Chứng suy giảm nhận thức – Những điều cần biết
Chứng suy giảm nhận thức đề cập đến các vấn đề mà một người gặp phải với các chức năng nhận thức như suy nghĩ, lý luận, trí nhớ hoặc sự chú ý. Suy giảm nhận thức có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của một người. Vậy suy giảm nhận thức có những nguyên nhân, biểu hiện gì và có những cách nào có thể khắc phục tình trạng suy giảm nhận thức, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Nội dung bài viêt
1. Suy giảm nhận thức là gì?
Suy giảm nhận thức là khi một người gặp khó khăn ghi nhớ, học hỏi những điều mới, tập trung chú ý, hoặc đưa ra quyết định. Những điều này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của họ.
Chứng suy giảm nhận thức ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh
Đối với một số người, suy giảm nhận thức xảy ra theo tuổi tác. Tuy nhiên, chấn thương, bệnh tật và thói quen sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ và tốc độ thay đổi khả năng nhận thức của người bệnh theo thời gian. Vậy có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng suy giảm nhận thức?
Xem thêm: Suy giảm nhận thức chủ quan – Những vấn đề cần lưu tâm
2. Nguyên nhân nào dẫn tới suy giảm nhận thức
Chứng suy giảm nhận thức có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của một người. Trong giai đoạn đầu đời, nó có thể phát sinh từ các hội chứng di truyền như trong bệnh Huntington,… phụ nữ mang thai tiếp xúc với ma túy và rượu trước khi sinh, chấn thương hoặc thiếu oxy trong hoặc sau khi sinh.
Suy giảm nhận thức trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên có thể là kết quả của một số điều kiện. Ví dụ như suy dinh dưỡng, tiếp xúc với kim loại nặng, rối loạn chuyển hóa, chấn thương não và tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư hoặc bệnh Parkinson,…
Trong các tình trạng khác như chấn thương sọ não, rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, đột quỵ, u não và nhiễm trùng não có thể gây suy giảm nhận thức.
3. Các biểu hiệu của suy giảm nhận thức
Suy giảm nhận thức thường gặp các biểu hiện gì?
Khi khu vực não bộ đảm nhiệm chức năng nhận thức bị tổn thương, các biểu hiện liên quan đến suy giảm nhận thức có thể gặp phải như:
- Suy giảm trí nhớ, hay quên, thời gian lâu dần có thể mất trí nhớ hoàn toàn: ban đầu nhẹ có thể gặp tình trạng quên các vật dụng trong sinh hoạt như chìa khóa,… về sau có thể gặp tình trạng nói trước quên sau, quên các cuộc trò chuyện gần đây, quên các cuộc hẹn,…
- Giảm hoặc mất khả năng tập trung; đầu óc lơ mơ không tỉnh táo.
- Dễ lạc đường, do gặp tình trạng mất định hướng về không gian, thời gian.
- Mất nhiều thời gian để suy nghĩ, đưa ra quyết định chậm chạp do ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ.
- Tâm trạng hay rơi vào trạng thái lo lắng, thờ ơ, khó chịu, hung hăng, trầm cảm: đây là những biểu hiện rối loạn cảm xúc trong khi suy giảm nhận thức.
- Khó khăn trong việc đưa ra các bước để hoàn thành mục tiêu công việc hoặc giải thích, hướng dẫn.
4. Cần làm gì để khắc phục chứng suy giảm nhận thức
Để khắc phục tình trạng suy giảm nhận thức, người bệnh cần phối hợp thực hiện các giải pháp gợi ý dưới đây để đạt được hiệu quả cải thiện tốt nhất:
- Chăm sóc sức khỏe thể chất của bạn: Kiểm tra sức khỏe định kỳ; Kiểm soát các yếu tố nguy cơ, các vấn đề sức khỏe mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì,… Giảm nguy cơ chấn thương não do ngã và các tai nạn khác; Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá; Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho từng cá nhân; vận động rèn luyện thể chất với các môn thể thao hoặc bài tập phù hợp, cũng như có thói quen ngủ đủ giấc,…
Xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần: hạn chế tình trạng căng thẳng, áp lực kéo dài; hoặc hồi phục sau căng thẳng bằng các hoạt động như luyện tập thể dục nhẹ nhàng để thư giãn như đi bộ, ngồi tập thở,…
- Giữ cho tâm trí hoạt động: bằng cách rèn luyện thông qua việc đọc sách, đọc tạp chí, tham gia các lớp học, khóa học ngắn, tìm hiểu những điều mới mẻ để giúp trí não được hoạt động tích cực hơn,…
Chăm sóc trí não là hoạt động cần để khắc phục suy giảm nhận thức
Suy giảm nhận thức ảnh hưởng tới chất lượng sức khỏe và cuộc sống của người bệnh còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương não bộ mắc phải. Nếu có các biểu hiện gợi ý như trên thì người đó cần được trực tiếp gặp bác sĩ chuyên môn để được khám và điều trị kịp thời tránh để tình trạng này nặng hơn, khó hồi phục hơn.
BS Đoàn Thị Nhung
Xem thêm các thông tin khác trên trang thaythuocvietnam.vn