Đái tháo đường: Vấn đề sức khoẻ cần lưu ý
Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính do cơ thể suy giảm hoặc không thể tiết insulin và đề kháng với insulin, dẫn đến gia tăng lượng đường huyết trong máu. Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nội dung bài viêt
- Bệnh đái tháo đường là gì?
- Phân loại đái tháo đường và nguyên nhân
- Ai là người có nguy cơ mắc đái tháo đường?
- Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường
- Các xét nghiệm cần làm
- Như thế nào được coi là đái tháo đường?
- Những biến chứng của bệnh đái tháo đường
- Khi bị đái tháo đường thì dùng thuốc gì?
- Người bị đái tháo đường nên ăn uống, luyện tập như thế nào?
- Phòng bệnh đái tháo đường như thế nào?
Bệnh đái tháo đường là gì?
Ở người bình thường, Tụy là cơ quan sản xuất Insulin – hormone có chức năng vận chuyển đường từ máu vào tế bào của bạn để được lưu trữ hoặc sử dụng làm năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Với bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả insulin mà tụy tạo ra dẫn đến đường ở trong máu tăng cao.
Tổng quan bệnh Đái tháo đường
Phân loại đái tháo đường và nguyên nhân
Đái tháo đường được phân loại như sau:
Đái tháo đường tuýp 1
Do bệnh tự miễn dịch, các tế bào beta tuyến tụy bị phá hủy. Tiến triển nhanh gặp ở người trẻ < 30 tuổi, triệu chứng lâm sàng rầm rộ khát nhiều, uống nhiều, sụt cân, mệt mỏi. Biến chứng cấp tính hay gặp là hôn mê nhiễm toan ceton. Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 bắt buộc phải bằng insulin, tỉ lệ gặp < 10%. Thể tiến triển chậm hay gặp ở người lớn, gọi là đái tháo đường tự miễn dịch tiềm tàng ở người lớn.
Đái tháo đường tuýp 2
Đái tháo đường tuýp 2 trước đây được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin, đái tháo đường ở người lớn > 30 tuổi, bệnh có tính gia đình. Đặc trưng của đái tháo đường tuýp 2 là kháng insulin đi kèm với thiếu hụt insulin tương đối. Triệu chứng lâm sàng âm thầm, thường phát hiện muộn. Biến chứng cấp tính hay gặp là hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Có thể điều trị bằng chế độ ăn, thuốc uống và/hoặc insulin. Tỉ lệ gặp 90 – 95%.
Đái tháo đường thai kì
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết xảy ra trong thời kì mang thai.
Đái tháo đường khác
Do các nguyên nhân khác
Phân loại đái tháo đường
Ai là người có nguy cơ mắc đái tháo đường?
Những người có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 1
- Người bị mắc một số loại virus: Epstein-Barr, coxsackievirus, virus quai bị hoặc cytomegalovirus.
- Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các sản phẩm từ sữa (đặc biệt là sữa bò và protein beta casein trong sữa), nitrat cao trong nước uống và tiêu thụ ít vitamin D có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1. Tiếp xúc sớm ( < 4 tháng) hoặc muộn ( > 7 tháng) với gluten và ngũ cốc.
- Trẻ có mẹ bị tiền sản giật trong giai đoạn mang thai.
- Trẻ bị bệnh vàng da bẩm sinh.
Những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
- Thừa cân
- 45 tuổi trở lên
- Có cha mẹ hoặc anh chị em với tình trạng này
- Ít hoạt động thể chất
- Bị tiểu đường thai kỳ
- Bị tiền tiểu đường
- Bị huyết áp cao , có cholesterol máu cao hoặc chất béo trung tính cao
- Là người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha hoặc người Mỹ gốc Latinh, người Alaska bản địa, người đảo Thái Bình Dương, người Mỹ da đỏ hoặc người Mỹ gốc Á
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ tăng lên nếu sản phụ
- Thừa cân
- Trên 25 tuổi
- Có tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Đã sinh ra một em bé nặng hơn 4,08 kg.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường
Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2: Các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể bao gồm:
- Tăng cảm giác đói dù đã ăn nhiều
- Khát nước
- Tiểu nhiều
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
Nó cũng có thể gây nhiễm trùng tái và các vết thương lâu lành. Điều này là do lượng glucose tăng cao khiến cơ thể khó chữa lành hơn.
Bệnh tiểu đường thai kỳ: Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ không có bất kỳ triệu chứng nào, bệnh chỉ được phát hiện khi xét nghiệm đường huyết định kỳ hoặc xét nghiệm dung nạp đường miệng thường được thực hiện từ tuần thứ 24 đến 28 của tuổi thai. Hiếm gặp, sản phụ có thể cảm thấy khát nước hoặc đi tiểu nhiều hơn.
Cụ thể biểu hiện của từng loại đái tháo đường là gì?
Xem thêm: Dấu hiệu nào để nhận biết tiểu đường
Các xét nghiệm cần làm
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2010, chẩn đoán bệnh đái tháo đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn:
Định lượng glucose máu
Đường máu đói (nhịn ăn trước 8 giờ) ≥ 7.0 mmol/ L ( ≥ 126 mg/dL).
Đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L ( ≥200 mg/dL) và bệnh nhân có các dấu hiệu điển hình: Khát nhiều, tiểu nhiều, sụt cân và mệt mỏi.
Xét nghiệm Đái tháo đường
Nghiệm pháp dung nạp glucose
Đường máu 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp glucose G2 ≥ 11,1 mmol/L ( ≥ 200 mg/dL).
HbA1c
HbA1c ≥ 6,5%
Những thông tin cụ thể về các xét nghiệm trên là gì?
Xem thêm: Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường
Như thế nào được coi là đái tháo đường?
Như vậy, người có những dấu hiệu nhận biết và làm các xét nghiệm ra kết quả như trên được xem như đã mắc đái tháo đường
Những biến chứng của bệnh đái tháo đường
Lượng đường trong máu cao làm hỏng các cơ quan trên khắp cơ thể của bạn. Lượng đường trong máu của bạn càng cao và càng kéo dài thì nguy cơ biến chứng của bạn càng lớn. Các biển chứng bao gồm:
Biến chứng cấp tính
Hôn mê, thậm chí tử vong do nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan acid lactic.
Biến chứng mạn tính
- Mạch máu: Việc tăng glucose máu kéo dài làm tổn thương mạch máu. Nếu tổn thương ở mạch máu lớn có thể gây ra bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tổn thương thành mạch và hẹp các động mạch tứ chi, thậm chí tắc mạch gây hoại tử chi. Tổn thương ở mạch máu nhỏ sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan như thận, võng mạc mắt, thần kinh ngoại biên nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây suy thận mạn dẫn đến nguy cơ phải chạy thận nhân tạo hay phải ghép thận, giảm thị lực dẫn đến mù lòa, dị cảm ở 2 chi dưới…
- Thần kinh: các biến chứng đối với dây thần kinh là biến chứng gián tiếp do thiếu máu và ảnh hưởng trực tiếp của tăng đường huyết lên dây thần kinh: Viêm đa dây thần kinh, Rối loạn thần kinh tự chủ, Viêm đa rễ dây thần kinh…..
- Mất thính lực
- Bàn chân đái tháo đường: bàn chân xuất hiện nhiễm trùng và vết loét không lành.
- Tình trạng nhiễm trùng da và niêm mạc do vi khuẩn và nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sa sút trí tuệ.
Với tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát có thể dẫn đến các vấn đề ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Các biến chứng ảnh hưởng đến em bé có thể bao gồm:
- Sinh non
- Cân nặng lúc sinh cao hơn bình thường
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sau này trong cuộc sống
- Hạ đường huyết
- Trẻ sinh ra bị vàng da
- Thai chết lưu
Người mẹ gia tăng nguy cơ bị huyết áp cao (tiền sản giật) hoặc tiểu đường loại 2. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ của người mẹ trong những lần mang thai sau này cũng tăng lên.
Biến chứng bàn chân do tiểu đường
Khi bị đái tháo đường thì dùng thuốc gì?
Các loại thuốc uống (dạng viên)
- Nhóm thuốc kích thích tụy bài tiết insulin (Sulfonylurea): Glimepirid, Glibenclamid, Gliburid, Glipizid.
- Biguanid: Metformin.
- Thiazolidinedion: Pioglitazon (Pioz viên 15mg)
- Nhóm ức chế enzyme alpha glucosidase làm giảm hấp thu glucose: Acarbose, Voglibose, Miglitol (Gliset viên 25, 50 và 100mg)
- Nhóm Glinld: meglitinid (Starlix), repaglinid (Prandin, Novonorm)
- Các thuốc đồng phân GLP-1 (glucagon – like peptide 1): thuốc exenatid (Byeta dạng bút tiêm).
- Thuốc ức chế DPP IV: thuốc sitagliptin (Januvia viên 25, 50 và 100mg).
- Đồng phân amylin: pramlintid (Symlin dạng bút tiêm),
Bên cạnh việc điều trị tiểu đường bằng các thuốc hạ đường huyết, bệnh nhân cũng được kê thêm các thuốc kiểm soát mỡ máu, chống đông máu nhằm ngăn ngừa biến chứng.
Lưu ý: Một số loại thuốc tiêm được xếp vào nhóm này do có nguyên lí tác dụng giống nhau.
Thuốc tiêm (Insulin)
Tiêm insulin là phương pháp điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 điều trị không hiệu quả bằng các loại thuốc uống.
Người bị đái tháo đường nên ăn uống, luyện tập như thế nào?
Đối với bệnh nhân đái tháo đường chế độ dinh dưỡng và luyện tập vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Bệnh nhân cần có chế độ ăn và luyện tập đều đặn. Hãy cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm lành mạnh
- Trái cây
- Rau
- Các loại ngũ cốc
- Protein nạc như thịt gia cầm và cá
- Chất béo lành mạnh như dầu ô liu và các loại hạt
Và tránh những loại thực phẩm sau:
- Các loại thực phẩm chứa carb đơn như cơm trắng,
- Mía, mật ong, và các loại trái cây như táo, nho
- Khoai tây chiên, gà rán hay các thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ nói chung
- Bánh kẹo có vị ngọt
- Các loại kem
- Các loại nước ngọt, trà sữa…
Phòng bệnh đái tháo đường như thế nào?
Bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể ngăn ngừa được vì các vấn đề ở hệ thống miễn dịch.
Đối với bệnh đái tháo đường tuýp 2, chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục. Việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể kiểm soát đường huyết, gia tăng hiệu quả sử dụng insulin, giúp cơ thể tạo ra các chất chống oxi hóa, kiểm soát mỡ máu…