngay khi có những biểu hiện như sau:
- đi ngoài phân lỏng rất nhiều lần, liên tục;
- nôn tái diễn;
- trở nên rất khát, ăn uống kém hoặc bỏ bú;
- trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị;
- sốt cao hơn;
- phân có lẫn máu.
Trong phác đồ chống mất nước này cần lưu ý với những trẻ bú mẹ cho bú nhiều hơn và lâu hơn mỗi lần bú. Cho trẻ uống nước thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng thìa.
Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn. Tiếp tục cho uống cho tới khi trẻ ngừng tiêu chảy.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp
Điều trị tiêu chảy đúng làm giảm nguy cơ tử vong nhưng không làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy. Chính bởi vậy mỗi thành viên trong gia đình trẻ cần được hướng dẫn để phòng bệnh tốt nhất.
Những điểm lưu ý trong phòng bệnh tiêu chảy:
Nuôi con bằng sữa mẹ
Trong 6 tháng đầu của cuộc đời trẻ cần được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ. Trẻ không cần cung cấp thêm một thức ăn hoặc uống gì khác. Nếu trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít mắc bệnh tiêu chảy và tỉ lệ tử vong thấp hơn.
Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít mắc bệnh tiêu chảy Cả thiện nuôi dưỡng bằng thức ăn dặm. Trẻ nên được ăn dặm sau 6 tháng. Tuy nhiên nếu trẻ kém phát triển có thể bổ sung sớm từ 4 tháng tuổi. Thức ăn dặm cần đảm bảo vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng
Sử dụng nguồn nước sạch, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường
- Sử dụng nguồn nước sạch nhất có thể để dùng. Không để cho động vật lại gần nguồn nước. Nguồn nước trong các dụng cụ đựng cần được vệ sinh hàng ngày. Hãy ăn chín, uống sôi.
- Rửa tay thường quy sau mỗi lần đi vệ sinh, tiếp xúc với phân hay chất tiết của người bệnh. Trước và sau khi chế biến thực phẩm cũng nên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng .
- Sử dụng hố xí và xử lý phân an toàn. Nhà vệ sinh cần xây cách xa nguồn nước.
- Tiêm chủng vaccine đầy đủ và uống phòng vaccine rotavirus.
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn rất yếu và dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, cha mẹ nên chú ý các biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Cha mẹ tuyệt đối không nên để trẻ ở nhà và tự điều trị bằng thuốc tiêu chảy khi không có chỉ định của bác sĩ.
BS Nguyễn Thị Nhung
BS nội trú – Đại học Y Huế