Tìm hiểu về bệnh viêm phế quản

hạnh
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:

Tỷ lệ người mắc bệnh viêm phế quản ngày càng gia tăng do những tác động từ môi trường, nơi làm việc, đời sống sinh hoạt. Ngoài các triệu chứng như ho, khạc đờm, viêm phế quản còn có các triệu chứng nào khác? Nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh được điều trị cụ thể như thế nào? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh này nhé!

Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của đường dẫn khí dẫn đến phổi (khí quản và phế quản). Bệnh gồm hai thể là cấp tính và mãn tính. Viêm phế quản cấp thường do vi rút gây ra và tự khỏi. Viêm phế quản mãn tính không thể mất đi nhưng có thể kiểm soát được.

Hình ảnh mô tả viêm phế quản

Hình ảnh mô tả viêm phế quản

Nguyên nhân gây viêm phế quản

Viêm phế quản do virus

Chiếm 90% nguyên nhân gây bệnh, điển hình là virus gây cảm lạnh, virus đại thực bào đường hô hấp, virus cúm gia cầm, một số loại virus herpes…

Viêm phế quản do vi khuẩn

Ít gặp hơn so với nguyên nhân do virus.

Gồm nhóm vi khuẩn không điển hình như Chlamydia và Mycoplasma. Do phế cầu, Haemophilus influenzae: ở người lớn ít gặp hơn, thường đi kèm với sốt và triệu chứng ngoài đường hô hấp.

Các yếu tố thuận lợi gây viêm phế quản

Khói thuốc lá: Những người hút thuốc hoặc sống chung với người hút thuốc có nguy cơ cao bị bệnh viêm phế quản

Sức đề kháng thấp (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch,…): Điều này có thể là kết quả của một bệnh cấp tính khác như cảm lạnh hoặc một tình trạng mãn tính làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch. Người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị viêm phế quản hơn

Tính chất công việc: Người làm việc trong môi trường có chứa các chất kích thích phổi như bụi, bông, khói thuốc,… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Trào ngược dạ dày: Những cơn ợ chua nghiêm trọng lặp đi lặp lại có thể gây kích ứng cổ họng và khiến người bệnh dễ bị viêm phế quản hơn.

Biểu hiện của viêm phế quản như thế nào?

Viêm phế quản có thể ho khan, ho có đờm, ho thành từng tiếng

Viêm phế quản có thể ho khan, ho có đờm, ho thành từng tiếng

  • Ho: là triệu chứng nổi bật của bệnh viêm phế quản. Bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh nhân đang bị viêm phần nào của đường hô hấp khi dựa vào tiếng ho. Bệnh nhân có thể có biểu hiện ho có đờm, ho khan hoặc ho thành từng tiếng.
  • Sốt: Người bệnh viêm phế quản có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt liên tục kéo dài hoặc sốt theo cơn. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng này.
  • Tiết đờm: Phản ứng viêm gây tiết đờm ở đường hô hấp. Đờm của người bệnh có thể có màu vàng, màu xanh hoặc trắng.
  • Thở khò khè: Viêm phế quản có biểu hiện này là do lòng phế quản bị thu hẹp, co thắt cơ trơn phế quản, thành phế quản bị phù nề, … Không khí khi đi qua khe hẹp ở phế quản sẽ phát ra tiếng khò khè. Khi dùng khí dung thì bệnh nhân sẽ đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với thuốc.

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác mà bệnh nhân cũng cần lưu ý gồm:

  • Khó thở, thở nhanh hơn bình thường.
  • Nghe phổi thấy: Đờm di chuyển trong lòng ống phế quản tạo thành tiếng không khí lưu thông…

Cụ thể rõ hơn từng triệu chứng của viêm phế quản là gì?

Xem thêm: Triệu chứng của viêm phế quản

Cần phân biệt viêm phế quản với những bệnh lý nào?

Viêm phế quản và viêm phổi- viêm phế quản phổi

Người bệnh viêm phổi- viêm phế quản phổi: Nghe phổi có ran nổ, ran ẩm khu trú. Trên hình ảnh X-quang có đám mờ hình tam giác với đỉnh quay về phía rốn phổi, đáy quay ra ngoài.

Viêm phế quản và hen phế quản

Hen phế quản hay gặp trên người có cơ địa dị ứng. Hen phế quản có biểu hiện ho, khó thở từng cơn, khó thở ra, có tiếng cò cử; thường xuất hiện khi về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Sau cơn hen, các triệu chứng cũng biến mất. Bệnh đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản và corticoid.

Trường hợp tắc nghẽn đường thở do nguyên nhân khác (dị vật, viêm thanh quản)

Bệnh nhân tiền sử có hội chứng xâm nhập, có ho ra máu hoặc ho khạc đờm, viêm phổi tái nhiễm nhiều đợt sau chỗ tắc do dị vật. Soi phế quản hoặc chụp cắt lớp vi tính có thể thấy hình ảnh dị vật.

Viêm phế quản và giãn phế quản bội nhiễm

Nghe phổi có ran ẩm, ran nổ 2 bên. Bệnh nhân giãn phế quản bội nhiễm thường có triệu chứng ho khạc đờm kéo dài mãn tính, và có các đợt nhiễm khuẩn tái nhiễm. Khi chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh ổ giãn phế quản.

Viêm phế quản và lao phổi

Ở người bệnh lao phổi có ho khạc đờm kéo dài, sốt nhẹ về chiều, có thể có ho máu. Trên X-quang có hình ảnh thâm nhiễm, hang lao, xơ hoặc các nốt. Xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao.

Viêm phế quản và K phổi, K phế quản (người lớn)

Người bệnh ung thư phổi, ung thư phế quản có tiền sử hút thuốc nhiều năm (cả thuốc lá và thuốc lào). Có biểu hiện đau ngực, sút cân, ho ra máu. Trên chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh tổn thương xẹp phổi hoặc đám mờ phổi.

Viêm phế quản và đợt cấp suy tim sung huyết (người lớn)

Người lớn ở đợt cấp có suy tim sung huyết, tiền sử các bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, cao huyết áp,… Nghe phổi có ran rít, ran ngáy, ran ẩm. X-quang có hình ảnh bóng tim to, phổi ứ máu.

Viêm phế quản và ho gà (trẻ em)

Khi bị bệnh ho gà, trẻ có cơ ho gà đặc trưng: ho rũ rượi từng cơn liên tục, không thể kìm hãm được, sau đó đến giai đoạn trẻ thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho trẻ chảy nhiều đờm dãi trong suốt, sau đó có nôn.

Các cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh viêm phế quản

Chụp Xquang phổi để chuẩn đoán bệnh lý hô hấp

Chụp Xquang phổi để chẩn đoán bệnh lý hô hấp

X-quang phổi

Trên phim chụp X-quang, người bệnh viêm phế quản có hình ảnh các nhánh phế quản hai bên tăng đậm hay hình ảnh dày lên của thành phế quản. Đây là kết quả của sự tích tụ dịch nhầy do vi khuẩn, virus gây ra hoặc do viêm màng nhầy niêm mạc của đường hô hấp và sự giảm hoạt động của các lông mao ở những người bệnh có tiền sử nghiện thuốc lá.

Bên cạnh đó còn có một số hình ảnh, dấu hiệu khác cho thấy sự bất bình thường tại phổi do có phản ứng viêm quanh hai rốn phổi như tăng thể tích phổi, hình ảnh xóa mờ ranh giới giữa các mạch máu.

Công thức máu

Số lượng bạch cầu máu ngoại vi tăng cao (10000-15000/mm3), tốc độ máu lắng tăng, công thức bạch cầu chuyển trái trong trường hợp nhiễm khuẩn.

Xét nghiệm tìm nguyên nhân

Bệnh nhân viêm phế quản được yêu cầu lấy mẫu đờm để xét nghiệm, xác định loại vi khuẩn nào đang gây bệnh. Từ đó, có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả cho bệnh nhân.

Điều trị viêm phế quản

  • Kháng sinh: vì nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản là do virus nên kháng sinh không có nhiều giá trị khi chữa bệnh. Chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp có viêm hoặc bội nhiễm.
  • Thuốc giảm ho: dùng trong trường hợp có dấu hiệu ho quá nhiều gây khó chịu, mất ngủ, đau ngực,…nhằm giảm thiểu những rủi ro tổn thương cổ họng và phế quản của người bệnh. Người lớn có thể dùng: Dextromethorphan hoặc Terpin Codein; trẻ em dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược.
  • Thuốc long đờm: dùng trong trường hợp viêm phế quản có đờm nhiều, đặc nhầy, khó khạc nhổ. Có thể dùng Eprazinon, Acetylcystein,…
  • Khi bệnh nhân có khò khè, phổi có ran ngáy, ran rít: dùng Salbutamol 5mg phun khí dung 1 ống, ngày 2-4 lần; hoặc Salbutamol 100mcg xịt 2 nhát/ngày. Có thể dùng kết hợp với thuốc kháng viêm: prednisolon hoặc methylprednisolon.

Điều trị viêm phế quản ở người lớn và trẻ em khác nhau như thế nào?

Xem thêm: Điều trị viêm phế quản như thế nào để hiệu quả?

Phòng bệnh viêm phế quản

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản mạn tính

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản mạn tính

  • Tránh khói thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Vì vậy hạn chế hút thuốc lá hoặc tránh xa những người hút thuốc lá.
  • Tiêm chủng: Nhiều trường hợp viêm phế quản cấp tính là kết quả của bệnh cúm, vì vậy tiêm vắc-xin cúm hàng năm có thể giúp bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bị cúm. Ngoài ra chúng ta có thể xem xét tiêm vắc xin phòng ngừa một số tác nhân viêm phổi.
  • Rửa tay: Rửa tay thường xuyên và có thói quen sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
  • Đeo khẩu trang: Nên đeo khẩu trang tại nơi làm việc nếu có tiếp xúc với bụi hoặc khói và khi đến nơi đông người, ví dụ như đi du lịch.

BS.Lê Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận