Trầm cảm và những điều cần biết
Trầm cảm – một căn bệnh không quá mới, cũng không quá cũ. Tuy nhiên, căn bệnh nguy hiểm này lại chưa được nhận thức đúng đắn. Trong khi tỷ lệ trầm cảm trên thế giới đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa so với thế hệ trước.
Nội dung bài viêt
1. Trầm cảm là gì?
Trong cuộc sống, đau khổ, mất mát,… là điều không thể tránh khỏi trong những mối quan hệ của chúng ta với mọi người. Những cảm xúc này có thể khiến bạn buồn, mệt mỏi và kéo dài một vài ngày. Nhưng sau đó bạn có thể dần dần thấy tốt hơn và tiếp tục với những công việc thường ngày.
Tuy nhiên, khi nỗi buồn và sự đau khổ kéo dài quá lâu và lớn lên theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến công việc, học tập, mối quan hệ,… thậm chí là sinh hoạt thường ngày khiến bạn không thể tận hưởng cuộc sống thì những cảm xúc này sẽ được xem như thuộc về bệnh lý mang tên “Trầm cảm”.
Khác với nỗi buồn, trầm cảm là một trạng thái tâm thần bất thường, một rối loạn tâm lý ảnh hưởng hoàn toàn và lâu dài đến suy nghĩ, tình cảm, nhận thức, hành vi. Khi chúng ta trầm cảm, chúng ta buồn về tất cả mọi thứ. Căn bệnh này nguy hiểm ở chỗ, nhìn bên ngoài, một người với căn bệnh trầm cảm có thể dường như không có vấn đề gì với cuộc đời của họ, ngay cả họ cũng có thể nghĩ như vậy, nhưng họ vẫn cảm thấy tồi tệ không hiểu vì sao.
2. Điều gì dẫn đến trầm cảm?
Trầm cảm xuất phát từ sự phối hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau: di truyền, hóa học, sinh học, tâm lý, môi trường xã hội…
- Di truyền: Theo nghiên cứu, có đến 46% các cặp sinh đôi cùng trứng sẽ cùng mắc trầm cảm. Hay nếu bố mẹ trầm cảm thì sau khi sinh con cái có nguy cơ trầm cảm cao hơn bình thường.
- Stress kéo dài
- Sự kiện chấn động
- Ảnh hưởng bởi một số bệnh: Chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, sa sút trí tuệ, ung thư, đột quỵ, sa sút trí tuệ, tim mạch, tuyến giáp,…
- Rối loạn nội tiết tố: Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sẩy thai, sau sinh, tiền mãn kinh,…
- Thiếu ngủ: Nếu bạn không ngủ đủ giấc, não sẽ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, “làm mới” lại các tế bào. Một nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng, ở những người bị thiếu ngủ, não của họ sẽ hoạt động nhiều hơn sau khi thấy những hình ảnh đau buồn so với người bình thường.
- Tác dụng phụ của thuốc
3. Đối tượng nguy cơ
- Phụ nữ sau sinh: Rối loạn trầm cảm sau sinh khá phổ biến. Cứ 10 người phụ nữ sẽ có 1 người mắc rối loạn này trong vòng 1 năm sau sinh. Ngoài những triệu chứng thường gặp ở người trầm cảm bình thường, ở những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như cáu gắt, né tránh người khác, lo âu… thậm chí rất nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian gần đây vì mẹ trầm cảm gây hại cho con và bản thân. Thay vì cách li, gia đình nên trợ giúp người mẹ trong điều trị, ủng hộ tinh thần, san sẻ trách nhiệm.
- Giới tính: Theo thống kê, phụ nữ mắc hội chứng trầm cảm nhiều hơn nam giới.
- Di truyền: Người thân có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu, tự tử,…
- Tính cách: Lòng tự trọng thấp, lo âu, bi quan,…
4. Triệu chứng
Người mắc trầm cảm có ít nhất 5/9 triệu chứng dưới đây và xuất hiện mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần. Trong đó, có ít nhất một trong hai triệu chứng chính là khí sắc trầm uất hoặc mất hứng thú:
- Khí sắc trầm uất
- Mất hứng thú với gần như hoặc tất cả các hoạt động
- Sụt cân đáng kể khi không kiêng ăn hoặc tăng cân nhanh chóng, hoặc mất cảm giác thèm ăn
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều gần như mỗi ngày
- Chậm hoặc kích động tâm thần vận động
- Mệt mỏi hoặc mất hết năng lượng
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức
- Mất khả năng suy nghĩ, tập trung hay đưa ra quyết định
- Có ý tưởng hoặc hành vi tự hại, tự sát.
Trên đây chỉ là những triệu chứng để hiểu thêm về trầm cảm. Để có thể có được chẩn đoán chính xác về rối loạn này, các bạn cần tìm đến chuyên gia như bác sỹ tâm thần.
5. Điều trị
Dùng thuốc: Một số thuốc chống trầm cảm phổ biến như escitalopram, paroxetine, sertraline, fluoxetine và citalopram (SSRI). Cần hết sức lưu ý khi sử dụng vì nó có thể khiến bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và những bệnh nhân đang bị kích động) có ý nghĩ tự tử hoặc tự tử ngay trước khi thuốc có tác dụng.
Tâm lý trị liệu: Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong phương pháp này. Tuy nhiên, đặc điểm chung của chúng là giúp bạn thấu hiểu và vượt qua những khó khăn trong các mối quan hệ, tình huống khiến bạn bị trầm cảm hoặc giúp bện bớt trầm trọng hơn.
Liệu pháp sốc điện: Liệu pháp này thường dùng cho những bệnh nhân trầm cảm thể nặng, xuất hiện ảo giác và có nguy cơ tự tử cao. Tuy nhiên liệu pháp này có thể gây ra tác dụng phụ như lú lẫn hoặc mất trí nhớ, nhưng thường chỉ trong ngắn hạn.
6. Cách phòng tránh trầm cảm
Phương pháp điều trị trầm cảm vẫn còn hạn chế và phụ thuộc vào đặc điểm từng người bệnh. Do vậy, cần thiết hơn cả là phòng tránh nó trước khi xảy ra:
- Tập thể dục, thiền
- Yêu bản thân hơn
- Thường xuyên tiếp xúc thân mật với gia đình và bạn bè, thiên nhiên nhất là trong giai đoạn khủng hoảng của bệnh
- Điều trị ngay khi phát hiện dù là dấu hiệu nhỏ nhất
DS Thu Trang