Trầm cảm ở học sinh: nên làm gì?
Học sinh là lứa tuổi phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý, đặc biệt là tuổi dậy thì nên rất nhạy cảm. Áp lực học tập, lối sống tạo nên những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, thậm chí là ý định tự sát. Ngày nay, tỉ lệ trầm cảm ở lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng, nhưng lại ít được chú ý đến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Hiểu rõ các thông tin bệnh cùng với sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua được ảnh hưởng của bệnh trầm cảm.
Nội dung bài viêt
1. Trầm cảm ở học sinh là gì?
Trầm cảm là tình trạng rối loạn cảm xúc gây ra buồn bã, mất cảm hứng trong một thời gian dài. Bệnh có ảnh hưởng tới cảm xúc, tư duy, hành vi của người bệnh. Bản thân người đang trải qua trạng thái trầm cảm có thể cảm thấy tự ti, thất vọng, có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có ý định tự tử. Trầm cảm ở học sinh có thể xuất hiện và kéo dài trong suốt quãng thời gian đi học. Bệnh khiến trẻ không còn niềm tin, hứng thú đối với cuộc sống xung quanh, kể cả những hoạt động hay sự vật đã từng yêu thích trước đó.
- Gia tăng tình trạng trầm cảm ở học sinh
2. Tình trạng trầm cảm ở học sinh hiện nay
Từ năm 2021 đến nay, trầm cảm nói chung và trầm cảm ở học sinh nói riêng đã trở thành một trong những vấn nạn toàn cầu đáng quan tâm. Theo thống kê năm 2016 của viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, có khoảng 3,1 triệu thanh thiếu niên từ 12 – 17 tuổi đã có ít nhất một thời gian bị trầm cảm, nhưng chỉ có 19% trong số đó được thăm khám và tư vấn bởi chuyên gia y tế.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có thống kê toàn diện nào về vấn đề trầm cảm ở học sinh trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn có một số nghiên cứu nhỏ được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu đưa ra những con số đáng báo động như:
- Nghiên cứu thực trạng trầm cảm ở học sinh trung học phổ thông tại Ninh Bình và Hà Nội – tác giả Trần Thị Mỵ Lương và cộng sự cho thấy, khoảng 20% học sinh có biểu hiện trầm cảm, 6,8% học sinh bị trầm cảm mức độ vừa hoặc nặng.
- Nghiên cứu tỷ lệ rối loạn trầm cảm và các yếu tố liên quan ở học sinh trung học phổ thông tại thành phố Quảng Ngãi – tác giả Thanh Quang Vũ và cộng sự cho kết quả, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 9,2%, mức độ trầm cảm vừa và nặng là 5,5%.
- Nghiên cứu thực trạng trầm cảm, lo âu ở học sinh tại trường trung học phổ thông Hà Huy Tập, tỉnh Nghệ An – tác giả Trần Thị Hương Quỳnh và cộng sự cho thấy, có tới 38,2% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm.
3. Trầm cảm ở học sinh nguyên nhân là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng trầm cảm ở học sinh như:
- Thay đổi tâm sinh lý ở giai đoạn dậy thì: Đây là giai đoạn trẻ chưa có đầy đủ khả năng nhận thức toàn diện về những vấn đề gặp phải nên thường dễ rơi vào tình trạng “khủng hoảng tuổi dậy thì”. Điều này gây ra những suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi tiêu cực ở trẻ.
- Áp lực học hành, thi cử: Ngày nay trẻ phải chịu áp lực lớn từ việc học hành, điểm số. Vì nguyên nhân nào đó khiến kết quả học tập không như kỳ vọng dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ. Tình trạng này sẽ càng tồi tệ hơn khi trẻ phải chịu sự chê bai, trách mắng, thậm chí là bạo lực từ gia đình. Chính điều này gây ra tổn thương khiến trẻ cảm thấy tự ti, thất vọng về chính bản thân.
- Bạo lực học đường: Trẻ thường xuyên bị bắt nạt, ức hiếp về thể chất lẫn tinh thần rơi vào trạng thái lo sợ, trầm tư, tự thu mình lại.
- Thiếu sự quan tâm từ gia đình: Trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình bất hòa, mọi người không quan tâm, chia sẻ với nhau,… khiến trẻ bị tổn thương, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
- Yếu tố di truyền: Trẻ có người thân bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường, không chỉ ở giai đoạn học đường mà trầm cảm có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.
- Các nguyên nhân khác: Đau thương thời thơ ấu, sang chấn tâm lý, giới tính thứ ba, lối sống không lành mạnh,… cũng là một trong số những nguyên nhân gây trầm cảm.
4. Những dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở học sinh
Cũng giống như trầm ở các lứa tuổi khác, trầm cảm ở học sinh có một số dấu hiệu như:
Về cảm xúc
- Cảm thấy chán nản, trống rỗng, tuyệt vọng.
- Mệt mỏi, kiệt sức, thiếu sức sống.
- Cảm thấy bản thân kém cỏi, bất tài, xấu xí.
- Cảm giác tội lỗi.
- Lo lắng quá nhiều, có nhiều suy nghĩ nhưng mơ hồ, không rõ ràng.
- Sợ bị bỏ rơi một mình.
- Sợ phải đi ra bên ngoài.
Về hành động
- Giảm hoặc mất hoàn toàn hứng thú mọi thứ xung quanh.
- Không muốn làm bất kỳ việc gì. Nếu có, sau khi làm xong bất kỳ việc gì cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi.
- Ăn uống quá mức hoặc không muốn ăn.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Không quan tâm, chăm sóc bản thân.
- Ngại gặp gỡ, tiếp xúc với người khác.
Về suy nghĩ
- Khó khăn để đưa ra quyết định, kể cả những việc đơn giản nhất.
- Giảm tập trung, chú ý khi học tập.
- Có ý định hoặc hành vi tự sát.
Triệu chứng khác
- Hồi hộp.
- Vã mồ hôi.
- Đau đầu.
5. Giải pháp giúp học sinh tránh bị trầm cảm
Để hạn chế tình trạng trầm cảm ở học sinh cần sự chung tay của chính bản thân trẻ kết hợp với sự quan tâm của gia đình và nhà trường để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Đối với bản thân học sinh
- Thường xuyên vận động, tập thể dục hàng ngày kích thích sản sinh endorphin và dopamin giúp tâm trạng trở lên thoải mái, hạn chế căng thẳng.
- Tích cực tham gia các hoạt động tập thể để có thêm các mối quan hệ mới và thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
- Thay đổi suy nghĩ, đơn giản hóa những vấn đề trong cuộc sống.
- Rèn luyện khả năng thích nghi và chịu đựng của bản thân.
- Làm những điều mình thích.
- Ăn uống đủ chất, không sử dụng rượu bia hay chất kích thích. Tăng cường các loại cá như cá ngừ, cá hồi,… chứa nhiều omega – 3 và thực phẩm giàu acid folic như bơ, cải bó xôi,… không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hạn chế các triệu chứng stress, trầm cảm.
- Phòng ngừa trầm cảm
Xem thêm
Đối với cha mẹ
- Trở thành bạn với trẻ bằng cách quan tâm, dành thời gian nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn. Nắm bắt những biểu hiện bất thường của trẻ càng sớm càng tốt.
- Không nổi giận, la mắng, đánh đập trẻ hay người khác trước mặt trẻ.
- Không đè nặng áp lực điểm số, thành tích lên vai trẻ.
Đối với trường học
- Tạo những sân chơi thoải mái giúp trẻ thư giãn và giao lưu để hạn chế những căng thẳng sau giờ học.
- Không để tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong hay ngoài trường học.
Trầm cảm ở học sinh là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Trầm cảm sẽ không tự mất đi, nếu không được can thiệp và cải thiện sớm có thể gây ra những tác động ngày càng tồi tệ hơn. Vì vậy, nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đưa đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và hỗ trợ kịp thời.
BS. Vũ Thị Anh Đào