Tiêu hóa kém: Nguyên nhân – Cách khắc phục

Tiêu hoá kém là tình trạng hệ tiêu hoá hoạt động kém hơn bình thường. Tình trạng này kéo dài liên tục sẽ khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, không được cung cấp đủ năng lượng để hoạt động. Nó có thể làm suy giảm chức năng của một số cơ quan và bộ phận của cơ thể, là nguy cơ gây nhiều bệnh mạn tính nghiêm trọng khác. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân do đâu và có biện pháp cải thiện tình trạng tiêu hoá kém là vấn đề rất quan trọng.

1. Tiêu hóa kém là gì?

Tiêu hóa kém

Tiêu hóa kém là tình trạng quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm, khiến thức ăn vào cơ thể không kịp thời chuyển hóa thành chất dinh dưỡng. Tình trạng này có thể gây ra một số triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, nôn, tiêu chảy, táo bón,… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu hoá kém, song cần tìm hiểu để có cách xử trí bệnh về đường tiêu hóa kịp thời và hiệu quả.

2. Nguyên nhân dẫn đến tiêu hóa kém

2.1. Thiếu hụt enzym tiêu hóa

Enzyme tiêu hóa hay còn gọi là men tiêu hóa đóng vai trò làm chất xúc tác, phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ. Enzyme tiêu hóa có sẵn trong cơ thể và được tiết ra bởi các tuyến ngoại tiết như: tuyến nước bọt, tuyến dạ dày, tế bào tiết trong tuyến tụy, tuyến bài tiết trong ruột non,… 

Ở trẻ nhỏ, trong những năm tháng đầu đời, hệ tiêu hóa chưa được phát triển hoàn thiện nên lượng enzyme tiêu hóa sẽ ít và không ổn định. Khi thức ăn vào đường tiêu hoá, đặc biệt là các loại thức ăn khó tiêu, thiếu chất xơ, trẻ dễ bị đầy hơi, chướng bụng và các rối loạn tiêu hóa khác.

2.2. Bệnh lý tại đường tiêu hóa

Một số bệnh lý hay gặp gây ra tình trạng tiêu hoá kém như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,  hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, một số bệnh về rối loạn chuyển hóa nội tiết,… 

Viêm loét đại tràng gây viêm và loét trên niêm mạc ruột già. Bệnh Crohn cũng là một dạng của viêm ruột, đây là chứng rối loạn tiêu hoá với kích ứng và viêm khắp đường tiêu hóa. Hai bệnh này là nguyên nhân gây tiêu hóa kém.

Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt) là một tình trạng mạn tính, đặc trưng bởi triệu chứng co thắt, chướng bụng, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.

Hội chứng này thường gây dư thừa chất nhầy màu trắng trong hệ tiêu hóa, thường gặp triệu chứng tiêu chảy phân nhầy màu trắng.

2.3. Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học

Thói quen ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Lối sống ăn uống thất thường, ăn thiếu chất dinh dưỡng trong một thời gian dài khiến cho cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng. Từ đó, có thể gây hại cho đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi và suy nhược, gầy yếu.

Một số thuốc với tác dụng phụ có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hoá. Các loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa như thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh,…Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa sẽ giảm khi ngừng thuốc.

Thói quen sinh hoạt: lười vận động là một trong số nguyên nhân quan trọng gây nên vấn đề về hệ tiêu hóa. Khi cơ thể ít vận động thì hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém hơn. Từ đó, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể cũng kém hơn so với một người thường xuyên vận động. 

2.4. Nguyên nhân khác

Khi phải chịu nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống, cơ thể con người dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và stress. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến mất ngủ, tâm lý bất ổn, cơ thể mệt mỏi. Từ đó, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém hiệu quả hơn bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu hóa kém ở người lớn.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa cũng là vấn đề thường gặp phải. Những người mắc bệnh có thể bị lượng đường trong máu cao tác động đến các cơ quan tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém. Người bệnh thường mất nhiều thời gian tiêu hóa thức ăn, dẫn đến các triệu chứng như chậm tiêu, táo bón.

Tiêu hóa kém ở người lớn tuổi: chức năng của hệ tiêu hóa suy yếu theo tuổi. Càng lớn tuổi, cơ thể các ít tiết ra dịch vị, dịch mật, dịch ruột,…Sự suy giảm dịch tiêu hoá là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém ở người cao tuổi.

Trẻ em thường gặp các vấn đề về đường ruột do ký sinh trùng do chưa có thói quen vệ sinh như hay mút tay, cho bất cứ thứ gì nhặt được vào miệng, nghịch đất cát bẩn,…Từ đó, các loại ký sinh trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ, gây đau dạ dày, đầy hơi và chướng bụng,…

3. Những biểu hiện của tình trạng tiêu hóa kém

Những dấu hiệu điển hình cảnh báo hệ tiêu hóa không ổn định như: khó tiêu, đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng, ợ chua, tiêu chảy, táo bón,…

Đầy chướng bụng, khó tiêu: tình trạng này xảy ra khi thức ăn ứ đọng lâu trong cơ thể mà không thể đẩy được ra ngoài, do nhu động tiêu hóa co bóp không đủ lực.

Đau tức bụng, ợ hơi: đau bụng có thể xuất hiện âm ỉ hoặc đau đột ngột, dữ dội; đau quặn vùng quanh rốn, đau có thể lan sang phía sống lưng hoặc nhiều vùng xung quanh.

Đại tiện thay đổi: tình trạng tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần kèm sống phân hoặc ngược lại gây ra tình trạng táo bón, đi ngoài khó khăn do thức ăn bị ứ đọng. Một số trường hợp, người tiêu hóa kém có thể bị tiêu chảy, táo bón xen kẽ, kéo dài gây suy nhược cơ thể, mệt mỏi. 

Ăn không ngon miệng, chán ăn, hay bị buồn nôn: do thức ăn không đẩy được theo phân khiến cho nhu động ruột bị kích thích, đẩy ngược thức ăn trở lại thực quản gây ra nôn ói. 

Biểu hiện chán ăn gặp ở trẻ tiêu hoá kém

Tình trạng cân nặng thay đổi thất thường: khi hệ tiêu hóa hoạt động kém thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cũng như tăng nguy cơ tích trữ chất béo trong cơ thể. Tình trạng tiêu hóa kém xuất hiện trong thời gian dài mà không có biện pháp khắc phục, xử lý đúng cách có thể gây ra tình trạng không hấp thụ được dinh dưỡng dẫn đến cân nặng sụt giảm dù ăn nhiều, gây suy nhược, gầy yếu. 

Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc: Tiêu hóa kém gây ra hàng loạt triệu chứng như ợ hơi, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón,… có thể khiến cho bạn mệt mỏi và ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Hơn nữa, hormone serotonin ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và giấc ngủ lại được sản xuất nhiều từ đường ruột. Do đó, giấc ngủ của người bệnh dễ bị rối loạn khi gặp phải vấn đề tổn thương ở đường ruột.

Da dễ bị kích ứng: Hệ tiêu hóa hoạt động kém có thể là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc một số bệnh về da, khiến cho làn da của bạn dễ bị kích ứng.

4. Tiêu hóa kém có nguy hiểm không?

Khi hệ tiêu hóa hoạt động kém thì cơ thể sẽ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng năng lượng và làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Tình trạng này có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa, rối loạn chức năng của các bộ phận trong hệ tiêu hóa.

Một số người có hệ tiêu hóa hoạt động kém phải đối mặt với chứng thiếu cân, lâu dài gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ hoặc thiếu năng lượng trường diễn ở người lớn. Đặc biệt ở trẻ, tình trạng này diễn ra càng lâu thì sẽ gây ra nhiều nguy cơ rối loạn sự tăng trưởng và sự phát triển sau này. 

Những trường hợp phụ nữ có vấn đề về tiêu hóa mạn tính có nguy cơ thiếu máu, rụng tóc và xương yếu hơn bình thường, làm gia tăng nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến yếu tố tâm lý và hạnh phúc gia đình. 

Khi gặp phải tình trạng tiêu hóa kém kéo dài, cơ thể mệt mỏi, lừ đừ do không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Tình trạng buồn nôn, tiêu chảy diễn ra liên tục khiến cơ thể mất nước, nếu không được bù nước và can thiệp kịp thời thì rất nguy hiểm. Thậm chí, có khả năng gây nhiễm trùng đường ruột, nguy hại khôn lường khi tình trạng tiêu hóa kém ở mức độ nặng hơn.

5. Cách để cải thiện tình trạng tiêu hóa kém

Tuỳ theo nguyên nhân dẫn đến tiêu hoá kém mà có các phương pháp có thể cải thiện tình trạng này: 

Để khắc phục tình trạng thiếu men tiêu hoá, đặc biệt ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Có thể bổ sung men tiêu hóa nhằm phục hồi lại niêm mạc đường ruột, dùng thêm sữa chua để tăng hỗn hợp lợi khuẩn, giúp đảm bảo sự cân bằng vi khuẩn lành mạnh. 

Điều trị bệnh lý của đường tiêu hoá: nếu tiêu hóa kém là do bệnh lý, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị bệnh kịp thời. 

Chế độ ăn uống dinh dưỡng và khoa học: các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như rau xanh, các loại củ, hoa quả tươi rất giàu chất xơ và vitamin, khoáng chất, các loại axit amin quan trọng để ổn định tiêu hóa. Tích cực bổ sung các thực phẩm như: ngũ cốc, cá, sữa, gạo, rau sẫm màu và các loại quả có màu vàng.

Các thực phẩm lên men có khả năng bổ sung thêm nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Những vi khuẩn này sẽ tham gia vào quá trình phân giải thức ăn trong dạ dày, ruột. Từ đó, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn. Một số loại thực phẩm nên men rất tốt là: dưa chua, sữa chua, rau muối,… Tuy nhiên, người bị bệnh dạ dày cần cân nhắc trước khi sử dụng những thực phẩm này. 

Ăn uống đúng giờ là hết sức quan trọng, sẽ giúp dạ dày của chúng ta hoạt động một cách hiệu quả nhất và không dẫn đến các bệnh lý liên quan về dạ dày như bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm ruột non, ung thư đại tràng,…Ăn chậm và nhai kỹ để thức ăn dễ dàng được chuyển hóa, không làm ảnh hưởng đến dạ dày. 

Bổ sung men vi sinh (Probiotics) giúp hệ vi sinh đường tiêu hóa nhanh chóng đạt được cân bằng, cải thiện được các rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi. Đây là các lợi khuẩn có vai trò kích thích bài tiết các enzym tiêu hoá, giúp phân giải và hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các chế phẩm men vi sinh hiện nay còn được bổ sung thêm nhiều vitamin và dưỡng chất thiết yếu, hỗ trợ tăng cường đề kháng và cải thiện miễn dịch. 

Nếu bạn muốn dùng các loại thuốc hay thực phẩm khác, cần tham khảo ý kiến chuyên gia để được tư vấn cụ thể. Không tự ý mua thuốc, sử dụng các thuốc như giảm đau, kháng sinh vì dễ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hoá. 

Tăng cường vận động mỗi ngày: khi tập luyện mỗi ngày, cơ thể sẽ được kích thích để sản sinh ra những chất chống viêm, hỗ trợ làm giảm nguy cơ viêm ruột và nhiều vấn đề về tiêu hóa khác. Vận động thể lực hàng ngày giúp điều hòa và ổn định nhu động ruột, cải thiện tình trạng chán ăn, tiêu hóa kém, kích thích cảm giác ngon miệng trong các bữa ăn. 

Tăng cường vận động giúp cải thiện tình trạng tiêu hoá kém

Ngủ đủ giấc: Việc khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Theo khuyến cáo người trưởng thành nên ngủ ít nhất từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm, ngủ đủ và đúng giấc giúp cho các cơ quan hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi, đồng thời đảm bảo hiệu quả đào thải độc tố của cơ thể mỗi ngày. 

Hạn chế trạng thái căng thẳng: một số cách giúp bạn giảm căng thẳng như tập hít thở sâu, nghe nhạc, đi dạo, tập thiền, chơi thể thao,…Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, chú ý giữ cho tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ. Bởi vì khi cơ thể bị căng thẳng sẽ gây ra sự tăng tiết dịch vị dạ dày, có thể gây tổn thương và ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa. 

Đối với trẻ nhỏ, để ngăn ngừa các loại ký sinh trùng ảnh hưởng đến đường ruột nên tẩy giun định kỳ cho bé, hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên lau chùi các bề mặt bé hay tiếp xúc.

Khi người bệnh đã thực hiện chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng khoa học cùng thói quen sinh hoạt hợp lý mà vẫn gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình thì cần chủ động tiến hành thăm khám sớm để kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường.

Các vấn đề liên quan đến tiêu hóa kém có ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều cần thiết là cần xây dựng một chế độ ăn đủ dưỡng chất cùng thói quen sinh hoạt điều độ và thực hiện theo dõi và thăm khám khi cần giúp hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, phòng ngừa các bệnh lý hiệu quả.

BS Chu Thị Thanh Hoài

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận