Tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày tá tràng

Viêm dạ dày tá tràng là gì?

Viêm dạ dày tá tràng là tổn thương viêm vi thể trên bề mặt niêm mạc dạ dày tá tràng. Đây là phản ứng của bề mặt dạ dày tá tràng lại các yếu tố tấn công. Bệnh gây ra bởi nhiều tác nhân như thuốc, stress, vi khuẩn. Đây là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể tiến triển nặng thành loét dạ dày- tá tràng, xuất huyết dạ dày và thủng dạ dày tá tràng.

Viêm dạ dày

Viêm dạ dày

Phân loại theo tiến triển

Viêm dạ dày tá tràng cấp

Bệnh khởi phát nhanh, diễn biến nhanh chóng với các triệu chứng cấp tính đau bụng thượng vị quanh rốn, buồn nôn, nôn. Bệnh ít khi để lại di chứng.

Viêm dạ dày tá tràng mạn

Những thương tổn mạn tính của biểu mô phủ ở niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến những biến đổi mô bệnh học như dị sản ruột, loạn sản, teo tuyến niêm mạc, trên cơ sở đó có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.

Nguyên nhân nào gây viêm dạ dày tá tràng?

Do vi sinh vật

Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm dạ dày. Chúng gây bệnh thông qua các cơ chế:

  • Nhờ các tiêm mao H. Pylori di chuyển xuyên qua lớp nhầy đến bề mặt niêm mạc để sinh sống. H.pylori sản xuất protease làm hủy glycoprotein trong chất nhầy dạ dày và sản xuất phospholipases làm tổn thương tế bào biểu mô bề mặt, giải phóng các chất trung gian hoá học thu hút và hoạt hoá các tế bào viêm, làm niêm mạc càng bị tổn thương hơn nữa, khiến sự sản xuất chất nhầy càng giảm. Tiết Enzyme Urease xúc tác thủy phân ure, sản phẩm phân hoá protein trong dạ dày tạo ra NH4 là độc lực gây bệnh. Yếu tố hoạt hóa tiểu cầu do H.pylori sản xuất thúc đẩy sự hình thành huyết khối làm tắc nghẽn các mạch máu nuôi niêm mạc. H.pylori kích thích sự tiết gastrin, làm tăng sản xuất acid.
  • Vi khuẩn Helicobacter Pylori có nhiều yếu tố độc lực: kháng nguyên kết hợp độc tố tế bào cagA, độc tố gây không bào vacA, DupA, IceA, OipA, BabA có khả năng gây viêm teo dạ dày, loạn sản ruột và bệnh cảnh lâm sàng nặng.
Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày

Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày

Do sử dụng thuốc

  • Các thuốc kháng viêm không steroid ( NSAID): bao gồm các thuốc Celecoxib, Diclofenac, Etodolac, Flubiprofen, Ibuprofen, Indomethacin, Keroprofen, Ketorolac tromethamin, Acid mefenamic, Meloxicam, Naproxen, Piroxicam, Tenoxicam, Aspirin.Chúng gây kích ứng tại chỗ trên biểu mô, làm suy giàm hàng rào bảo vệ, ức chế COX-1 làm giảm tổng hợp Prostaglandin bảo vệ tế bào màng nhầy, giảm lưu lượng máu niêm mạc.
  • Các thuốc Corticoid: hydrocortison, cortison, Prednisone, Prednisone, Methylprednisolon, Triamcinolon, Dexamethason, Betamethason.Cơ chế tác động: giảm sản xuất lớp chất nhầy có tác dụng bảo vệ, làm tăng tiết acid dịch vị và pepsin gây kích ứng niêm mạc.

Do yếu tố stress

  • Gây tăng tiết Catecholamin mà chủ yếu là Adrenaline gây co mạch hệ thống tưới máu niêm mạc qua đó làm giảm cung cấp oxy, bicarbonat và các chất dinh dưỡng cần thiết cho biểu mô khiến lớp biểu mô giảm khả năng tiết chất nhầy bảo vệ , đồng thời giảm việc vận chuyển các ion H+ bị khuyếch tán ngược từ lòng ống vào trong niêm mạc, giảm chuyển hóa tế bào và tái tạo, thay thế các tế bào bị tổn thương.
  • Khi đáp ứng với một stress, vùng dưới đồi (hypothalamus) tiết hormon gây giải phóng hormon hướng thượng thận (corticotropin – releasing hormon [CRH]). Hormon này kích thích thùy trước tuyến yến tiết ACTH. Khi được tiết ra, ACTH kích thích vỏ thượng thận tiết cortisol, cortisol sẽ gây tăng tiết acid dịch vị.

Nguyên nhân khác

Thuốc lá; rượu bia; u sản xuất gastrin; thói quen ăn uống không đúng đủ bữa, nhìn ăn giảm cân; ăn đồ cay nóng, đồ chua.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ viêm dạ dày- tá tràng

Sử dụng chất kích thích

Sử dụng chất kích thích làm tăng nguy cơ viêm dạ dày

Sử dụng chất kích thích làm tăng nguy cơ viêm dạ dày

Uống rượu bia: sẽ làm phá hủy lớp nhầy bảo vệ trên bề mặt niêm mạc và làm tổn thương niêm mạc dạ dày tá tràng. Ngoài ra rượu bia còn kích thích dạ dày tăng tiết acid gây phá hủy hơn các tế bào niêm mạc.

Hút thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá gây co mạch hệ thống tưới máu bề mặt niêm mạc dạ dày tá tràng. Qua đó giảm tiết lớp chất nhầy bảo vệ. Ngoài ra thuốc lá còn kích thích niêm mạc dạ dày sản sinh ra chất endothelin làm cho cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu. Hút thuốc lá còn gây tăng tiết acid dạ dày và pepsin cũng như làm tăng nguy cơ nhiễm và tạo điều kiện cho vi khuẩn H.Pylori phát triển.

Ngoài ra cà phê, chè đặc, nước uống có ga,… Cũng gây ra tình trạng viêm dạ dày tá tràng.

Chế độ ăn uống sinh hoạt

Chế độ ăn uống nhiều đồ chua cay nóng và thói quen sinh hoạt bỏ bữa để giảm cân hay thức khuya cũng có nguy cơ gây viêm dạ dày tá tràng.

Yếu tố gia đình

Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày tá tràng do vì khuẩn Helicobacter Pylori thì yếu tố gia đình rất quan trọng. Bởi H.Pylori có khả năng lây qua đường ăn uống, nên những thành viên trong gia đình rất dễ bị lây nhiễm chéo.

Viêm dạ dày tá tràng biểu hiện như thế nào?

Viêm dạ dày tá tràng cấp

Triệu chứng cơ năng: Bệnh khởi phát với các triệu chứng rầm rộ: đau bụng thượng vị dữ dội từng cơn hoặc liên tục phải phân biệt với viêm tụy cấp hay thủng tạng rỗng, chướng bụng, nôn ói nhiều, ợ hơi ợ chua. Có thể có vã mồ hôi lạnh.

Khám thực thể: Ấn đau vùng thượng vị

Viêm dạ dày- tá tràng mạn

Triệu chứng cơ năng

  • Không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng của viêm dạ dày mạn. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc chỉ có hội chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Triệu chứng đau vùng thượng vị gặp ở 70% bệnh nhân. Đau bụng không dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ, tăng lên sau ăn; đôi khi bệnh nhân có đau kiểu loét nhưng không có chu kỳ. Hội chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra sớm sau bữa ăn: đau thượng vị mức độ nhẹ, cảm giác nặng bụng, chướng bụng sau ăn.
  • Ợ hơi, chướng bụng có thể gặp 40-80% trường hợp, kèm buồn nôn, nôn, chán ăn.
  • Các triệu chứng này kéo dài vài ngày đến vài tuần và đỡ khi dùng thuốc nhưng hay tái phát nhất là khi thay đổi thời tiết hoặc làm việc căng thẳng.

Khám thực thể: thể trạng chung của người bệnh thường ít thay đổi hoặc hơi gầy. Có thể có rêu lưỡi trắng. Khám lâm sàng không thấy gì đặc hiệu, đôi khi có đau tức vùng thượng vị khi gõ hoặc ấn sâu .

Viêm dạ dày tá tràng nguy hiểm như thế nào?

Loét dạ dày tá tràng

Viêm dạ dày tá tràng nếu không được điều trị sớm thì các tổn thương viêm ở lớp niêm mạc có thể tiến triển nặng hơn, lớp niêm mạc bị bào mòn, để lộ các phần dưới niêm mạc. Loét tá tràng gặp nhiều hơn dạ dày. Nếu không được điều trị thì phải mất đến 15 năm các ổ loét mới tự lành được.

Chảy máu dạ dày

Đây là biến chứng nặng khi viêm dạ dày tá tràng đã tiến triển thành loét. Bệnh nhân có thể có biểu hiện nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đi cầu phân đen. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do thiếu máu hoặc ổ loét tiến triển nặng thành thủng.

Ung thư dạ dày

Thường là carcinom tuyến kiểu ruột. Xảy ra ở bệnh nhân có tuổi trung bình là 55 tuổi; nam bị nhiều hơn nữ (tỉ lệ 2:1); loại carcinôm này có xu hướng biệt hoá tốt và được cho là xuất phát từ biểu mô nghịch sản trong viêm dạ dày tá tràng mạn.

Người viêm dạ dày tá tràng nên thay đổi thói quen sinh hoạt như thế nào?

Đối với người đã được xác định mắc viêm dạ dày tá tràng thì phải có sự thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho lành mạnh kết hợp với điều trị thuốc mới đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,… Bởi dễ gây co mạch hệ thống niêm mạc cũng như phá vỡ hàng rào bảo vệ của niêm mạc dạ dày tá tràng.
  • Ngủ đủ giấc ngày ít nhất 8 tiếng. Tránh căng thẳng lo lắng
  • Tránh vận động mạnh hay nằm ngay sau khi ăn
  • Có chế độ tập luyện thể dục phù hợp

Chế độ ăn cho người viêm dạ dày tá tràng

Bổ sung đủ rau xanh và vitamin

Bổ sung đủ rau xanh và vitamin

Ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị viêm dạ dày tá tràng. Chế độ ăn hợp lí góp phần giảm tổn thương trực tiếp lên niêm mạc dạ dày tá tràng, giảm tiết acid dạ dày cũng như giảm tác động của acid lên niêm mạc dạ dày tá tràng.

Nên ăn

  • Nên ăn đúng bữa, không bỏ bữa, nhịn ăn để giảm cân. Không ăn quá no, cần chia ra nhiều bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 2-3 tiếng.
  • Sử dụng các loại thức ăn có khả năng thấm bớt dịch vị như bánh mì, bánh quy,..
  • Ăn các thức ăn mềm lỏng, thức ăn đã để nguội.
  • Bổ sung đủ rau xanh và các vitamin.
  • Ăn các thực phẩm có khả năng chống oxy hoá bảo vệ niêm mạc dạ dày như: nghệ, cà chua, bông cải xanh,…

Nên tránh

  • Tránh các món chứa nhiều gia vị cay nóng hay chua như giấm, mẻ; các loại thức ăn dễ sinh hơi trong dạ dày như dưa muối, cà muối,…
  • Tránh ăn các loại hoa quả cứng và có vị chua như: xoài, cóc, ổi,…
  • Hạn chế dùng các thức ăn được chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, chà bông,…
  • Không ăn sữa chua khi đang đói.
  • Không uống nước ngọt có ga, thay vào đó bằng nước lọc.

Điều trị viêm dạ dày tá tràng như thế nào?

Thuốc trung hòa acid dịch vị ( Antacid)

Có tác dụng trung hòa acid dư thừa gây giảm các triệu chứng nhanh chóng, tùy nhiên lại không điều trị được tận gốc bệnh.

  • Các thuốc trong nhóm: Aluminium hydroxide, Magnesium carbonate, Magnesium trisilicate, Magnesium hydroxide, Calcium carbonate, Sodium bicarbonate.  Liều dùng: người lớn ngày 3 gói, trẻ em lớn hơn 6 tuổi liều ½ người lớn. Dùng trong hoặc ngay sau bữa ăn, trước khi đi ngủ.
  • Chống chỉ định: mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, trẻ dưới 6 tuổi, người suy thận nặng.

Thuốc ức chế H2

Với cơ chế là ức chế tác dụng của Histamine tại thụ thể Histamine H2 của các tế bào viền ở dạ dày, qua đó làm giảm sự tiết HCL.

  • Các thuốc trong nhóm và liều dùng:  Cimetidin 400mg x 4 lần/ ngày, Ranitidi 300mg, famotidin 40mg, nizatidin 300mg x 1 lần trước khi đi ngủ.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc

Thuốc ức chế bơm proton

Với cơ chế tác dụng là ức chế bơm proton H+K+ ATPase ở màng tế bào viền, nơi vận chuyển HCL vào lòng dạ dày, qua đó giảm acid HCL

  • Các thuốc trong nhóm và liều dùng: Omeprazole 20mg/ ngày, Lansoprazole 30mg/ ngày, Pantoprazole 40mg/ ngày, Rabeprazole 20mg/ ngày, Esomeprazole 40mg/ ngày. Thuốc được dùng trước ăn 30-60 phút.
  • Chống chỉ định: mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Thuốc kháng HP

Tùy vào việc bệnh nhân đã được điều trị hay chưa với diễn biến lâm sàng của bệnh nhân để lựa chọn phác đồ kết hợp thuốc phù hợp.

+ Phác đồ cho người mới điều trị lần đầu hoặc nhiễm khuẩn nhẹ:

PPI x2 lần/ ngày, Amoxicillin 1 g hoặc Clarithromycin 0.5 g x 2 lần/ ngày, Metronidazole 0.5g x 2 lần/ ngày. Dùng trong 7-14 ngày.

+ Phác đồ khi phác đồ 3 thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân đã dùng Clarithromycin trước đó PPI (2 lần/ ngày): Tetracyclin (500mg x 4 lần/ ngày), Metronidazole (500mg x 2 lần/ ngày) hoặc amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày), Bismuth (4 lần/ngày). Thời gian 7-14 ngày

+ Phác đồ nối tiếp: dùng khi những phác đồ trên không hiệu quả

5 ngày đầu: PPI (2 lần/ ngày), Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày)

5 ngày tiếp theo: PPI (2 lần/ ngày), Clarithromycin (500mg x 2 lần/ ngày), Tinidazole (500mg x 2 lần/ ngày).

+ Phác đồ có levofloxacin: PPI (2 lần/ ngày), Levofloxacin (500mg x 2 lần/ ngày), Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày) dùng trong 10 ngày.

Các thuốc khác

Một số thuốc khác có thể dùng để hỗ trợ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân như giảm co như drotaverin hay giảm nôn như metoclopramide.

Phòng bệnh viêm dạ dày tá tràng như thế nào

Để phòng bệnh viêm dạ dày tá tràng cần có:

  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng lo lắng.
  • Hạn chế việc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê,…
  • Tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều gia vị cay nóng
  • Tránh các đồ ăn chứa nhiều acid như xoài xanh, chanh, mơ,…
  • Tránh các thực phẩm lên men như cà muối, dưa muối

BS.Mỹ Linh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận