Tổng hợp các loại thuốc chữa mất ngủ hiệu quả cao

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến, đặc trưng bởi việc khó bắt đầu hoặc khó duy trì giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, kèm theo các triệu chứng như khó chịu hoặc mệt mỏi khi thức dậy… Tỷ lệ rối loạn mất ngủ là khoảng 10% đến 20% dân số, trong đó có khoảng 50% tiến triển thành mất ngủ mạn tính. Thị trường dược phẩm cung cấp rất nhiều loại thuốc chữa mất ngủ nhằm đáp ứng nhu cầu cho khoảng 4 triệu người trên toàn thế giới. Cùng Thầy thuốc Việt Nam điểm qua các loại thuốc chữa mất ngủ phổ biến hiện nay.

1. Các loại thuốc tây y chữa mất ngủ

Thuốc ngủ thường là lựa chọn cuối cùng, có thể được cân nhắc khi các phương pháp không dùng thuốc, nhất là liệu pháp nhận thức hành vi cho chứng mất ngủ không đủ hiệu quả hoặc không có chuyên gia tâm lý hỗ trợ. Thuốc ngủ thường chỉ được kê đơn trong thời gian ngắn, với tần suất và thời gian sử dụng tùy theo từng trường hợp bệnh nhân. Hiện nay có nhiều loại thuốc chữa mất ngủ được đưa vào phác đồ điều trị, tuy nhiên đa phần chúng đều có các tác dụng phụ nếu sử dụng lâu dài.

Hiểu đúng tác dụng của các loại thuốc chữa mất ngủ
Hiểu đúng tác dụng của các loại thuốc chữa mất ngủ

Barbiturat

Barbiturat có khả năng tạo ra giấc ngủ gần giống như giấc ngủ sinh lý của con người. Thuốc giúp người bệnh nhanh chóng đi vào giấc ngủ và vì thế nó trở thành một trong các dòng thuốc chữa mất ngủ thế hệ đầu.

Các Barbiturat được sử dụng phổ biến nhất là: Phenobarbital, natri amobarbital, natri secobarbital, natri pentobarbital và natri thiopental. Mặc dù chúng được sử dụng rộng rãi trong nửa đầu thế kỷ 20, nhưng không có nhóm thuốc Barbiturat hay dẫn xuất nào thành công trong việc kiểm soát hiện tượng phụ thuộc và tử vong do dùng quá liều. Chính vì vậy, ngày nay Barbiturat không được dùng nhiều với vai trò điều trị mất ngủ nữa.

Có khá nhiều tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng Barbiturat như người bệnh có thể gặp tình trạng chóng mặt, ngủ gà, đau nhức đầu… Một số trường hợp dùng kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng lú lẫn, rung giật nhãn cầu. Khi sử dụng liều dùng không phù hợp có thể làm nặng thêm tình trạng mất ngủ, dễ mơ thấy ác mộng, sợ hãi…

Benzodiazepin

Hiện tại, có 5 loại thuốc thuộc nhóm Benzodiazepin được FDA chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ: Triazolam (Halcion, Pfizer), estazolam (ProSom, Abbott), temazepam (Restoril, Mallinckrodt), quazepam (Doral, Questcor) và flurazepam. Sự khác biệt chính giữa chúng là thời gian hoạt động: Triazolam có tác dụng ngắn; Estazolam và temazepam có tác dụng trung gian; Quazepam và flurazepam có tác dụng lâu dài. Temazepam là benzodiazepin được kê đơn phổ biến nhất để điều trị chứng mất ngủ. Việc lựa chọn nhóm thuốc Benzodiazepin phải dựa trên thời gian khởi phát và thời gian tác dụng mong muốn.

Benzodiazepin cũng gây nhiều tác dụng phụ, nhất là hiện tượng lệ thuộc thuốc. Bên cạnh đó, nó cũng có liên quan đến chậm phát triển tâm thần vận động, suy giảm trí nhớ, ức chế nghịch lý (ví dụ tăng hưng phấn, cáu kỉnh và bốc đồng), trầm cảm và tác dụng gây quái thai ở phụ nữ mang thai. Benzodiazepin được khuyến cáo không nên dùng cho bệnh nhân cao tuổi vì có khả năng  làm  suy giảm nhận thức, mê sảng, té ngã và gãy xương.

Non – Benzodiazepin

Thuốc không phải Benzodiazepin, còn được gọi là “thuốc Z”, được phát triển để giảm thiểu các tác dụng phụ và việc lệ thuộc thuốc liên quan đến Benzodiazepin.

Các loại thuốc Z hiện có như: Zolpidem, zaleplon và eszopiclone đã khiến giấc ngủ bắt đầu diễn ra nhanh hơn và cho phép thời gian ngủ dài hơn trong đêm. Các thuốc không phải Benzodiazepine có thời gian  tiêu hủy ngắn và ít có khả năng gây ra tình trạng phụ thuộc, dễ dung nạp và làm suy giảm các tác động tiêu cực của mất ngủ vào ban ngày.

  • Zolpidem là loại thuốc Z đầu tiên được phát triển. Có nhiều dạng bao gồm viên giải phóng tức thì, viên ngậm dưới lưỡi và dạng xịt miệng. Thuốc có một số tác dụng phụ như: Buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, dễ gặp ác mộng và kích động. Chính vì vậy, người bệnh thường hay tự ý ngừng sử dụng thuốc.
  • Zaleplon là loại thuốc Z thứ hai. Khởi đầu tác dụng nhanh chóng và thời gian tác dụng ngắn hơn đáng kể mang lại lợi thế cho bệnh nhân bị thức giấc giữa đêm. Nhức đầu và chóng mặt là những tác dụng phụ thường gặp. Thuốc không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có thai và người suy gan nặng.
  • Eszopiclone được phê duyệt để điều trị chứng mất ngủ kéo dài. Các tác dụng ngoại ý thường gặp nhất với Eszopiclone bao gồm: Mùi vị khó chịu, nhức đầu, buồn ngủ và chóng mặt. FDA đã đưa ra cảnh báo liên quan đến việc suy giảm khả năng lái xe và các hoạt động khác vào ngày hôm sau sau khi sử dụng thuốc. Eszopiclone được hấp thu nhanh chóng, với thời gian đạt nồng độ cao nhất khoảng một giờ. Vì vậy, việc uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn dẫn đến việc hấp thu chậm hơn và giảm tác dụng của thuốc.

Chất chủ vận Melatonin – Ramelteon

Ramelteon (Rozerem, Takeda) được phê duyệt để điều trị chứng mất ngủ có đặc điểm là khó ngủ, và đây là chất chủ vận melatonin (MT) duy nhất có chỉ định này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Ramelteon có hiệu quả trong việc giảm độ trễ giấc ngủ chủ quan và đa hình ở những bệnh nhân bị mất ngủ mãn tính.

Các tác dụng phụ liên quan đến Ramelteon phổ biến nhất bao gồm: Chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi. Không giống như zolpidem và eszopiclone, Ramelteon không ảnh hưởng đến sự thăng bằng của bệnh nhân, do đó làm giảm nguy cơ té ngã. Ngoài ra, thuốc không liên quan đến tác dụng nhận thức hoặc tâm thần vận động.

Mặc dù Ramelteon được hấp thu nhanh chóng, nhưng nó gây tác dụng hạn chế do quá trình trao đổi chất. Sự hấp thu của Ramelteon bị chậm lại và giảm khi dùng chung với thức ăn. Do thời gian bán hủy ngắn (1,36 giờ), không nên dùng Ramelteon để điều trị cho những bệnh nhân khó duy trì giấc ngủ.

Thuốc chống trầm cảm

  • Doxepin (Silenor, Pernix Therapeutics) là thuốc chống trầm cảm ba vòng an thần (TCA) có ái lực cao với thụ thể histamin H1. Cũng giống như nhiều TCA an thần khác (như amitriptyline, nortriptyline và imipramine), nó được dùng để điều trị chứng mất ngủ do khó duy trì giấc ngủ. Nhức đầu và buồn ngủ là những tác dụng phụ thường gặp nhất của doxepin. Điều trị bằng doxepin giúp cải thiện thời gian ngủ và ít thức giấc hơn sau khi bắt đầu ngủ mà không gây ra các tác dụng phụ kháng cholinergic hoặc suy giảm trí nhớ. Sự hấp thu của doxepin tăng lên khoảng 40% và thời gian đạt đến nồng độ cao nhất trong huyết tương bị chậm lại khoảng 3 giờ khi thuốc được dùng sau bữa ăn nhiều chất béo. Vì lý do đó, không nên dùng doxepin trong vòng ba giờ sau khi ăn.
  • Trazodone được sử dụng để điều trị trầm cảm với liều lượng cao. Tuy nhiên, do tác dụng điều chỉnh của nó đối với các thụ thể serotonin (5-HT A), nên được sử dụng như một loại thuốc an thần ở liều lượng thấp.
  • Mirtazapine (Remeron, Merck), một thành viên của nhóm hợp chất piperazine azepine, có đặc tính an thần có thể có lợi cho bệnh nhân mất ngủ. An thần đạt được thông qua tác dụng đối kháng mạnh của thuốc trên các thụ thể histamin H1. Liều lượng 30mg mỗi ngày thường được sử dụng cho những bệnh nhân mất ngủ; Việc tăng liều có thể làm giảm tác dụng cải thiện giấc ngủ của thuốc.

Thuốc đối kháng thụ thể orexin

Suvorexant (Belsomra, Merck) là loại thuốc đầu tiên được bán trên thị trường trong danh mục thuốc chữa bệnh mất ngủ mới và được gọi là thuốc đối kháng thụ thể orexin. Orexin là chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh sự tỉnh táo và giấc ngủ.

Thuốc được dùng trong điều trị chứng mất ngủ có đặc điểm là khó ngủ khi bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ.

Thuốc chống loạn thần

Mặc dù không được FDA chấp thuận để điều trị cho bệnh nhân mất ngủ, các loại thuốc chống loạn thần không điển hình, chẳng hạn như: Quetiapine, olanzapine và risperidone, thường được kê đơn cho các chứng rối loạn giấc ngủ.

Mặc dù tác dụng của thuốc chống loạn thần đối với giấc ngủ đã được nghiên cứu ở những bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo, chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn tâm thần, tuy nhiên chưa được đánh giá ở những đối tượng bị mất ngủ nguyên phát. Các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng chuyển hóa và tác dụng ngoại tháp khiến cho những loại thuốc này ngày nay ít được dùng trong điều trị mất ngủ.

Một số thuốc chữa mất ngủ không cần kê đơn khác

  • Thuốc kháng histamin: Do đặc tính an thần của chúng, thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên là diphenhydramine và doxylamine có sẵn không kê đơn dưới dạng thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, diphenhydramine và doxylamine chỉ có hiệu quả tối thiểu trong việc gây ngủ, có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây buồn ngủ kéo dài. Vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc này ở những bệnh nhân mất ngủ không được khuyến khích. Hơn nữa, thuốc kháng histamin có liên quan đến tác dụng kháng cholinergic mạnh, chẳng hạn như: Khô miệng, táo bón và lú lẫn. Những người lớn tuổi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động này và nên tránh sử dụng thuốc kháng histamin.
  • Melatonin: Melatonin là một hormon tuyến tùng liên quan đến điều hòa giấc ngủ, thường được bán dưới dạng chủ yếu như một chất bổ sung dinh dưỡng, nhưng nó cũng được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ liên quan đến các nguyên nhân thứ phát, nhất là dành cho những người phải làm việc theo ca. Loại thuốc này có thể tác động lên độ trễ giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ và sự tỉnh táo vào buổi sáng.

2. Thuốc Đông y chữa mất ngủ

Mất ngủ là một trong những chứng bệnh mà y học cổ truyền đạt được nhiều thành tựu trong điều trị. Mặc dù ngày nay, thuốc Đông y chỉ được coi là liệu pháp bổ sung và thay thế trong nền y học hiện đại nhưng hiệu quả điều trị đem lại là điều không thể phủ nhận.

Không giống như tây y, y học cổ truyền chia mất ngủ thành nhiều nguyên nhân khác nhau và mỗi nguyên nhân, thể bệnh khác nhau sẽ áp dụng các bài thuốc, vị thuốc khác nhau.

Một số vị thuốc đông y chữa mất ngủ
Một số vị thuốc đông y chữa mất ngủ

Theo một nghiên cứu của Đài Loan – Trung Quốc năm 2011 thống kê có

  • 10 bài thuốc phổ biến nhất chữa mất ngủ gồm: Toan táo nhân thang, Gia vị Tiêu dao tán, Thiên vương bổ tâm đan, Sài hồ gia long cốt mẫu lệ thang, Ôn đởm thang, Cam mạch đại táo thang, Quy tỳ thang, Tri bá địa hoàng hoàn, Long đởm tả can thang, Thanh tâm liên tử thang.
  • 10 loại thảo dược xuất hiện nhiều nhất trong các bài thuốc chữa mất ngủ bao gồm: Hà thủ ô đỏ, Toan táo nhân, Phục thần, Hợp hoan bì, Mẫu lệ, Viễn trí, Đan sâm, Hoàng cầm, Hoàng liên, Bách hợp.

Một số loại thảo dược khác được dùng trong điều trị mất ngủ gồm có:

  • Hoa cúc La Mã là một trong những loại dược liệu cổ xưa được nhân loại biết đến trong điều trị chứng mất ngủ. Hoa khô của hoa cúc có chứa nhiều terpenoid và flavonoid được sử dụng cho nhiều trường hợp như: Mất ngủ, sốt, rối loạn kinh nguyệt, stress…
  • Rễ cây nữ lang thường được dùng để chữa chứng mất ngủ, bồn chồn, lo lắng cho người bệnh. Axit valerenic trong rễ cây nữ lang ức chế sự phân hủy chất dẫn truyền thần kinh GABA. Điều này mang lại giấc ngủ chất lượng hơn. Valerian giúp thúc đẩy giấc ngủ và ngăn ngừa các rối loạn liên quan. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc của thuốc chống lo âu, thúc đẩy giấc ngủ sâu, khiến người bệnh ngủ nhanh hơn, cải thiện độ trễ của giấc ngủ..
  • Lạc tiên: Được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền để điều trị một số bệnh, chẳng hạn như: Mất ngủ, lo lắng và cuồng loạn, ngoài khả năng chống viêm, chống oxy hóa, giảm đau và kháng khuẩn. Nhiều người lựa chọn uống trà lạc tiên để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Ashwagandha – Sâm Ấn Độ là một loại dược thảo thường được sử dụng để chống mất ngủ, vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có hiệu quả trong việc cải thiện độ trễ khi bắt đầu giấc ngủ và chất lượng nghỉ ngơi. Các hợp chất thúc đẩy giấc ngủ thực sự của Ashwagandha được tìm thấy trong lá của loài cây này — triethylene glycol có tác dụng loại bỏ cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng, gây ra sự bình tĩnh và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
  • St. John’s wort là một loại cỏ dại mọc hoang trên đồng cỏ. Những bông hoa màu vàng của loài cỏ dại này rất giàu tryptophan, giúp tăng cường tổng hợp serotonin. Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc, đem đến cho người bệnh sự thư giãn, dễ dàng sở hữu một giấc ngủ ngon.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc chữa mất ngủ

Sử dụng thuốc chữa mất ngủ là một trong các giải pháp điều trị mất ngủ được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, người bệnh khi sử dụng thuốc chữa mất ngủ cần lưu ý:

  • Mặc dù điều trị mất ngủ bằng thuốc có nhiều ưu điểm và đem lại hiệu quả nhanh chóng nhưng chúng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hại. Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ để đánh giá hiệu quả điều trị, các tác dụng phụ để trao đổi với bác sĩ điều trị. Điều này giúp cho bác sĩ có thể lựa chọn được loại thuốc phù hợp với từng người bệnh.
  • Thời điểm sử dụng, thời gian sử dụng và liều dùng có thể có tác động đáng kể đến hiệu quả điều trị của thuốc. Do vậy người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
  • Không nên tự ý thay đổi liều dùng, ngưng sử dụng thuốc hoặc đổi thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Để rút ngắn thời gian điều trị bằng thuốc, người bệnh nên kết hợp với các biện pháp điều trị mất ngủ không dùng thuốc khác như: Liệu pháp nhận thức hành vi CBT-I, liệu pháp thư giãn, thay đổi thói quen trước khi đi ngủ và có thể sử dụng các biện pháp điều trị thay thế khác như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt…
  • Dùng thuốc khi đói và ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ; Dùng chung với thức ăn có thể làm chậm quá trình khởi phát.
  • Không sử dụng thuốc nếu cần phải làm việc ngay, nhất là trước khi lái xe.
  • Cần thận trọng trong việc dùng thuốc ngủ với người cao tuổi, suy gan, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em…
  • Thuốc ngủ rất dễ gây tình trạng lệ thuộc thuốc vì vậy người bệnh tuyệt đối không nên lạm dụng. Nếu điều trị không hiệu quả cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Một số loại thuốc ngủ được dùng cho việc tự sát vì vậy cần được kiểm soát chặt chẽ. Người thân và nhân viên y tế cần theo dõi chặt quá trình điều trị của người bệnh để tránh những rủi ro đáng tiếc.
  • Không sử dụng các chất kích thích trong thời gian điều trị mất ngủ nhất là rượu, bia.

Mất ngủ là bệnh phổ biến trong cuộc sống  hiện đại ngày nay. Việc tìm kiếm giải pháp an toàn và hiệu quả điều trị mất ngủ không chỉ là mong muốn của người bệnh, mà đó còn là mục tiêu của nhiều chuyên gia y tế. Các loại thuốc chữa mất ngủ đều sở hữu những ưu nhược điểm nhất định và đem lại hiệu quả khác nhau ở mỗi người bệnh. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi quyết định điều trị mất ngủ bằng thuốc.

BS. Thanh Mai

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận