Những vấn đề xoay quanh bệnh suy thận
Ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, 26000 người suy thận nặng phải thay thận và 8000 trường hợp mắc mới mỗi năm. Điều này đã báo hiệu hồi chuông về mức độ nguy hiểm của suy thận nói riêng và các bệnh lý về thận nói chung. Bài viết dưới đây sẽ nói cụ thể những vấn đề xoay quanh bệnh suy thận.
Nội dung bài viêt
Thế nào là suy thận?
Trong cơ thể, thận đảm nhiệm 4 chức năng chính bao gồm:
- Giữ cân bằng dịch trong cơ thể.
- Giữ cân bằng các chất khoáng cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường.
- Lọc bỏ nước thừa và chất thải ra khỏi máu.
- Giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu.
Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng thận. Người bệnh có thể mất tới 90% chức năng thận trước khi có các triệu chứng của thận suy. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không nhận thấy các biểu hiện bất thường cho đến khi thận gần bị suy.
Suy thận
Theo thời gian mắc bệnh, bệnh được chia làm 2 dạng là suy thận cấp và suy thận mạn.
Nguyên nhân gây suy thận là gì?
Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp
- Nhồi máu cơ tim
- Tiêu cơ vân
- Giảm lưu lượng máu đến thận trong một khoảng thời gian
- Tắc ống thận, tắc nghẽn tại thận, tắc niệu quản hoặc niệu đạo.
- Hội chứng tán huyết urê huyết
- Nuốt phải một số loại thuốc có thể gây độc cho thận.
- Viêm cầu thận
- Bất kỳ tình trạng nào làm giảm lưu lượng oxy và máu đến thận, chẳng hạn như ngừng tim đều là nguyên nhân gây suy thận.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn
- Bệnh thận do đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Lupus
- Tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài.
- Hội chứng alport (viêm thận di truyền)
- Hội chứng thận hư
- Bệnh thận đa nang
- Cystinosis
- Viêm thận kẽ hoặc viêm bể thận
Cụ thể những nguyên nhân và cơ chế nào gây suy thận cấp tính và suy thận mạn tính ?
Xem thêm: Nguyên nhân dẫn tới suy thận là gì?
Những đối tượng nào có nguy cơ bị suy thận?
Đối tượng có nguy cơ suy thận cấp
Những người bị mất nước và dịch do: Mất qua da (mồ hôi, bỏng); mất qua đường tiêu hoá (nôn mửa, ỉa chảy, lỗ dò); Sử dụng các thuốc lợi tiểu quá mạnh; Người bị đái tháo đường đang trong giai đoạn đường huyết tăng; Một số bệnh thận mạn tính; Xơ gan mất bù; Suy tim xung huyết; Hạ huyết áp trong các tình trạng sốc: tim, nhiễm trùng, phản vệ, xuất huyết.
Những người bị viêm ống thận cấp do: Sốt rét đái huyết sắc tố, ngộ độc mật cá trắm; Ngộ độc bởi muối kim loại nặng (As, Pb, Hg); Tai biến do truyền nhầm nhóm máu, nhiễm độc quinine, nấm; Do thuốc: kháng sinh (Aminosides, Amphotericin B), thuốc cản quang.
Những người bị viêm cầu thận cấp
Hình ảnh viêm cầu thận
Viêm thận kẽ cấp do: vi trùng hoặc nhiễm độc thuốc
Một số người có bệnh nền làm nghẽn niệu quản: Sỏi niệu quản; U xơ, ung thư tuyến tiền liệt; U vùng khung chậu lành hay ác tính (u bàng quang, ung thư tử cung, cổ tử cung, trực tràng); Xơ cứng sau phúc mạc; Di căn sau phúc mạc (hiếm); Lao làm teo hai niệu quản.
Đối tượng có nguy cơ suy thận mạn
Những người có bệnh thận mạn tính, hoặc các bệnh chuyển hóa, hệ thống như:
- Bệnh viêm cầu thận mạn
- Bệnh viêm thận bể thận mạn
- Bệnh viêm thận kẽ
- Bệnh mạch thận
- Bệnh thận bẩm sinh: Thận đa nang; Loạn sản thận; Hội chứng Alport; Bệnh thận chuyển hóa (Cystinosis, Oxalose).
- Bệnh hệ thống, chuyển hóa: Đái tháo đường; Lupus.
Suy thận biểu hiện như thế nào?
Suy thận thường tiến triển âm thầm nên nếu không để ý, bệnh nhân có thể không phát hiện được các dấu hiệu bất thường. Người mắc có thể nhận biết suy thận thông qua các triệu chứng sau:
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
- Thay đổi số lượng và số lần đi tiểu. Tiểu tiện nhiều hơn, nhất là vào ban đêm. Nước tiểu có bọt, màu vàng hơn bình thường hoặc có máu.
- Chân, tay và mặt bị phù do nước tích tụ, độc tố không được bài tiết ra khỏi cơ thể.
- Ăn uống không ngon miệng và buồn nôn.
- Hơi thở có mùi do hàm lượng ure trong máu tăng cao.
- Đau lưng cạnh sườn.
- Mẩn ngứa, phát ban thường xuất hiện ở giai đoạn đầu do khả năng lọc chất thải ra khỏi cơ thể kém.
- Huyết áp cao.
Vậy biểu hiện của suy thận cấp và suy thận mạn khác như thế nào?
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết suy thận
Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán?
Xét nghiệm nước tiểu
Thực hiện xét nghiệm này để đo lượng nước tiểu được bài tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này sẽ xác định tình trạng suy thận và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp đo được nồng độ creatinin. Chỉ số này khá tin cậy để đo chức năng thận, đồng thời chẩn đoán suy thận cấp hay mạn tính.
Xét nghiệm máu
Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm, Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, X-quang nhằm xác định khối u hoặc các tổn thương thận, áp xe, sỏi tiết niệu, xác định vị trí tắc nghẽn mạch máu hay đường bài tiết nước tiểu.
Sinh thiết thận
Phương pháp sinh thiết tế bào thường dùng để chẩn đoán suy thận do tổn thương tại thận gây ra
Một số các xét nghiệm khác:
Ước tính mức độ lọc cầu thận: Dựa vào tốc độ lọc và ước tính lượng máu đi qua cầu thận mà xác định được thận đã tổn thương ở giai đoạn nào.
Suy thận nguy hiểm như thế nào?
Các biến chứng của suy thận cấp
Trước kia, tỷ lệ tử vong rất cao, có khi đến 90%. Hiện nay nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực lọc ngoài thận và kỹ thuật hồi sức, tỷ lệ tử vong còn khoảng 50%, Những biến chứng chính:
Tim mạch
Viêm tĩnh mạch, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Thần kinh
Tiêu hoá
Xuất huyết tiêu hóa do loét cấp
Rối loạn chuyển hoá
Toan chuyển hoá và tăng kali máu. Tăng thể máu và phù phổi. Nguy cơ suy dinh dưỡng.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng bệnh viện (do đặt Sonde bàng quang hoặc vô niệu kéo dài làm đường bài niệu mất khả năng đề kháng).
Các biến chứng của suy thận mạn
Biến chứng của suy thận mạn
Bệnh này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể người bệnh. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh bao gồm:
Biến chứng tim mạch
Các vấn đề về tim và mạch máu, suy tim, tăng huyết áp
Biến chứng ở phổi
Các tổn thương phổi do tích tụ dịch nhầy, nước gây phù nề, nước trong màng tim, màng phổi, ổ bụng…
Rối loạn nước, điện giải
Thay đổi về huyết học
Thay đổi về máu: Thiếu máu
Rối loạn lipid máu
Loạn dưỡng xương
Các vấn đề về xương khớp làm loãng xương, nhuyễn xương dễ gãy xương
Biến chứng thần kinh
Tổn thương thần kinh gây co giật, rối loạn chức năng não, mất trí nhớ
Biến chứng tiêu hoá
Tổn thương hệ tiêu hóa gây chảy máu dạ dày, ruột
Rối loạn dinh dưỡng
Rối loạn nội tiết
Tình trạng tăng năng tuyến cận giáp, rối loạn hệ renin angiotensin làm tăng huyết áp
Xem thêm: Các giai đoạn của suy thận mạn
Điều trị suy thận như thế nào?
Điều trị suy thận cấp
Điều trị nguyên nhân
Tùy từng nguyên nhân để điều trị như điều trị sốt rét trong nguyên nhân suy thận cấp sau sốt rét đái huyết cầu tố; mổ lấy sỏi trong suy thận cấp sau sỏi tắc nghẽn, các bệnh nền (suy tim, suy thận….), bổ sung dịch nếu mất nước điện giải.
Điều trị cụ thể
Điều trị suy thận cấp chức năng
Suy thận cấp do mất nước và giảm thể tích máu: Bù đủ thể tích tuần hoàn, bổ sung dịch máu, albumin,…Bên cạnh đó cần giải quyết các nguyên nhân gây suy giảm thể tích tuần hoàn.
Bổ sung nước cho người suy thận cấp do mất nước (trường hợp nhẹ)Suy thận cấp chức năng với phù:bổ sung Albumin bằng đường chuyền. Trong trường hợp hội chứng thận hư, nhất là khi giảm thể tích máu kéo dài, việc truyền Albumin và sử dụng thuốc lợi tiểu đôi khi là điều chỉnh có hiệu quả và làm biến mất phù.
Trong trường hợp suy thận cấp sau suy tim: có thể điều chỉnh bằng điều trị suy tim.
Trường hợp đặc biệt do thuốc: Ngừng thuốc đang sử dụng.
Tụt huyết áp: Nâng huyết áp
Điều trị suy thận cấp thực thể
Giảm muối và nước: Ở giai đoạn vô niệu, ăn nhạt hoàn toàn, lượng nước kể cả dịch truyền và uống mỗi ngày không quá 700ml ở người 50kg.
Ở giai đoạn thiểu niệu hoặc ngay ngày đầu vô niệu, có ứ nước ngoại bào: Sử dụng các thuốc lợi tiểu. Nếu dùng đủ liều lượng trong ngày mà vẫn không có lượng nước tiểu thì ngừng dùng.
Toan chuyển hóa: Dùng Natri bicarbonate (NaHCO3) chủ yếu trong trường hợp toan máu nặng và phải cẩn thận
Tăng Kali máu: Sử dụng phác đồ điều trị phù hợp với mức độ tăng Kali và có thể lọc máu
Điều trị lọc ngoài thận: Nhất là thận nhân tạo theo các tiêu chuẩn của chạy thận nhân tạo trong đó quan trọng là khi có 1 trong 2 tiêu chuẩn sau: Urê >30 mmol/l, Kali máu >6 mmol/l.
Điều trị suy thận cấp sau thận
Suy thận cấp sau thận còn gọi là suy thận cấp tắc nghẽn. Cho nên điều trị quan trọng nhất là điều trị để loại bỏ yếu tố tắc nghẽn này bằng cách loại bỏ các khối u, sỏi …
Chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân suy thận cấp
Sữa dành cho bệnh nhân bị suy thận
Nguyên tắc là nên căn cứ vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân để lựa chọn thực phẩm hợp lý.
- Với giai đoạn ăn ít: Chủ yếu bổ sung các thực phẩm có glucid, đảm bảo người bệnh không bị sút cân nhanh. Ưu tiên các thực phẩm có chế độ dinh dưỡng cao như nước hoa quả, sữa đặc, kem,… và các thực phẩm có lượng kali thấp như bí đỏ, bầu, cải trắng,… Đồng thời hạn chế thực phẩm nhiều đạm, nước.
- Với giai đoạn đái nhiều: Ưu tiên đạm chất lượng cao như sữa bò, trứng bổ sung acid amin. Ở thời kỳ tiểu nhiều thì nên chọn thực phẩm có lượng kali thấp,…
- Với giai đoạn phục hồi: Lúc này căn cứ vào tình hình giảm thấp đạm ure mà có điều chỉnh tăng dần lượng đạm trong khẩu phần ăn.
Điều trị suy thận mạn
Tùy thuộc vào giai đoạn của suy thận mạn mà biện pháp điều trị áp dụng có khác nhau.
Điều trị suy thận mạn trước giai đoạn cuối
Tương ứng với điều trị suy thận mạn các giai đoạn I, II và IIIa, các biện pháp này bảo tồn chức năng thận còn lại, cụ thể:
Điều trị nguyên nhân
Điều trị các nguyên nhân gây suy thận: suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gút…
Ngăn chặn sự tiến triển của suy thận mạn: Tránh các thuốc độc cho thận và điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp với mức độ suy thận.
Điều trị triệu chứng và các biến chứng của bệnh
Điều trị các biến chứng của suy thận mạn: các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp và các yếu tố đi kèm.
- Chuẩn bị cho việc điều trị thay thế thận suy ở giai đoạn cuối: Chủng ngừa viêm gan Virus B, ở giai đoạn IIIa có thể làm nối thông động – tĩnh mạch.
- Điều trị thiếu máu: Mục đích của điều trị là duy trì Hb máu 11 đến 12 g/l.
- Điều trị rối loạn nước điện giải: Chế độ ăn nhạt: được áp dụng trong hầu hết các bệnh thận.
- Giảm lượng nước uống vào trong trường hợp có phù
- Điều trị Tăng Kali máu
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn
Cung cấp Protein trong chế độ ăn thích hợp:
- Trường hợp suy thận nhẹ, trung bình bệnh nhân có thể sử dụng với lượng 1g/kg/ngày
- Trường hợp suy thận nặng hơn thì Protein cung cấp từ 0,6 đến 0,8 g/kg/ngày
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị thay thế thận
Khi mức lọc cầu thận giảm dưới 10 ml/phút, ngoài các phương pháp của điều trị bảo tồn như trên, để đảm bảo sự sống của người bệnh cần thiết phải điều trị thay thế thận, bao gồm:
- Ghép thận.
- Thận nhân tạo.
- Lọc màng bụng.
Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cho bệnh nhân suy thận trước lọc máu và sau lọc máu là như thế nào?
Xem thêm: Chế độ ăn cho người suy thận
Phòng bệnh suy thận như thế nào?
Khuyến khích uống hai lít nước mỗi ngày
- Chế độ ăn phù hợp, giảm muối
- Uống nước thường xuyên, ít nhất hai lít nước mỗi ngày
- Kiểm soát tốt đường huyết
- Theo dõi huyết áp thường xuyên
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế đồ uống có cồn
- Tránh căng thẳng