Ung thư phổi – nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư

Theo thống kê hiện nay, ung thư phổi là bệnh lý gặp nhiều thứ ba trong các bệnh phổi mạn tính, nhiều thứ năm trong ung thư các tạng, và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư. Bệnh xuất hiện nhiều ở nam giới với nguyên nhân chính là hút thuốc lá. Các biểu hiện ban đầu của bệnh thường không rõ ràng khiến cho việc phát hiện sớm và điều trị gặp nhiều khó khăn.

1. Ung thư phổi là gì?

Hai lá phổi là cơ quan quan trọng của hệ hô hấp, đảm nhận vai trò trao đổi khí trực tiếp giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, giúp cung cấp Oxi và thải Carbonic.

Ung thư phổi
Ung thư phổi (Ảnh internet)

Ung thư phối là hiện tượng các tế bào trong nhu mô phổi liên tục phát triển, tăng trưởng và phân chia không kiểm soát, tạo thành các khối u ác tính, có khả năng di căn các cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể. Các tế bào ác tính có thể bắt nguồn từ phổi, khi đó gọi là ung thư phổi tiên phát, hoặc từ các cơ quan bộ phận khác di căn đến phổi thành ung thư phổi thứ phát.

Nam giới trong độ tuổi 40 đến 60 có tỷ lệ mắc ung thư phổi nhiều hơn cả, chiếm 85-90% số ca bị bệnh (theo nghiên cứu của khoa Hô Hấp – bệnh viện Bạch Mai).

2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư phổi, nhưng có một số nguyên nhân chính thường gặp sau đây:

2.1. Thuốc lá, thuốc lào

Khói thuốc lá gây nguy cơ ung thư phổi
Khói thuốc lá gây nguy cơ ung thư phổi (Ảnh internet)

Trong lịch sử, y văn thế giới đã ghi nhận ung thư phổi rất ít khi xảy ra cho đến khi thuốc lá xuất hiện. Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây ung thư phổi. Cứ 10 người bị bệnh thì có tới 9 trường hợp liên quan đến thuốc lá, do hút thuốc chủ động hoặc bị động (hít phải khói thuốc lá).

Trong khói thuốc có chứa hơn 4.000 hợp chất hóa học khác nhau. Trong đó trên 40 chất có khả năng gây ung thư, đặc biệt là nitrosamine và polycyclic aromatic hydrocarbons có vai trò rất lớn trong việc phá hủy niêm mạc và biến đổi các tế bào dẫn đến ác tính hóa.

Tùy thuộc vào độ tuổi bắt đầu hút, số bao trong năm, số điếu trong ngày, thời gian hút mà nguy cơ gây bệnh có thể tăng từ 6 đến 30 lần.

2.2. Nghề nghiệp

Những người làm việc trong các mỏ đất hiếm, mỏ phóng xạ, các cơ sở hạt nhân bị rò rỉ phóng xạ,.. có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn do phải tiếp xúc với các bức xạ ion hóa (Randon), các hóa chất như chrome, sắt, arsenic, nickel, silice, chloro-methyl-ether,…Đặc biệt ở những công trình xây dựng, đập phá, sửa chữa nhà cửa còn xuất hiện rất nhiều bụi Amiăng. Những công nhân làm việc ở đây thường xuyên tiếp xúc với Amiăng có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 10 lần, đặc biệt nếu người đó hút thuốc lá kèm theo thì nguy cơ tăng lên gấp 100 lần.

2.3. Nguyên nhân khác

Không khí bị ô nhiễm có thể gây ung thư phổi
Không khí bị ô nhiễm có thể gây ung thư phổi (Ảnh internet)

Môi trường không khí bị ô nhiễm bởi khói bụi từ các phương tiện giao thông, nhà máy, khu công nghiệp cũng làm gia tăng tỷ lệ bị ung thư phổi. Một số nguyên nhân khác có thể do nhiễm virus HPV, EBV, các bệnh lý phế quản phổi như xơ phổi, sau lao phổi, sarcoidosis,.., do di truyền hay chế độ dinh dưỡng ít rau quả, nhiều đồ chiên, nướng,…

3. Triệu chứng của bệnh ung thư phổi

3.1. Giai đoạn tiềm ẩn

Ở giai đoạn sớm, các biểu hiện của bệnh ung thư phổi thường rất mờ nhạt, không rõ ràng khiến người bệnh chủ quan và dễ dàng bỏ qua. Các biểu hiện có thể chỉ là:

  • Ho khan hoặc có đờm, ho dai dẳng kéo dài, dùng các thuốc điều trị ho không đỡ.
  • Ho ra máu rất ít, lẫn với đờm thường ho về buổi sáng và kéo dài trong nhiều ngày

3.2. Giai đoạn ung thư thư lây lan

Khi ung thư đã phát triển thì sẽ gặp các triệu chứng rõ ràng hơn như:

Đau ngực là một trong các triệu chứng ung thư phổi
Đau ngực là một trong các triệu chứng ung thư phổi (Ảnh internet)
  • Đau ngực: thường đau bên tổn thương và không đau rõ rệt ở một vị trí cụ thể nào. Có khi đau quanh bả vai, mặt trong của cánh tay.
  • Khó thở, khó nói, giọng khàn, giọng đôi, khó nuốt
  • Cảm thấy chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi, đuối sức

Ung thư phổi di căn đến các cơ quan bộ phận khác sẽ gây:

  • Đau xương vùng lưng hoặc vùng hông
  • Có những biểu hiện như đau đầu, yếu hay tê cẳng chân, cẳng tay; hoa mắt, gặp vấn đề thăng bằng, lên cơn tai biến,..do ung thư di căn lên não hay tủy sống
  • Vàng da và mắt do ung thư đã di căn tới gan
  • Nổi các khối u trên bề mặt do ung thư di căn đến da hay các hạch lympho như nổi các hạch vùng cổ hay trên xương đòn.

Ngoài ra trên người bệnh bị ung thư phổi còn gặp các hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên (phù áo khoác, tuần hoàn bang hệ ở ngực, mặt, môi tím, hội chứng Pierre-Marie (ngón tay dùi trống, sưng đau các khớp nhỏ và nhỡ, đau dọc các xương dài), hội chứng Cushing, có thể vú to một bên hoặc hai bên ở nam giới,…

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán xác định ung thư phổi thì cần kết hợp các biểu hiện trên lâm sàng như ho khan, ho ra máu, khó thở, đau ngực, gầy sút nhanh, hạch thượng đòn, với các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm như:

X-quang là phương tiện quan trọng trong phát hiện ung thư phổi
X-quang là phương tiện quan trọng trong phát hiện ung thư phổi (Ảnh internet)
  • X-quang phổi: có hình ảnh u tròn, rõ, hình ảnh xẹp phổi
  • Chụp cắt lớp vi tính ngực có tiêm cản quang tĩnh mạch. Trên phim chụp có thể thấy rõ khối u phổi, hạch trung thất, có thể thấy u xâm lấn các thành phần trong lồng ngực, tràn dịch màng phổi-màng tim, hủy xương sườn, cột sống, xẹp phổi hoặc tổn thương phổi kẽ.
  • Xét nghiệm bệnh phẩm, sinh thiết tế bào tìm tế bào ung thư.
  • Các thăm dò khác như: siêu âm ổ bụng, nội soi phế quản,…

5. Điều trị ung thư phổi

Tùy theo từng loại ung thư phổi, giai đoạn của bệnh và thể trạng của người bệnh mà có biện pháp điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị ung thư phổi chủ yếu hiện nay vẫn là phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với hóa trị và xạ trị.

Trong trường hợp là ung thư biểu mô không tế bào nhỏ có thể chỉ định phẫu thuật cùng với xạ trị hoặc hóa trị trước hoặc sau đó.

Còn với ung thư biểu mô tế bào nhỏ với đặc điểm lan nhanh, di căn sớm, tại thời điểm phát hiện thường đã lan tỏa vì vậy thường chỉ áp dụng xạ trị hoặc hóa trị, ít khi được phẫu thuật.

Ngoài việc điều trị chính bệnh ung thư phổi còn cần quan tâm đến điều trị giảm các triệu chứng khó chịu giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Khi đó thường dùng các thuốc để điều trị giảm đau, ho, khó thở. Còn với di căn xương, di căn não, chèn ép tủy sống có thể điều trị bằng thuốc, hóa trị, xạ trị, hay phẫu thuật.

6. Biến chứng của bệnh và biến chứng trong khi điều tri

Ngoài việc di căn gây ung thư ở các cơ quan, bộ phận khác, thì khối u phát triển tại chỗ có thể gây các biến chứng ở phổi như:

  • áp xe phổi thứ phát
  • bội nhiễm phổi
  • xẹp phổi
  • tràn khí màng phổi
  • ho ra máu nặng do ung thư xâm lấn các mạch máu lớn

Bệnh cạnh đó, trong quá trình điều trị, việc phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị cũng có thể gây ra một vài biến chứng và tác dụng phụ.

  • Với phẫu thuật thì biến chứng chung có thể gặp đau, nhiễm trùng, chảy máu, ảnh hưởng của gây mê, xẹp phổi, …
  • Tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị thường là rụng tóc, gây suy nhược cơ thể, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, …

7. Dinh dưỡng cho người bị ung thư phổi

Với người bị ung thư phổi nói riêng và ung thư nói chung thường có biểu hiện chán ăn kèm theo đó là gầy sút cân nhanh chóng.

Chán ăn có thể có do ung thư, sút cân có thể do ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị hóa trị và xạ trị. Việc này khiến cơ thể bị suy nhược, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, làm giảm đi sức chống chịu với căn bệnh và không tốt cho việc điều trị. Vì vậy người bệnh cần lưu ý ăn uống đủ chất, không nên kiêng kem, đặc biệt là chất đạm. Tăng cường rau xanh, hoa quả trong các bữa ăn.

8. Phòng tránh bệnh ung thư phổi

Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ gây ung thư phổi
Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ gây ung thư phổi (Ảnh internet)

Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm do phát triển nhanh và dễ lây lan trong khi lại khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy việc phòng ngừa bệnh là điều rất quan trọng. Để tránh không bị mắc bệnh thì cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là thuốc lá. Không hút thuốc lá hoặc giảm, cai thuốc lá, tránh không để bị hít phải khói thuốc thụ động. Tập thể dục và có thể độ ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế đồ chiên nướng,…

Với những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc hại gây ung thư thì cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe của bản thân khi có những biểu hiện của hô hấp như ho khan, ho ra máu, khó thở,..,thì không nên chủ quan mà cần đến khám ở các cơ sở y tế để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm.

BS. Đỗ Thị Gấm

Theo Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận