[Tổng hợp] – Kiến thức về bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến do tích trữ quá mức chất béo trong gan. Hầu hết mọi người không có triệu chứng và không nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tổn thương gan. Tin tốt là bạn thường có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ bằng cách thay đổi lối sống.
Nội dung bài viêt
1. Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Hình ảnh gan bình thường và gan nhiễm mỡ
Gan của bạn là cơ quan lớn nhất bên trong cơ thể bạn. Nó giúp cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn, dự trữ năng lượng và loại bỏ chất độc. Bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo (hay còn được gọi là lipid, cholesterol hay mỡ) tích tụ quá mức trong gan của bạn. Có hai loại chính:
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Gan nhiễm mỡ do rượu
2. Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ?
Trong bệnh gan nhiễm mỡ, chất béo dư thừa tích tụ trong các tế bào gan do:
Uống quá nhiều rượu: Sử dụng nhiều rượu làm thay đổi một số quá trình trao đổi chất trong gan dẫn đến giảm đào thải cholesterol và tích trữ mỡ trong gan. Bên cạnh đó, rượu làm giảm chức năng gan và làm gia tăng tình trạng gan nhiễm mỡ.
Đối với nhóm người không uống rượu, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau để gây ra bệnh. Có thể do cơ thể họ tạo ra quá nhiều chất béo hoặc không chuyển hóa chất béo đủ hiệu quả. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
- Béo phì: Chất béo dư thừa dẫn đến tích trữ trong gan.
- Bệnh tiểu đường loại 2
- Rối loạn Lipid máu: nồng độ cao của chất béo, đặc biệt là chất béo trung tính, trong máu dẫn đến gia tăng tích trữ mỡ tại các cơ quan, bao gồm gan.
- Hội chứng chuyển hóa: Bệnh Wilson.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Một số loại nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan C, B làm suy giảm chức năng gan dẫn đến rỗi loạn chuyển hóa mỡ của cơ thể và tại gan.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu cần bằng: quá nhiều cholesterol, quá ít protein, suy dinh dưỡng.
3. Những ai dễ mắc gan nhiễm mỡ?
- Người uống nhiều rượu: 15 ly trở lên mỗi tuần đối với nam giới, 8 ly trở lên mỗi tuần đối với phụ nữ.
- Người già
- Di truyền: tình trạng di truyền hiếm gặp, như bệnh Wilson hoặc hạ đường huyết
- Béo phì
- Hút thuốc
- Các bệnh viêm gan
- Các bệnh chuyển hóa như: rồi loạn Lipid máu, Đái tháo đường tuýp 2
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như methotrexate (Trexall), tamoxifen (Nolvadex) và amiodarone (Pacerone)
- Tiếp xúc với một số chất độc như thuốc trừ sâu.
- Chế độ ăn thiếu cân bằng, giảm cân nhanh chóng
4. Các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là bệnh thầm lặng với ít hoặc không có triệu chứng. Nếu bạn có các triệu chứng, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu ở phía trên bên phải của bụng.
4.1 Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 1
Đây là giai đoạn nhẹ nhất, ít nguy hiểm, hoàn toàn không có biểu hiện gì nên rất khó phát hiện bệnh. Lượng mỡ trong gan chiếm từ 5 đến 10% khối lượng gan.
4.2 Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 10 – 20% khối lượng gan. Các dầu hiệu có thể gặp là: chán ăn, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, mệt mỏi… Những biểu hiện này rất phổ biến nên thường khiến bệnh nhân chủ quan, nên bệnh có cơ hội phát triển nặng thêm và nhanh chóng chuyển biến xấu sang giai đoạn 3.
4.3 Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 3
Đây là giai đoạn tiến triển muộn cùng của bệnh, lượng mỡ chiếm tới 20 – 30% khối lượng của gan. Các dấu hiệu cũng năng nề như: đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị rối loạn nội tiết tố, một số ít bệnh nhân nam phát triển tuyến vú, rối loạn cương dương. Nữ giới thì tắc rong kinh, rối loạn kinh nguyệt.
5. Những cận lâm sàng nên làm khi có biểu hiện gan nhiễm mỡ?
5.1. Xét nghiệm máu
Trong nhiều trường hợp, bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán sau khi xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng cao. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm alanine aminotransferase (ALT) và xét nghiệm aspartate aminotransferase (AST) để kiểm tra men gan của bạn.
Xét nghiệm máu để kiểm tra men gan của bạn
Nếu kết quả xét nghiệm của bạn dương tính với men gan tăng cao, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây viêm.
5.2. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết
Siêu âm gan: Hình ảnh đặc trưng của gan nhiễm mỡ trên siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng, gọi là “gan sáng”. Siêu âm cũng giúp chẩn đoán mức độ gan nhiễm mỡ hoặc các biến chứng, giúp đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
CT hoặc MRI: Giúp phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một bài kiểm tra được gọi là chụp đàn hồi thoáng qua có kiểm soát rung động (VCTE, FibroScan). Xét nghiệm này sử dụng sóng âm tần số thấp để đo độ cứng của gan. Nó có thể giúp kiểm tra xơ gan.
Sinh thiết gan: Sinh thiết gan được coi là cách tốt nhất để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh gan. Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem bạn có bị bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan hay không.
6. Bệnh gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Các giai đoạn tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh gan nhiễm mỡ không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào hoặc ngăn cản hoạt động bình thường của gan. Nhưng đối với 7% đến 30% những người mắc bệnh này, bệnh gan nhiễm mỡ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nó tiến triển qua ba giai đoạn:
- Gan của bạn bị viêm (sưng), làm hỏng mô của nó. Giai đoạn này được gọi là viêm gan nhiễm mỡ.
- Mô sẹo hình thành nơi gan của bạn bị tổn thương. Quá trình này được gọi là xơ hóa.
- Mô sẹo mở rộng thay thế mô khỏe mạnh. Lúc này, bạn đã mắc bệnh xơ gan
Xơ gan cũng có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, đó là khi huyết áp trong tĩnh mạch cửa của gan quá cao. Tình trạng này có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn đông máu, suy giảm chức năng gan thận…..
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Ung thư gan
Nếu bạn đã phát triển các biến chứng do xơ gan, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị bổ sung, chẳng hạn như dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Xơ gan cũng có thể dẫn đến suy gan. Nếu bạn bị suy gan, bạn có thể cần ghép gan.
BS Trần Tuấn Anh