Đau nhức, mệt mỏi vì thoái hoá cột sống

Thoái hóa cột sống không còn là căn bệnh gì xa lạ hiện nay, bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa và gây ra nhiều biến chứng trầm trọng nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần trang bị những kiến thức, hiểu thêm về bệnh có thể giúp phát hiện, điều trị sớm và có hiệu quả, bài viết sau hy vọng sẽ giúp ích cho mọi người.

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng xương đốt sống không còn chắc khỏe, trở nên xốp, giòn, dễ tổn thương. Đĩa đệm bị mất nước, giảm độ đàn hồi, xơ hóa và dễ nứt rách, tấm sụn tận cùng bị bào mòn,… khiến cho chức năng của cột sống suy giảm.

Thoái hóa cột sống nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn đến sự hình thành các gai xương hoặc đĩa đệm bị rách, nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép lên rễ dây thần kinh gây ra các cơn đau nhức dọc cột sống theo nhiều mức độ từ âm ỉ đến dữ dội.

Vị trí cột sống dễ bị thoái hóa thường là những vùng cử động nhiều, phải chịu áp lực lớn như cột sống cổ, thắt lưng.Vì vậy đã gây ra các căn bệnh rất phổ biến hiện nay: thoái hoá cột sống cổ, thoái hoá cột sống thắt lưng…

Thoái hoá cột sống

Thoái hoá cột sống

Ai có nguy cơ thoái hóa cột sống?

Thoái hóa cột sống là một bệnh mạn tính, tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm.

Thoái hóa cột sống là bệnh khá thường gặp ở người cao tuổi (đặc biệt là trên 60 tuổi), liên quan tới quá trình lão hóa. Với những người dưới 45 tuổi, thoái hóa cột sống thường xuất hiện nhiều ở nam giới. Ngược lại sau 45 tuổi thì bệnh lại hay gặp ở nữ giới.

Bên cạnh đó những người lao động nặng, sai tư thế lao động, người thừa cân béo phì hoặc có tiền sử chấn thương, phẫu thuật cột sống, bất thường trục chi, yếu cơ, hay các yếu tố về di truyền… đều có nguy cơ gây thoái hóa cột sống.

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống là gì?

Bệnh thoái hóa cột sống xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân, nó bao gồm nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

Nguyên nhân nguyên phát

Quá trình lão hóa tự nhiên là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý thoái hóa cột sống. Theo thời gian, cấu trúc cột sống ngày càng suy yếu với các biểu hiện như đĩa đệm bị mất nước, bao xơ đĩa đệm dễ bị rách vỡ, dây chằng xơ hóa hay các mô sụn bị bào mòn.

Bệnh diễn biến nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống của mỗi người. Thói quen ngồi gù lưng, nằm gối cao hay vận động, tập luyện không đúng cách, ăn uống không lành mạnh (thiếu canxi, magie, lạm dụng rượu bia, thuốc lá,.. ) làm thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống.

Nguyên nhân thứ phát

Bên cạnh quá trình lão thì các nguyên nhân thứ phát khiến cột sống bị ảnh hưởng dễ bị tổn thương như:

  • Thể trạng cơ thể: người béo có nguy cơ thoái hóa cao hơn người gầy.
  • Tính chất công việc: làm việc văn phòng, ngồi lâu, ít vận động hay công việc đòi hỏi phải mang vác, vận động nhiều, tư thế sai làm tăng áp lực xuống cột sống khiến cột sống, dây chằng chịu lực lớn trong thời gian dài.
  • Do các chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vận động, tai nạn làm tổn thương cột sống, không được điều trị dứt điểm, lâu ngày cột sống bị thoái hóa dần.

Biểu hiện khi bị thoái hóa cột sống?

Triệu chứng chung

  • Đau cơ cạnh cột sống khu trú xuất phát từ các dây chằng cạnh cột sống, các bao khớp.
  • Co thắt các cơ cạnh cột sống.
  • Đau có thể lan theo đường đi của dây thần kinh do chèn ép rễ thần kinh.
  • Yếu hoặc tê bì chân tay, hạn chế vận động.

Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ

  • Đau dễ xuất hiện khi trời lạnh hoặc nằm ngủ với gối quá cao
  • Đau hơn khi gắng sức, khi ho và sẽ giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi
  • Khi ngước cổ nhìn lên trên cao, xoay trái hoặc phải có cảm giác cứng và đau
  • Các cơn đau cấp tính diễn ra với tần suất nhiều và mạnh hơn như đau buốt, nhức mỏi cổ , cứng cổ…
  • Ngủ dậy thường thấy người nhức mỏi, khó chịu và đau cổ. Có những trường hợp thường bị cứng cổ vào buổi sáng khi mới ngủ dậy.
Nhức mỏi, đau cổ khi xoay trái, phải

Nhức mỏi, đau cổ khi xoay trái, phải

Triệu chứng thoái hóa cột sống lưng

  • Đau âm ỉ vùng thắt lưng, kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng.
  • Cơn đau tăng lên khi vận động, thay đổi thời tiết, đau giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cột sống có thể biến dạng một phần và hạn chế một số động tác cúi, nghiêng,…
  • Khi tình trạng chuyển biến nghiêm trọng, các cơn đau ở lưng có thể lan xuống chân, gây tê liệt và mất thăng bằng khi di chuyển.
  • Thoái hóa đốt sống lưng gây chèn ép nặng gây rối loạn cơ tròn khiến bệnh nhân đại tiểu tiện không tự chủ.
  • Có thể có teo cơ nếu đau kéo dài.

Khi gặp các triệu chứng trên, cần phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nặng nề sau đó.

Thoái hóa cột sống nguy hiểm như thế nào?

Thoái hóa cột sống nếu  không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nhiều tác hại đến sức khỏe. Tàn phế hay mất khả năng đi lại có thể xem là biến chứng nặng nề nhất của cột sống bị thoái hóa và đây là điều kiện thuận lợi gây ra hàng loạt biến chứng khác cho người bệnh.

Biến chứng thoái hóa cột sống cổ

  • Mất ngủ: thoái hóa cột sống làm người bệnh đau nhức, khó chịu, mệt mỏi khiến người bệnh mất ngủ kéo dài.
  • Chèn ép thần kinh gây hội chứng vai cánh tay: người bệnh đau lan ra vùng vai cánh tay một hoặc hai bên, có thể bị tê liệt.
  • Chèn ép các động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt.
  • Chèn ép tủy gây yếu, đau tứ chi, đi lại khó khăn hoặc liệt không vận động được.

Biến chứng thoái hóa cột sống thắt lưng

Dấu hiệu chèn ép rễ dây thần kinh thường gặp ở thoái hóa cột sống nặng khi những gai xương thân đốt sống phát triển chèn ép vào lỗ liên hợp đốt sống.

Cùng với sự thoái hóa đốt sống, đĩa đệm cũng bị thoái hóa và nguy cơ phình, thoát vị đĩa đệm sẽ dẫn tới chèn ép rễ dây thần kinh (biểu hiện đau dây thần kinh tọa). Gây ra các cơn đau lan tỏa vùng mông và tứ chi, tăng nguy cơ bại liệt.

Ngoài ra thoái hóa cột sống thắt lưng gây biến dạng (gù, vẹo,..), ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sinh hoạt bệnh nhân.

Chẩn đoán thoái hóa cột sống bằng cách nào?

Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như:

Khám lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng hay gặp hướng tới thoái hóa cột sống như:

  • Đau vùng cột sống có tính chất cơ học:Ở cột sống cổ, đau vùng gáy, đôi khi lan xuống vai và cánh tay, đau tăng lên khi vận động, nhất là các động tác thụ động của cột sống cổ như cúi, nghiêng, quay,…Với cột sống thắt lưng tùy vào mức độ thoái hóa và tổn thương đĩa đệm có các kiểu đau khác nhau như đau lưng cấp (<3 tháng), mạn không có tổn thương rễ thần kinh chỉ đau vùng cột sống thắt lưng, không lan, tăng lên khi vận động, thay đổi thời tiết.
  • Hạn chế vận động tương ứng vùng thoái hóa.
  • Triệu chứng do chèn ép rễ dây thần kinh, chèn ép tủy, chèn ép mạch máu.
  • Khám phát hiện cột sống bị vẹo, biến dạng, giảm phản xạ, cảm giác, teo cơ,..

Các cận lâm sàng cần làm

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng nghĩ tới thoái hóa cột sống để chẩn đoán chính xác giai đoạn, vị trí tổn thương bác sỹ phải yêu cầu làm một số cận lâm sàng gồm :

Chụp Xquang

Nhằm kiểm tra xem có bất thường, tổn thương ở xương, cột sống, có các hình ảnh điển hình của thoái hóa như gai xương, đặc xương, hẹp đĩa đệm,… hay không.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Giúp thấy rõ trạng thái thoái hóa và thoát vị đĩa đệm, vị trí đĩa đệm chèn ép thần kinh.

Chụp cắt lớp vi tính

Cũng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ những tổn thương mà trên xquang có thể nghi ngờ.

Ngoài ra tùy tình trạng người bệnh mà bác sỹ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác cũng như củng cố chẩn đoán bệnh. Ví dụ như xét nghiệm máu nhằm loại trừ bệnh lý gây đau cột sống khác như viêm cột sống dính khớp, lao cột sống,..

Chụp X-quang thoái hoá cột sống

Chụp X-quang thoái hoá cột sống

Điều trị thoái hóa cột sống như thế nào?

Mục tiêu điều trị thoái hóa cột sống nhằm làm giảm các triệu chứng đau và cải thiện chức năng vận động của người bệnh. Do đó, việc điều trị đòi hỏi phải phối hợp nhiều biện pháp bao gồm:

Tập luyện

Giúp hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống.

Các bài tập giúp kéo dãn cột sống một cách tự nhiên, thúc đẩy phục hồi các tổn thương ở đốt sống, giúp hệ thống xương khớp trở nên linh hoạt và dẻo dai. Bên cạnh đó, luyện tập thường xuyên còn giúp người bệnh có tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn.

Người bệnh phải lựa chọn những bài tập, cường độ, thời gian tập phù hợp mới mang lại kết quả mong muốn, nếu không có thể tạo thêm áp lực cho cột sống, tình trạng bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp, bài tập phù hợp.

Điều trị nội khoa

Nhằm loại bỏ các triệu chứng lâm sàng gây đau, gây khó chịu cho người bệnh.

Có thể sử dụng một số thuốc giảm đau như Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, các thuốc chống thoái hóa khớp làm thay đổi tiến triển bệnh hay các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm như các chế phẩm Glucosamin và chondroitin, thuốc ức chế interleukin 1. Ngoài ra, còn có thể dùng corticoid tiêm tại chỗ trong một số trường hợp được bác sĩ chỉ định và phải được thực hiện ở cơ sở chuyên khoa.

Các thuốc trên không có tác dụng hồi phục các tổn thương cột sống đã bị thoái hóa, các cơn đau có thể xuất hiện lại và có thể nặng hơn trước tùy vào diễn biến của bệnh.

Bên cạnh đó khi dùng thuốc, người bệnh phải tuân thủ liều lượng, thời gian dùng của bác sĩ nhằm hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc như viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận,..

Điều trị ngoại khoa

Chỉ chỉ định áp dụng trong các trường hợp: có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng.

Làm thế nào để phòng bệnh thoái hóa cột sống?

Cho đến nay chưa có biện pháp cụ thể nào được chứng minh có tác dụng phòng được thoái hóa cột sống vì nó là một quá trình diễn biến tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể được áp dụng nhằm làm hạn chế sự xuất hiện và nặng lên của bệnh bằng cách:

Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa thoái hóa cột sống

  • Xây dựng thực đơn hợp lý, khoa học, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng
  • Chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp vào bữa ăn hằng ngày như vitamin D, vitamin C, Canxi hoặc Magie,..
  • Không dùng các chất kích như thuốc lá, rượu bia, cà phê,..

Thói quen sinh hoạt và luyện tập lành mạnh

  • Hạn chế các công việc nặng nhọc, chú ý điều chỉnh tư thế làm việc đúng, giảm các áp lực dồn lên cột sống.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đúng cách các bài tập như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu, yoga,.. để tăng cường cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt của các khớp xương, tạo tinh thần thoải mái, giảm stress.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ là biện pháp phát hiện sớm để điều trị cũng như tránh các biến chứng nặng mà căn bệnh này gây ra.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận