Trầm cảm – nguyên tắc, phương pháp điều trị
Bạn đang mệt mỏi vì các đợt trầm cảm lại tái phát, kéo dài và không có hồi kết? Điều trị trầm cảm là một quá trình đấu tranh dài cần sự kiên nhẫn và thận trọng song hoàn toàn có thể khắc phục được.
Nội dung bài viêt
1. Nguyên tắc điều trị
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn, mất hứng thú kéo dài dai dẳng.
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của trầm cảm, dù chỉ là mức độ nhẹ, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ càng sớm càng tốt. Trầm cảm có thể chữa trị được. Nhưng nếu không được điều trị đúng và kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng về thần kinh, thể chất, thậm chí có thể dẫn đến tự tử.
Ngoài ra, mỗi cá nhân sẽ có những hoàn cảnh, nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Do vậy, điều trị trầm cảm cần hướng đến từng cá nhân người bệnh. Và để điều trị, giảm thiểu triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả đòi hỏi nỗ lực rất nhiều từ bản thân người bệnh.
2. Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay
Dùng thuốc
Một số loại thuốc chống trầm cảm phổ biến thường được sử dụng như: escitalopram, paroxetine, sertraline, fluoxetine và citalopram. Trong quá trình sử dụng, một số tác dụng phụ có thể xảy ra như: đau đầu, buồn nôn, khó ngủ, căng thẳng, kích động hoặc bồn chồn.
Để điều trị và giảm thiểu hậu quả do trầm cảm, trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần lưu ý:
- Không được tự ý ngừng thuốc: Hầu hết các loại thuốc điều trị tậm lý thường cần một khoảng thời gian, có khi đến 8 tuần để có thể cảm nhận được sự thay đổi. Nên hãy kiên nhẫn và thực hiện đầy đủ liệu trình điều trị theo đúng phác đồ.
- Các tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian
- Dùng thuốc đúng giờ, đúng liều
Trị liệu tâm lý
Mỗi người sẽ có cách đối phó với trầm cảm khác nhau. Dưới đây là một trong những phương pháp mà bạn có thể áp dụng để làm giảm mức độ ảnh hưởng của triệu chứng, song song với việc trò chuyện cùng các chuyên viên trị liệu, bác sĩ tâm lý.
- Hình ảnh: Trò chuyện cùng nhà trị liệu tâm lý để điều trị trầm cảm hiệu quả (Internet)
Biết được dấu hiệu cảnh báo
Bạn thường có những cảm giác hay suy nghĩ nào trước khi trầm cảm xảy ra? Ví dụ như những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, cho rằng bản thân thấp kém, mang nhiều tội lỗi, mặc cảm tự ti, nhất là tự cho rằng bản thân yếu kém trong việc hoàn thành công việc hoặc không thể thành công. Đôi khi có những suy nghĩ tự ti về ngoại hình bản thân, về sự phán xét của những người xung quanh về mình. Ngay khi có những suy nghĩ này xuất hiện trong đầu bạn cần lập tức dừng việc suy nghĩ. Thay vào đó là nghe nhạc vui nhộn, xem hài, trò chuyện với người thân quen, tập thể dục… nghĩa là làm mọi việc để phân tán sự chú ý khiến bản thân không có khoảng lặng để suy nghĩ vẩn vơ.
Công nhận cảm xúc của bạn
Thừa nhận không phải để chấp nhận và chịu đựng, mà là để đối mặt và vượt qua. Có thể bạn đã quen với việc bị bảo phải “mạnh mẽ lên”, phải không được buồn phiền không được thể hiện cảm xúc, nhưng sự thật là mạnh mẽ không có nghĩa là không có cảm xúc. Mạnh mẽ là có thể thừa nhận cảm xúc của bản thân. “Mình đang gặp phải trầm cảm, và điều đó không có gì đáng xấu hổ cả”.
Đừng hoảng sợ
Rất khó để không hoảng sợ khi bạn nghĩ mọi thứ đã bình thường nhưng trầm cảm lại tới. Tuy nhiên, trầm cảm chỉ khiến trầm cảm thêm tệ mà thôi. Trầm cảm tái phát là điều bình thường, đừng sợ hãi. Bạn đã vượt qua nó lần trước rồi thì sẽ vượt qua được nó lần này. Đừng lo âu, bất cứ chuyện gì mình cũng có thể giải quyết được mà. Những lúc như này, bạn hãy hít thở sâu khoảng 5 – 10 lần.
Nhận ra rằng cảm xúc này không tồn tại mãi mãi
Những triệu chứng này không tồn tại mãi mãi. Bạn đã vượt qua nó trước đây và dù rằng lần này sẽ không kém phần chông gai, nhưng bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó lần nữa.
Vượt qua suy nghĩ tiêu cực
Một điều thường thấy ở những người mắc trầm cảm là họ có cái nhìn khá tiêu cực về bản thân, tương lai, tuyệt vọng với tình trạng của mình, cảm thấy bản thân vô dụng và tội lỗi.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây chỉ là triệu chứng của trầm cảm. Nó bóp méo suy nghĩ, nhận thức. Vì thế nó KHÔNG phản ánh đúng con người thật của bạn. Chúng ta có thể xác định loại suy nghĩ tiêu cực nào đang châm ngòi cho trầm cảm và thay thế chúng bằng những suy nghĩ cân bằng hơn:
- Bằng chứng nào chứng minh cho suy nghĩ này đúng? không đúng?
- Nếu bạn mình có suy nghĩ này thì mình nên nói gì với bạn ấy?
- Tình huống này có thể giải thích dưới góc nhìn khác hay không?
Chăm sóc bản thân thật tốt
Ở không ít người, trầm cảm khiến người bệnh chán ăn, ngủ rất ít hoặc ngủ quá nhiều, mất động lực, kể cả những việc mình đã từng thích dẫn đến thể chất bị suy yếu. Cơ thể mệt mỏi, dễ mắc bệnh, càng làm cho tâm trạng ủ rũ, tồi tệ hơn.
Chính vì thế, đảm bảo thể chất là rất quan trọng. Nếu cảm thấy không muốn ăn, hãy dùng những thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng như: sữa tươi, sữa chua, rau củ, đậu,… Có thể thêm một chút vị chua/ cay vào trong món ăn của bữa ăn chính để kích thích vị giác. Hạn chế caffeine, rượu, chất béo chuyển hóa (trans fat) hoặc thức ăn có chứa nồng độ cao chất bảo quản, hóc-môn, đường.
Trò chuyện với mọi người. Thiết lập danh sách những việc mình cần làm hàng ngày và hoàn thành nó
Khi pha trầm cảm kéo tới, bạn có thể sẽ mất động lực làm tất cả mọi việc. Và khi không việc nào hoàn thành, tâm trạng lại cảm thấy tồi tệ hơn khi cảm thấy bản thân vô dụng. Hãy thử thiết lập một danh sách những việc mình cần làm hay muốn làm trong từng ngày và cố gắng hoàn thành nó. Đó không nhất thiết phải là những việc to lớn, có thể bao gồm cả những việc rất đơn giản như “ăn sáng, đi mua đồ ăn, gọi điện cho ba mẹ/bạn A/cô B, trả lời e-mail, vv…”. Cuối ngày, khi có thể đánh dấu hết hoặc hầu hết các công việc trong danh sách, bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn một chút với cảm giác “hoàn thành”, một cảm giác thường bị thiếu hụt trầm trọng ở những người mắc trầm cảm.
DS Thu Trang
(Tổng hợp)