Đừng coi thường tiêu chảy cấp do bệnh lỵ amip

Bệnh lỵ amip là bệnh truyền nhiễm tại đại tràng do đơn bào Entamoeba histolytica gây nên. Trên thế giới, theo ước tính có khoảng 10% dân số nhiễm Entamoeba, đặc biệt ở các xứ nhiệt đới như Việt Nam. Entamoeba histolotyca là nguyên nhân gây tử vong thứ ba trong các bệnh lý do ký sinh trùng gây nên. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh lỵ amip chính là đau quặn bụng và tiêu chảy cấp.

Nguyên nhân và đường lây truyền bệnh lỵ amip

Người mang kén amip Entamoeba histolotyca là nguồn gây bệnh duy nhất. Thể không hoạt động được thải ra trong phân biến thành thể bào nang để tồn tại lâu dài trong môi trường ngoại cảnh. Đường lây trực tiếp thường do tay bẩn dính bào nang, từ đó đưa vào miệng qua thức ăn. Bên cạnh đó còn có các đường lây gián tiếp qua nước uống, ruồi nhặng, vật dụng nhiễm amip. Ngoài ra amip có thể lây qua hoạt động tình dục đồng giới nam.

Lỵ amip lây truyền qua đường hậu môn - miệng, nguyên nhân tiêu chảy cấp phổ biến
Lỵ amip lây truyền qua đường hậu môn – miệng, nguyên nhân tiêu chảy cấp phổ biến 

Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm amip. Tuy nhiên bệnh lỵ amip gặp nhiều ở lứa tuổi 20-30 và nam giới trong 80% trường hợp. Có người có thể mang mầm bệnh trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không có triệu chứng. Vì vậy, họ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.

Triệu chứng tiêu chảy cấp do bệnh lỵ amip

Vì phần lớn trường hợp nhiễm Entamoeba histolotyca không có hoặc có ít triệu chứng nên rất khó xác định thời gian ủ bệnh.

Thể thường gặp nhất của bệnh lỵ amip là amip đại tràng cấp. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau bụng quặn cơn thường ở nửa bụng dưới bên phải. Chính vì vậy bệnh cảnh dễ nhầm với bệnh lý viêm ruột thừa.
  • Mót rặn là cảm giác khó chịu, thôi thúc đi ngoài liên tục, tiêu chảy cấp, gây suy kiệt ở người già và trẻ em.
  • Đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhầy máu xen kẽ phân lỏng nước, số lượng phân ít.
Đau bụng quặn, mót rặn, tiêu chảy cấp phân nhầy máu là triệu chứng đặc trưng bệnh lỵ amip
Đau bụng quặn, tiêu chảy cấp phân nhầy máu là triệu chứng đặc trưng bệnh lỵ amip

Phần lớn trường hợp toàn trạng tốt hoặc có mệt mỏi nhẹ. Tuy nhiên có thể gặp một số thể nặng. Tình trạng toàn thân suy kiệt nhiều, mất nước điện giải nặng, đau bụng dữ dội. Những đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em, phụ nữ có thai, suy kiệt, bệnh ác tính, suy giảm miễn dịch do thuốc,…

Bên cạnh thể đại tràng cấp còn thể bán cấp. Trong thể amip đại tràng bán cấp, các triệu chứng ở mức độ nhẹ hơn, ít đặc hiệu.

Ngoài ra có amip thể đại tràng mạn tính. Người bệnh thỉnh thoảng có các đợt rối loạn tiêu hóa, đặc biệt sau uống sữa hoặc ăn tinh bột. Những đợt đau bụng, tiêu chảy cấp hay thường tự khỏi. Phân có thể không nhầy máu như đặc trưng của hội chứng lỵ. Bên cạnh đó có một số triệu chứng không đặc hiệu như ăn uống kém, sụt cân.

Biến chứng của bệnh lỵ amip

Tỉ lệ biến chứng ở bệnh nhân bệnh lỵ amip rất cao, khoảng 25%. Lý do là vì nhiễm amip thường không có hoặc có ít triệu chứng. Người bệnh vì vậy sẽ không đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các biến chứng có thể gặp :

  • Viêm loét đại tràng có thể dẫn đến thủng ruột. Khi đó, người bệnh đau bụng dữ dội, thành bụng co cứng. Tình trạng toàn thân nặng nề và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp.
  • Xuất huyết tiêu hóa khi amip gây tổn thương ở mạch máu. Khi đó, bệnh nhân cần được truyền máu và điều trị ngay thuốc diệt amip.
  • Lồng ruột. Vị trí tổn thương thường ở manh tràng nên dễ gây lồng ruột. Trên lâm sàng, người bệnh đau bụng quặn cơn, bụng thỉnh thoảng nổi gồ lên như rắn bò .Ngoài ra có thể có buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện.
  • Viêm ruột thừa phản ứng, do vị trí thường gây bệnh của Entamoeba histolotyca gần ruột thừa. Ruột thừa nằm trong ổ viêm dễ bị viêm thứ phát.
  • Nhiễm trùng huyết với các ổ di bệnh trên toàn cơ thể như não, lách, tuyến tiền liệt, âm đạo… Khi đó bệnh rất nghiêm trọng. Bệnh nhân cần được điều trị trong khoa hồi sức tích cực.

Điều trị bệnh lỵ amip và cách điều trị tiêu chảy cấp do lỵ amip

Khi nghi ngờ nhiễm Entamoeba histolotyca, hãy đến ngay cơ sở y tế. Bạn sẽ được soi phân và có kết quả ngay trong vòng 2 đến 4 tiếng.

Dựa trên kết quả soi phân, bác sĩ sẽ lựa chọn các thuốc diệt amip thích hợp với thể amip mà bạn có. Đáp ứng với điều trị thường rất tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ tái phát khá cao, khoảng 35%. Vì vậy bệnh nhân bệnh lỵ amip sau khi điều trị khỏi vẫn phải theo dõi xét nghiệm phân định kì.

Bên cạnh đó sẽ có các điều trị khác như bù nước và điện giải cho bệnh nhân tiêu chảy cấp nếu có rối loạn, hạ sốt nếu sốt cao, điều trị ngoại khoa khi có biến chứng,…

Dự phòng bệnh lỵ amip để phòng tránh tiêu chảy cấp

Phòng bệnh bằng các thuốc diệt amip một cách đại trà không mang lại nhiều hiệu quả. Vì vậy, để dự phòng bệnh lỵ amip, các hành vi sức khoẻ tích cực vẫn giữ vai trò quan trọng.

Thực hiện vệ sinh nguồn nước: sử dụng nước sạch, xử lý nước thải hợp vệ sinh.

Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: có ý thức tự kiểm soát vệ sinh các loại thực phẩm đưa vào cơ thể.

Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn nước là biện pháp bảo vệ bản thân khỏi trực khuẩn lỵ
Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn nước để phòng tránh bệnh lỵ amip và tiêu chảy cấp
  • Diệt ruồi nhặng.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi ăn và đi vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị kịp thời và triệt để là các biện pháp hữu hiệu để hạn chế lây lan bệnh lỵ amip.

BS Phạm Anh Thơ

Xem thêm: Tiêu chảy do bệnh lỵ trực khuẩn

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận