- Hồng ban nổi khắp người bệnh nhân (Ảnh sưu tầm)
Bác sĩ xác định bệnh nhân bị hội chứng Stevens Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc do dị ứng thuốc, diễn tiến đến tổn thương đa cơ quan bao gồm hôn mê do tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy thận cấp nặng, viêm kết mạc.
Ngoài ra, bệnh nhân còn tổn thương hai phổi kèm khí phế thủng, tăng men tim, tăng men gan, xuất huyết tiêu hóa, giảm 3 dòng tế bào máu do tổn thương tủy, suy sụp chức năng đông máu…
Các bác sĩ triển khai các biện pháp điều trị khẩn cấp toàn diện. Bệnh nhân được thở máy kiểm soát, chạy thận nhân tạo cấp cứu, truyền máu và các sản phẩm của máu trong khi chạy thận nhân tạo, điều trị đặc hiệu cho hội chứng Stenvens Johnson.
Suốt thời gian điều trị ở bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ phối hợp điều trị bằng nhiều biện pháp, nâng đỡ chức năng gan, kích thích tủy xương tăng sinh hồng cầu và bạch cầu, tập vật lý trị liệu, chăm sóc các sang thương ở da và mắt…
Cơ địa bệnh nhân bị dị ứng với nhiều loại thuốc, sữa cũng như một số thực phẩm dinh dưỡng khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy vật, đến giữa tháng 5 bệnh nhân đã tự thở tự ăn được, có thể ngồi dậy trên giường. Ngày 22/5, bệnh nhân hồi phục tốt, đang được tiếp tục chăm sóc và điều trị.
- Bệnh nhân đã có những dấu hiệu hồi phục tốt sau đợt điều trị kéo dài (ảnh sưu tầm)
Các bác sĩ cho biết, Hội chứng StevensJohnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng sinh ra do thuốc hoặc một số căn nguyên vi sinh vật như tiêm vắcxin sởi, quai bị hoặc nhiễm virus như Dengue, Cytomegalovirus… Bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nặng, đe dọa sinh mạng người bệnh vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỷ lệ tử vong trong các thể nặng ghi nhận từ đến 5-30%.
Ai cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào đó. Tại thời điểm này có thể không bị dị ứng nhưng có thể sẽ dị ứng ở thời điểm muộn hơn. Đôi lúc phản ứng dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khám bác sĩ ngay khi thấy bất kỳ triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc. Nếu biết dị ứng với thuốc nên ghi lại tên thuốc và báo cho bác sĩ biết khi đến khám bệnh tại cơ sở y tế. Bác sĩ cần thận trọng hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc trước khi kê toa thuốc cho bệnh nhân.
(Tổng hợp)