Nhiệt miệng – căn bệnh của 40% dân số Việt Nam
Bệnh nhiệt miệng hay còn gọi là bệnh áp tơ miệng là một bệnh rất thường gặp. Hầu như mỗi người trong đời đều bị nhiệt miệng ít nhất một lần. Theo nghiên cứu dịch tễ, có đến khoảng 20% dân số thường xuyên bị nhiệt miệng. Bị nhiệt miệng cực kỳ gây khó chịu, không những khó khăn trong việc ăn uống mà còn gây đau nhức trong khoảng một tuần. Tuy nhiên độ phổ biến như vậy nhưng không phải ai cũng biết rõ về bệnh này. Vậy nhiệt miệng là gì và chữa nhiệt miệng hiệu quả bằng cách nào?
Nội dung bài viêt
1. Nhiệt miệng là gì?
- Nhiệt miệng là gì? – Ảnh Internet
Áp-tơ (aphthous) niêm mạc miệng là bệnh thường gặp (dân gian thường gọi là nhiệt miệng). Biểu hiện lâm sàng là xuất hiện các nốt loét trong niêm mạc miệng. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nhiệt miệng nhưng chưa có nguyên nhân rõ ràng. Mặc dù vậy, bệnh thường tự khỏi trong vòng khoảng 1 tuần.
2. Nguyên nhân nhiệt miệng
Nguyên nhân chính xác của nhiệt miệng chưa được biết rõ. Nhiều tác giả cho rằng đây là viêm miệng do một số virus. Các nhà miễn dịch học cho rằng, nhiệt miệng thường liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch toàn thân và ở vùng niêm mạc miệng.
Theo quan niệm dân gian, nhiệt miệng là do nóng trong người hoặc do ăn nhiều đồ có tính nóng. Còn theo quan điểm của y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta bị nhiệt miệng:
- Do phản ứng nhạy cảm của cơ thể đối với liên cầu khuẩn (Streptococcus). Vi khuẩn này thường kí sinh tự nhiên trong miệng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn nhân lên và gây tổn thương miệng.
- Virus.
- Phản ứng với các thành phần hóa học nào đó, ví dụ như kem đánh răng, nước súc miệng…
- Nhiệt miệng do thiếu các vitamin nhóm B như B12, B9 và các khoáng chất như sắt, kẽm.
- Các yếu tố thuận lợi cho nhiệt miệng.
Khi gặp một vài điều kiện, nhiệt miệng rất dễ khởi phát. Đặc biệt trên các vết trầy do đánh răng, tổn thương niêm mạc miệng do vô tình cắn phải lúc ăn. Stress, lúc cơ địa bị suy giảm miễn dịch, cũng dễ làm xuất hiện nhiệt miệng. Ở phụ nữ, nhiệt miệng thường khởi phát trong những ngày trước khi có kinh nguyệt. Tiền sử bản thân và tiền sử gia đình có nhiều người bị nhiệt miệng cũng là yếu tố nguy cơ lớn.
3. Triệu chứng của nhiệt miệng
Bệnh có nhiều thể khác nhau nhưng tiền triệu thường bắt đầu với cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát tại vùng sắp xuất hiện nhiệt miệng. Trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng kích thước 1 – 2 mm. Giai đoạn này ít khi được phát hiện. Đốm trắng to dần hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét trợt, kích thước có khi đến 10mm.
- Triệu chứng của nhiệt miệng là các vết loét – Ảnh Internet
Các vết loét do áp tơ thường có hình bầu dục, màu trắng hay màu vàng, có viền viêm đỏ. Triệu chứng khó chịu nhất là đau rát, đặc biệt khi ăn uống các loại đồ ăn có nhiều gia vị. Trường hợp nặng, nếu không được chăm sóc đúng cách, vết loét sẽ viêm cấp, tấy đỏ, rất đau. Thậm chí, một vài người có thể sốt, nổi hạch góc hàm, và rất khó khăn trong việc ăn uống. Khi các vết loét chuyển sang màu trắng và đỡ đau là lúc bệnh bắt đầu giảm và khỏi.
4. Tiến triển của nhiệt miệng
Thông thường những loại viêm loét nhẹ chỉ cần vệ sinh răng miệng, giảm đau, giảm viêm, tăng cường sức đề kháng là khỏi trong vòng 10 ngày. Nhưng đôi khi có những nhiễm trùng nặng như áp xe vùng miệng sâu, viêm tấy lan tỏa ở những vùng dưới lưỡi, dưới hàm, hầu kèm theo toàn thân suy nhược, hội chứng nhiễm khuẩn nặng thì cần phải cấy máu nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết.
Trường hợp lở loét tái phát nhiều lần hoặc kéo dài lâu khỏi có kèm theo các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, gầy (sút cân), biếng ăn. Khi xuất hiện những đám cứng không có giới hạn, chảy máu, u nhú nổi lên thì đây là dấu hiệu của bệnh ác tính. Đây có thể là một dấu hiệu gợi ý của ung thư vòm miệng. Do vậy, nếu nhiệt miệng kéo dài, nên đi khám bác sĩ để loại trừ các bệnh ác tính.
xem thêm: Những cách chữa nhiệt miệng hiệu quả
5. Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả
Một số cách chữa nhiệt miệng hiệu quả tại nhà:
- Sử dụng các thực phẩm làm mát cơ thể: như bột sắn dây, lá diếp cá, rau má, nước râu ngô.
- Bổ sung vitamin C, các vitamin nhóm B để tăng sức đề kháng cơ thể. Các vitamin này có nhiều trong hoa quả, nếu không, bạn có thể sử dụng viên uống vitamin. Vitamin A cũng rất tốt vì hỗ trợ tái tạo niêm mạc nên chóng khỏi bệnh.
- Vệ sinh răng miệng là một cách chữa nhiệt miệng hiệu quả – Ảnh Internet
- Khi ăn xong súc miệng ngậm nước muối ấm pha loãng. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Uống nhiều nước hơn bình thường.
- Hạn chế các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu. Ăn nhạt vừa để tránh đau rát vừa hỗ trợ bệnh nhanh khỏi.
- Trong trường hợp gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, dùng thuốc bôi giảm viêm và giảm đau tại chỗ là cần thiết.
xem thêm: Đánh bay nhiệt miệng tại nhà
6. Các biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng
Có nhiều cách để phòng tránh nhiệt miệng. Để ngừa nguy cơ nhiệt miệng, bạn cần tránh làm tổn thương niêm mạc miệng khi đánh răng hay ăn uống. Duy trì sức đề kháng cơ thể bằng chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ để tránh strees. Hơn thế nữa, cần vệ sinh răng miệng tốt để tránh viêm nhiễm niêm mạc miệng, họng. Ở trẻ em, không nên thức khuya, ăn uống tùy tiện không theo giờ giấc. Và rất cần thiết để hướng dẫn bé đánh răng đúng, vừa để vệ sinh làm việc vừa không làm tổn thương niêm mạc miệng.
Trong chế độ ăn, nên ăn các món luộc, rau, củ, quả và trái cây tươi… Hạn chế thức ăn xào, cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh. Nên uống nhiều nước, bổ sung vitamin bằng các loại rau quả tươi.
Nhiệt miệng tuy không gây nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng khá nhiều và bất tiện đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Nhiệt miệng gây giảm sức hấp dẫn của ăn uống. Vì vậy, cần hiểu được nhiệt miệng là gì và cách chữa nhiệt miệng hiệu quả.
BS Hồ Phương Thùy
Theo Nội khoa Việt Nam